Hiệp định Geneva được ký kết, miền Bắc Việt Nam được giải phóng, quân đội nhân dân Việt Nam ở miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào tập kết ra miền Bắc. Lực lượng vũ trang cách mạng Lào có 2 tỉnh tập kết, còn lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia thì giải giáp tại chỗ. Đây đó có quan điểm cho rằng Việt Nam chỉ đấu tranh vì quyền lợi của mình, bỏ rơi bè bạn từng sát cánh chiến đấu bên nhau
Quan điểm của Chính quyền Pol pot
Tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 9/1970, Pol pot đề ra bốn bài học kinh nghiệm thất bại của cách mạng Campuchia trong kháng chiến chống Pháp, đó là:
1. Phải tự mình quyết định vận mệnh mình, quyết không được để cho sai lầm lịch sử để cho người khác giải quyết tay vận mệnh mình xảy ra một lần nữa.
2. Kiên quyết không được giao lại thành quả cách mạng tốt đẹp của mình cho giai cấp bóc lột. Hiện nay những cường quốc lớn và một số nước khác còn có tư tưởng cũ vẫn muốn và đương cố tìm trăm nghìn Phương nghìn kế để quyết định vận mệnh dân tộc Campuchia thay cho người Campuchia.
3. Lực lượng là yếu tố quyết định quan trọng nhất trong đấu tranh cách mạng.
4. Phải nêu cao lập trường độc lập, tự chủ, tự lực cánh sinh”.
Pol pot cho rằng "Vì không có bốn kinh nghiệm đó nên kết quả kháng chiến chống Pháp bằng không"
Sau này, phụ họa với chính quyền Pol pot, một số luận điểm cho rằng tại Hội nghị Geneva, Việt Nam đã không đấu tranh cho quyền lợi của chính phủ Cách mạng Campuchia. Sự thật ra sao ?
Gắn vận mệnh cách mạng Việt Nam với cách mạng Lào và Campuchia
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, vấn đề lập lại hòa bình ở bán đảo Đông Dương được chính thức đưa lên bàn Hội nghị Geneva.
Đã từng đồng cam cộng khổ, sát cánh bên nhau chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân Pháp, đoàn đại biểu Việt Nam đến hội nghị Geneva với tâm thế đấu tranh cho độc lập, thống nhất, dân chủ của cả ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia trên bán đảo Đông Dương.
Ngày 08/5/1954, đồng chí Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị điện gửi Đại tướng Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp. Bức điện thể hiện sự vui mừng đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam tại Điện Biên Phủ. Về phần mình, đồng chí Phạm Văn Đồng nêu rõ: “Chúng tôi sẽ nỗ lực đấu tranh trên mặt trận ngoại giao tranh thủ hòa bình, độc lập, thống nhất dân chủ cho ba dân tộc anh em Việt, Khơme, Lào”[1].
Một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (Ảnh tư liệu TTXVN)
Cũng trong ngày 08/5/1954, tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố “Theo tinh thần đó và đại biểu nguyện vọng của ba dân tộc Việt, Khơme, Lào, đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiến nghị với hội nghị mời đại biểu chính thức của chính phủ kháng chiến Khơme và chính phủ kháng chiến Pathét Lào tham gia hội nghị. Từ mấy năm nay, nhân dân Khơme và Pathét Lào đã đoàn kết chặt chẽ với nhân dân Việt Nam, đã kiên quyết và anh dũng đấu tranh để giành hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ. Sự có mặt của đại biểu chính thức của chính phủ kháng chiến Khơme và chính phủ kháng chiến Pathét Lào tại hội nghị này để bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình ở Đông Dương là cần thiết. Đoàn đại biểu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chắc chắn rằng sự có mặt của đại biểu chính thức của chính phủ kháng chiến Khơme và Pathét Lào để trình bày với hội nghị nguyện vọng và đề nghị của nhân dân Khơme và Pathét Lào chẳng những là không trở ngại mà sẽ thêm phần bảo đảm cho hội nghị chúng ta đạt kết quả tốt đẹp”.
