Tôn sư trọng đạo - truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam
Vai trò của nhà giáo luôn là nhân tố quyết định đối với sự hưng thịnh của mỗi quốc gia; giáo dục là nghề cao quý nhất. Vì giáo dục là làm cuộc khám phá khó nhất, hay nhất, đẹp nhất trên đời, khám phá đối tượng khó nhất, hay nhất, bí ẩn nhất, mà cũng đẹp nhất trên đời, là con người. Còn nhà giáo, với sứ mệnh đào tạo vun xới tri thức, định hình nhân cách người học, là nhân tố hoàn chỉnh của Triết lý giáo dục của quốc gia. Nhà giáo được coi là biểu tượng tri thức của một đất nước, là niềm tự hào của một dân tộc; góp phần tạo nên phẩm cách con người, tầm vóc của một dân tộc.
Truyền thống đạo lý mang đậm giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam là “Tôn sư trọng đạo” được tạo dựng, bồi đắp từ ngàn xưa cho đến nay; là giá đỡ cho bao nhiêu người tài đã thành tài phụng sự đất nước, và cũng tạo được nền móng xây dựng nên một hệ thống giáo dục tốt đẹp. Trải qua thời gian, dù xã hội có phát triển và đổi thay thì truyền thống ấy vẫn là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Truyền thống ấy bắt nguồn từ mong muốn/khát vọng hoàn thiện đạo đức, nhân cách để học trò học, noi theo thầy mà trở thành người có đức, có nhân, có tài để đứng ra giúp nước. Trong ba vị trí đặc biệt quan trọng của xã hội xưa “Quân - Sư - Phụ” thì người thầy chỉ đứng sau vua và được xã hội, nhân dân đặc biệt coi trọng, tôn vinh, gửi gắm niềm tin giúp con em học hành mà thành tài. "Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi/ Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng". Vua tôi hiền tài, Thầy, Cô -Trong sáng mẫu mực, Gia đình biết kính trên nhường dưới đây là thứ tài sản vô giá , Vật báu Quốc gia không phải nước nào cũng có được; được ông cha ta đúc rút từ hàng nghìn năm qua. Giáo dục là khâu then chốt để chấn hưng đất nước.
Trong xã hội hiện đại, sự xuất hiện của công nghệ, trí tuệ nhân tạo cũng không thay thế được vai trò của người thầy. Bởi thời đại chúng ta đang sống là thời đại sáng tạo, cần một văn hóa sáng tạo và một nền giáo dục cũng sáng tạo. Người thầy lại càng có trọng trách chuẩn bị lực lượng tương lai cho xã hội: làm cho mọi người đầy tính nhân văn, có tinh thần công dân, tính tích cực xã hội, thực hiện mục tiêu dân chủ và công bằng xã hội. Người thầy định hướng và gợi mở được sự cởi mở về văn hóa để con người có tâm hồn phong phú, có năng lực đối thoại và hợp tác, có bản lĩnh thích ứng với nhiều nền văn hóa và điều kiện sống khác nhau; trở thành vẻ đẹp, thành đạo đức, lối sống của con người trong xã hội hiện đại.
Tục ngữ Việt Nam có câu “Không thầy, đố mày làm nên”. Thế hệ trẻ hôm nay cần tiếp tục tinh thần hiếu học và lòng biết ơn với những người đã từng dìu dắt mình trên con đường tiếp nhận tri thức, góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp trong xã hội. Bởi, thầy cô giáo là những người “ươm trồng” sự hình thành và phát triển nhân cách của học trò. Giáo dục và đội ngũ nhà giáo luôn giữ trọn vai trò tạo dựng con người có phẩm giá, có nhân cách, hữu ích cho gia đình–xã hội. Giáo dục và đội ngũ nhà giáo trong thời đại nào cũng luôn định hướng người học nắm được kiến thức, có lòng yêu nước và quý trọng văn hóa dân tộc, tinh thần trách nhiệm, có tinh thần nhân văn, có tâm hồn và thể chất khỏe mạnh. Đó là một sứ mệnh; lý tưởng và là ngọn hải đăng dẫn đường.
Khẳng định vai trò, vị thế cao quý của nhà giáo trong kỷ nguyên hội nhập thịnh vượng, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Giáo dục và vai trò của nhà giáo luôn là vấn đề trung tâm của đời sống xã hội vì nó quyết định tương lai của mỗi con người và của cả xã hội. Trong mọi cuộc chấn hưng đất nước; trong kỷ nguyên hội nhập vươn mình, giáo dục căn bản chiếm vị trí hàng đầu, vì đấy là nguồn lực sáng tạo của quốc gia. Chỉ có giáo dục mới làm bật lên sức sáng tạo của một dân tộc một cách hữu hiệu; chỉ có người thầy mới gieo vào tâm hồn con người tính nhân bản và yêu thương; đánh thức sự phong phú của năng lực con người và chạm đến trái tim Đan-kô (truyện ngắn của nhà văn Nga M. Gorki) nóng đỏ và kiêu hãnh lý tưởng cao đẹp của thời đại.
Quốc gia không thể hội nhập với thế giới nếu nền giáo dục lại tụt hậu. Muốn tự tin trong kỷ nguyên mới đòi hỏi quốc gia có tầm nhìn thời đại, gắn mình với quỹ đạo phát triển chung của nhân loại; định vị văn hóa quốc gia trong văn hóa toàn cầu để sức mạnh của quốc tế cũng là sức mạnh của quốc gia. Điều này đỏi hỏi mỗi nhà giáo phải có nền tảng sâu về trí tuệ, tri thức, kinh nghiệm, nhân ái, thiện lương. Nhà giáo phải biết hun đúc và nuôi dưỡng lý tưởng xây dựng cho xã hội một tầng lớp trí thức của dân tộc, những con người đưa dân tộc đến đài vinh quang. Nhà giáo phải truyền cảm hứng và chuẩn bị cho thế hệ tương lai ý thức đóng góp cho xã hội. Không thể có chất lượng giáo dục tốt nếu không có đội ngũ nhà giáo giỏi, tâm huyết, tận tụy với nghề; dấn thân một cách bản lĩnh vì một môi trường giáo dục, mà ở đó những điều cao đẹp và các giá trị nhân bản được tôn trọng, đề cao và vinh danh.
Ngày 18/11/ 2024, tinh thần đề cao vai trò nhà giáo; tinh thần tôn sư trọng đạo lại được thể hiện trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước cánh cửa lịch sử để thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; chúng ta chỉ có thể thực hiện thành công tâm nguyện của Người khi và chỉ khi chúng ta hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo. Trách nhiệm vinh quang đòi hỏi những nỗ lực lớn lao, sự bứt phá mạnh mẽ, sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trước hết và trực tiếp nhất là đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng”./.
Trường Sơn