Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát đi “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”, trong đó câu nói bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành chân lý của mọi thời đại. Đây không chỉ là mệnh lệnh thời chiến, mà còn là tuyên ngôn giá trị, khẳng định ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam, đồng thời phản ánh khát vọng hòa bình chính đáng của nhân dân ta

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh khốc liệt và những thách thức an ninh phi truyền thống ngày nay, việc nghiên cứu sâu sắc tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là cần thiết, cấp bách. Đó không chỉ là trách nhiệm với lịch sử, mà còn là cơ sở lý luận, thực tiễn để bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững chủ quyền, và phát huy khát vọng dựng xây Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” – lời hịch thức tỉnh, hiệu triệu toàn dân tộc

Năm 1966, Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, đồng thời tăng quân trực tiếp tham chiến ở miền Nam. Tình hình đất nước đứng trước thử thách sinh tử. Nguy cơ bị khuất phục bằng bạo lực quân sự của đế quốc Mỹ hiện hữu. Trong bối cảnh đó, ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, kêu gọi toàn dân đoàn kết, dồn sức đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, quyết không để đất nước rơi vào ách nô lệ một lần nữa.

Đặc biệt, câu nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” như một lời hịch của non sông, thể hiện ý chí sắt đá, khẳng định quyết tâm chiến đấu đến cùng, đồng thời cho thấy tầm cao tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh, kêu gọi toàn dân tộc chiến đấu vì khát vọng độc lập, tự do, hòa bình.

Trong hoàn cảnh cam go của cuộc chiến, lời kêu gọi của Bác đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết, quy tụ mọi tầng lớp nhân dân, biến ý chí thành hành động cụ thể: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" (Ảnh tư liệu)

Đồng thời, Lời kêu gọi đã khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam. Giữa bom đạn ác liệt, miền Bắc vẫn kiên cường sản xuất, chi viện tiền tuyến. Quân và dân miền Nam dũng cảm bám đất, đánh Mỹ giành thắng lợi từng bước. Đặc biệt, thông qua lời kêu gọi, Việt Nam khẳng định cuộc kháng chiến nhân dân Việt Nam tiến hành là chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập, tự do. Đó là cơ sở cuộc chiến của nhân dân ta đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã góp phần làm nên thắng lợi lịch sử 30/4/1975, thống nhất đất nước. Đó là minh chứng hùng hồn cho chân lý “Dân tộc Việt Nam quyết không chịu làm nô lệ”.

Trong hòa bình, xây dựng đất nước hôm nay độc lập, tự do không chỉ là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mà còn là giữ vững bản lĩnh chính trị, không lệ thuộc, không bị chi phối, áp đặt từ bất kỳ thế lực nào. Độc lập, tự do gắn với khát vọng xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, đi đôi với hội nhập sâu rộng, hiệu quả. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” giúp Việt Nam kiên định lập trường, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, đồng thời chủ động, tích cực hợp tác vì hòa bình, phát triển.

Nhận thức sâu sắc về giá trị to lớn, trường tồn của văn kiện “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà còn trong công cuộc xây dựng đất nước thời bình và sự phát triển lâu dài của dân tộc - ngày 01/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1426/QĐ-TTg, công nhận Bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước” là một trong năm bảo vật quốc gia thuộc các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh tác phẩm này, bốn bảo vật quốc gia khác được công nhận gồm: “Đường Kách mệnh” (1927), “Nhật ký trong tù” (1942-1943), bản thảo “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” (1946), và “Di chúc” (1965-1969).

Việc tôn vinh năm bảo vật quốc gia này không chỉ khẳng định ý nghĩa to lớn của những di sản tư tưởng, tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc, mà còn là lời nhắc nhở mỗi người Việt Nam hôm nay cần soi mình vào tấm gương đạo đức sáng ngời của Người, hun đúc niềm tin, khơi dậy khát vọng, phát huy cao nhất tài năng và sức lực để cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường.

