Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, kể từ những ngày đầu tham gia cách mạng cho đến lúc mất, đặc biệt thời kỳ giữ cương vị Chủ tịch nước (từ năm 1945 đến năm 1969), đã có nhiều đóng góp quý báu, to lớn, để lại nhiều kinh nghiệm có giá trị lâu bền về ngoại giao nói chung, ngoại giao văn hoá nói riêng cho cách mạng của Việt Nam. Người là một biểu tượng cao đẹp, đại diện cho những tinh hoa văn hoá của Việt Nam và nhân loại

Thời kỳ định hình và bước đầu phát huy vai trò của lĩnh vực ngoại giao văn hóa (trước năm 1945)

Năm 1921, tại Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Pháp họp ở Mác Xây, Người có một sáng kiến ngoại giao văn hoá mang ý nghĩa với cách mạng thế giới cũng như các nước thuộc địa, đó là: “yêu cầu Đảng nghiên cứu và tổ chức một chính sách thuộc địa có tính cộng sản. Người đề nghị thành lập một ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng. Ban sẽ trình bày một báo cáo trước Đại hội trong năm tới”[1].

Năm sau (năm 1922), Quốc tế Cộng sản thành lập Ban Phương Đông (tiền thân là Hội đồng Tuyên truyền các dân tộc phương Đông). Bộ Phương Đông Quốc tế Cộng sản từ sau Đại hội V Quốc tế Cộng sản (1924) gồm hai bộ phận phụ trách hai khu vực là Trung Đông và Viễn Đông (trong đó có Đông Dương).

Cuối năm 1923, khi mới đến Liên Xô, Người đã có cuộc gặp gỡ nhà thơ O-xíp Man-đen-Xtam. Mặc dù thời gian tiếp xúc không nhiều, nhưng nhà thơ đã thấy được hình ảnh của đất nước, văn hóa Việt Nam qua con người Nguyễn Ái Quốc “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và thanh lịch, chuộng nếp sống điều độ và ghét thói thái quá. Qua cử chỉ cao thượng và tiếng nói trầm lặng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”, và “Cả diện mạo của Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một nền văn hoá, không phải là văn hoá châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai”[2].

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chủ động và nhiệt thành thiết lập quan hệ Việt  - Mỹ

Hồ Chí Minh với những người bạn Mỹ trước Cách mạng tháng Tám 1945 (Ảnh tư liệu)

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, có những thời điểm Nguyễn Ái Quốc phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, sức ép không hề nhỏ về mặt tinh thần từ những người bạn, tổ chức cách mạng của mình. Đỉnh điểm của tình trạng ấy là việc Quốc tế Cộng sản thành lập Ban Thẩm tra Vụ việc Nguyễn Ái Quốc vào tháng 2/1936. “Những năm không vui 1934-1938 đã rèn cho Hồ Chí Minh nhiều điều, rèn dũa thêm tính kiên trì, mềm mỏng hơn trong các mối quan hệ nội bộ, trầm lắng và khôn khéo hơn. Qua từng thời kỳ, từng giai đoạn sóng gió của thời cuộc và của cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã học, đã thấm và đã chuốt được thêm chữ “Nhẫn”. Điều này không dễ và không phải ai cũng làm được”[3].

Như vậy, sự kiên nhẫn chờ đợi, bình tĩnh, bản lĩnh trong cách ứng xử của Nguyễn Ái Quốc đối với bạn bè, các đồng chí quốc tế khi có thái độ hoài nghi về mình đã cho chúng ta thấy rõ tầm nhìn xa, trông rộng; phương pháp khoa học, sâu sắc (lấy tĩnh chế động; lấy nhu thắng cương…); phong cách ngoại giao văn hóa của Người.

Trở về nước năm 1941, để hỗ trợ lực lượng cách mạng trong nước, Nguyễn Ái Quốc bắt tay ngay vào công tác ngoại giao, tranh thủ tìm sự ủng hộ của các nước tiến bộ trên thế giới. Từ năm 1942 đến năm 1945, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh nhiều lần sang Trung Quốc gặp gỡ lực lượng phe Đồng Minh, một số lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ và Ngoại trưởng Mỹ. Mặc dù có sự khác biệt giữa chế độ chính trị và con đường cách mạng Việt Nam đang tiến hành, nhưng với sự kiên trì, khéo léo, gợi lên những nét tương đồng về lịch sử, văn hoá và cùng một kẻ thù phát xít, bước đầu Hồ Chí Minh đã thuyết phục được lực lượng của Mỹ hợp tác với lực lượng Việt Minh chống lại sự chiếm đóng của quân đội Nhật ở Đông Dương. Có thể nói, đây cũng là một trong những thành công nổi bật ở lĩnh vực ngoại giao văn hóa của Hồ Chí Minh thời kỳ này.

