“Tiếng hát át tiếng bom”, những bài ca ra đời và song hành với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cổ vũ nhân dân miền Bắc vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện miền Nam ruột thịt
21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy hào hùng, là chất liệu sôi động, phong phú để các nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm phục vụ kháng chiến, vì kháng chiến. Những bài ca đi cùng năm tháng đã vẽ lên một miền Bắc xã hội chủ nghĩa với âm hưởng vui nhộn, hòa trong không khí sôi nổi cả nước “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” ; “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, mặc dù miền Bắc cũng chìm trong khói, lửa bom đạn của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (2/1965 – 11/1968) và lần 2 (4/1972-01/1973). Miền Bắc đảm đương vai trò hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam, với khẩu hiệu “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”.
Ở các hợp tác xã nông nghiệp, thi đua xây dựng cánh đồng 5 tấn/ha, tăng sản lượng góp ngày càng nhiều cho chiến trường. Thái Bình được mệnh danh là "quê hương 5 tấn" bởi năm 1965, tỉnh đạt kỷ lục miền Bắc với năng suất lúa thu hoạch 5 tấn/ha. Địa phương chỉ chiếm 5% diện tích canh tác ở miền Bắc nhưng đóng góp gần 12% lương thực, đã được Chính phủ gửi thư khen, công nhận "Thái Bình dốc lòng chi viện tiền tuyến”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả của "Bài ca năm tấn"
Kỷ lục sản xuất 5 tấn lúa/ha của Thái Bình được nhạc sĩ Hoàng Vân đưa vào ca khúc "Hai chị em". Bài hát ngợi ca những phụ nữ đổ mồ hôi, xương máu trên "cánh đồng chống Mỹ" để mang lại vụ mùa bội thu, cung cấp lương thực cho nước nhà. Tên gọi "chị Hai năm tấn" chỉ những người phụ nữ trung hậu, đảm đang của quê lúa, bắt đầu quen thuộc với người dân cả nước kể từ đây, tiêu biểu cho xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Khoảng năm 1964 - 1965, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý xuống một hợp tác xã ở huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) - nơi năng suất lúa đạt hơn 4 tấn/ha, đứng vào hạng nhất tỉnh Hưng Yên. Thời điểm đó, Trung ương Đảng đang phát động sản lượng lúa các hợp tác toàn miền Bắc phấn đấu đạt 5 tấn/ha. Thế là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác "Bài ca năm tấn": "Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ/ Ruộng đất quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày". “Bài ca năm tấn” trở thành động lực các các hợp tác xã thi đua thực hiện chủ trương của Đảng.
Người mẹ trong “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của nhạc sỹ Nguyễn văn Tý sáng tác năm 1973 đã đi vào lòng bộ đội ta như một khúc hát ân tình thấm mãi tình Đảng, tình dân, làm rung động hàng triệu trái tim chiến sĩ và thế hệ thanh niên từ thời chống Mỹ cứu nước cho đến ngày nay. Hình bóng bà mẹ, tảo tần, bình dị đã sinh thành và chăm sóc cho con lồng với hình bóng cao cả của bà mẹ Tổ quốc. Ở đâu mẹ cũng chia sẻ, nâng giấc cho con, lo toan cho từng đứa con từ nắm cơm muối đến mảnh áo mẹ vá đêm đêm với cả tình yêu thương không bờ bến. Tấm áo mà mẹ đã gửi gắm đường kim, mũi chỉ, miếng vá bên ngọn đèn dầu trong đêm hè nóng bức hay mùa đông giá lạnh. Con đã mang đi khắp mọi miền Tổ quốc, sưởi ấm lòng con khi chiến trường khốc liệt, nơi ranh giới giữa cái sống, cái chết mong manh. Tấm áo của mẹ là quê hương, là đất nước, là nguồn động viên vô tận của chúng con trên mọi nẻo đường chiến đấu.
Bài hát “Bài ca may áo” được nhạc sỹ Xuân Hồng sáng tác năm 1960, Đặc biệt là với câu hát: "Nhanh tay lên nào anh chị em ơi" thực sự đã trở thành câu hát nằm lòng của rất nhiều các anh chị em, chiến sĩ trên chiến trường. Lời bài hát đã tái hiện cho khán giả nghe nhạc những hình ảnh chân thực nhất về chiến sĩ bộ đội, đó là hình ảnh dù dầm mưa dãi nắng, dù mưa rét run sẫm màu da vẫn không làm nhụt trí tinh thần của toàn quân và toàn dân ta cảm xúc vô cùng chân thực ý nghĩa.
“Từ ngày anh đi, việc đồng em giỏi giang. Ruộng cấy chăng dây cấy lúa thẳng hàng, đào đắp mương dẫn nước quanh làng. Tiếng hát ba đảm đang...”. Đó là những lời mở đầu cho bài hát “Đường cày đảm đang”- một sáng tác của nhạc sỹ An Chung, được phổ biến vào giữa những năm 1965-1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn khốc liệt nhất và khi Phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Việt Nam đang lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Qua tác phẩm, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện lên đảm đương vai trò hậu phương để người chiến sĩ yên tâm đánh giặc ở chiến trường
Không chỉ “chắc tay súng”, các chị còn “vững tay cày”. Trên đồng ruộng, các chị “như cánh lúa hiến cho đời bao sức sống”. Những phụ nữ dân quân khoác “cây súng théo bên mình” và “sốc tới” nhưng vẫn không quên đường cày đảm đang bởi các chị có “tình yêu ngô lúa sắn khoai”. Trong nhà máy công xưởng, phong trào thi đua giành năng suất mới được nở rộ, và có niềm vui nào tả xiết khi nhìn thấy máy móc được đưa vào thay thế cho sức người. Thật tự hào với những chị em phụ nữ của các phong trào “Ba đảm đang”; “Chắc tay súng, vững tay cày”. Ta như gặp lại những cô gái đảm Đan Phượng của Hà Tây quê lụa, “Chị Hai năm tấn” của vùng lúa Thái Bình, “Cô Ba dũng sĩ” của Trà Vinh, những cô gái Bến Tre đồng khởi đã làm nên kỳ tích anh hùng của đội quân tóc dài.
