Hằng năm, Liên đoàn lao động tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây nhà "Mái ấm công đoàn”; thường xuyên nắm bắt, khảo sát tình hình nhà ở, đời sống, việc làm, thu nhập của đoàn viên, người lao động; vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, chung tay góp sức xây dựng, sửa chữa nhà ở cho những đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn... Với những hoạt động thiết thực đó, từ năm 2018 đến năm 2023, các cấp công đoàn đã huy động hỗ trợ xây mới và sửa chữa 124 ngôi nhà cho các gia đình đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền ban đầu trên 4,3 tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện, mỗi căn nhà có tổng giá trị thấp nhất là 120 triệu, cao nhất lên tới hàng tỷ đồng bằng nguồn của anh em, gia đình dòng họ và cộng đồng xã hội giúp đỡ. Tổng giá trị 124 căn nhà ước tính trị giá gần 50 tỷ đồng, trong đó, Liên đoàn lao động tỉnh hỗ trợ 83 căn nhà với số tiền 2,36 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu của nhiệm kỳ đặt ra[1]. Nhờ đó, cuộc sống của những cán bộ công chức, viên chức, người lao động được cải thiện đáng kể, tinh thần phấn khởi, yên tâm công tác, đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh và Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Ninh Bình trao hỗ trợ xây nhà "Mái ấm công đoàn" cho gia đình các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn
(Nguồn: Internet).
Chương trình Mái ấm công đoàn không chỉ dừng ở việc xây dựng, sửa chữa nhà ở mà còn mở rộng sang nhiều hoạt động thiết thực khác như: hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp cho đoàn viên xây, sửa chữa nhà và giải quyết việc làm cho người lao động được triển khai hiệu quả, đúng mục đích; hỗ trợ, hướng dẫn đoàn viên, người lao động tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi xây, sửa nhà theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ từ Ngân hàng Chính sách xã hội với 50 nhà xây mới với tổng số tiền vay vốn lãi suất thấp trên 13 tỷ đồng. Hiên nay, Liên đoàn lao động tỉnh Ninh Bình đang quản lý hiệu quả số vốn vay từ Quỹ vay vốn quốc gia giải quyết việc làm với số tiền trên 1,3 tỷ đồng, phân bổ cho 10 dự án với 23 hộ gia đình đoàn viên2; hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, lắp đặt hệ thống nước sạch, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ người lao động bị ốm đau, tai nạn... Có thể nói, chương trình đã trở thành điểm tựa vững chắc cho người lao động, giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
Là chương trình thể hiện truyền thống "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam, chương trình đã giúp một số gia đình công đoàn viên, nhất là các công nhân lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh đặc biệt có được nơi ở khang trang, ổn định, góp phần giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống, yên tâm làm việc. Qua đó tạo niềm tin vững chắc của công chức, viên chức, người lao động đối sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động điều hành của các cấp chính quyền; sự chăm lo của tổ chức Công đoàn - tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, từ đó phát huy tốt tinh thần yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, ý thức vươn lên, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Sự ra đời của “Mái ấm Công đoàn” không chỉ là lời tri ân sâu sắc của giai cấp công nhân đối với những người đã có nhiều đóng góp cho đất nước, mà còn góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp trong xã hội. Mỗi tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân, mỗi đóng góp, ủng hộ dù nhỏ bé của đoàn viên, người lao động đã giúp “Mái ấm Công đoàn” trở thành điểm tựa vững chắc, địa chỉ tin cậy của những người yếu thế. Không chỉ hỗ trợ về vật chất mà còn là nơi chia sẻ, động viên, giúp đỡ về tinh thần cho người lao động, giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh./.
1,2 Báo cáo của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình khóa XV trình Đại hội Công đoàn tỉnh Ninh Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2023-2028.
Đức Long