Ngày 9/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quy định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (Nghị định 147/2024/NĐ-CP). Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2024 thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Điều 2 Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP có nhiều điểm mới, tác động trực tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước và hành vi của người dùng trong quá trình quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, gồm: dịch vụ Internet, tài nguyên Internet; thông tin trên mạng; cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.
Thứ nhất, quy định về quản lý hoạt động cung cấp xuyên biên giới. Nghị định bổ sung các quy định về chặn gỡ nội dung, dịch vụ vi phạm trong vòng 24 giờ, chặn gỡ kịp thời với nội dung, dịch vụ vi phạm an ninh quốc gia; khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm, kênh mạng xã hội thường xuyên vi phạm; xác thực và định danh tài khoản của người dùng bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Các trang thông tin điện tử của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới (có hosting tại Việt Nam hoặc có truy cập từ 100.000 lượt trở lên) phải thực hiện thủ tục thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và truyền thông và tuân thủ quy định trên.
Nghị định cũng quy định việc cung cấp thông tin người sử dụng vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu; yêu cầu chủ trang, kênh, nhóm mạng xã hội chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải và bình luận trong trang nhóm; mạng xã hội có trách nhiệm cấp xác thực (tick xanh) cho các tài khoản, trang, kênh của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, người có ảnh hưởng tại Việt Nam. Kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định pháp luật. Trẻ em dưới 16 tuổi không được tạo tài khoản mạng xã hội; mạng xã hội phải thỏa thuận với cơ quan báo chí khi dẫn nội dung trên mạng xã hội; cung cấp công cụ tìm kiếm theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an; công khai thuật toán phân phối nội dung với người sử dụng…
Thứ hai, quy định về quản lý trang thông tin điện tử và mạng xã hội trong nước. Các mạng xã hội đã được cấp phép mới được cung cấp livestream/các hoạt động phát sinh doanh thu. Các mạng xã hội có lượng truy cập thấp có thể đề nghị cấp phép theo quy định để cung cấp các dịch vụ này. Các trang tin điện tử truyền hình và mạng xã hội sẽ được cơ quan cấp phép gửi đoạn mã biểu tượng nhận diện đã cấp phép để gắn trên website/ứng dụng trên các kho ứng dụng và liên kết đến dữ liệu cấp phép của cơ quan cấp phép. Nền tảng số đa dịch vụ khi hoạt động mạng xã hội hay các dịch vụ chuyên ngành khác thì tuân thủ quy định tại Nghị định này về quản lý mạng xã hội và quy định pháp luật chuyên ngành.
Thứ ba, quy định hạn chế 'báo hóa' trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ được đăng phát chậm hơn 1 giờ so với tin gốc; lấy nguồn tin từ ít nhất 3 cơ quan báo chí. Trang thông tin điện tử tổng hợp có liên kết với báo điện tử chỉ được sản xuất về một số lĩnh vực nhất định.
Báo điện tử phải chịu trách nhiệm nội dung liên kết; tỷ lệ tin bài liên kết không quá 50% tổng số tin, bài của cơ quan báo chí trong 1 tháng; không sử dụng tên miền, tên trang gây nhầm lẫn báo chí; không được cho người dùng bình luận về các tin bài trên trang thông tin điện tử tổng hợp; mạng xã hội không được sắp xếp bài viết của thành viên thành các chuyên mục cố định; không đăng tải, viết bài dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn và đăng tải lên mạng xã hội.
Tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí, không sử dụng những từ ngữ gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí.
Thứ tư, quy định trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội. Người sử dụng không gian mạng được bảo vệ thông tin theo quy định của pháp luật, đồng thời phải chịu trách nhiệm về nội dung do mình cung cấp, lưu trữ, truyền đưa, chia sẻ trên mạng; tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành khi cung cấp dịch vụ chuyên ngành trên mạng xã hội; tuân thủ quy định về thuế và thanh toán khi có hoạt động kinh doanh, phát sinh doanh thu.
Các chủ kênh/tài khoản/nhóm cộng đồng/trang cộng đồng (fanpage) trên các mạng xã hội tại Việt Nam có quyền và trách nhiệm được đăng ký để tham gia các khóa tập huấn, phổ biến quy định pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông và được khuyến nghị lựa chọn quảng cáo; không đặt tên kênh/tài khoản/nhóm cộng đồng/trang cộng đồng giống hoặc trùng với cơ quan báo chí hoặc gây nhầm lẫn cơ quan báo chí. Có trách nhiệm tạm khóa, gỡ bỏ thông tin vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân khác chậm nhất 48 giờ khi có yêu cầu từ người sử dụng mạng xã hội hoặc chậm nhất không quá 24 giờ khi nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Không lợi dụng để sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí. Khi livestream phải tuân thủ quy định tại Nghị định này và quy định chuyên ngành.
Cơ quan báo chí khi thiết lập kênh nội dung /tài khoản/nhóm cộng đồng/trang cộng đồng (fanpage) phải thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong vòng 10 ngày. Chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp theo quy đinh của Luật Báo chí và tuân thủ đúng tôn chỉ mục đích trong Giấy phép đã được cấp.
Thứ năm, về chế tài xử lý. Nghị định quy định đình chỉ hoạt động 3 tháng các trường hợp sau: Các trang tin điện tử truyền hình, mạng xã hội vi phạm nội dung 2 lần; không tuân thủ trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ và không đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định; không thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép mạng xã hội trong vòng 60 ngày kể từ ngày Bộ Thông tin và truyền thông có văn bản thông báo. Thu hồi giấy phép các trường hợp: Không thực hiện chặn gỡ nội dung theo yêu cầu của cơ quan quản lý; không có các biện pháp khắc phục sau thời gian bị đình chỉ 3 tháng; tổ chức, doanh nghiệp có văn bản thông báo dừng hoạt động/không triển khai cung cấp dịch vụ sau thời hạn 12 tháng./.