Cùng với các hoạt động ngoại giao trên đây, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự tăng cường tìm kiếm bạn đồng minh và tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế.
Với Liên hợp quốc, trong các bức thư gửi Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (1/1946); lời kêu gọi Liên hợp quốc (12/1946) và các công hàm chính thức gửi đại diện các nước là ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Liên hợp quốc can thiệp để giải quyết vấn đề Việt Nam trên tinh thần Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời Người đề nghị các nước ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.
Với Liên Xô, Việt Nam dùng nhiều hình thức liên lạc để yêu cầu chính phủ Liên Xô công nhận và giúp đỡ Việt Nam. Trong nhiều công hàm chính thức gửi tới Chính phủ, Bộ Ngoại giao Liên Xô tại Liên hợp quốc, Hồ Chí Minh đã lên án hành động xâm lược của thực dân Pháp và đề nghị chính phủ Liên Xô đưa vấn đề Việt Nam ra bàn ở Hội đồng Bảo an.
Với Hoa Kỳ, mặc dù Việt Nam không đặt hi vọng vào sự giúp đỡ của họ để thoát khỏi chế độ thực dân, nhưng xuất phát từ chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, ta tìm cách lợi dụng mâu thuẫn giữa Mỹ với Pháp, tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ để hạn chế hành động xâm lược của thực dân Pháp đối với Việt Nam. Từ tháng 9/1945 đến tháng 2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần gửi thông điệp, thư, điện và công hàm cho Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ, giới thiệu các bước phát triển mới trong tình hình của Việt Nam, tố cáo Pháp trở lại xâm lược Việt Nam và vi phạm các nguyên tắc nêu trong Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Liên hợp quốc, đề nghị Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Pháp năm 1946 (Ảnh tư liệu)
Chính phủ Việt Nam cũng thường xuyên giữ quan hệ với các đại diện Mỹ có mặt ở Việt Nam, như Phái bộ Mỹ tại Đông Dương, văn phòng của Cơ quan Tình báo chiến lược. Mục đích của ta là nhằm tranh thủ những người Mỹ có mặt ở Hà Nội để hỗ trợ việc kiềm chế tướng lĩnh Trung Hoa dân quốc và thế lực của Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có những cuộc tiếp xúc với quan chức ngoại giao của Mỹ. Tháng 9/1946, khi ở Pháp, chủ tịch đến thăm Đại sứ quán Mỹ ở Paris, gặp Đại sứ Mỹ và sau đó tiếp cán bộ Đại sứ Mỹ đến chào Người. Các hoạt động của những người đứng đầu Việt Nam đã có tác động nhất định tới thái độ của Mỹ trong vấn đề Đông Dương. Tài liệu của Lầu Năm góc đã nhận xét về vấn đề này: Trong khi không có hành động gì đáp ứng yêu cầu mà Hồ Chí Minh nêu lên, Mỹ cũng không sẵn sàng giúp đỡ Pháp. Như vậy, chính sách ngoại giao của ta lúc này là ngoại giao nhân dân, chủ động lập hội Việt - Mỹ thân hữu nhằm tranh thủ Mỹ trung lập, tạo điều kiện để hòa hoãn, kiềm chế lực lượng của Trung Hoa dân quốc cũng như Pháp ở Việt Nam.
Với các nước Đông Dương, ngày 30/10/1945, Hiệp định Liên minh quân sự của Itxala và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng kí kết với Hiệp định liên quân Lào - Việt được kí kết và bắt đầu được thực hiện.
Với các nước trong khu vực, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ đã cử đại diện sang Băng Kốc (Thái Lan) để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân nước này. Đặc phái viên của chính phủ Việt Nam đã có những cuộc tiếp xúc với đại diện ngoại giao các nước Ấn Độ, Indonesia, tạo cơ sở cho quan hệ Việt Nam với các nước.
