Tuy nhiên đến nay, Việt Nam mới chủ yếu khai thác lao động giản đơn, chất lượng công việc nằm trong chuỗi giá trị thấp. Nước ta còn thiếu nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng…, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu xã hội, năng suất lao động thấp và còn khoảng cách khá xa so các nước trong khu vực. Nút thắt nằm ở chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, việc bố trí, đào tạo lao động chưa phù hợp.
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố cuối năm 2022 cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường làm trái ngành là hơn 24%, trong đó, nhiều ngành có đến hơn 60% số cử nhân phải làm trái ngành. Trước đó, theo ước tính của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mỗi năm, cả nước có 38% số sinh viên mới ra trường không có định hướng nghề nghiệp cụ thể, nhiều sinh viên ra trường phải được đào tạo lại.
Với nguồn nhân lực ở các cơ quan nhà nước, phương thức quản lý hiện tại thiên về giờ giấc hành chính, cơ chế quản lý lỏng lẻo tạo kẽ hở cho một bộ phận cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp về” không đáp ứng yêu cầu công việc. Tại không ít đơn vị, không khó để nhìn ra vẫn còn tình trạng bố trí chưa đúng người, đúng việc, nhân sự được xếp ngồi “nhầm ghế”, không đủ năng lực và trình độ cần thiết.
Những nhân sự không phù hợp, nhất là nhân sự làm lãnh đạo có trình độ, năng lực yếu kém dẫn đến việc đưa ra những quyết định sai gây tổn hại khôn lường đối với cơ quan, đơn vị đó nói riêng, xã hội nói chung. Chưa kể có hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; lại cũng có nhân sự có trình độ, năng lực nhưng chỉ giữ chỗ ngồi ở cơ quan, còn thời gian và công sức dành cho nơi khác…
Trong bài viết “Chống lãng phí” đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nội dung cả hệ thống chính trị cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực… Trong các nguồn lực đó, nguồn lực con người là vô cùng quan trọng. Song việc đào tạo, sử dụng không hiệu quả khiến thời cơ phát triển bị bỏ lỡ. Từ đó, có thể thấy, lãng phí không đơn thuần chỉ là tiền bạc, tài sản, hay thời gian bị mất đi mà việc đào tạo, bố trí, phân bổ, sử dụng, đánh giá… không đúng con người cũng là lãng phí.
Một trong ba khâu đột phá mà Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 xác định chính là nguồn nhân lực. Để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, cần đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, có chính sách thu hút, trọng dụng chuyên gia trong nước và nước ngoài; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức, người lao động có phẩm chất tốt, chuyên nghiệp, tận tụy; đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, sàng lọc, đưa những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ra khỏi vị trí công tác; xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm…
Cùng với đó, cả hệ thống cũng cần thay đổi phương thức quản trị, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, xây dựng công cụ, tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc mang tính định lượng, giảm bớt các công cụ, tiêu chí đánh giá mang định tính… Khi các giải pháp được áp dụng đồng bộ, việc giảm lãng phí nguồn nhân lực mới có thể đạt kết quả.
Nhân dân