Lặng lẽ tồn tại qua bao thế hệ, kiến trúc Tây Nguyên – từ mái nhà rông cao vút, không gian cộng cảm nơi nhà sinh hoạt, đến những nhà mồ như cánh cửa bí ẩn nối hai thế giới – đã thổi hồn vào đại ngàn một vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa đậm tính triết lý. Nhưng trước nhịp sống gấp gáp của hiện tại, những di sản ấy đang chìm khuất dần trong gió bụi phủ mờ của thời gian. Gìn giữ chúng không đơn thuần là bảo tồn những công trình bằng gỗ, bằng tranh, mà là cầm giữ lại cả một hệ giá trị văn hóa đang thưa dần trong ký ức cộng đồng.
Nhà rông truyền thống của người Bana. Ảnh: dantri.com.vn
Những công trình kiến trúc dân gian Tây Nguyên tạo nên không gian huyền ảo không dễ gì bắt gặp ở nơi nào khác. Đành rằng, nghệ thuật kiến trúc dân gian thì mỗi vùng miền mỗi kiểu nhưng có thể cảm nhận sự đậm nét rất đặc trưng từ di sản Tây Nguyên.
Tại sao là Tây Nguyên, mà không nơi nào khác? Tây Bắc có nhà sàn, nhà trình tường chênh vênh sườn đồi rất độc đáo, Nam bộ có nhà lá, cầu khỉ đầy thi vị, đồng bằng Bắc bộ, duyên hải miền Trung có cổng làng, mái đình đến những nếp nhà cổ kính ba gian, năm gian… Là bởi, Tây Nguyên vốn cộng cư nhiều dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại chia ra nhiều nhánh. Theo đó, từ mẫu số kiến trúc chung sinh sôi, nảy nở, hình thành các kiểu dáng kiến trúc vừa giống nhau, vừa khác nhau, và tất cả đều đẹp trong sự thống nhất nhưng lại đa dạng.
Nếu đã đến, chắc chắn bạn sẽ ngẩn ngơ trước công trình Tòa Giám mục tọa lạc ở thành phố Buôn Ma Thuột hay khu vườn tượng nhà mồ ở Buôn Đôn. Những kiến trúc dân gian ấy hiện lên vẻ đẹp quyến rũ rất khó cắt nghĩa. Hay khi đứng trước những ngôi nhà xưa sót lại gọi là nhà tổ chim ở Đăk Rlấp của tỉnh Đăk Nông, những ngôi nhà rông ở Kon Chro của tỉnh Gia Lai, ở Kon Rẫy của tỉnh Kon Tum, cảm giác mê đắm trước không gian huyền thoại bỗng sống động như thật.
Trong loại hình kiến trúc dân gian, quan trọng nhất là ngôi nhà. Tây Nguyên khác nhiều vùng miền khác bởi có nhiều loại hình nhà: nhà ở, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà mồ và nhà kho.
Trước hết, nói về nhà ở. Người M’Nông phía Nam Tây Nguyên có nhà ở hình tổ chim. Nhà này còn có tên là nhà tò vò, bởi chỉ có một lối ra, vào. Nhà lợp tranh, nếu nhìn từ trên cao có hình dáng tổ chim úp ngược hay tổ tò vò. Vách nhà tứ phía được đan dựng từ cây rừng, tre và lợp tranh nên mùa hè mát và mùa đông thì lại ấm. Người Ê Đê có nhà sàn với cầu thang đẽo từ thân gỗ với biểu tượng phồn thực độc đáo. Nam Tây Nguyên, các dân tộc anh em Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng… cũng có những kiểu thức nhà sàn khác nhau, đẹp và gắn bó với thiên nhiên.
