Tỷ lệ người tham gia thấp
Bảo hiểm nông nghiệp là công cụ tài chính gắn liền với hoạt động kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ người nông dân trước rủi ro thiên tai, thời tiết cũng như rủi ro về biến động giá cả trên thị trường. Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), chính sách về bảo hiểm nông nghiệp tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất. Theo thống kê, hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã cướp đi của người nông dân khối tài sản ước tính 1,5% GDP. Vì vậy, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho rằng, nông dân cần một sự bảo đảm cho thành quả và công sức lao động của mình và bảo hiểm nông nghiệp chính là sự bảo đảm thiết thực nhất.
Bảo hiểm nông nghiệp ở nước ta được triển khai sớm, từ năm 1982, tại 2 huyện Nam Ninh và Vụ Bản của tỉnh Hà Nam Ninh (cũ). Đến năm 1998, đã mở rộng dịch vụ tới 26 tỉnh, nhận bảo hiểm cho 200.000 ha lúa. Tuy nhiên, bởi nhiều lý do khác nhau, tỷ lệ tham gia bảo hiểm đối với lĩnh vực này lại rất ít, việc triển khai thực vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thực sự phát huy hiệu quả; phí bảo hiểm nông nghiệp của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ.
Năm 2011, Chính phủ ban hành Quyết định 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013 tại nhiều địa phương. Theo đó, phí bảo hiểm được trợ cấp bởi chính phủ là 100% cho các hộ nghèo, 80% cho các hộ cận nghèo; 60% cho các hộ khác và 20% cho tổ chức sản xuất nông nghiệp. Theo đó, bảo hiểm nông nghiệp đã được tiến hành thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố với 135.916 hộ dân đã tham gia ký kết hợp đồng, trong đó 85% là số hộ nghèo; tổng giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản là trên 2.005 tỷ đồng; phí bảo hiểm gần 127 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường trên 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi kết thúc giai đoạn thí điểm có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, từ năm 2014, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp đã không có kết quả khả quan, các hộ nghèo, hộ cận nghèo không còn được hưởng chính sách thì đã không còn tham gia bảo hiểm. Trong khi đó, các rủi ro trong nông nghiệp do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh tiếp tục gia tăng, số người nông dân bị thiệt hại nhiều hơn và mức độ thiệt hại lớn hơn do phát triển quy mô sản xuất. Tỷ lệ bồi thường trong bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam thường khá cao, có thể lên đến 70-90% đối với những thiệt hại nặng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như lúa, thủy sản và chăn nuôi, có thời điểm (tính theo năm nghiệp vụ) tỷ lệ tổn thất trên 100% thậm chí trên 200%.
Cơn bão Yagi gậy thiệt hại nặng nề cho lĩnh vực nông nghiệp các tỉnh phía Bắc. Ảnh: PV
Tháng 9/2024, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão Yagi (bão số 3), tình trạng mưa lũ kéo dài ở nhiều địa phương tại miền Bắc gây thiệt hại lớn về sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra ước tính cho các lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp) là trên 30.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tổng thiệt hại về kinh tế. Thống kê đến 12h00 ngày 16/9/2024 có 200.721 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 50.642 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 61.072 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 26.485 con gia súc, 2.936.840 con gia cầm bị chết.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp còn gặp một số khó khăn như: nhận thức của người nông dân (đối tượng thụ hưởng chính sách) về quản lý rủi ro và về bảo hiểm còn rất hạn chế, chưa thấy được sự cần thiết và lợi ích của bảo hiểm mang lại. Thông thường, mỗi khi gặp sự cố thiên tai hay dịch bệnh, nông dân thường trông chờ các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác hơn là bảo hiểm. Đặc thù của sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam là nhỏ lẻ, manh mún, chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, mang tính thời vụ. Người dân chưa có các khoản tài chính dành cho chi phí dự phòng và quản lý rủi ro; thu nhập không ổn định nên người nông dân khó đáp ứng về tài chính cho nhu cầu bảo hiểm.
Các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp trên thị trường mới dừng ở thí điểm theo đối tượng và khu vực; sản phẩm bảo hiểm áp dụng chính sách hỗ trợ phí đối với lúa, trâu bò, tôm hiện nay còn chưa đa dạng, chưa hấp dẫn người nông dân. Rủi ro trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cao nên có ít doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào mảng này; bản thân doanh nghiệp bảo hiểm cũng ít có sản phẩm liên quan đến ngành nông nghiệp vì tính chất rủi ro cao, nguy cơ thua lỗ lớn do chi phí nhiều (chi phí quản lý, truyền thông, triển khai nghiệp vụ mới)… Thiếu sự liên kết giữa các tổ chức tín dụng, người dân và doanh nghiệp bảo hiểm.
Giải pháp để phát triển bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam
Trước thực trạng trên, xác định được vai trò quan trọng của bảo hiểm nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg về sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Chiều ngày 4/11/2024, giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi, bộ cũng thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58/2018/NĐ-Cp về bảo hiểm nông nghiệp. Bộ trưởng cho biết “Chưa bao giờ chúng tôi thấy bảo hiểm nông nghiệp cần thiết như sau bão Yagi. Sau cơn bão, chúng tôi phải cấu trúc toàn bộ hệ thống liên quan hạ tầng nông nghiệp để thích ứng bền vững”.