Đồng chí Phạm Văn Đồng đề nghị hội nghị thông qua quyết nghị với nội dung: “Căn cứ tình hình hiện tại của các nước Đông Dương và để giúp hội nghị nhận xét một cách rộng rãi và khách quan vấn đề chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình ở Đông Dương, hội nghị công nhận sự cần thiết mời các đại biểu chính phủ kháng chiến Khơme và Pathét Lào tham gia công việc của hội nghị liên quan đến vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương”[2].
Ngày 10/05/954, Đoàn đại biểu Việt Nam đưa ra Bản kiến nghị 8 điểm, nêu rõ quan điểm: “Tổ chức tổng tuyển cử tự do ở Việt Nam, Khơme và Pathét Lào để thành lập một chính phủ thống nhất trong mỗi nước. Triệu tập hội nghị hiệp thương gồm đại biểu chính phủ hai bên ở Việt Nam, Khơme, Pathét Lào để chuẩn bị và tổ chức tổng tuyển cử tự do. Hội nghị hiệp thương sẽ thi hành mọi biện pháp để bảo đảm sự tự do hoạt động của các đảng phái và tổ chức yêu nước, không được có sự can thiệp bên ngoài. Thành lập các ủy ban ở địa phương để kiểm soát việc chuẩn bị và tổ chức tuyển cử. Trong khi chờ đợi thành lập chính phủ duy nhất trong mỗi nước ở Đông Dương và sau khi hai bên đã cùng nhau căn cứ hiệp định đình chiến để thương lượng thỏa thuận thì chính phủ phủ mỗi bên sẽ quản lý vùng do mình kiểm soát”[3].
“Một điểm nữa cần nhấn mạnh là kiến nghị của chúng tôi nhằm khôi phục hòa bình trên toàn cõi Đông Dương. Kinh nghiệm lịch sử chứng minh rằng, chiến tranh cũng như hòa bình là không thể phân chia được trên toàn cõi Đông Dương. Do đó, việc chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình ở Đông Dương phải đồng thời thực hiện trong ba nước Việt Nam, Khơme, Lào theo những nguyên tắc, những biện pháp, những bước đường giống nhau, đồng thời tôn trọng chủ quyền quốc gia và thích hợp với điều kiện của mỗi nước. Như thế, việc giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan đến việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương cần có sự tham gia của tất cả các nước có quan hệ, không trừ một nước nào”[4].
Ngày 10/5/1954, trong phiên họp thứ hai, đồng chí Phạm Văn Đồng đọc diễn văn, nêu rõ:
“Phái đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra hội nghị những đề nghị sau đây về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương:
1. Nước Pháp thừa nhận chủ quyền và độc lập của Việt Nam trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và thừa nhận chủ quyền và độc lập của Khơme và Pathét Lào.
2. Ký hiệp định về việc rút lui hết quân đội ngoại quốc ra khỏi đất nước Việt Nam, Khơme và Pathét Lào trong thời hạn do đôi bên giao chiến thỏa thuận với nhau. Trước khi rút lui, các quân đội ngoại quốc cần phải thỏa thuận vấn đề địa điểm trú quân của quân đội Pháp ở Việt Nam. Cần phải đặc biệt chú ý đến những địa điểm trú quân đó phải hết sức hạn chế. Tất nhiên là quân đội Pháp không được can thiệp vào mọi công việc hành chính ở địa phương họ trú quân.
3. Tổ chức tổng tuyển cử tự do ở Việt Nam, Khơme và Pathét Lào để lập Chính phủ thống nhất ở mỗi nước. Triệu tập hội nghị tư vấn gồm đại biểu các chính phủ của những bên có liên quan ở Việt Nam, Khơme và Pathét Lào để chuẩn bị và tổ chức cuộc tuyển cử tự do”[5].