Nhà sinh hoạt cộng đồng là cách gọi hiện đại, trên thực thế đây là ngôi nhà chung của buôn làng, là nơi diễn ra những nghi lễ đặc biệt trong đời sống của cộng đồng. Đặc sắc nhất của không gian văn hóa này chính là ngôi nhà rông của các dân tộc phía Bắc Tây Nguyên. Hình ảnh những mái nhà rông như cánh chim đại bàng hay như lưỡi rìu tạc vào trời xanh, vừa hùng vĩ vừa lãng mạn, chất chứa tính thiêng truyền đời cho các thế hệ. Sau này do công tác bảo vệ rừng nghiêm ngặt, kể cả khai thác lâm sản phụ, nhiều nhà rông đã tôn hóa, bê tông hóa… làm mất đi rất nhiều vẻ đẹp của kiến trúc được xem là cổ xưa nhất ở các buôn làng.
Nhà mồ ở Tây Nguyên thì không ít công trình nghiên cứu đã xác nhận giá trị của nó. Đó là không gian tâm linh huyền bí thể hiện sâu sắc thế giới quan, nhân sinh quan của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, là dấu gạch nối giữa thế giới người sống và người đã khuất. Thật ra, nhà mồ không phải là kiến trúc duy nhất có ở vùng cao nguyên. Ngay cả các Kim tự tháp ở Ai Cập cũng là kiến trúc nhà mồ dành cho các pharaoh, người nắm giữ và trị vì vương quốc. Ngược lại với dáng vẻ hoành tráng của hàng ngàn khối đá nặng vài chục tấn xếp chồng lên nhau, nhà mồ ở Tây Nguyên lặng lẽ, khiêm nhường, dành cho tất cả mọi người khi nhắm mắt. Nhà mồ được trang trí bằng những bức họa khắc mô tả hiện thực sinh động của đời sống và trong số đó, tượng nhà mồ xứng đáng là những tác phẩm nghệ thuật dân gian đầy sức cuốn hút. Những ai từng lạc bước chân vào khu nhà mồ ở Tây Nguyên sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác để rồi tự hỏi, làm cách nào chỉ bằng rìu, rựa với thân cây rừng, người nghệ sĩ dân gian vô danh có thể tạo tác ra các bức tượng mê hoặc đến thế.
Nhà mồ của người Gia Rai. Ảnh: baophapluat.vn
Cuối cùng là nhà kho. Nhà kho thì đa phần nằm ở phía bắc Tây Nguyên, trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Đây là nơi cư trú của các dân tộc bản địa như Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Brâu… Ai lần đầu lên đây cũng ngạc nhiên, ví như cung đường đèo Violac nối từ tỉnh Kon Tum vê tỉnh Quảng Ngãi: Hai bên con đường này có nhiều nương rẫy nối tiếp nhau, mỗi nương rẫy hiện ra một mái nhà kho xinh xắn. Nhà kho giống như nhà sàn để ở nhưng mô hình bị thu nhỏ, tuy nhiên cũng có mái lợp và chiếc cầu thang be bé. Nhà kho không phải để ở mà là nơi các gia đình cất giữ chủ yếu những hạt giống tốt cho mùa sau. Chẳng hạn khi thu hoạch bắp, họ sẽ chọn những trái bắp mẩy hạt nhất để lại, phơi khô và cất giữ để làm giống. Vài nhà kho lớn hơn còn có chức năng cất giữ lương thực nếu sản lượng thu hoạch nhiều và nương rẫy ở quá xa nhà. Họ cất trữ và sẽ dùng dần cho đến khi quay vòng giáp hạt sẽ dọn dẹp sạch sẽ đón mùa vụ mới.
Kiến trúc là mảng văn hóa vật thể, nhưng qua đó, người ta có thể nhìn ra thế giới tinh thần, chiều sâu và bề dày văn hóa phi vật thể của các dân tộc: không gian huyền ảo của âm nhạc, dân ca, vũ điệu, những giọt nước, cây nêu… và hệ thống hàng trăm nghi lễ, tập tục. Làn sóng văn minh, hiện đại đến nhanh, những gì từng gắn bó với con người trong nhiều thế hệ trước như đang dần rời xa. Song, nếu buộc phải thay đổi thì hãy cố gìn giữ những gì còn lại, như gìn giữ những tấm gương cổ. Để cháu con nhìn vào đó thấy được chân dung của tiền nhân, trong chuỗi thời gian vô tận từ quá khứ đến tương lai.