Lĩnh vực nông nghiệp dễ bị rủi ro, nhưng hiện nay người dân chưa quan tâm tới việc tham gia bảo hiểm cho lĩnh vực này. Ảnh: PV
Để gia tăng “lá chắn” của bảo hiểm nông nghiệp, ông Nguyễn Hữu Tự Trí, Giám đốc Công ty công nghệ bảo hiểm Igloo Việt Nam đề xuất, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân để đầu tư cho những sản phẩm bảo hiểm kỹ thuật số. Một mặt, các khoản trợ cấp của Chính phủ và các khung chính sách có thể khuyến khích áp dụng bảo hiểm; mặt khác, sự đổi mới của khu vực tư nhân có thể đem lại những giải pháp dễ dàng tiếp cận, tích hợp công nghệ. Về phía người nông dân, khi nhận thức được lợi ích lâu dài của hình thức bảo hiểm này sẽ tích cực tham gia để bảo vệ mùa màng và nguồn thu cho chính mình.
Cùng với đó, cần có thêm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm để tăng động lực tham gia chương trình bảo hiểm nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quy mô, mức độ tổn thất do thiên tai, dịch bệnh xảy ra làm cơ sở thống nhất cho việc xác định tổn thất và thiệt hại để bồi thường nhằm bảo đảm tính minh bạch trong quá trình xác định thiệt hại; cần quy định cơ quan có trách nhiệm giám sát việc thanh toán, chi trả bồi thường đối với người nông dân bị tổn thất, để việc nhận tiền được đúng hạn, kịp thời tái đầu tư, sản xuất.
Để khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp bảo hiểm, các chuyên gia cho rằng cần có sự tham gia, đồng lòng của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Người nông dân thường có thu nhập rất thấp nên các cơ quan chức năng cần nghiên cứu điều chỉnh tăng khung hỗ trợ phí bảo hiểm và các đối tượng được hưởng chính sách này. Đồng thời, cần có thêm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm để tăng động lực tham gia chương trình bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ.
Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, để có thể triển khai tốt sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian tới, cần có các chiến dịch tuyên truyền quảng cáo để nâng cao nhận thức cho nông dân về lợi ích của việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Ngoài ra, cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính phù hợp từ Nhà nước – phương án hỗ trợ phù hợp như hình thức Nhà nước và nông dân cùng làm như đề cập ở trên. “Nếu được như thế, tôi cho rằng ngành bảo hiểm nông nghiệp hứa hẹn sẽ có những bước tiến quan trọng và có thể mang lại những kết quả tốt đẹp trong tương lai” – ông Dũng cho biết.
Ông Quách Tá Khang, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Agribank (ABIC) kiến nghị các cơ quan chức năng và các đối tác liên quan có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ để nông dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm với chi phí hợp lý, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo hiểm trong việc bảo vệ tài sản và nguồn vốn sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có cơ chế đặc thù để phát triển bảo hiểm nông nghiệp tại khu vực nông thôn, nơi mà sự phân tán trong sản xuất là rất lớn.
Để thu hút người nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp nhiều hơn, theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của toàn bộ hệ thống chính trị là một trong số các yếu tố chủ quan mang tính quyết định; trong đó, các cấp chính quyền địa phương (đặc biệt là cấp cơ sở) đóng vai trò then chốt; các tổ chức chính trị-xã hội có vai trò quan trọng về hỗ trợ, tuyên truyền, động viên thực hiện trong tổ chức thực hiện, đảm bảo chính sách ổn định lâu dài, không bị ngắt quãng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nông dân (chủ thể chính và trọng tâm của chính sách) và đảm bảo cho các cấp chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp bảo hiểm thuận lợi tổ chức thực hiện.
Đồng thời, người tham gia bảo hiểm (nông dân), doanh nghiệp bảo hiểm, chính quyền địa phương và cơ quan liên quan, nhà nước, nhà tái bảo hiểm... cần có sự phối hợp chặt chẽ do đối tượng của bảo hiểm nông nghiệp đa dạng, phức tạp, giá trị nhỏ, phân bố trên địa bàn rộng; nuôi trồng, canh tác theo các chuẩn mực quốc tế còn hạn chế, khó khăn, dẫn đến các doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn trong bảo hiểm, xác định giá trị, xác định thiệt hại và khó đàm phán với các nhà tái bảo hiểm quốc tế. Người nông dân cần áp dụng, tuân thủ các kỹ thuật canh tác, nuôi trồng theo chuẩn mực trong nước, quốc tế mới thuyết phục được các nhà tái bảo hiểm quốc tế tham gia cùng các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhấn mạnh, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách do bảo hiểm nông nghiệp là sản phẩm mới, phức tạp được triển khai tại khu vực nông thôn, cho các người nông dân (khu vực và đối tượng yếu thế, hạn chế về tiếp cận thông tin)./.
Hoàng Văn