Thời kỳ đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa (từ năm 1945 đến năm 1969)

Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Hồ Chí Minh có ý định thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Mỹ lên tầm cao mới. Ngày 16/02/1946, với tư cách là Chủ tịch nước, Người chính thức gửi thư cho Tổng thống Mỹ. Trong thư, Người đề cao vai trò bảo vệ và bênh vực công lý của nước Mỹ, mong muốn Mỹ công nhận nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và bày tỏ thiện chí mong muốn hợp tác toàn diện với nước Mỹ. Mặc dù không thành công, nhưng hoạt động ngoại giao này thể hiện tầm nhìn và tầm vóc văn hoá của Hồ Chí Minh.

Sau năm 1945, đứng trước những khó khăn, thử thách lớn “ngàn cân treo sợi tóc”, đặc biệt là nạn thù trong, giặc ngoài, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chi Chí Minh đã sáng suốt thực hiện sách lược “hòa hoãn” để cứu vãn nền hòa bình cho Việt Nam; đồng thời, phân hóa nội bộ kẻ thù, tinh thần chỉ đạo chung là: “hoà để tiến”, “chiến tranh chỉ là giải pháp cuối cùng”. Quán triệt tinh thần ấy, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí với thực dân Pháp Hiệp định Sơ bộ (ngày 06/3/1946), Tạm ước (ngày 14/9/1946). Đây là những văn bản có ý nghĩa sách lược và giá trị lớn cho cách mạng Việt Nam, đem lại thời gian hoà bình quý giá, cần thiết để chúng ta xây dựng lực lượng về mọi mặt cho cuộc kháng chiến vệ quốc lâu dài sau đó. Thắng lợi này là sự tổng hòa của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, điển hình là vai trò của Hồ Chí Minh, trong đó phải kể đến những hoạt động ngoại giao có tính chất văn hóa của Người.

Năm 1950, Trung Quốc và Liên Xô đã công nhận Việt Nam. Để có được kết quả này, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng đoàn ngoại giao Việt Nam miệt mài, kiên trì, nỗ lực thăm hỏi thường xuyên lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Vào những năm 1960, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc có dấu hiệu rạn nứt. Theo thông lệ, đến ngày sinh nhật các nhà lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc, các nước vẫn gửi điện đến để chúc mừng. Tuy nhiên, thời gian này, “Trung Quốc chủ trương không gửi điện mừng sinh nhật lãnh đạo các nước khác và cũng đề nghị các nước anh em không gửi điện mừng lãnh đạo Trung Quốc nữa.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Ba Lan cùng đông đảo người dân Thủ đô Warszawa nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thăm chính thức Ba Lan, ngày 21/7/1957( Ảnh tư liệu)

Tháng 4/1964, nhà lãnh đạo Liên Xô Khơruxốp tròn 70 tuổi. Với N. S. Khơruxốp, Việt Nam cần thể hiện thân thiện, nhưng thể hiện sao cho phù hợp với tình hình lúc đó. Trước ngày sinh nhật Khơruxốp, Bác Hồ mời Đại sứ Liên Xô đến Phủ Chủ tịch dùng cơm tối. Mở đầu, Bác nâng ly rượu chúc sức khỏe đồng chí Nikita Sécgâyêvích Khơruxốp nhân dịp sinh nhật lần thứ 70. Đồng chí Đại sứ từ ngạc nhiên do bất ngờ sang xúc động, hứa báo cáo ngay về nước cử chỉ thân thiện rất đặc biệt này của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo chí Việt Nam không đưa tin này, nhưng sau đó, Đại sứ Liên Xô đã gặp lại Bác chuyển lời “đồng chí Khơruxốp chân thành cảm ơn đồng chí Hồ Chí Minh”[4].

Trước đó, trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1958, Hồ Chí Minh cũng đã để lại trong lòng nhân dân và lãnh đạo nhà nước Ấn Độ nhiều tình cảm sâu sắc. Hình ảnh về vị lãnh tụ hết sức giản dị, gần gũi, trí tuệ và văn hoá. Sang đó, Người vẫn đi đôi dép cao su thường ngày vẫn sử dụng và cởi dép để bên ngoài khi ghé thăm một ngôi chùa, bắt tay người chở xích lô khi đi ngoài phố…Trong sự kiện chiêu đãi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Ấn Độ đã bày tỏ lòng mến mộ đối với Hồ Chí Minh: “Tôi không có nhiệm vụ trong cuộc chiêu đãi này, nhưng tôi cũng cố gắng đến tham gia vì là chiêu đãi Hồ Chủ tịch... Hồ Chủ tịch là một nhân vật đặc biệt, tính rất giản đơn nhưng lòng rất rộng rãi. Hôm qua khi từ sân bay về, Hồ Chủ tịch nói với tôi rằng ngài có đem từ Hà Nội sang một vòng hoa và một cây Đại để đặt và trồng ở nơi kỷ niệm Thánh Găngđi. Ngài còn nói thêm rằng cũng có đưa vòng hoa và cây Đào để kỷ niệm ông cụ thân sinh tôi. Hồ Chủ tịch gặp ông cụ thân sinh tôi thủ đô Bỉ năm 1927 trong cuộc Hội nghị quốc tế chống chủ nghĩa thực dân. Một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và cách đây đã lâu năm mà Hồ Chủ tịch còn nhớ đến cụ thân sinh tôi. Đó tuy là một việc bình thường nhưng nó chứng tỏ một cách rõ rệt phẩm chất vĩ đại của Hồ Chủ tịch”[5] .

