Từ mạch nguồn ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về “ai cũng được học hành”
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, tựa như dòng sông tri thức không ngừng chảy, được bồi đắp bởi ba nguồn mạch chính, càng trở nên quan trọng và ý nghĩa hơn bao giờ hết trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ. Nguồn mạch đầu tiên và quan trọng nhất, đó là quyền bình đẳng trong học tập, là khát vọng cháy bỏng “ai cũng được học hành”, không phân biệt giàu nghèo, địa vị hay dân tộc. Trong một xã hội đang phát triển nhanh chóng, với sự phân hóa giàu nghèo có nguy cơ gia tăng, yêu cầu này càng trở nên cấp thiết, đảm bảo rằng mọi công dân đều có cơ hội tiếp cận tri thức, không ai bị bỏ lại phía sau. Nguồn mạch thứ hai, là quan điểm coi giáo dục như vũ khí sắc bén nhất để chống lại “giặc dốt”, là nhiệm vụ cấp bách, sống còn để nâng cao dân trí, xây dựng đất nước. Trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0, của kinh tế tri thức, “giặc dốt” không chỉ là mù chữ, mà còn là thiếu kỹ năng số, thiếu tư duy sáng tạo, thiếu khả năng thích ứng. Và nguồn mạch thứ ba, chính là tầm nhìn về một nền giáo dục toàn diện, không chỉ truyền thụ kiến thức, kỹ năng, phát huy năng lực mà đặc biệt là bồi dưỡng về đạo đức, lý tưởng, đào tạo những con người vừa “hồng”, vừa “chuyên”, sẵn sàng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Để có thể cạnh tranh và hợp tác quốc tế, để xây dựng một đất nước hùng cường, chúng ta cần những con người không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng, với đất nước. Tất cả những nguồn mạch ấy hòa quyện, tạo nên một sự nghiệp “trồng người” vĩ đại, một sự đầu tư cho tương lai bền vững, đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, khẳng định vị thế trên trường quốc tế, hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển, phồn vinh.
Chắp cánh ước mơ, vươn tầm dân tộc
Quyết định miễn học phí giáo dục phổ thông công lập không chỉ là một chính sách an sinh xã hội, mà còn là một chính sách đầu tư phát triển, một đòn bẩy quan trọng, chắp cánh cho ước mơ học tập của hàng triệu trẻ em – cơ sở, nền tảng góp phần hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới. Bằng việc gỡ bỏ rào cản tài chính, cánh cửa tri thức được mở toang cho mọi em nhỏ, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, nơi mà gánh nặng cuộc sống thường khiến các em phải sớm rời xa ghế nhà trường.
Không chỉ vậy, chính sách này còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phổ cập giáo dục trung học phổ thông, thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh đó, quyết định này còn tạo điều kiện để tập trung nguồn lực, nguồn lực ấy như phù sa màu mỡ, bồi đắp cho cơ sở vật chất trường lớp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên – những người đang ngày đêm thầm lặng “gieo chữ, trồng người”, chuẩn bị hành trang cho thế hệ tương lai tự tin bước vào kỷ nguyên hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Miễn học phí là lời khẳng định về sự công bằng xã hội, rằng mọi trẻ em Việt Nam, dù sinh ra ở đâu, đều có quyền được hưởng một nền giáo dục chất lượng, được phát triển toàn diện để trở thành những công dân có ích, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây không chỉ là một giải pháp kinh tế đơn thuần, mà là một quyết sách chính trị thể hiện chiến lược “trồng người” mà Bác Hồ đã dày công vun đắp. Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng, quyết định này càng mang ý nghĩa chiến lược, góp phần tạo nền tảng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời đại, đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.
Để “ai cũng được học hành” và “học tập suốt đời”
Hành trình Đảng lãnh đạo xây dựng nền giáo dục cho tất cả mọi người, thể hiện sâu sắc bản chất ưu việt tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, nơi mọi trẻ em đều có cơ hội đến trường, đang được tiếp tiếp tục có những bước tiến quan trọng, trong đó có chính sách miễn học phí. Tuy nhiên, để quyết sách quan trọng này đi vào thực tiễn làm nền tảng hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên phát triển mới, chúng ta còn nhiều việc phải làm, nhiều thử thách cần vượt qua.
Trước tiên, hãy nói về nguồn lực. Để chính sách đi vào cuộc sống, cần có một nguồn ngân sách đủ lớn, ổn định (trên cơ sở tốc độ tăng trưởng cao về kinh tế) và được sử dụng một cách thật sự minh bạch, hiệu quả, nhất là đối với sự nghiệp “trồng người”.
Tiếp theo, chất lượng giáo dục luôn là điều chúng ta trăn trở. Miễn học phí không có nghĩa là “thả nổi” chất lượng. Ngược lại, đây là cơ hội để chúng ta tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới phương pháp, tạo ra những giờ học thật sự hứng thú, bổ ích cho các em học sinh.
Một vấn đề nữa không thể không nhắc đến, đó là lạm thu và dạy thêm, học thêm tràn lan. Chúng ta cần kiên quyết nói “không” với lạm thu, tránh trường hợp miễn học phí nhưng lạm thu các chi phí khác. Cần có những biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn, xử lý những trường hợp vi phạm, để không ai vì lợi ích riêng mà làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục trong sạch.
Và tất nhiên, không thể không nói đến vai trò của thầy cô giáo – những người “lái đò” trên dòng sông tri thức. Chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến đời sống, đến việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, để họ có thể yên tâm công tác, hết lòng vì học sinh thân yêu.
Cần nhấn mạnh rằng, giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Xây dựng, phát triển nền giáo dục Việt Nam hiện đại, ưu việt, tiến bộ không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục, của nhà trường, mà còn là của mỗi gia đình, của cả cộng đồng do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý.
Quyết định miễn học phí cho học sinh phổ thông công lập là một bước tiến lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước, đồng thời hiện thực hóa khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nền giáo dục toàn dân. Đây không chỉ là giải pháp giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình, mà còn là sự đầu tư phát triển cho tương lai, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực. Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, cần sự chung tay của toàn xã hội, chỉ khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng một nền giáo dục Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, đưa Việt Nam tiến bước cùng thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu.