Đối với bất cứ quốc gia, dân tộc nào, việc chiêu mộ và trọng dụng hiền tài luôn được xem là quốc sách chiến lược. Danh thần nhà Lê-Thân Nhân Trung đã viết lại một chân lý: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Chính sách chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng người hiền tài là một truyền thống xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam
1. “Mùa đông, năm Bính Thân (1416) vua Thái Tổ cùng 18 vị tướng thân cận của nhà vua, liên danh hội thề nguyện sống chết có nhau”[1]. Hội thề Lũng Nhai đã trở thành sự kiện mở đầu cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh xâm lược, giành lại giang sơn Đại Việt.
Lam Sơn trở thành nơi tụ nghĩa của anh hùng hào kiệt bốn phương, của những người yêu nước từ khắp nơi tìm về. Có thể kể đến: Phạm Văn Xảo của đất kinh thành, Lưu Nhân Chú cùng với cha là Lưu Trung, em rể là Phạm Cuống từ miền núi Đại Từ (Thái Nguyên), Trần Nguyên Hãn ở Sơn Đông (Vĩnh Phúc), Nguyễn Xí từ vùng ven biển Thượng Xá (Nghệ An)… và đặc biệt có Nguyễn Trãi-người đã trở thành “mưu sĩ” của cuộc khởi nghĩa.
Vì sao vị hào trưởng-“phụ đạo Khả Lam” (đất Lam Sơn) Lê Lợi khi phất cờ khởi nghĩa lại thu hút, quy tụ được nhiều hào kiệt như vậy? Trong nhiều nhân tố phải kể đến tấm lòng mong mỏi, trọng đãi người tài của ông. Ngay từ khi còn “lẩn dấu ở núi rừng làm nghề cày cấy”, ông đã hậu đãi tân khách; chiêu nạp kẻ trốn, kẻ làm phản (nhà Minh); ngầm nuôi các kẻ mưu trí; bỏ của, phát thóc để giúp cho kẻ côi cút, nghèo nàn; hậu lễ, nhún lời, để thu (phục) bọn anh hùng hào kiệt; “đều được lòng vui vẻ của họ”[2].
Lê Lợi lúc nào cũng trông ngóng được người hiền tài giúp sức, “Mấy thủa đợi chờ, luống đằng đẵng cỗ xe hư-tả”[3] (Bình Ngô Đại cáo). Hàm ý cỗ xe bên trái vẫn để không có ý đợi người hiền. Và như chính Nguyễn Trãi viết trong Biểu Tạ ơn về cuộc hội ngộ của mình: “Phương quốc gia thảo muội chi sơ/Tế chân chúa long vân chi hội”. Người tài gặp được minh chủ chẳng khác nào như cá gặp nước, thỏa chí “kinh bang tế thế”.
Chính tấm lòng biệt đãi hiền tài “hậu đãi tân khách” (bia Vĩnh Lăng), “tướng sĩ một lòng phụ tử/hòa nước sông chén rượu ngọn ngào”, đã giúp Lê Lợi quy tụ được dưới trướng những anh hùng, hào kiệt, là Lê Lai hy sinh thân mình cứu chủ, là Nguyễn Trãi “trong thì giúp việc trù hoạch mưu lược ở nơi màn trướng, ngoài thì thảo văn từ chiêu dụ các thành…” và nhiều danh tướng khác đã làm nên chiến thắng của cuộc khởi nghĩa vĩ đại: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân mà thay cường bạo”.
Khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), vùng đất nơi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược (Ảnh: vinwonders.com)
Không chỉ khi dấy nghĩa cần quy tụ anh hùng hào kiệt, lúc độc lập lại càng cần người tài “phò vua giúp nước”, ngay khi mới lên ngôi, Lê Lợi – nay đã là Lê Thái Tổ đã cho mở lại trường Quốc Tử giám để cho con cháu các quan và người thường dân tuấn tú vào học và đặt các nhà học ở các phủ, lộ. Ông lại hạ lệnh cho các đại thần văn võ, công hầu đại phu từ tam phẩm trở lên phải tiến cử hiền tài để giúp nước.
Sự khao khát nhân tài của bậc anh quân thể hiện rất rõ qua bản Chiếu Cầu hiền năm 1429: “Trẫm nghĩ, muốn thịnh trị phải được người hiền tài, muốn được người hiền tài phải do tiến cử. Cho nên người đứng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên. […] Nhân tài ở đời cố nhiên không ít, đường lối tìm người cũng không chỉ có một phương. Nếu ai ôm ấp tài lược kinh bang tế thế nhưng vẫn phải chịu khuất lấp ở hàng quan thấp, không có người tiến cử hay những người hào kiệt còn bị vùi dập ở bụi bờ, lẫn lộn trong quân ngũ, nếu không tự đề bạt thì Trẫm sao biết được? Từ nay về sau, các bậc quân tử, có ai muốn theo ta, đều cho tự tiến cử. Chiếu này ban ra, các quan hãy đem hết lòng thành, lo việc tiến cử. Còn như kẻ sĩ hàn vi ở chốn hương thôn, cũng đừng cho việc đem ngọc bán rao mà hổ thẹn, chớ để Trẫm phải thở than vì thiếu nhân tài"[4].
Chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, trọng dụng người hiền tài khởi đi từ Lê Lợi đã trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần kiến tạo nên một triều đại Hậu Lê kéo dài bậc nhất trong lịch sử dân tộc, một nước Đại Việt phát triển lên tới đỉnh cao của thời kỳ phong kiến.
2. Tây Sơn-triều đại ngắn ngủi trong dòng chảy lịch sử Việt Nam nhưng chói sáng như một ánh chớp với những chiến công hiển hách. “Dựa vào lòng yêu nước của nhân dân, anh em Tây Sơn đã giương cao ngọn cờ dân tộc, tập hợp được lực lượng đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân yêu nước, phá tan âm mưu xâm lược của quân Xiêm và quân Thanh. Nguyễn Huệ, người lãnh đạo hai cuộc chiến tranh yêu nước ấy, đã đưa phong trào phát triển đến đỉnh cao nhất và giành được những thắng lợi oanh liệt nhất”[5].
Trong sự nghiệp lớn lao ấy, dưới trướng người anh hùng Nguyễn Huệ là những kẻ sĩ: Ngô Thời Nhiệm, Trần Văn Kỷ, Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Lượng… và hàng loạt tướng tài: Ngô Văn Sở, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Văn Tuyết, Phan Văn Lâm, Đô đốc Bảo, Đô đốc Mưu, Đô đốc Lộc[6]… Đặc biệt, một nhân vật cho thấy rõ nét nhất, chủ trương và tấm lòng “chiêu hiền”, “nể, trọng người hiền tài” của Nguyễn Huệ chính là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.
Bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) cho thấy truyền thống tôn trọng đạo học và đề cao nhân tài của Việt Nam (Ảnh: http://disanso.vn)
Chính Bình vương Nguyễn Huệ đã ba lần sai quan cấp Thượng thư, Thị lang mang thư và lễ vật trọng hậu đến tận trại núi trình lên La Sơn phu tử (Nguyễn Huệ trân trọng gọi cư sĩ Nguyễn Thiếp tên hiệu này). Lời thư rất khiêm nhường, tôn La Sơn phu tử lên bậc Y Doãn, Chu Công, trước còn nói mời phu tử ra giúp cho mình, sau chỉ nói mời phu tử ra “giúp cho sinh dân thiên hạ”. Trước còn ghi niên hiện Thái Đức, sau đề niên hiệu Cảnh Hưng, tỏ ý mình vẫn là thần tử của nhà Lê.
Thậm chí sau hai lần bị từ chối, lá thư lần thứ ba có đoạn: “Kẻ danh thế thỉnh thoảng ra đời. Quả đức (tự xưng của Nguyễn Huệ) hằng nghĩ và mơ tưởng đến. Trong mười lăm năm đến bây giờ, chưa hề phút nào dám quên. Không ngờ nay, trông lên thành Lục Niên (nơi Nguyễn Thiếp ở ẩn – NV) có người tài đang ở đó. Ấy là trời để dành phu tử cho quả đức. Tuy phu tử không thèm tới, nhưng lòng dân đen trông ngóng, phu tử nỡ ngơ lảng được sao”[7]. Và có lẽ, cũng giống như Gia Cát Lượng – dù có thể đã đoán trước được thời thế ngắn ngủi của nhà Tây Sơn nhưng La Sơn phu tử về sau chịu ra giúp nhà Tây Sơn, trong nhiều lý do chắc hẳn cũng có phần vì “cảm” tấm lòng “chiêu hiền đãi sĩ” của Nguyễn Huệ.
Ý thức, hiểu rõ vai trò của người hiền tài đối với quốc gia xã tắc nên ngay khi lên ngôi, Nguyễn Huệ đã ban bố rộng rãi “Chiếu lập học” và “Chiếu cầu hiền tài”[8]. “Kiến quốc dĩ giáo học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi cấp” (Muốn kiến quốc phải coi dạy học làm đầu, muốn đất nước được trị bình phải tuyển chọn nhân tài làm gốc) – lời trong “Chiếu lập học” cho đến nay vẫn là chân giá trị cho mọi quốc gia.