Như vậy, thực tế đã chứng minh rằng, thời kỳ 1945-1946 đã mãi mãi đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc như những năm tháng không thể nào quên. Nền ngoại giao Việt Nam non trẻ do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện đã góp phần xuất sắc bảo vệ chủ quyền và nền độc lập non trẻ trong khi thế lực của ta còn yếu, đồng thời tạo điều kiện tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng, tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi nhất để phát triển đất nước; nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế. Tựu chung lại, chính sách đối ngoại của Việt Nam thời kỳ này là ngoại giao đa phương, linh hoạt dựa trên nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nhân nhượng có nguyên tắc và lợi dụng, tranh thủ mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù.
Giai đoạn 1947-1949
Đối với thực dân Pháp: Mặc dù chiến tranh đã nổ ra nhưng với quan điểm nhân đạo và hòa bình, Đảng và Hồ Chí Minh chủ trương không bỏ lỡ cơ hội chấm dứt chiến tranh bằng giải pháp thương lượng trên cơ sở Pháp phải tôn trọng nền độc lập và thống nhất của nước Việt Nam.
Chủ trương vãn hồi hòa bình của Đảng được thực hiện thông qua vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những biện pháp cụ thể: Gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, tiếp xúc trực tiếp với đại diện Chính phủ Pháp. Từ ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12/1946) đến đầu tháng 3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, nêu rõ nguyên nhân xung đột, đề nghị ngừng bắn và nối lại các cuộc đàm phán để lập lại hòa bình.
Đối với Lào và Camphuchia: Chính sách đối ngoại của ta nhằm tăng cường khối liên minh chiến đấu Việt - Miên - Lào; Phải giúp đỡ các dân tộc Đông Dương về vật chất cũng như về tinh thần để đè bẹp thực dân phản động Pháp. Đầu năm 1948, Trung ương Đảng phân công đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ đạo công tác giúp cách mạng Lào và Campuchia. Tháng 3/1948, Ban Ngoại vụ được thành lập, chuyên lo việc quan hệ và giúp đỡ các lực lượng của nước bạn. Tháng 12/1949, Trung ương Đảng triệu tập hội nghị cán bộ về công tác đoàn kết gúp đỡ phong trào kháng chiến Lào và Campuchia.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Liên Xô năm 1952 (Ảnh tư liệu)
Đối với các nước khác trên thế giới: Ngoại giao thời kỳ này bắt đầu thiết lập được các mối liên hệ trực tiếp với một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Tháng 3/1947, ta cử đoàn đại biểu đi dự Hội nghị Liên Á họp ở New Deli. Tháng 4/1947, Chính phủ ta đặt cơ quan đại diện ở Băng Kốc và được hưởng đặc quyền như một cơ quan ngoại giao. Đầu năm 1948, Chính phủ Việt Nam cử một đoàn cán bộ ngoại giao sang Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Tiệp Khắc để tuyên truyền về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược.
Đối với Trung Quốc: Đầu năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương tiếp phái viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc sang Việt Bắc. Tháng 8/1948, Hội nghị cán bộ lần thứ 5 đã khẳng định lực lượng dân chủ Trung Hoa là bạn đồng minh của ta. Tháng 12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Đối với Mỹ: Tháng 9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Hội nghị Ái hữu Việt – Mỹ. Trong đó Người khẳng định chúng ta không bao giờ quên sự hợp tác nhân ái của các bạn Mỹ hồi chúng ta tiến hành chiến tranh du kích chống Nhật và chúng ta mong rằng sự hợp tác đó được tiếp tục và cuộc đấu tranh chống thực dân phản động Pháp giành thống nhất và độc lập.
Giai đoạn 1950-1954
Thứ nhất, liên lạc với các Đáng cộng sản, đoàn kết và tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân.
Trong điều kiện lịch sử mới, Đảng chủ trương thiết lập quan hệ ngoại giao về mặt nhà nước và xây dựng liên minh với các nước xã hội chủ nghĩa. Chính sách ngoại giao của Đảng từ 1950 hướng mạnh về Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân.
Ngày 2/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc, hội đàm với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày 15/1/1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ngày 18/1/1950, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 30/1/1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Liên Xô công nhận. Tiếp đến các nước Đông Âu và Triều Tiên lần lượt tuyên bố công nhận. Để thắt chặt tình hữu nghị Việt - Xô và Việt - Trung các Hội hữu nghị Việt - Xô và Việt - Trung đã được thành lập.
