Lý luận của đảng - đảng đứng vững - cách mệnh thành công là một chuỗi liên hệ nhân quả biện chứng được Nguyễn Ái Quốc phân tích rất cặn kẽ và sâu sắc trong tác phẩm Đường Kách mệnh. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định hàng đầu thắng lợi của Cách mạng Việt Nam trong hơn 95 năm ra đời, trưởng thành và phát triển. Sở dĩ Đảng ta đứng vững và đúng đắn trong lãnh đạo vì Đảng luôn có “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất” “làm cốt”. Đồng thời, Đảng không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và xu thế phát triển khách quan của thời đại.

1. Đảng lấy “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất” “làm cốt”

Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã phân tích: để cách mạng thành công, “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[1]. Như vậy, “chủ nghĩa của đảng - đảng đứng vững - cách mệnh thành công” được Người diễn giải thành một chuỗi liên hệ nhân - quả biện chứng.

“Chủ nghĩa” theo Từ điển Tiếng Việt: “Cái cốt yếu trong chủ trương, tư tưởng riêng của một phái, một đảng nào về phương diện triết học, chính trị, tôn giáo, v.v…”[2]. Theo Từ điển Bách khoa: “Chủ nghĩa là học thuyết hay một hệ thống lý luận về chính trị, triết học, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật thể hiện bằng quan niệm, quan điểm, lập trường, khuynh hướng, phương pháp luận, phương pháp sáng tác… do một người hoặc một tập thể đề xuất”[3]. Như vậy, “chủ nghĩa” theo Nguyễn Ái Quốc được hiểu thành hệ thống lý luận chính trị nền tảng, cốt lõi của một đảng chính trị, nó như “trí khôn” của con người, “bàn chỉ nam” của con tàu. Chủ nghĩa nào, lý luận nào cần cho cách mạng Việt Nam? Trong hành trình tìm đường cứu nước và bắt gặp Luận cương của lãnh tụ Cách mạng Tháng Mười Nga, Người đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[4]. Đồng thời, qua khảo cứu những cuộc “cách mệnh chưa đến nơi” và “cách mệnh đến nơi”, Người đã kết luận ngắn gọn: “Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[5]. Bởi theo Người, “chủ nghĩa” này phù hợp với đảng của dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản, mới “là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Chủ nghĩa, lý luận có vai trò to lớn đối với cách mạng. Điều này, V.I.Lênin đã khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”[6]. Trong Đường kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc giải thích: “Lý luận sở dĩ quan trọng là vì nó dạy ta hành động”[7]. Khi đã có “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất” thì phù hợp với nó phải có một tổ chức tiên phong, một đảng cách mạng, bởi vì tổ chức là phương tiện mạnh mẽ nhất của giai cấp vô sản và quần chúng cần lao, nô lệ đấu tranh chống lại kẻ thù có tổ chức là giai cấp tư sản, bọn thực dân xâm lược. V.I.Lênin đã nói: “Chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”[8].

Khi bản thân phong trào của công nhân lên cao, tất yếu đòi hỏi sự rũ bỏ tính tự phát và phải được dẫn dắt bởi một lý luận tiên phong thì cũng là lúc phải có sự xuất hiện, ra đời của một tổ chức cách mạng - Đảng của giai cấp công nhân - Đảng Cộng sản. Đồng thời, cũng từ “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất” đó, thì chỉ có Đảng Cộng sản mới là hình thức tổ chức bảo đảm cho giai cấp vô sản có thể hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình là giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi bóc lột và áp bức. V.I.Lênin đã viết: “Chỉ có Đảng Cộng sản, nếu nó thực sự là đội tiền phong của giai cấp cách mạng, nếu nó bao gồm những đại biểu ưu tú nhất của giai cấp đó, nếu nó gồm tất cả những chiến sĩ cộng sản hoàn toàn có ý thức và trung thành, có học vấn và được tôi luyện bằng kinh nghiệm đấu tranh cách mạng bền bỉ, nếu nó biết gắn liền với toàn bộ cuộc sống của giai cấp mình và thông qua giai cấp đó, gắn liền với tất cả quần chúng bị bóc lột và biết làm giai cấp và quần chúng đó tin tưởng hoàn toàn vào mình - chỉ có một đảng như vậy mới có thể lãnh đạo được giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh cuối cùng, kiên quyết nhất, thẳng tay nhất chống lại tất cả mọi thế lực của giai cấp tư sản”[9]. Như vậy, chỉ có thể đánh đổ sự thống trị, áp bức của giai cấp tư sản, hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình khi phong trào cách mạng của giai cấp công nhân có được chỉ dẫn từ những nguyên lý của chủ nghĩa Mác để thành lập được một chính đảng của mình - Đảng Cộng sản.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam - kết hợp quy luật chung với yếu tố đặc thù của dân tộc

Theo Nguyễn Ái Quốc, quy luật chung của sự ra đời Đảng Cộng sản cần được vận dụng linh hoạt sáng tạo ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Phong trào yêu nước - chính là cấu thành mới cùng với phong trào công nhân và chủ nghĩa Mác - Lênin là một sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc về lý luận ra đời, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này có trái ngược hay mâu thuẫn với những nguyên lý của các nhà kinh điển? Hoàn toàn không! Nguyễn Ái Quốc khẳng định, trong thời đại ngày nay, muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Ở nước thuộc địa nửa phong kiến, vấn đề dân tộc, mâu thuẫn dân tộc là vấn đề cơ bản, bức thiết hơn vấn đề giai cấp. Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen cũng từng cho rằng, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở giai đoạn đầu mang tính chất dân tộc, vì phong trào vô sản là phong trào độc lập của khối đại đa số, mưu lợi ích cho khối đại đa số. Các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học đã kêu gọi: “Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”[10].

