Trước khi cuộc đối thoại diễn ra, PV tiếp tục ghi nhận các ý kiến, nguyện vọng của người trẻ nói lên tâm huyết và mối quan tâm của mình về các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thanh niên.
Chuyển đổi số (CĐS) đối với thanh niên Đà Nẵng có nhiều thuận lợi, như có sự cam kết, quyết tâm của lãnh đạo TP.Đà Nẵng thể hiện qua các nghị quyết, quyết định, cơ chế, chính sách ứng dụng công nghệ thông tin; cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ đầu tư khá đồng bộ. Tỷ lệ đô thị hóa cao, khác biệt giữa nông thôn và đô thị không quá lớn, thanh niên Đà Nẵng sáng tạo và thích ứng nhanh, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao.
Thành đoàn Đà Nẵng cũng đã xây dựng đề án "Thanh niên Đà Nẵng tiên phong trong CĐS". Đồng thời, đề nghị thành phố tổ chức các sàn giao dịch công nghệ, tăng cường kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp công nghệ số với các doanh nghiệp trẻ, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ số.
Nhưng so với yêu cầu, việc thực hiện CĐS vẫn còn nhiều hạn chế. Các vấn đề về quy chuẩn chưa có hướng dẫn thống nhất; ứng dụng công nghệ số trong các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ; ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh còn bị động… Khó khăn lớn nhất của CĐS trong thanh niên là thay đổi thói quen từ truyền thống sang sử dụng công nghệ số, dữ liệu số và hoạt động trên môi trường số. Một bộ phận thanh niên chưa nhận thức đúng và đầy đủ về CĐS. Với sự phổ biến của công nghệ số và sự ra đời của nhiều mô hình kinh doanh mới, có nguy cơ mất việc làm khi người lao động, đặc biệt là thanh niên, không được đào tạo lại, đào tạo nâng cao.
Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng
Là người mê nhiếp ảnh, bản thân tôi dành tình yêu đặc biệt với con người, văn hóa Huế. Qua những lần khám phá lăng tẩm, đền đài để sáng tác, tôi hiểu hơn về kiến trúc, đời sống xưa của cung đình Huế.
Tuy nhiên ở Huế rất hiếm có các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa qua ảnh, và nếu có thì cũng chưa được tổ chức cho người trẻ một cách chỉn chu, hiệu quả. Thật ra, việc tìm hiểu văn hóa qua ảnh là cách làm khá hay, bạn được đến tận nơi, nhìn tận mắt thì sẽ thu nạp được rất nhiều kiến thức hay để hiểu hơn về nơi mình đang sống. Mong rằng tới đây Huế sẽ có nhiều sân chơi như vậy cho người trẻ.
Lương Nam Nhật Long, (29 tuổi), TP.Huế, Thừa Thiên-Huế
Trong hành trình bảo vệ và gìn giữ biển đảo VN, ngư dân đóng vai trò như những "cột mốc sống". Khác với nhiều ngành nghề, lao động trên tàu cá đánh bắt xa bờ hay gần bờ chủ yếu là nam giới. Đây cũng coi như một nghề cha truyền con nối. Để người trẻ yên tâm bám biển thì có chính sách tín dụng đặc thù đối với họ, kể cả ưu đãi về lãi suất, thời hạn vay, cơ chế cho vay và xử lý rủi ro phù hợp với nghề khai thác hải sản.
Trên địa bàn H.Duy Xuyên (Quảng Nam), ở xã Duy Hải có Tổ hợp tác thanh niên đánh bắt hải sản xa bờ thì cần phải hỗ trợ vốn để nâng công suất máy tàu thuyền, đầu tư trang thiết bị như máy điện, bộ đàm liên lạc, ra đa… Một khi ngư dân đã yên tâm bám biển thì đây là một trong những giải pháp hữu hiệu, vừa tạo cơ hội phát triển kinh tế, vừa bảo vệ được chủ quyền biển, đảo.
Phan Tự, Bí thư Huyện đoàn Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam
CĐS là xu hướng phát triển tất yếu để các địa phương, ngành nghề, lĩnh vực có thể tồn tại và phát triển. Đây là một chặng đường dài cần sự đồng hành của các cấp, các ngành và sự chung tay của cả cộng đồng…
Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa phát triển đồng bộ, các thiết bị công nghệ số còn thiếu và yếu, mạng internet không ổn định, thanh niên còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận internet, học tập trực tuyến và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, an toàn thông tin trên không gian mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tiến trình CĐS diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
Để giải quyết những vấn đề này, tôi mong Chính phủ sớm có giải pháp phủ sóng mạng internet đến tận vùng sâu, vùng xa; cần có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số về lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân được bày bán các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như: hỗ trợ quy trình xây dựng sản phẩm OCOP, tư vấn cải thiện mẫu mã, hợp tác phát triển doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm...