Tháng 4/1951, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lập cơ quan sứ quán và cứ đại sứ sang Bắc Kinh và tiếp nhận đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Trung Quốc đã cử chuyên gia, cố vấn quân sự, chính trị sang giúp Việt Nam, nhận đào tạo cán bộ cho Việt Nam.
Ngày 3/2/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Liên Xô. Tháng 5/1952, sứ quán Việt Nam đi vào hoạt động. Liên Xô coi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam.
Tháng 10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Moscow tham dự Đại hội IX Đảng Cộng sản Liên Xô, bày tỏ tình đoàn kết với Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô. Tại đây, Người đã tiếp xúc với đại biểu các Đảng Cộng sản anh em, tạo ra bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau giữa Đảng và nhân dân ta với các Đảng cộng sản và công nhân quốc tế.
Thứ hai, đoàn kết giúp đỡ các dân tộc Lào và Campuchia.
Ngày 11/3/1951, Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương họp tại Việt Bắc tuyên bố thành lập Khối Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia. Trước khi Hiệp định Geneva được ký kết, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ VI (từ ngày 15 đến ngày 17/7/1954) đã khẳng định: Lào và Cao Miên là hai nước láng giềng anh em của ta. Chính sách của ta đối với nhân dân Lào và Cao Miên là đoàn kết giúp đỡ.
Thứ ba, tích cực ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, phong trào vì hòa bình thế giới.
Việt Nam đã cử nhiều phái đoàn tham dự các hội nghị quốc tế, lên tiếng ủng hộ phong trào vì hòa bình thế giới. Tại Hội nghị Hội đồng hòa bình thế giới ở Viên (11/1953), phái đoàn Việt Nam tuyên bố hoan nghênh chủ trương mặt trận dân chủ hòa bình thế giới, giải quyết mọi xung đột quốc tế bằng phương pháp hòa bình và giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam.
Thứ tư, hoạt động dấu tranh ngoại giao đi đến kí kết hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Trong chính sách ngoại giao Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thể hiện thiện chí: Hòa bình và kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền dân tộc. Ngày 26/11/1953, trả lời phỏng vấn nhà báo Thụy Điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: "Nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo đường lối hòa bình thì nhân dân và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó. Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam"[1]. Lời tuyên bố ấy đã tác động sâu sắc đến dư luận Pháp. Họ đòi phải đàm phán ngay với Chính phủ Hồ Chí Minh.
Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp phải chấp nhận sự có mặt của đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Geneva về Đông Dương. Ngày 4/5/1954, theo lời mời của chính phủ Liên Xô và Trung Quốc, phái đoàn chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn tới Geneva.
Hiệp định Geneva được kí kết bao gồm những văn kiện pháp lý quốc tế công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam như: Độc lập, thống nhất, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Với Hiệp định Geneva năm 1954, tuy ta chưa hoàn thành mục tiêu giải phóng cả nước, nhưng đã đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng: Đánh bại đế quốc Pháp, giải phóng miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững mạnh, chuẩn bị điều kiện để tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này.
Mặc dù, “Chưa có nhiều kinh nghiệm trong vận dụng tư tưởng độc lập tự chủ trên mặt trận đối ngoại song phương cũng như đa phương nhất là trong thời điểm các nước lớn đang diễn ra rất phức tạp... Cuộc vận động quốc tế có nhiều lúc thiên về châu Âu hơn châu Á... Nhận thức của ta về chiến lược của các nước lớn có lúc còn chưa sâu, hiểu biết về ngoại giao đa phương còn hạn hẹp”[2] nhưng trong thế chủ động tiến công chiến lược của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngoại giao Việt Nam đã từng bước tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với cách mạng Việt Nam, tích cực góp phần vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh có thể tranh thủ được từ bên ngoài, nhằm mục tiêu lớn nhất là góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày nay, mặt trận ngoại giao đang được hưởng các điều kiện bên trong và bên ngoài rất thuận lợi. Đó là cơ sở để chúng ta có niềm tin rằng ngoại giao tiếp tục phát huy vai trò và sứ mệnh là một trong những mặt trận hàng đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
VTD