Ngày 27/7 hằng năm mang ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Một ngày vô cùng thiêng liêng khi cả dân tộc cúi đầu, giành một nén tâm nhang, một dấu lặng đầy cảm xúc giữa Tháng Bảy tri ân để tưởng nhớ về những người con ưu tú đã hiến dâng tuổi trẻ, xương máu và tỏa sáng vì độc lập, tự do để Tổ quốc có hòa bình, trường tồn và một cơ đồ vẻ vang như hôm nay. Đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với truyền thống hiếu nghĩa tốt đẹp của dân tộc ta. Ấy vậy, đi ngược lại đạo lý dân tộc, đâu đó vẫn có những kẻ “vọng ngôn”, mang thái độ “hằn học” cố tình bịa đặt, xuyên tạc về chính sách ưu đãi người có công của Đảng, Nhà nước, trong đó có luận điệu cho rằng “Đảng, Nhà nước lãng quên, vô ơn với người có công”. Vậy thực sự có phải như thế?

Những luận điệu xuyên tạc, vu khống trắng trợn, sai lệch bản chất sự thật

Với chiêu thức tinh vi, sử dụng thủ đoạn “bới móc”, “xoáy sâu” vào những bất cập, khó khăn trong thực hiện chính sách với người có công như công tác tìm kiếm, xác minh, quy tập hài cốt liệt sĩ; công tác xét công nhận chế độ chính sách hay một số vụ việc chưa kiểm chứng, từ đó họ lợi dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội để tung các luận điệu, cắt ghép các hình ảnh, video cố tình bịa đặt, xuyên tạc hòng phủ nhận những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Họ xuyên tạc rằng “Đảng, Nhà nước “lãng quên”, “vô ơn” không quan tâm đến thương binh, người có công, mà chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế; cho rằng những hoạt động “tri ân” của các lãnh đạo, những chính sách chỉ là tuyên truyền. Từ đó, họ đánh tráo bản chất rằng sự hi sinh, đóng góp của các anh hùng, liệt sĩ, người có công là không cần thiết, vô nghĩa, sự hi sinh đó không xứng với những chính sách ưu đãi hiện nay; suy luận rằng các anh hùng, liệt sĩ, người có công bị “Đảng cộng sản lợi dụng cho mục đích chính trị, giờ đạt được không cần nữa”; rằng “các cựu binh nghe lời đảng cộng sản hi sinh đủ thứ, về già phải vạ vật đòi chế độ”; rằng “50 trước chiến đấu bảo vệ Tổ quốc -50 sau thành dân oan của chính quyền”…

Những luận điệu trên mang đầy màu sắc chính trị phản động khi khoét sâu vào nổi đau và sự mất mát của người có công. Mưu đồ của họ nhằm tạo sự vô ơn, bạc nghĩa, phủ nhận chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước từ đó “bẻ lái dư luận”, gây lệch lạc về nhận thức, tạo bất mãn trong xã hội, làm suy giảm niềm tin, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong bộ phận xã hội, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là hành vi chống phá “đê tiện” đi ngược đạo lý dân tộc, bóp méo bản chất sự thật, tác động đến tâm tư, tình cảm và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta, vì vậy phản bác luận điệu trên và khẳng định những chủ trương, chính sách đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước ta đối với người có công là vô cùng cần thiết.

Có phải Đảng, Nhà nước lãng quên công lao của những người có công với Tổ quốc?

Câu trả lời là không có điều đó!. Trước hết, cần phải khẳng định rằng quan tâm đến người có công với cách mạng là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong suốt 80 năm thành lập nước đến nay. Điều này thể hiện rất rõ trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước qua các giai đoạn cách mạng.

Khi đất nước mới giành được độc lập, để tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, người có công đã hiến dâng xương máu vì Tổ quốc, ngày 11/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật đối với người có công, thân nhân, tử sĩ. Đều này, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người có công từ rất sớm, khi đất nước chiến tranh gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần khẳng định công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước phải luôn chăm lo tốt hơn đối với người có công, thực hiện tốt đạo lý nhân văn, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

Thực hiện lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước luôn giành sự quan tâm đặc biệt đến công tác người có công, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Trong những năm tháng khó khăn của chiến tranh nhưng Đảng vẫn luôn dành sự quan tâm đến người có công. Theo thống kê, giai đoạn 1947-1954, Đảng đã lãnh đạo Nhà nước ban hành 24 văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện chính sách chế độ đối với người có công; giai đoạn 1954-1975 là 184 văn bản; giai đoạn 1975-1985 là 523 văn bản[1]. Đồng thời, xuyên suốt mọi thời kỳ Đảng luôn khẳng định trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị phải chăm lo và ngày càng thực hiện tốt hơn công tác người có công. Qua các kỳ Đại hội, nhiều lần Đảng đề cập, nhấn mạnh đến công tác người có công, nhất là từ Đại hội VI (1986) đến nay. Gần đây, Đại hội XIII của Đảng (2021) khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải tiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”[2].

Cùng với những quan điểm thể hiện trong các văn kiện, Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, kết luận, nghị quyết quan trọng nhằm tăng cường chỉ đạo hệ thống chính trị không nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác người có công, gần đây là Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017, về “Tiếp tục tăng cường về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”; Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về “ Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”, xác định: “ Chú trọng thực hiện chính sách ưu đãi với có công với cách mạng, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công…Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khuyến khích tổ chức cá nhân và toàn xã hội tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa””[3].