Về mặt lý luận, sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trong sự thành lập Đảng không những không mâu thuẫn với quan điểm của các nhà kinh điển mà còn bổ sung, phát triển giúp cho lý luận của chủ nghĩa Mác tránh cực đoan, cứng nhắc. Ph.Ăngghen coi học thuyết Mác là một hệ thống mở và lưu ý: “Học thuyết của chúng tôi không phải là một giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động”[11]. V.I.Lênin bảo vệ, phát triển học thuyết Mác cũng có lần nhấn mạnh: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”[12]. Hồ Chí Minh từng nói: “Chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”[13], và do vậy “học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”[14]. Do vậy, với Người: “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”[15] là yêu cầu có tính nguyên tắc.

Bối cảnh Việt Nam những năm hai mươi của thế kỉ XX, giai cấp công nhân Việt Nam chịu “một cổ hai tròng”, tuy mỏng về số lượng nhưng đã mang trong mình đặc điểm, phẩm chất của một giai cấp cách mạng tiên phong, trong khi phong trào yêu nước và “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước” nên chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá và thâm nhập vào phong trào công nhân lẫn phong trào yêu nước có nhiều thuận lợi. Vì thế, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là ở châu Âu”[16]. Đồng thời, yêu nước, yêu dân tộc, để giành lại chủ quyền cho giang sơn Tổ quốc trở thành “mẫu số chung” của hai phong trào và kết quyện, hỗ trợ nhau trong thu hút những lực lượng xã hội đông đảo nhất về phía cách mạng.

Trên tinh thần đó, khi thực hiện Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản về thành lập một Đảng Cộng sản chung cho ba dân tộc Đông Dương, trong thảo luận tại Hội nghị thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã lý giải: “Cái từ Đông Dương rất rộng và theo nguyên lý của chủ nghĩa Lênin, vấn đề dân tộc là vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt buộc các dân tộc khác gia nhập Đảng, làm như thế là trái với nguyên lý của chủ nghĩa Lênin. Còn cái từ An Nam thì hẹp, mà nước ta có ba miền: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Do đó từ Việt Nam hợp với cả ba miền và cũng không trái với nguyên lý của chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc”[17]. Thế nên, Hội nghị nhất trí với cách giải thích của Người và đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một sự sáng tạo, không giáo điều hoặc hữu khuynh từ lúc Đảng ra đời. Đảng ra đời vừa là chấm dứt sự khủng hoảng trong đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc cũng vừa là mốc son chói lọi đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”[18].

3. Thay lời kết

Như vậy, “lấy chủ nghĩa làm cốt” nhưng phải “củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”; tức kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng với cách giải quyết mới, không gò bó, phụ thuộc là một trong những sáng tạo cơ bản của Nguyễn Ái Quốc về lý luận tuân thủ những nguyên lý chung của xây dựng đảng kiểu mới nhưng phải kết hợp thức tỉnh ý thức, khơi dậy sức mạnh của dân tộc để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể nói, một sự kiên định đầy bản lĩnh là dám tự tin vận dụng sáng tạo chứ không phải giáo điều, bảo thủ nhưng cũng không thể vô nguyên tắc để rơi vào “chủ nghĩa xét lại” hay “chệch hướng” ngay từ lúc Đảng ra đời. Những sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trong thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở một nước thuộc địa đã được thực tế cách mạng Việt Nam và thế giới chứng minh là đúng đắn và khoa học. Đây không chỉ là giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam mà còn là sự cống hiến quan trọng của Người vào kho tàng lý luận Mác - Lênin. Qua 95 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam từ sự sáng lập và rèn luyện của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã kinh qua thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tư tưởng của Người vẫn còn nguyên giá trị, soi sáng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong quá trình thực hiện các quyết sách chiến lược, các chuyển đổi có tính cách mạng để dân tộc ta vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


[1], [4], [5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.289, 289, 304.

[2]. Phan Canh: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Mũi Cà Mau 1997, tr.319.

[3]. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soan từ điển bách khoa Việt Nam: Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 1, Nxb. Trung tâm biên soạn từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995, tr.493.

[6], [8] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1975, t.6, tr.30, 32.

[7]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.7, tr.127.

[9]. V.I.Lênin: Sđd, t.41, tr.227.

[10]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, t.4, tr.623.

[11]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, t.19, tr.273.

[12]. V.I.Lênin: Sđd, t.4, tr.232.

[13]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.6, tr.247.

[14]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.611.

[15], [16] Hồ Chí Minh: Sđd, t.1, tr.510, 47

[17]. Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, In lần thứ 5, tr.68.

[18]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.406.