Ý kiến của phái đoàn chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước Hội nghị Giơnevơ về vấn đề quan hệ ba dân tộc Việt, Khơme, Lào:
“Dân tộc Khơme, dưới sự lãnh đạo của chính phủ kháng chiến đã khởi nghĩa vũ trang xây dựng được những khu giải phóng rộng lớn, đã cải thiện được sinh hoạt cho nhân dân và xây dựng được quân đội giải phóng lớn mạnh. Ở sát cạnh nhau, cùng chung một cảnh ngộ, cùng chung một đối tượng đấu tranh, nhân dân ba nước đều nhận thấy vận mệnh của Việt, Khơme, Lào gắn chặt vào nhau. Cuộc kháng chiến ở mỗi dân tộc có tính chất là của kháng chiến chung của ba dân tộc”[6].
“Sự quan hệ mật thiết kể trên của ba dân tộc là một quá trình xây dựng bằng xương máu yêu nước của nhân dân ba nước, đoàn kết đấu tranh trong mấy mươi năm trường. Nó là một quy luật tự nhiên của lịch sử tiến hóa. Càng bị thống trị tàn khốc càng vùng dậy càng đấu tranh giải phóng”[7].
Các đồng chí trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào yêu nước làm việc với chuyên gia Việt Nam (Ảnh tư liệu TTXVN)Muốn khôi phục hòa bình ở Đông Dương, cần phải giải quyết đồng thời cho cả ba dân tộc. Nhân dân Việt Nam cũng thấy rằng, nền độc lập của mình không bảo đảm nếu Khơme và Pathét Lào chưa được độc lập thật sự. Nguyện vọng quyền lợi và ý chí đấu tranh của nhân dân ba nước đều thống nhất, chia rẽ, không giải quyết đồng thời và đúng nguyện vọng của nhân dân ba nước, thì không thể nào giải quyết được toàn bộ vấn đề hòa bình ở Đông Dương, tai nạn chiến tranh vẫn còn tàn phá Đông Dương và uy hiếp Đông Nam Á.
Vậy muốn chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình ở Đông Dương phải tôn trọng nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân Đông Dương, phải tiến hành đồng thời cho ba dân tộc theo những nguyên tắc, những biện pháp, những bước đường giống nhau, đồng thời thích hợp với điều kiện ở mỗi nước. Việc ấy là việc của nhân dân Việt Nam, Khơme, Lào và nước Pháp, nghĩa là của mỗi bên có liên quan trực tiếp đến chiến tranh Đông Dương. Nhân dân Việt Nam, Khơme, Lào đã đoàn kết kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ kháng chiến Khơme và Chính phủ kháng chiến Pathét Lào. Vậy việc ấy phải thảo luận với đại biểu chính thức của ba chính phủ ấy. Chiến tranh còn ở một nước nào trong ba nước thì hòa bình và độc lập ở hai nước kia không bảo đảm. Hòa bình cũng không thực hiện được ở Đông Dương, vì hòa bình và chiến tranh không thể chia rẽ được trên toàn cõi Đông Dương”[8].
“Vấn đề quan hệ Việt Nam, Khơme và Pathét Lào là một mấu chốt trọng yếu của vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương, dựa trên cơ sở chủ quyền dân tộc của nhân dân Đông Dương được bảo đảm. Việc chú ý đặc biệt đến sự quan hệ mật thiết ấy của ba dân tộc là hết sức cần thiết cho những vị đại diện tham gia hội nghị cũng như cho những người quan tâm đúng đắn đến vấn đề hòa bình ở Đông Dương”[9].
Trong phiên họp kín thứ 14, ngày 16/6/1954, đồng chí Phạm Văn Đồng phát biểu: “Vấn đề ngừng bắn và khôi phục hòa bình ở Khơme và Pathét Lào phải được giải quyết trên cơ sở thừa nhận phong trào giải phóng dân tộc ở các nước đó và do đó, tức là trên cơ sở thừa nhận quyền dân tộc của nhân dân các nước đó. Việc giải quyết này tiến hành theo con đường đàm phán giữa các bên hữu quan. Việc giải quyết vấn đề Khơme và Pathét Lào không giống việc giải quyết vấn đề Việt Nam và phải xét đến tình hình đặc biệt của một nước trong các nước đó”[10].