Trên cơ sở đó, Đảng đã lãnh đạo hệ thống chính trị cụ thể hóa đường lối, chủ trương bằng việc xây dựng, sửa đổi và ban hành nhiều chính sách quan trọng vừa tạo cơ sở pháp lý vừa nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách người có công. Theo đó, từ năm 2012 đến nay Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 69 văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công, trong đó có 3 pháp lệnh của Quốc hội, 1 chỉ thị của Bộ Chính trị, 1 Chỉ thị của Ban Bí thư, 2 nghị quyết và 11 nghị định của Chính phủ, 10 quyết định của Chủ tịch nước[4] Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, nhiều chỉ thị, quyết định, nghị định liên quan và nhất là việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh người có công với cách mạng được ban hành lần đầu vào năm 1994, đến nay đã 7 lần sửa đổi vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và lần gần đây nhất vào ngày 9/12/2020. Việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh nhằm hoàn thiện chính sách, khắc phục những tồn tại từ thực tiễn và nâng cao, mở rộng chính sách ưu đãi đối với các đối tượng chính sách phù hợp với thực tiễn mới. Đồng hành cùng chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng, Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều các chính sách hỗ trợ khác như chính sách ưu đãi về nhà ở; về vay vốn; ưu đãi trong giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khỏe người có công…

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, toàn hệ thống chính trị luôn quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách, dành những điều kiện tốt nhất để không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người có công và thân nhân người có công.

Ở nước ta hiện nay xác nhận có khoảng 9,2 triệu người có công, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sỹ, gần 500 ngàn thân nhân liệt sỹ, trên 117 ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng; trên 80 ngàn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; gần 185 ngàn bệnh binh, trên 320 ngàn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…

Thực hiện chính sách, cả nước hiện có trên 1,4 triệu người có công được hưởng trợ cấp và trên 280 ngàn thân nhân đang hưởng tử tuất hàng tháng. Ngân sách chi ưu đãi người có công luôn tăng theo từng năm, riêng năm 2024, tổng ngân sách thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công là 35.629 tỷ đồng, tăng thêm hơn 5.300 tỷ đồng so với năm 2023[5]. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế, nguồn lực quốc gia, mức ưu đãi người có công không ngừng được nâng cao, điển hình ngày 01/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ, theo đó quy định mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng, thực hiện từ 1/7/2024. Đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp người có công với cách mạng trong 20 năm qua, góp phần động viên, nâng cao đời sống người có công và thân nhân người có công. Hiện có 99% số hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” được tổ chức sâu rộng, thiết thực mang đầy tính nhân văn nghĩa đồng bào. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục tri ân luôn được đẩy mạnh. Nhiều phong trào, hoạt động tự nguyện rộng khắp, mang dấu ấn của toàn xã hội như quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhà tình nghĩa, xây dựng sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc thân nhân liệt sĩ, người có công…được tổ chức thường xuyên, liên tục, trở thành nét đặc trưng trong đời sống văn hóa của toàn xã hội, tạo ra sức mạnh to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với người có công.

Nhiều chính sách tác động trực tiếp đến các đối tượng người có công và thân nhân người có công như chính sách nhà ở, vay vốn; chăm sóc sức khỏe; giáo dục, đào tạo; thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ… thực hiện hiệu quả. Trong đó chính sách giáo dục đào tạo, hỗ trợ nghề nghiệp, sản xuất kinh doanh đã giúp gia đình người có công có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Công tác chăm sóc sức khỏe đối với người có công thực hiệu quả với mạng lưới các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng được quy hoạch tổng thể, rộng khắp trong cả nước. Công tác xác nhận, công nhận đối tượng người có công; tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liêt sĩ được quan tâm. Việc nâng cấp, tu bổ nghĩa trang, mộ liệt sĩ được tổ chức thường xuyên…

Có thể nói, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác “đền ơn, đáp nghĩa” đã góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công, vun đắp tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thể hiện đạo lý hiếu nghĩa tốt đẹp của dân tộc ta. Thực tiễn đó chứng minh rằng “Đảng, nhà nước ta không bao giờ quên công lao của những người có công” như các thế lực thù địch xuyên tạc, mà “trong mỗi giai đoạn cách mạng, dù khó khăn đến đâu, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và thực hiện tốt nhất có thể chính sách xã hội đối với người đã có công với nước, những người đã đóng góp, hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc”[6] như  lời Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.


[1]https://nhandan.vn/thuc-hien-tot-chinh-sach-voi-nguoi-co-cong-post872449.html

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, t.II, tr.43

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-quyet-42-NQ-TW-2023-doi-moi-nang-cao-chat-luong-chinh-sach-xa-hoi-xay-dung-To-quoc-589023.aspx

[4] https://www.tapchicongsan.org.vn/van_hoa_xa_hoi/-/2018/827437/thuc-hien-tot-chinh-sach-voi-nguoi-co-cong-voi-cach-mang%2C-gop-phan-bao-dam-an-sinh-xa-hoi%2C-phat-trien-ben-vung-dat-nuoc.aspx

[5] https://nhandan.vn/nam-2024-tang-hon-5300-ty-dong-thuc-hien-tro-cap-phu-cap-uu-dai-voi-nguoi-co-cong-post817610.html

[6] https://nhandan.vn/thuc-hien-tot-chinh-sach-voi-nguoi-co-cong-post872449.html