Cũng trong thời gian này, Hồ Chí Minh có chuyến ngoại giao đến Miến Điện (Mianma), trong suốt các cuộc gặp gỡ, hai nguyên thủ quốc gia đã dùng tiếng Anh để nói chuyện với nhau rất thân mật, không cần đến phiên dịch. Không chỉ bàn về công việc, tổng thống Miến Điện và Hồ Chí Minh còn cùng nhau đi dạo, vãn cảnh quanh Hồ và một số nơi khác.

Với Hồ Chí Minh, lúc còn sống hay đã mất, Người luôn luôn được nhân dân thế giới yêu mến và đánh giá cao ở nhiều lĩnh vực, nổi bật là lĩnh vực văn hoá, phạm vi nhỏ hơn là ngoại giao văn hoá. Người đã đặt nền móng cho rất nhiều mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam và các quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới. Người là một tượng đài tự nhiên, sừng sững trong lòng nhân dân tiến bộ thế giới. Một người đã ghi dòng cảm xúc về Hồ Chí Minh như sau: “Giữa những ngày cả nước ta và thế giới tưởng niệm Bác Hồ, vị Chủ tịch có địa vị chính trị cao nhất nước, thì trên tờ báo Bằng chứng thiên chúa giáo xuất bản tại Paris đã sớm nhận ra sự nổi bật khác thường “hình ảnh của một lãnh tụ tỏ rõ tinh thần trước hết là đầy tớ của nhân dân”, vị lãnh tụ đó “không phải là nhà chỉ huy mà đúng ra là một con người đi thức tỉnh các tâm hồn”, đó là một đặc điểm của văn hoá chính trị, văn hoá cầm quyền - người lãnh đạo không đứng trên dân để hét bảo, ra lệnh mà là hoà vào dân khuyên nhủ, vận động, thuyết phục, khác hẳn với những gì họ thấy ở xã hội mà họ đang sống”[6].

Có thể thấy, trước năm 1945, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh hoạt động ngoại giao với tư cách độc lập cá nhân hoặc đại diện một số tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam. Sau năm 1945, với tư cách là Chủ tịch nước, nguyên thủ quốc gia, Người đại diện cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thực hiện các cuộc tiếp xúc đối ngoại với các nước, tổ chức, đối tác bên ngoài. Sự thành công trong hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có một yếu tố hết sức quan trọng là nội dung văn hoá luôn bao trùm và chi phối các hoạt động ngoại giao. Văn hoá như một “chất xúc tác”, nó vừa là một động lực, vừa là mục tiêu của ngoại giao. Đó là một diện mạo ngoại giao đặc biệt ở Hồ Chí Minh – “ngoại giao văn hoá” và “văn hoá ngoại giao”.

Nhờ những cống hiến vĩ đại của Người đối với dân tộc và nhân loại ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hoá, ngày 20/10/1987 (nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh), Đạ hội Đồng Unesco đã họp và thông qua bản Nghị quyết vinh danh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”, nội dung của Nghị quyết nêu rõ: “Nhận thấy những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”[7].

 

[1] Hồ Chí Minh - CDROM: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, tập 1, Hà Nội, 2011, tr.475.

[2] Hữu Thọ (2009), Mấy cảm nhận về “Văn hóa Hồ Chí Minh”, Tạp chí Tuyên giáo số tháng 5, Hà Nội (http://tuyengiao.vn/tuyen-truyen/may-cam-nhan-ve-van-hoa-ho-chi-minh-9033).

[4] Nguyễn Văn Quang (2017), không gian văn hóa huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh, LATS, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.103.

[5] Hồ Chí Minh (2011) - CDROM: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, tập 9, Hà Nội, tr.84.

[6] Hữu Thọ (2009), Mấy cảm nhận về “Văn hóa Hồ Chí Minh”, Tạp chí Tuyên giáo số tháng 5, Hà Nội (http://tuyengiao.vn/tuyen-truyen/may-cam-nhan-ve-van-hoa-ho-chi-minh-9033).