Việc sắp xếp các đơn vị hành chính hợp lý sẽ tạo không gian cho những bước đột phá mới và giảm đầu mối cũng đồng nghĩa với giảm chi tiêu thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Trong phát biểu tại phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên thế giới chưa có nước nào có đơn vị hành chính cấp huyện, xã lớn như tại Việt Nam, kể cả đơn vị hành chính cấp tỉnh. Và chưa có nước nào mà chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như Việt Nam.
Đây quả thực là một thông tin rất đáng chú ý. Bởi thế, việc sắp xếp tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn vẫn luôn là một vấn đề được đặt ra để phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay. Tinh thần này đã được T.Ư nhấn mạnh và khẳng định quyết tâm phải thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống, đặc biệt là các đơn vị hành chính.
Thực tế cho thấy, việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp dẫn đến tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở địa phương tăng; chi cho hoạt động của bộ máy cũng gây áp lực lên nguồn ngân sách Nhà nước.
Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo thuận lợi cho người dân và DN, mà còn góp phần mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, tránh tình trạng phân mảng. Đồng thời, việc này cũng tạo cân đối, hài hòa trong phân bố dân cư, nhất là trong thời điểm đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Những con số thống kê cho thấy, thời gian qua (giai đoạn 2019 - 2021), cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã. Qua đó, giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; giảm được 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã; đã tinh giản biên chế 648 cán bộ, công chức cấp huyện và 7.741 cán bộ, công chức cấp xã (tính đến 31/12/2023), giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.
Hiện cả nước đang sắp xếp 38 đơn vị cấp huyện, giảm 9 đơn vị cấp huyện và sắp xếp 1.176 đơn vị cấp xã và giảm 562 đơn vị cấp xã. Có thể nói, đây là công việc khó, phức tạp bởi chạm đến bộ máy, con người là vấn đề rất nhạy cảm, nhưng quyết tâm làm sẽ tạo bước đột phá quan trọng, giúp bộ máy bớt cồng kềnh và giảm gánh nặng cho ngân sách.
Để thực sự tạo ra những “cú hích” tiếp theo, vấn đề được nhiều ý kiến đề cập là sau quyết tâm, sau những giải pháp, cần có sự quyết liệt vào cuộc đồng bộ, thực chất ở tất cả các khâu. Đây cũng là cơ hội để các địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng công vụ, công chức, hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ người dân tốt hơn. Bởi cùng với giảm đầu mối, để giảm chi thường xuyên, hiệu quả của việc sắp xếp, tinh gọn không chỉ đơn thuần là đo lường xem cắt giảm được bao nhiêu đơn vị hành chính, tinh giản được bao nhiêu biên chế, mà quan trọng nhất là hiệu quả thực chất của bộ máy chính quyền, chất lượng các dịch vụ công mà người dân và DN được thụ hưởng.
Theo Kinh tế và Đô thị