Trong thời đại Hồ Chí Minh, thế hệ trẻ Việt Nam là “cánh tay đắc lực” của Đảng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thế nhưng với âm mưu thâm độc, chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, cho rằng thế hệ trẻ ngày nay đang dần “xa rời lịch sử dân tộc”, “quay lưng lại” với lịch sử của cha ông. Cần cảnh giác, nhận diện và đấu tranh với những luận điệu lệch lạc, sai trái này để luôn tin tưởng vào thế hệ “tương lai của dân tộc”.
Nhận diện những luận điệu sai trái
Tấn công vào thế hệ trẻ luôn là một trong những mục tiêu mà các thế lực thù địch thường xuyên hướng đến. Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay là một lực lượng đông đảo, có lợi thế về sức khỏe, trí tuệ, tinh thần nhiệt huyết cách mạng sáng tạo. Một bộ phận thanh niên tuy nhạy cảm với cái mới nhưng có tâm lý dễ dao động nên thường bị các thế lực thù địch “để mắt” đến. Các thế lực thù địch cũng thường đưa ra các luận điệu xuyên tạc thế hệ trẻ hòng làm mất niềm tin của xã hội về những người trẻ.
Luận điệu xuyên tạc khá phổ biến cho rằng thế hệ trẻ đang ngày càng xa dần các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, xa rời lịch sử nên có tâm lý “quay lưng”, “bài xích” lịch sử của cha ông. Mục đích của các luận điệu này hòng ra sức cổ súy các “giá trị” phương Tây, truyền bá các sản phẩm văn hóa ngoại lai, phản nhân văn, phi văn hóa nhằm kích động tâm lý, lối sống thực dụng. Mục đích sâu xa là tạo ra một thế hệ trẻ “mất gốc”, “sính ngoại”, “nổi loạn”, “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”, mất niềm tin vào chế độ, thiếu lý tưởng sống cao đẹp.
Đây là những luận điệu tấn công trực diện vào thế hệ tương lai của nước nhà. Trong thời điểm này, các luận điệu này càng nguy hiểm vì năm 2025, đất nước kỷ niệm rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng như 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam… Do đó, không thể xem nhẹ!
Thế hệ trẻ Việt Nam luôn tự hào về lịch sử của dân tộc
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm đấu tranh, xây dựng và phát triển. Từ thời kỳ dựng nước của các vua Hùng, qua những cuộc chiến tranh giữ nước chống lại quân xâm lược phương Bắc, cho đến các cuộc chiến tranh vệ quốc trong thế kỷ 20, nhân dân Việt Nam lớp lớp các thế hệ, không phân biệt già trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng luôn thể hiện một tinh thần đoàn kết, kiên cường và bất khuất. Những chiến công oanh liệt ấy là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, tuổi trẻ Việt Nam qua các thế hệ đã tiếp tục góp phần vun đắp truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, hàng triệu đoàn viên thanh niên ưu tú đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập với thế giới, người trẻ không ngại gian khổ, khó khăn, ra sức rèn đức, luyện tài, lập thân, lập nghiệp, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng tình nguyện xả thân vì nghĩa lớn, vì cộng đồng, vì Nhân dân và Tổ quốc. Họ luôn ý thức trách nhiệm sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẵn sàng đấu tranh với mọi âm mưu gây tổn hại đến lợi ích đất nước.
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, nhiều bạn trẻ đã và đang cố gắng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, chẳng hạn như tham gia vào các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, nghiên cứu lịch sử, và sáng tạo nghệ thuật từ những yếu tố truyền thống. Thế hệ trẻ không những “miễn dịch” với các yếu tố tác động tiêu cực bên ngoài mà còn tự định hình và sáng tạo ra con đường riêng của mình. Họ có khả năng học hỏi nhanh chóng, sáng tạo, và kết nối rộng khắp trên toàn cầu, điều này mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển cho giới trẻ hiện nay.
Thực tiễn cũng cho thấy, thế hệ trẻ hiện nay cũng có sự khát khao tìm hiểu lịch sử dân tộc, đặc biệt là khi họ đối mặt với những câu hỏi về bản sắc dân tộc trong thế giới toàn cầu hóa. Nhiều bạn trẻ tham gia vào các câu lạc bộ lịch sử, các dự án nghiên cứu về văn hóa dân tộc, và thậm chí là các hoạt động tình nguyện bảo vệ di sản văn hóa. Họ không chỉ tìm hiểu về lịch sử qua sách vở mà còn tìm cách đưa lịch sử vào cuộc sống, chẳng hạn như qua các dự án nghệ thuật, phim ảnh hay âm nhạc.
Nhiều người trẻ không chỉ tìm cách kết nối với lịch sử qua các phương thức học tập hiện đại (học qua phim tài liệu, thảo luận nhóm, hoặc tham quan di tích lịch sử…) mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử dân tộc thông qua các sản phẩm văn hóa, văn nghệ. Điển hình là MV Bắc Bling của nữ ca sĩ trẻ Hòa Minzy mới được phát hành đầu tháng 3/2025 chính là một thông điệp của giới trẻ về tình yêu và sự lan tỏa truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước. Hiện MV đang đứng top đầu trong xu hướng âm nhạc thế giới, mang lịch sử, văn hóa của vùng đất Kinh Bắc đến đông đảo bạn bè khắp năm châu. Những hoạt động này không chỉ giúp thế hệ trẻ kết nối với quá khứ mà còn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về việc bảo vệ và phát huy những giá trị lịch sử của dân tộc. Do đó, luận điệu cho rằng thế hệ trẻ hiện nay “quay lưng” với lịch sử dân tộc là luận điệu mang tính phiến diện, quy chụp!
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng nói: “Thanh niên là những người có bầu máu nóng, giàu nghị lực và rất khát khao lý tưởng. Bởi vậy, đối với thanh niên, việc xác định lý tưởng đúng đắn là vấn đề rất quan trọng”[1]. Do đó, để góp phần phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về thế hệ trẻ Việt Nam “quay lưng” với lịch sử dân tộc, mỗi người trẻ cần luôn giữ cho mình “bầu máu nóng” đầy nhiệt huyết với lịch sử nước nhà.
[1] Lê Duẩn: Thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982.