3. Thời hiện đại, Hồ Chí Minh là một minh chứng sống động trong việc thu hút, trọng dụng, sử dụng nhân tài. Ở thời điểm khó khăn, khi cái tên Hồ Chí Minh với nhiều người còn xa lạ thì nội các của ông đã tụ hợp được những tinh hoa: “Bộ Nội vụ: Một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết: cụ Huỳnh Thúc Kháng. [...] Bộ Tài chính: Một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm, mà cũng nhiều năm ở trong tù tội của đế quốc: ông Lê Văn Hiến. Bộ Quốc phòng: Một thanh niên trí thức và hoạt động, quốc dân ta đã từng nghe tiếng: ông Phan Anh. […] Bộ Giáo dục: Một người đã lâu năm hoạt động trong công việc giáo dục quốc dân và là người mà quốc dân có thể tin rằng nếu đem việc giáo dục giao cho để gánh vác thì người ấy sẽ làm hết nhiệm vụ: ông Đặng Thai Mai. Bộ Tư pháp: Cũng là một trong đám người trí thức và đã hoạt động rất nhiều trong công cuộc cách mạng: ông Vũ Đình Hòe”. Đó là một phần danh sách nội các của Chính phủ kháng chiến mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/3/1946)[9].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, bên phải) tham gia Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 1946 (Ảnh tư liệu)
Trong số những vị nhân sĩ, trí thức tham gia vào Chính phủ kháng chiến ở giai đoạn lịch sử đặc biệt “ngàn cân treo sợi tóc” nói trên, cái tên Huỳnh Thúc Kháng là một trường hợp đặc biệt. Khi đó cụ Huỳnh đã 70 tuổi, và đã là một chí sĩ yêu nước nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc. Còn Hồ Chí Minh khi đó mới 55 tuổi, chưa phải ai cũng biết tiếng. Năm 1908, Huỳnh Thúc Kháng bị bắt rồi bị đày ở Côn Đảo. Năm 1927, Huỳnh Thúc Kháng sáng lập tờ báo Tiếng Dân…
Cảm phục và mong muốn cụ Huỳnh cùng giúp sức, gánh vác công việc của chính quyền non trẻ, Hồ Chí Minh đã gửi hai bức điện mời cụ ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Phải đến lần thứ hai, cụ Huỳnh mới đồng ý ra Hà Nội gặp cụ Hồ trao đổi. “Trên con đường tranh đấu giành độc lập, cụ đã đi được 99 dặm, chỉ còn 1 dặm nữa. Xin cụ đừng thoái thác, cụ vui lòng giúp tôi”-Đó là những lời phân tích chí tính, chí nghĩa của Hồ Chí Minh. Và anh hùng tương ngộ. “Nếu Cụ thấy ba chữ Huỳnh Thúc Kháng còn có chỗ dùng với Tổ quốc, đối với quốc dân đồng bào, thôi thì xin hiến cho Cụ dùng”-lời cụ Huỳnh đáp lại và người chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đã có những đóng góp to lớn, quan trọng cho đất nước.
“Cầu” hiền tài, mong muốn người tài giúp nước có thể coi là một trong những tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chí Minh. Trong bài “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu quốc, số 91 ngày 14/11/1945, Hồ Chí Minh khẳng định: “kiến thiết cần có nhân tài”. Hay yêu cầu trong 1 tháng các địa phương phải báo cáo về người tài đức trong bài “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc số 411 ngày 20/11/1946: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyến điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đồi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”[10].
Rất tin cậy và trọng dụng các nhân tài, trong chuyến đi sang Pháp trở về, Hồ Chí Minh đã đưa về nước 4 trí thức nổi tiếng là Phạm Quang Lễ, Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân, Võ Đình Quỳnh. Trước tài năng và nhân cách Hồ Chí Minh, các trí thức trẻ đã tự nguyện từ bỏ địa vị, bổng lộc, cơ hội thăng tiến và hạnh phúc cá nhân ở chốn phồn hoa, “kinh đô ánh sáng” để theo Người về nước, chấp nhận mọi gian khổ. Nhà Nông học Lương Định Của, bác sỹ Hồ Đắc Di cũng từ Nhật trở về để tham gia kháng chiến…Việc trọng dụng nhân tài của Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, tạo nên sức mạnh con người – sức mạnh trí tuệ, lướt thắng mọi khó khăn, làm nên những thành tựu vĩ đại của dân tộc.
4. Trọng dụng hiền tài, xây dựng cơ chế, thể chế để người hiền tài có môi trường đem tài năng, học vấn của mình ra giúp ích cho đất nước, xã hội là một chính sách quan trọng, góp phần vào sự phát triển lớn mạnh của mỗi quốc gia. “Vì thế các bậc Đế vương Thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp” – lời bài văn khắc trên bia đá của khoa thi Nho học thời Lê năm 1442 cách đây hơn 500 năm vẫn là lời nhắc nhở sống động cho hậu thế hôm nay.
G.H
[1] Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Nhân vật chí, Lê Lai.
[2] Nguyễn Trãi: Lam Sơn Thực lục.
[3] Bình Ngô Đại cáo, bản dịch của Bùi Kỷ.
[4] Việt sử thực lục, quyển 10, Lê triều Thái tổ
[5] Phan Huy Lê: Lịch sử và văn hóa Việt Nam tiếp cận bộ phận, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018, tr. 461.
[6] Đặc khảo về Quang Trung – Nguyễn Huê, Tập san Sử địa – Tạp chí Xưa & Nay, tr. 440.
[7] Hoàng Xuân Hãn: La Sơn phu tử, Minh Tân xuất bản, tr.144.
[8] Ngô Thì Nhậm: Toàn tập, Nxb. Văn học, Hà Nội, t.2, tr. 620.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 221.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t 4, tr.504.