Sau khi đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại, phá thế bị bao vây cấm vận trong bối cảnh lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước (1975-1986) và đa phương, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, là bạn là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế (từ năm 1986 đến nay)

Chủ trương và thành tựu đối ngoại của Đảng trong 10 năm đầu quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1975-1986)

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) khẳng định: “Trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kin tế, phát triển văn hóa, khoa học, kỹ thuật, củng cố quốc phòng, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở nước ra; đồng thời tiếp tục kề vai sát cánh với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và tất cả các dân tộc trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, chống đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ”[1].

Từ giữa năm 1978, Đảng tiến hành điều chỉnh một số chủ trương và chính sách đối ngoại: Nhấn mạnh hơn yêu cầu tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và làm tốt nghĩa vụ quốc tế. Trong quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đặc biệt chú trọng củng cố, tăng cường hợp tác về mọi mặt với Liên Xô, coi Liên Xô là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; nhấn mạnh yêu cầu ra sức bảo vệ mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào trong bối cảnh vấn đề Campuchia diễn biến phức tạp; chủ trương góp phần xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, tự do, trung lập và ổn định; đề ra yêu cầu mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), về chủ trương đối ngoại, Đảng tiếp tục xác định: "Đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô luôn luôn là hòn đá tảng của chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta”[2], tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa tình đoàn kết chiến đấu và hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên Xô và coi đó là một đảm bảo cho thắng lợi của công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, cũng như việc củng cố độc lập dân tộc và vị trí của chủ nghĩa xã hội trên bán đảo Đông Dương; đồng thời đó là một đóng góp tích cực vào việc củng cố và tăng cường hệ thống xã hội chủ nghĩa, tăng cường cuộc đấu tranh vì hòa bình và chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

Trong giai đoạn 1975-1986, chính sách đối ngoại của Việt Nam là xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước không liên kết, các nước đang phát triển; đấu tranh với sự bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch. Hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã tăng cường được quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là với Liên Xô. Năm 1978, Việt Nam gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế (khối SEV). Viện trợ hằng năm và kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam với Liên Xô các nước xã hội chủ nghĩa khác trong khối SEV đều tăng (riêng ngoại thương chiếm 70 đến 80 % kim ngạch buôn bán của Việt Nam)[3]. Thực hiện chủ trương mở rộng quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế, "từ năm 1975 đến năm 1977, nước ta đã thiết lập thêm quan hệ ngoại giao với 23 nước”[4].

Lễ thượng cờ Việt Nam tại Liên hiệp quốc ngày 20/9/1977 (Ảnh tư liệu)

Chủ trương và thành tựu đối ngoại của Đảng trong 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế từ năm 1986 đến nay

Giai đoạn hình thành đường lối đối ngoại mới (1986-1996), Đảng xác định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.

Đường lối đối ngoại rộng mở do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng tháng 12/1986, đề ra xác định nhiệm vụ hàng đầu là "tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc". Những phương hướng chính về đối ngoại, thông qua tại Đại hội lần thứ VI là: Phát triển và củng cố quan hệ Việt Nam, Lào, Campuchia, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước, hợp tác toàn diện. Đoàn kết và hợp tác toàn diện với liên Xô là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Sẵn sàng đàm phán để giải quyết những vấn đề thuộc quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên nguyên tắc cùng tồn tạihòa bình.

Ngày 20/5/1988, Bộ Chính trị khóa VI ra Nghị quyết số 13-NQ/TW xác định ngoại giao phải ưu tiên giữ vững hòa bình để phát triển và khẳng định rằng trong tình hình mới ở khu vực và trên thế giới, nước ta lại càng có những cơ hội lớn để có thể gữ vững hòa bình và phát triển. Nghị quyết Bộ Chính trị nhấn mạnh chính sách "thêm bạn bớt thù", đa dạng hóa quan hệ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, cùng có lợi và chỉ ra những nhiệm vụ trước mắt cho ngoại giao, trong đó quan trọng là: bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và góp phần giải quyết vấn đề Campuchia.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6/1991), xác định nhiệm vụ đối ngoại là giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đại hội thông qua tuyên bố chính sách: "Với chính sách đối ngoại rộng mở, chúng ta tuyên bố rằng: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển"[5].

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đề ra chủ trương mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế, chủ động tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội và Cương lĩnh đề ra chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị, xã hội khác nhau trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình; không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống với các nước xã hội chủ nghĩa, các nước anh em trên bán đảo Đông Dương; phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á, tích cực góp phần xây dựng khu vực này thành khu vực hòa bình và hợp tác; phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị,giúp đỡ lẫn nhau với các nước đang phát triển; mở rộng hợp tác cùng có lợi với các nước phát triển.

Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (6/1992) đã ra Nghị quyết riêng về đối ngoại; xác định nhiệm vụ đối ngoại, tư tưởng chỉ đạo chính sách đối ngoại, phương châm xử lý các vấn đề quan hệ quốc tế; đề ra chủ trương rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, cả về đối ngoại Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, bảo vệ và phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy những truyền thống và bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Tháng Giêng 1994, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII khẳng định: việc mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên thế giới, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một trong ba thành tựu của công cuộc đổi mới.

 APEC Việt Nam năm 2017 tại Đà Nẵng

Chủ trương đối ngoại rộng mở được đề ra từ Đại hội VI, sau đó được các nghị quyết Trung ương và Bộ Chính trị từ khóa VI đến khóa VII phát triển thành đường lối đối ngoại “độc lậptự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển”

Giai đoạn phát triển đường lối đối ngoại mới (1996-2011), Đảng bổ sung và hoàn chỉnh đường lối đối ngoại “độc lậptự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển”. Trên cơ sở các thành tựu đối ngoại từ năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (6/1996), đã quyết định "tạo điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Đại hội khẳng định mạnh mẽ việc phải đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam theo những lộ trình phù hợp với Việt Nam.

Sự phát triển tư duy đối ngoại được khẳng định rõ hơn trong Đại hội IX của Đảng. Lần đầu tiên, Đảng ta khẳng định: phải chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình độc lập và phát triển"(1)... Đại hội X của Đảng hoàn thiện đường lối của Đại hội VIII, IX thành’’…đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình , hợp tác và phát triển’’, và phân biệt rõ “chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế”.

Đại hội XI chủ trương triển khai đồng bộ , toàn diện hoạt động đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế với 4 nội dung cơ bản: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan heejchur động và tích cực hội nhập quốc tế...Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại. Thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về biên giới, lãnh thổ. Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại. Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển đã được bổ sung và phát triển từ Đại hội VIII đến Đại hội XI một cách đồng bộ và toàn diện với tư duy mới là chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở đánh giá sâu sắc những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong thời gian tới, Đại hội X khẳng định phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn nữa, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn nhằm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hoá theo hướng hiện đại.

Đại hội XI của Đảng tiếp tục bổ sung, phát triển đường lối đối ngoại phù hợp với tình hình mới: Về mục tiêu đối ngoại, Văn kiện Đại hội XI nêu: “Vì lợi ích quốc gia, dân tộc” gắn với mục tiêu “vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”; Về nhiệm vụ công tác đối ngoại tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình; Về nguyên tắc phải: “Bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”; Về phương châm của đường lối đối ngoại có điểm mới là “hội nhập quốc tế” và “thành viên có trách nhiệm”; Về định hướng đối ngoại nêu thêm định hướng về giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ, ưu tiên đối tác và định hướng quan hệ ASEAN; đối ngoại Đảng;ngoại giao nhân dân và tổ chức thực hiện…; Về triển khai các hoạt động đối ngoại, Đại hội XI nêu: “Triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại”.

Đại hội lần thứ XII (01/2016) của Đảng nhấn mạnh: “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”[6].

Đại hội lần thứ XIII của Đảng (01/2021) đề ra các nhiệm vụ cho công tác đối ngoại là: “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của đất nước; đồng thời đóng góp vào phong trào đấu tranh chung của các lực lượng tiến bộ trên thế giới”. Đại hội xác định: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả; xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”[7].

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên vào tháng 12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ các tư tưởng chỉ đạo, nguyên tắc, phương hướng và nhiệm vụ của đối ngoại, khẳng định: “Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự tiếp nối của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc gia dân tộc”, nhấn mạnh trường phái đối ngoại, ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”; yêu cầu Ngành Đối ngoại cần xác định vị thế, tâm thế mới, đổi mới tư duy, mạnh dạn sáng tạo để đáp ứng những yêu cầu trong giai đoạn mới.

Như vậy, 95 năm qua, nhất là trong gần 40 năm đổi mới, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Đặc biệt là, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất và chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, tổ chức Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr.617.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 43, tr.142.

[3] Nguyễn Phúc Luân (chủ biên): Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập tự do (1945-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.44-45.

[4] Vũ Dương Huân (Chủ biên): Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp đổi mới (1975-2002), Sđd, tr.35.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.147.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.119.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.79.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.I, tr 80.