Thực tế cho thấy, ở mặt tích cực, nhiều lớp dạy thêm, học thêm đã giúp nâng cao năng lực cho nhiều học sinh, tăng thu nhập cho giáo viên. Nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước tiên tiến như Hàn Quốc, Singapore cũng vẫn cho phép dạy thêm, học thêm.
Thế nhưng ở chiều ngược lại, lạm dụng dạy thêm, học thêm lại khiến dư luận bức xúc, hình ảnh thầy cô bị méo mó trong mắt học sinh, phụ huynh. Các phân tích khoa học cho rằng, lý do để tồn tại dạy thêm, học thêm là nền giáo dục nặng về lý thuyết, áp lực kiểm tra, thi cử và tâm lý bằng cấp; giáo dục chưa dựa trên nền tảng tự học, học thật, thi thật; gây nên tình trạng thừa thầy, thiếu thợ; làm gia tăng tình trạng phân hóa giàu nghèo, bất công xã hội...
Có thể khẳng định, về lâu dài, dạy thêm, học thêm không có lợi cho hệ thống giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.
Mới đây, trong công văn gửi các trường học trên địa bàn quản lý, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (TP Hà Nội) yêu cầu hiệu trưởng các trường học trên địa bàn phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm trái pháp luật. Nhà trường có cán bộ, giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì không xét danh hiệu thi đua trong năm học. Trước đó, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... cũng có những văn bản tương tự để việc dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục tại cơ sở giáo dục công lập phát huy hiệu quả thực chất, được sự đồng thuận cao của học sinh, phụ huynh.
Những quy định này cho thấy ngành giáo dục đã dần mạnh tay hơn với hoạt động dạy thêm, học thêm, không chỉ còn trông chờ vào cái tâm, đạo đức của người thầy. Thế nhưng bên cạnh các quy định mạnh tay, việc minh bạch hóa dạy thêm, học thêm để không gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy chính khóa mới là "chìa khóa" biến dạy thêm, học thêm thành hoạt động có ích.
Nguồn QĐND