Quân và dân miến Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ (Ảnh tư liệu)

Bảo vệ và phát huy giá trị “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trước sự chống phá của các thế lực thù địch

Ngày nay, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không chỉ là chân lý bất biến mà còn đang bị các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận. Chúng cố tình bóp méo lịch sử, xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là “nồi da xáo thịt” thay vì chính nghĩa bảo vệ độc lập, tự do. Mục đích là làm giảm niềm tin của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ vào giá trị lịch sử dân tộc.

Chúng còn lợi dụng khẩu hiệu “tự do, dân chủ, nhân quyền” theo tiêu chuẩn phương Tây, phủ nhận thành tựu về tự do, nhân quyền ở Việt Nam, nhằm kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Lợi dụng chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng, Nhà nước, các thế lực thù địch bóp méo rằng Việt Nam “đang đánh mất độc lập” khi tham gia các FTA, hợp tác quốc tế… để gây hoang mang, chia rẽ nội bộ, kích động chống đối.

Thực tiễn gần 80 năm dựng nước, giữ nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh: chỉ có độc lập, tự do mới bảo vệ được sự tồn vong dân tộc, không có gì thay thế được. Luật pháp quốc tế cũng đã công nhận quyền độc lập, tự do của các quốc gia, quyền dân tộc tự quyết; không ai có quyền can thiệp công việc nội bộ của quốc gia có chủ quyền.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nhờ kiên định độc lập, tự chủ, Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo, vươn lên nhóm nước có thu nhập trung bình, khẳng định vị thế quốc tế ngày càng cao và có những đóng góp thiết thực vào tiến trình hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới.

Bảo vệ và phát huy giá trị của Lời kêu gọi cũng như chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trước sự tấn công của các thế lực thù địch hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để giữ vững nền độc lập và dựng xây tương lai thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam.

Một là, tuyên truyền sâu rộng giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Nâng cao ý thức cảnh giác trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, phủ nhận thành quả của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cổ xúy cho tư tưởng “tự do, dân chủ, nhân quyền” phương Tây… Đồng thời tăng cường giáo dục lý luận chính trị, lịch sử dân tộc, đặc biệt cho thế hệ trẻ, để họ tự tin, tự hào, không bị dao động trước luận điệu xuyên tạc. Phát huy vai trò báo chí, truyền thông, mạng xã hội trong việc chủ động cung cấp thông tin chính thống, phản bác kịp thời quan điểm sai trái, xuyên tạc. Tăng cường đấu tranh trên không gian mạng, hình thành lực lượng đấu tranh dư luận xã hội lành mạnh; kết hợp giữa “xây” và “chống”, lan tỏa giá trị độc lập, tự do, khát vọng hòa bình.

Hai là, không ngừng hoàn thiện thể chế pháp luật bảo vệ độc lập, chủ quyền. Kịp thời luật hóa các quy định bảo vệ an ninh quốc gia trên môi trường số; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Phát huy dân chủ, bảo đảm tự do, quyền con người; thực hiện tốt an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ba là, phải kết hợp chặt chẽ sức mạnh của “ý Đảng - lòng dân”, xây dựng và củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân. Tăng cường phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí và hành động, kiên định con đường độc lập, tự chủ, bảo vệ vững chắc những thành quả cách mạng; hiện thực hóa khát vọng hòa bình, phát triển đất nước phồn vinh. Đồng thời, phải nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Cần kết hợp hài hòa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, hiện đại hóa quân đội, nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là chân lý vĩnh hằng, giá trị trường tồn, kết tinh khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, chúng ta càng phải nhận thức sâu sắc, kiên định, bảo vệ và phát huy giá trị ấy bằng những hành động thiết thực: xây dựng đất nước giàu mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, hội nhập quốc tế hiệu quả, để khát vọng hòa bình, phát triển sớm trở thành hiện thực, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.