Trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Nghệ An, với tinh thần kiên cường và ý chí mạnh mẽ, đã đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm giao thông vận tải trên tuyến đường huyết mạch, chi viện sức người, sức của cho miền Nam và cách mạng Lào, Campuchia. Với phong trào "sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm", vượt qua bom đạn, duy trì thông suốt các tuyến đường, đóng góp hơn 14.000 cán bộ, hàng chục nghìn thanh niên và hàng vạn tấn lương thực, đặc biệt là trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến, Nghệ An đã ghi dấu ấn lớn trong chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Cách đây 50 năm, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử - đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/4/2025).

Chiến thắng đó là kết quả của 21 năm (1954-1975) nhân dân ta đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại, đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, ghi vào trang sử vàng của dân tộc những chiến công hiển hách. Trong chiến thắng vĩ đại này, có sự đóng góp quan trọng của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Nghệ An.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nghệ An cùng các tỉnh trong Quân khu IV đóng vai trò hậu phương trực tiếp cho tiền tuyến miền Nam và là tiền tuyến của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Quân và dân Nghệ An, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, bảo đảm giao thông vận tải và chi viện sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nghệ An vừa là mắt xích chiến lược nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, vừa là trọng điểm bị không quân, hải quân Mỹ đánh phá ác liệt. Nhân dân Nghệ An với tinh thần kiên cường, đã phát động phong trào "Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm", huy động lực lượng toàn diện để giữ thông suốt tuyến đường vận tải. Tinh thần “Nhường nhà để hàng, nhường làng để xe” phản ánh sự hy sinh to lớn, sẵn sàng phá bỏ nhà cửa, cây cối để lấp hố bom, duy trì giao thông. Mặc dù bị bom Mỹ đánh phá dữ dội, quân và dân Nghệ An đã làm tốt nhiệm vụ bảo đảm tuyến đường huyết mạch chi viện tiền tuyến miền Nam, góp pần tạo nên những chiến thắng lớn ở chiến trường. Mặt trận bảo đảm giao thông vận tải trên địa bàn Nghệ An thời đánh Mỹ đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta như bản hùng ca về sức mạnh của nghị lực lớn lao, trí thông minh và lòng quả cảm của con người Việt Nam.

Xe ta qua phà Bến Thủy (Ảnh tư liệu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nghệ An)

Cùng với việc bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, quân và dân Nghệ An đã góp phần chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt.

Về chi viện sức người cho chiến trường, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã có hơn 14.000 cán bộ, chiến sỹ được bổ sung cho các chiến trường và hơn 16.000 thanh niên là con, em các dân tộc Nghệ An lên đường tòng quân đánh giặc, 12.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu trên các tuyến lửa, chiến trường3.

Ngoài ra, nhân dân Nghệ An còn huy động hơn 40 triệu ngày công mở đường giao thông, phục vụ chiến đấu. Những chiến công của quân và dân Nghệ An đã góp phần đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ đối với miền Bắc, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Dân quân đơn vị 57 xã Diễn Thành (Diễn Châu) sẵn sàng chiến đấu

(Ảnh tư liệu Ban Chỉ huy quân sự huyện Diễn Châu)

Đến đầu năm 1975, Nghệ An đã xuất sắc hoàn thành công tác tuyển quân, vượt qua khó khăn về thời gian và nguồn lực, đạt 104% chỉ tiêu hai năm 1975-1976, với 8 huyện vượt mức từ 108% đến 128%. Tỉnh còn giao cho Quân Khu IV 3 trung đoàn, 7 tiểu đoàn và 4.000 quân, đạt kết quả cao nhất trong 17 năm thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự1. Đảng bộ và nhân dân Nghệ An tận dụng thời cơ lịch sử "Một ngày bằng 20 năm", thực hiện nhiệm vụ mang tính tổng động viên để chi viện tiền tuyến trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Tháng 2/1975, tại Nghệ An tổ chức lễ xuất quân Sư đoàn 316, thần tốc vào Nam, mở màn Chiến dịch Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột, tạo đột phá cho Tổng tiến công mùa Xuân 1975.

Tiếp đó, Sư đoàn Sông Lam (F341) hành quân nhanh chóng vào miền Đông Nam Bộ, tiến công “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở cửa cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Ngoài việc chi viện trực tiếp cho chiến trường, Nghệ An thành lập 3 Trung đoàn bộ binh (E1, E2, E6), Trung đoàn pháo binh (E281) và điều động Trung đoàn 6 vào Tây Nguyên bảo vệ vùng giải phóng. Thêm vào đó, 400 chiến sĩ được bổ sung cho Trung đoàn 89 công binh tại Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế làm nhiệm vụ rà phá bom mìn. Hàng nghìn cán bộ thuộc các lĩnh vực dân chính, kinh tế, giáo dục và y tế cũng được gấp rút đưa vào miền Nam để tiếp quản vùng giải phóng, trong đó có 1.000 cán bộ, chiến sĩ công an giữ gìn an ninh và trật tự1.

Như vậy, trong kháng chiến chống Mỹ nói chung, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 nói riêng, hàng nghìn con em Nghệ An đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu trên các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Về chi viện lương thực cho tiền tuyến lớn, quân và dân tỉnh Nghệ An với tinh thần "Tất cả cho sự nghiệp giải phóng miền Nam" đã góp hết sức mình chi viện lương thực, thực phẩm cho trận đánh cuối cùng của cuộc kháng chiến. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 1975, Nghệ An trực tiếp bốc dỡ, vận chuyển 1 triệu tấn hàng hóa từ Trung ương đưa vào bàn giao cho Đoàn 599. Riêng tỉnh Nghệ An đã huy động được 6.000 tấn lương thực, 300 tấn thực phẩm chi viện chiến trường miền Nam trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân năm 1975.

Dân quân Nghệ An vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu

(Ảnh tư liệu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An)

Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Nghệ An đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ghi lại những trang sử hào hùng với các chiến công hiển hách.

Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng là dịp để chúng ta không chỉ nhận thức sâu sắc hơn về trang sử hào hùng của dân tộc mà còn nhận thức sâu sắc hơn về những bài học kinh nghiệm được đúc kết 50 năm qua, để vận dụng vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.