Nguyễn Thị Hoài Ly, Phó bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị
Thuận lợi trong CĐS ở Quảng Nam hiện nay là thanh niên tiếp cận nhanh với công nghệ, có tinh thần xung kích, tình nguyện tham gia. Đặc biệt, hiện nay 18 đội hình thanh niên xung kích từ 18 huyện, thị xã đang phát huy tốt vai trò để hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4…
Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn cho thanh niên miền núi khi trình độ học vấn thanh niên miền núi chưa cao, chưa có nhiều kiến thức về lĩnh vực công nghệ, hơn nữa hạ tầng kỹ thuật còn nhiều khó khăn.
Hoàng Văn Thanh, Phó bí thư Tỉnh đoàn,
Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên VN tỉnh Quảng Nam
Lực lượng lao động trẻ, nhất là khu vực miền núi chưa có việc làm ổn định còn khá nhiều. Việc tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, sàn giao dịch việc làm và tuyên truyền, vận động lao động trẻ đi làm tại các khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp hay xuất khẩu lao động, thời gian qua được các cấp ngành rất quan tâm. Tuy nhiên, lao động đăng ký đi làm vẫn còn ít vì còn nhiều lao động ngại đi làm ăn xa và chưa quen với tác phong công nghiệp nên đi làm một thời gian rồi bỏ về.
Đối với thanh niên miền núi, cần có chính sách hỗ trợ lao động miền núi đi làm xa tại các khu công nghiệp, nhà máy... về nhà ở, điều kiện sinh hoạt để an tâm khi đi làm. Ngoài ra, cần tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn để nâng cao trình độ, tay nghề cho đội ngũ lao động đáp ứng với công việc. Việc đào tạo nghề cũng cần phải có tính liên kết để giải quyết việc làm ngay sau khi kết thúc các khóa đào tạo, học tập.
Bùi Thế Anh, Bí thư Huyện đoàn Nam Giang, tỉnh Quảng Nam
Để thực hiện việc CĐS trong giáo dục, học sinh và giáo viên cần được cung cấp các công cụ, phần mềm và thiết bị kỹ thuật số để họ có thể tiếp cận với các tài nguyên học tập trực tuyến. Đồng thời, cần thiết phải đào tạo cả người học và người dạy các kỹ năng sử dụng, áp dụng các công nghệ số trong giáo dục. Điều này bao gồm cả các kỹ năng như sử dụng phần mềm, tìm kiếm thông tin trực tuyến, đọc hiểu thông tin, và giải quyết vấn đề.
Ứng dụng CĐS nghĩa là chúng ta cũng phải cung cấp rất nhiều thông tin cá nhân trên các nền tảng số. Vì vậy, cần đảm bảo bảo mật và quyền riêng tư: Cần thiết phải đảm bảo rằng thông tin cá nhân được bảo vệ và giữ bí mật khi sử dụng các công nghệ số trong giáo dục. Ứng dụng CĐS trong việc học phải đi đôi với việc phát triển thêm các nội dung số như: sách điện tử, video học tập và ứng dụng học tập để sinh viên và giáo viên có thể tiếp cận với các tài nguyên học tập mới.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Đạt, Đại học Đà Nẵng
Hiện tại, các chính sách cho thanh niên lập nghiệp tại Quảng Bình vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về các chỉ tiêu cho vay và các bước để làm thủ tục vay vốn; chưa có một chính sách riêng cụ thể, ngoài việc từ vốn vay của T.Ư Đoàn, Ngân hàng Chính sách xã hội. Các chỉ tiêu cho vay vẫn còn khó khăn đối với các thanh niên, hiện tại tỉnh vẫn chưa có một nguồn quỹ riêng dành cho thanh niên lập nghiệp để hỗ trợ họ tối đa về việc vay vốn. Tỉnh Quảng Bình đang có hỗ trợ vay vốn cho 100 mô hình do đoàn viên, thanh niên làm chủ với tổng số tiền gần 2,5 tỉ đồng.
Hy vọng thông qua cuộc đối thoại sắp tới, các chính sách dành cho thanh niên lập nghiệp tại Quảng Bình sẽ được cụ thể hóa hơn, trong đó hạ các chỉ tiêu cho vay vốn đối với thanh niên lập nghiệp và được bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ cho thanh niên khuyết tật có mong muốn khởi nghiệp.
Trần Khánh Cường, Phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình
Nguồn thanhnien.vn