Nhạc sĩ Hoàng Vân, tác giả "Quảng Bình quê ta ơi"
Bài hát được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác năm 1970, đúng vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn cam go nhất, miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa là hậu phương vững chắc chi viện chiến trường miền Nam để “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Ta như thấy hình ảnh của nữ dân quân Ngô Thị Tuyển đã vác hòm đạn nặng hơn trọng lượng cơ thể để tiếp cho mâm pháo. Ta cũng thấy hình ảnh anh hùng lao động Cù Thị Hậu đứng bên máy dệt thoăn thoắt thoi đưa, làm ra nhiều sản phẩm, vượt năng suất. Các chị là những cánh chim không mỏi thực hiện khẩu hiệu “hậu phương thi đua với tiền phương”. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc lúc đó, các chị đều là những anh hùng, ban ngày say mê trên đồng ruộng, công xưởng, nhà máy, hầm mỏ, tối đến lại trực chiến bên mâm pháo bảo vệ làng xóm quê hương. Tác giả đã khẳng định họ là những người đã “thêu gấm hoa vào nền non nước Việt”.
"Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng bẩy/ Có mưa tháng ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng Sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy…" Bài thơ "Hạt gạo làng ta" của "thần đồng nhí" Trần Đăng Khoa thủa ấy đã tạo cảm xúc cho nhạc sỹ Trần Viết Bính để viết nên giai điệu âm nhạc chắp cánh cho thơ. Ca khúc đã đi cùng năm tháng của tuổi thơ bao thế hệ. Nhạc sĩ Trần Viết Bính viết bài hát “Hạt gạo làng ta” vào năm 1971, khi ấy đất nước ta đang có chiến tranh. Để làm ra được hạt gạo, lúc đó khó lắm, vất vả lắm, nguy hiểm lắm, vì ở ngoài đồng ruộng miền Bắc thời gian đó ngày nào cũng phải hứng chịu bom đạn của máy bay Mỹ. Vất vả ngoài ruộng đồng và bom đạn Mỹ có thể dội xuống bất cứ lúc nào, nhưng những bà mẹ, những cô, những chị thanh niên vẫn kiên gan bám trụ đồng ruộng để sản xuất, để làm hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn.
Hay như tác phẩm “Trên đường tiếp vận” (bút danh Y-Na) của nhạc sĩ Hoàng Vân. Lời bài hát vang lên theo điệu hò Thanh Hóa đã thúc giục mỗi người dân miền Bắc thực hiện vai trò hậu phương lớn: “Hò ơ. ớ ơ…../ Dòng nước kênh xanh còn có khi vơi khi đầy/ Hận thù giặc Mỹ... trong lòng có bao giờ nguôi/ Hò ơi…../Dù cho sóng cả... vẫn vững tay chèo/Ta đi tiếp vận... sớm chiều xông pha/Hò khoan khoan hỡi dô khoan/Hò khoan khoan hỡi dô khoan”.
Bài hát “Quảng Bình quê ta ơi “ của nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác vào năm 1964, thời điểm Không quân Mỹ bắt đầu mở những cuộc tấn công xâm lược quy mô lớn đầu tiên vào miền Bắc.
Mặc dù trong bom đạn, nhưng làng quê, ở các hợp tác xã nông nghiệp vẫn mang âm hưởng thanh bình, lạc quan, như bài hát “Làng quan họ quê tôi” của nhạc sĩ Phó Đức Phương, sáng tác năm 1966. Giữa những ngày tháng nước sôi lửa bỏng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bài hát ra đời như một giếng nước mát lành giữa những ngày nóng nực. Hình ảnh những cô Tấm xưa - những cô gái đảm đang trên đồng lúa quê hương quan họ nay, hiện ra bằng âm thanh thật hoàn hảo, tạo một vẻ đẹp vừa kiêu hùng lại vừa mềm mại, dịu hiền, óng ả vốn dĩ là những nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam.
Đã hơn nửa thế kỷ từ ngày bài hát “Ngày mùa”. Mỗi khi nghe lại, lòng ta vẫn nao nao nhớ về vùng quê nơi ta sinh ra, lớn lên, cát giấu tuổi thơ êm đềm. Ở nông thôn Việt Nam, những ngày mùa gặt hái với những bông lúa vàng trĩu hạt được người nông dân quẩy từ cánh đồng về nhà, mang nặng nghĩa tình của người dân quê một nắng hai sương; là cảnh sắc tiêu biểu nhất. Bởi đó là biểu tượng của ấm no, hạnh phúc của họ. Cảm nhận điều đó, nhạc sĩ Văn Cao đã viết “Ngày mùa”.
Âm nhạc bắt nguồn từ cuộc sống! Chính cuộc sống miền Bắc xã hội chủ nghĩa là nguồn cảm hứng để các nhạc sĩ sáng tác nên những bài ca mang đậm hơi thở của cuộc sống đầy sôi động, gian khó nhưng đầy lạc quan. Để ca từ của bài hát lại trở về phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đảm đương vai trò hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, thực hiện mệnh lệnh từ trái tim: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những bài ca vẫn đi cùng năm tháng!