“Phải đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải đàm phán trực tiếp giữa các bên hữu quan. Các cuộc đàm phán đó có thể tiến hành đồng thời ở Giơnevơ và tại chỗ như đối với Việt Nam và nó sẽ xét tất cả các vấn đề cần giải quyết”[11].
Như vậy, ngay từ đầu, khi vấn đề Đông Dương được đưa ra tại hội nghị Giơnevơ, cũng như trong nhiều phiên họp công khai và phiên họp kín sau đó, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nêu rõ quan điểm việc giải quyết đồng thời các vấn đề trên cả 3 quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia. Tuy nhiên, với âm mưu phá hoại hội nghị và chia cắt tình đoàn kết chiến đấu cũng như để hạn chế thắng lợi của cách mạng Đông Dương nói chung, cách mạng của Việt Nam, Lào và Campuchia nói riêng, các bên tham gia hội nghị đã không thừa nhận sự có mặt của đại diện Chính phủ kháng chiến Campuchia và Chính phủ kháng chiến Lào như một bên tham gia đàm phán. Chính vì vậy, mặc dù trên danh nghĩa, cuộc đàm phán có sự tham gia của 9 bên liên quan, nhưng thực chất, Chính phủ kháng chiến Lào và Campuchia không được tham gia đàm phán, nên hội nghị chỉ có sự tham gia của 7 bên.
Mặc dù có những quan điểm đúng đắn, đấu tranh cho quyền lợi của Chính phủ kháng chiến Lào và Campuchia, nhưng bản thân Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng chưa có kinh nghiệm đàm phán ngoại giao, đồng thời chịu áp lực của nhiều cường quốc, nên cuối cùng, việc đấu tranh cho quyền lợi dân tộc của chính Việt Nam cũng như của chính phủ kháng chiến Campuchia và Lào không đạt được những kết quả như mong đợi. Chính phủ kháng chiến Lào chỉ có 2 tỉnh tập kết quân đội là Sầm Nưa và Phông Xa Lỳ, còn Chính phủ kháng chiến Campuchia, mặc dù cũng đạt được nhiều thắng lợi, nhưng lực lượng cách mạng Campuchia phải thực hiện giải giáp tại chỗ.
Có thể nói, cuộc đấu tranh của ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị Geneva là một cuộc đấu tranh gian khổ mà ở đó những người kháng chiến Việt Nam đã cố gắng bảo vệ và đòi hỏi những quyền lợi chính đáng cho những người kháng chiến ở Lào và Campuchia. Hoàn toàn không có chuyện những người kháng chiến Việt Nam chỉ biết đến quyền lợi của mình mà không đếm xỉa gì đến quyền lợi của những người kháng chiến Campuchia và Lào như một số nhận định và quan điểm từng đưa ra.
Việt Nam không bỏ rơi bè bạn, nhất là bè bạn đã từng chung vai sát cánh, đồng cam cộng khổ, chia sẻ hy sinh, chiến đấu vì độc lập, tự do của ba nước Đông Dương và của mỗi quốc gia.
Bình Nguyễn
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ Hội nghị Giơ ne vơ Văn kiện Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 380.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ Hội nghị Giơnevơ - Văn kiện Đảng, Sđd, tr. 390-391.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ Hội nghị Giơnevơ 393- Văn kiện Đảng, Sđd, tr. 393.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ Hội nghị Giơnevơ - Văn kiện Đảng, Sđd, tr. 416.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ Hội nghị Giơnevơ - Văn kiện Đảng, Sđd, tr. 429.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ Hội nghị Giơnevơ - Văn kiện Đảng, Sđd, tr. 431.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ Hội nghị Giơnevơ - Văn kiện Đảng, Sđd, tr. 432-433.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ Hội nghị Giơnevơ - Văn kiện Đảng, Sđd, tr. 433.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ Hội nghị Giơnevơ - Văn kiện Đảng, Sđd, tr.503 - 504.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ Hội nghị Giơnevơ - Văn kiện Đảng, Sđd, tr. 507.