Dù khoa học công nghệ có phát triển ở mức độ nào, con người vẫn là yếu tố quyết định. Trên bình diện quản trị quốc gia, bộ máy của hệ thống chính trị càng tinh gọn thì hiệu lực, hiệu quả càng cao. Chính vì thế, một lần nữa thảo luận ở tổ bàn về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập đến “cách mạng tinh gọn bộ máy” theo nguyên tắc mà V.I Lê- nin đã nói: “thà ít mà tốt”. Hay như Bác Hồ đã dạy “vừa hồng, vừa chuyên”.
Trước đó, ngày 5/11, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Ngay khi Nhà nước còn sơ khai, từ triều nhà Nguyễn đã đề ra “thước đo” về tổ chức bộ máy. Cụ thể, quy định rõ ràng, bao nhiêu dân thì cần một quan lại (cán bộ). Còn nay, khi bộ máy Nhà nước đã được hoàn thiện, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, cả nước đang tích cực triển khai chuyển đổi số để tiến tới xây dựng chính quyền số - kinh tế số - xã hội số thì khoa học về tổ chức bộ máy vẫn chưa ngang tầm. Bộ máy của toàn hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh. Điều này không những ảnh hưởng đến nguồn ngân sách mà tạo “điểm nghẽn” rất lớn cho phát triển đất nước.
Dẫn chứng về sự cồng kềnh của bộ máy hành chính, thảo luận ở tổ, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ví dụ: Một bà mẹ sinh con, giấy chứng sinh trạm y tế cấp, rồi mang giấy đó sang công an lấy số định danh, rồi sang tư pháp lấy giấy khai sinh. Có giấy khai sinh lại quay trở về công an làm hộ khẩu, rồi sang y tế làm bảo hiểm...Vậy tại sao không để ở ngay trạm y tế đó, cho phép người mẹ 1 - 2 ngày hoàn thành tất cả các thủ tục? Tại sao lại phải sang tư pháp, khi đương nhiên người ta có cái đó rồi mà phải đi trình bày, làm những chuyện khổ như thế?
Theo Tổng Bí thư, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Việt Nam đạt được một số kết quả, bước đầu tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, một số bộ ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối. Bộ máy trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng tình trạng “bộ trong bộ”…
Tổng Bí thư lưu ý, thời điểm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi. Muốn vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cần khẩn trương thực hiện “cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy” của hệ thống chính trị. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện thể chế theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống.
Hy vọng với cách làm quyết liệt, bài bản và khoa học, tới đây chúng ta sẽ thực hiện triệt để “cách mạng tinh gọn bộ máy” để tiết kiệm ngân sách thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, đảm bảo an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội.
Theo Lao động Thủ đô