Do đó, đề xuất dành hơn 250.000 tỷ đồng để phát triển văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 được nhận định là cần thiết và kịp thời.
Những năm qua, dù văn hóa luôn được coi trọng và đã có những thành tựu đáng ghi nhận, song thực tế thành tựu đó chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, chưa đủ để tác động hiệu quả trong xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Sở dĩ xây dựng, phát triển văn hóa chưa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội là do nhiều nguyên nhân, trong đó có đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải. Thực tế cho thấy, chưa một tỉnh nào đạt mức đầu tư 1,8% tổng chi ngân sách địa phương cho văn hóa theo Kết luận số 30-KL/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa IX.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã trình của Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, trong đó đề xuất dành hơn 250.000 tỷ đồng để phát triển văn hóa. Đây được coi là nguồn lực quan trọng cho phát triển văn hóa. Mục tiêu tổng quát của chương trình là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của Nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư.
Có thể nói, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đặt văn hóa vào vị trí trung tâm của phát triển đất nước. Việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa tuy nhiên tổng mức đầu tư của chương trình là rất lớn. Nhiều người đã tỏ ra băn khoăn về tính hiệu quả và khả thi của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Ấy là băn khoăn về việc tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, tránh việc tạo ra những công trình nghìn tỷ nhưng thực chất không hiệu quả.
Bởi vậy, cần tập trung vào các dự án có tính khả thi và bền vững. Thay vì đầu tư vào các công trình lớn mà không có kế hoạch khai thác rõ ràng, các cơ quan quản lý nên ưu tiên phát triển những dự án nhỏ hơn, dễ quản lý và có thể tạo ra nguồn thu ngay từ đầu. Việc này không chỉ giúp giảm rủi ro lãng phí mà còn bảo đảm rằng những dự án này có thể được duy trì và phát triển lâu dài.
Bên cạnh đó, để tránh việc đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, cần khảo sát và nghiên cứu thị trường để đánh giá nhu cầu thực tế của cộng đồng trước khi quyết định đầu tư. Sự tham gia của cộng đồng trong việc xác định các nhu cầu và ưu tiên sẽ giúp tạo ra các công trình văn hóa thực sự phục vụ cho lợi ích của người dân. Việc này cũng giúp tăng cường tính khả thi và hiệu quả của các dự án được triển khai.
Theo Kinh tế và Đô thị