Thanh niên là trung tâm của xã hội, là rường cột của nước nhà
Thanh niên trong bất kỳ thời đại lịch sử nào cũng luôn ở trung tâm của xã hội, là lực lượng xung kích, đi đầu trong thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, họ nhạy bén, dễ tiếp cận, đón nhận những thay đổi và xu hướng mới.
Lịch sử đất nước Việt Nam đã khẳng định vai trò và vị thế của thanh niên, với nhiều trang sử chói lọi của dân tộc gắn với những anh hùng dân tộc và lớp lớp thế hệ trong độ tuổi “mùa xuân của cuộc đời”. Từ Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Quốc Toản... trong cuộc chiến chống lại ngoại bang phương Bắc đến Nguyễn Ái Quốc (người ra đi tìm đường cứu nước ở tuổi 21), Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong (những Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam)... trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc trước ách thống trị của thực dân phương Tây, cùng hàng triệu thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”... đã khẳng định hào khí và vai trò “rời non lấp biển” của thanh niên Việt Nam qua các thế hệ.
Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, cũng đang được chứng kiến những cống hiến rất quan trọng của giới trẻ trong góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thanh niên đang được xác định là “nhân tố chủ chốt trong việc định hình và phát triển tương lai của đất nước... sự lớn mạnh của tuổi trẻ là thành công của Đảng, là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, là sự trường tồn của dân tộc”[1].
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, kỷ nguyên số và khoa học công nghệ trên nền tảng của đổi mới sáng tạo. Đang đặt ra những thời cơ và thách thức tương tự nhau với tất cả các quốc gia trên thế giới, khoảng cách về xuất phát điểm dường như không còn là lợi thế đáng kể cho các quốc gia đi trước trong lịch sử Cách mạng công nghiệp. Kỷ nguyên số đang mở ra cơ hội bứt phá cho các dân tộc đi sau nếu biết tiến lên chớp thời cơ và làm chủ “mảnh đất mới”.
Như đã nhận định: thanh niên là tầng lớp nhạy bén, dễ tiếp thu và thích nghi với những xu hướng mới, nên bối cảnh thế giới và yêu cầu khách quan của lịch sử dân tộc, đang đòi hỏi thanh niên phải phát huy được vai trò tiên phong, sáng tạo, dám đương đầu với thử thách, dấn thân vào một “không gian mới” chưa có những tiền lệ kinh nghiệm, nhưng cũng ẩn dấu nhiều tiềm năng phát triển bứt phá cho đất nước.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là sự vận động hợp quy luật khách quan nhưng không tự nhiên có
PGS, TS. Nguyễn Viết Thảo nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định: “kỷ nguyên vươn mình này nó rất logic, khách quan, là kết quả tất yếu của những bước đi thành công trước đây”[2]. Dân tộc Việt Nam đã tự mình mở và trải qua nhiều kỷ nguyên rực rỡ trong lịch sử từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, đó là: kỷ nguyện độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội sau cách mạng Tháng Tám năm 1945; kỷ nguyên thống nhất đất nước, cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội hiện thực là một hệ thống thế giới 1975 – 1991; kỷ nguyên đổi mới, xây dựng đất nước vượt qua những biến động chính trị to lớn của thế giới, trụ vững và vươn mình theo con đường chủ nghĩa xã hội; và bây giờ là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – cơ hội “vàng” để đưa đất nước phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Nhưng với tính cách là một quy luật xã hội khách quan, những thời cơ và khả năng sẽ không thể trở thành hiện thực nếu thiếu đi vai trò chủ thể của con người. Vì vậy, Việt Nam có thể hiện thực hoá khát vọng xây dựng thành công đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc vào giữa thế kỷ XXI hay không, phụ thuộc vào những hành động từ ngày hôm nay của cả dân tộc, trong đó lực lượng thanh niên đang nắm những lợi thế cho việc biến khát vọng thành hiện thực. Hay nói đúng hơn lịch sử Việt Nam đang chọn g thế hệ được sinh ra trong thời kỳ đổi mới dưới vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản để gánh vác khát vọng “hoá rồng” của dân tộc.
Nguồn: Internet
Khi xác định kỷ nguyên vươn mình của dân tộc bắt đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Chúng ta có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, trên nền tảng kết quả của 40 năm đổi mới đất nước, cho phép chúng ta có thể và cần thiết xây dựng thành công một nước Việt Nam “giàu mạnh, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc”. Bởi nếu bỏ qua thời cơ này “là có lỗi với Nhân dân”. Việc cần làm là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải khơi dậy, thúc đẩy tinh thần dân tộc, khát vọng phát triển, khai mở các tiềm năng và triệt để phát huy các nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là quyết định nhất.
Trách nhiệm của thanh niên để góp phần đưa đất nước vươn mình
Việt Nam còn khoảng 20 năm nữa để có thể hoà nhập, bắt kịp và tiến cùng thế giới, nhưng tương lai phụ thuộc vào những việc từ hiện tại. Khi xác định thanh niên là tương lai của đất nước, cũng đồng thời là sự khẳng định vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong hiện tại. Vì vậy, thanh niên phải ý thức sâu sắc được trách nhiệm, vai trò và niềm tự hào khi được lịch sử trao cho cơ hội và sứ mệnh lớn lao của dân tộc.
Lực lượng thanh niên cần không ngừng học tập, giác ngộ, bồi lắp lý tưởng, sống cống hiến, rèn luyện bản thân có “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”. Tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Nguồn: Internet
Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện tố chất năng lực về: trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng hội nhập quốc tế. Từng bước định hình và thể hiện phẩm chất đạo đức và lối sống cao đẹp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sống có trách nhiệm, thể hiện được vai trò của mình trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương và trách nhiệm đối với bản thân, công việc và xã hội.
Đất nước ta đang đứng trước cơ hội vươn mình, nhưng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định: “đất nước có vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình hay không, đến năm 2045 có sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc hay không, phụ thuộc rất lớn vào đóng góp lực lượng thanh niên - thế hệ tương lai của đất nước”[3], nên lực lượng thanh niên phải nhận thức được trách nhiệm và thể hiện được vai trò của mình trước thời cơ “vàng” của dân tộc./.
[1] Trích bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029
[2] http://thinhvuongvietnam.com/Content/ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-nam-la-doi-hoi-tat-yeu-cua-lich-su-195318
[3] https://baochinhphu.vn/tong-bi-thu-du-phien-trong-the-dai-hoi-ix-hoi-lien-hiep-thanh-nien-viet-nam-102241218101543231.htm