Ông dẫn chứng, đơn cử như nhiệm vụ thiết kế, các nhà đầu tư ở Dubai chỉ cần tuân thủ hai quy định là không tòa nhà nào giống nhau và khoảng cách từ tòa nhà này đến tòa nhà kia không phải là một đường thẳng. Ngoài ra, các quy định về kết cấu, phòng cháy chữa cháy đều rõ ràng, minh bạch, “cứ thế mà làm”.
Sau khi thiết kế được mô hình thành phố Dubai, Quốc vương đến duyệt toàn bộ thiết kế chỉ mất 2 tiếng đồng hồ. “Trong khi đó, mỗi khách sạn 5 sao ở Việt Nam phải mất ba năm thủ tục. Nếu Dubai được xây dựng với một “rừng” quy định ở ta thì phải mất… 1.500 năm”, ông nói.
Nghe báo chí tường thuật lại lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ở Quốc hội hôm vừa rồi, tôi lại nhớ chuyện ông kể về nhiều bài học ở quốc gia này qua cuốn sách ‘Tầm Nhìn Thay Đổi Quốc Gia’ (My Vision) của tác giả là Quốc vương Dubai - Mohammed bin Rashid Al Maktoum mà bộ trưởng rất thích đọc và trích dẫn.
Những lời sau đây của tác giả trong cuốn sách thật đáng suy nghĩ: “Người lãnh đạo tốt là người luôn đặt lợi ích của cộng đồng nói chung lên trước lợi ích của bất kỳ phe nhóm nào. Lòng tin đối với nhà lãnh đạo chỉ có thể được thiết lập thông qua hành động chứ không phải bằng lời nói. Tôi đang nhắc đến loại hành động để phân biệt nhà lãnh đạo coi người dân là tài sản quý giá nhất của quốc gia, chứ không phải nhà lãnh đạo coi nhân dân là gánh nặng. Có sự khác biệt vô cùng lớn giữa sự lãnh đạo lấy tình yêu thương, sự tôn trọng làm gốc và sự lãnh đạo dựa trên nỗi sợ hãi”.
Cách tiếp cận này giải thích, vì sao Dubai, Tiểu vương quốc nhỏ bé với dân số khoảng 2 triệu người trên diện tích 4.000 km2, đã trở thành một thành phố toàn cầu và cách họ giàu lên với 95% thu nhập đến từ du lịch và bất động sản, 5% còn lại mới từ dầu mỏ.
Tôi rất ấn tượng với những câu kinh điển mà tác giả viết trong cuốn sách: “Ở châu Phi, mỗi ngày mới, linh dương thức dậy và hiểu rằng hoặc là nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất, hoặc là nó sẽ bị ăn thịt. Cùng lúc đó, con sư tử tỉnh giấc, duỗi thân mình và biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương nhanh nhất, hoặc là nó sẽ chết đói. Điều này không khác với cuộc đua tranh của con người. Cho dù bạn nghĩ mình là linh dương hay sư tử, đơn giản bạn phải “chạy” nhanh hơn những người khác để tồn tại”.
Ông viết tiếp: Tầm nhìn của chúng tôi nhạy bén, mục tiêu của chúng tôi rõ ràng, nguồn lực của chúng tôi to lớn, ý chí của chúng tôi mạnh mẽ và chúng tôi luôn sẵn sàng đối mặt với những thách thức phía trước. Dubai sẽ không chấp nhận bất kỳ vị trí nào, ngoài vị trí dẫn đầu.
Suy cho cùng, sẽ chẳng có ai nhớ đến người về nhì - dù kẻ về nhì đó là người chinh phục đỉnh Everest hay đặt chân lên mặt trăng. Trong thế giới cạnh tranh ngày nay, nếu bạn không dẫn đầu, bạn sẽ bị tụt hậu. Khi rớt lại phía sau, có thể bạn sẽ bị một người nào đó năng lực kém hơn, ít sáng tạo và được chuẩn bị kém hơn bạn chiếm mất vị trí. Điều này có thể diễn ra rất nhanh và cuộc đua tranh cũng là một thử thách đối với khả năng chịu đựng. Nếu bạn vấp ngã một hai lần, đừng lo lắng, bạn có thể rút ra những bài học giá trị để không lặp lại những sai lầm tương tự. Bị ngã không có nghĩa là thất bại, thất bại nằm lại tại vị trí bạn đã ngã và thất bại lớn nhất là khi bạn quyết định không đứng lên nữa.
Những câu từ đó thể hiện sự khát khao thay đổi để đưa Dubai lên vị trí hàng đầu chỉ trong vòng vài chục năm.
Quay lại Việt Nam, những thảo luận ở Quốc hội về cải cách thể chế, xây dựng luật pháp để không những tháo bung những nút thắt mà còn khơi thông cho phát triển là rất đáng quan tâm trong bối cảnh trì trệ hiện nay.
Chẳng hạn, một dự án điện than (theo quy hoạch cũ mới được tiếp tục triển khai) cũng phải mất 5 - 6 năm; dự án điện khí mất từ 7- 8 năm và dự án điện hạt nhân cũng phải mất khoảng 10 năm, nếu được khởi động từ bây giờ. “10 năm nay chúng ta không hề có một dự án điện nguồn lớn nào”, Bộ trưởng Công Thương nói trước Quốc hội.
Tình trạng giấy phép con, cháu, chắt nở rộ và nhiều rào cản đã được nói đến nhiều, chỉ Việt Nam mới có. Chẳng hạn, như “1 thỏi sô-cô-la cõng 13 giấy phép” hay chuyện “thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà”.
Để giải quyết tình trạng này, xin trích chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết mới đây về chống lãng phí. Ông khẳng định lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Tổng Bí thư nêu một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.
Nói đúng thực trạng như vậy sẽ có cách để xoay chuyển tình thế.
Vietnamnet