Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Khánh Hòa đang hình thành nhiều sản phẩm OCOP đặc sắc, gắn với bản sắc địa phương. Từ trà vối, sầu riêng, bưởi da xanh đến các loại trái cây mới, các sản phẩm không chỉ nâng tầm giá trị nông sản mà còn góp phần bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế nông thôn và thích ứng với chuyển đổi xanh.
Các xã Khánh Sơn, Tây Khánh Sơn và Đông Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa (huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cũ) nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển. Khí hậu ôn hòa quanh năm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại cây trồng sinh trưởng, phát triển. Giống như nhiều vùng miền núi khác, cây vối mọc tự nhiên ở khắp nơi trong huyện. Từ lâu, bà con nơi đây đã sử dụng lá vối để nấu nước uống, trở thành thức uống quen thuộc mỗi khi có khách đến nhà.

Từ thói quen dân dã đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã hợp tác với người dân địa phương thu hái lá vối tươi, chế biến sâu thành sản phẩm trà vối túi lọc. Lá vối được tuyển chọn cẩn thận, rửa sạch, sấy khô bằng hệ thống hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau đó, lá vối được xay nhỏ, đóng gói bằng dây chuyền hiện đại để tạo thành các túi trà tiện dụng, sạch sẽ và an toàn.
Mỗi túi trà chứa đựng tâm huyết của người trồng, người chế biến. Khi pha, trà cho nước trong xanh, hương thơm thanh mát, vị đắng nhẹ hòa quyện với hậu ngọt dịu dàng. Hiện sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao và chủ yếu được phân phối qua các sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Văn Bính, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Khánh Sơn chia sẻ, trước tiên doanh nghiệp phải chọn được sản phẩm hữu ích cho thị trường và sau đó triển khai thực hiện. Sản phẩm trà của doanh nghiệp được sản xuất dựa vào đặc tính thiên nhiên và nguyên liệu cây trà là cơ bản, không bị ảnh hưởng của môi trường tự nhiên cũng như các loại vi sinh vật. Điều quan trọng nhất vẫn là tuyệt đối cây vối không được dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh trà vối, các sản phẩm OCOP ở vùng miền núi Khánh Hòa đều là nông sản sạch, an toàn, một số sản phẩm được chế biến sâu ngày càng đạt chuẩn bền vững. Tiêu biểu như cây bưởi da xanh - một biểu tượng của hành trình OCOP đã đạt chuẩn VietGAP được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Người dân ở đây đã chủ động xây dựng quy trình sản xuất bài bản, từ trồng trọt đến xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin với thị trường tiêu dùng.

Sầu riêng là một đặc sản nổi tiếng của Khánh Sơn cũng được đa dạng hóa sản phẩm chế biến, như sầu riêng sấy, cấp đông để duy trì thương hiệu quanh năm. Các sản phẩm khác như măng rừng, chuối sấy đều có chất lượng cao, rõ ràng nguồn gốc, phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Bà Lê Thị Kim Thanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Khánh Trung, xã Tây Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau nhiều năm ươm mầm, chăm sóc, ngoài bưởi da xanh nhiều loại cây ăn quả khác như vú sữa Mica, ổi Ruby cũng phát triển mạnh. Năm 2024, hợp tác xã đã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Tất cả cây trồng đều được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ, không dùng hóa chất hay phân bón hóa học.
“Quá trình HTX làm ra các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đều được là Nhà nước quan tâm hướng dẫn làm thế nào đảm bảo chất lượng ngon của trái cây, cũng như đạt năng suất cao. Cùng với đó, nguồn kinh phí để xây dựng thương hiệu OCOP cũng được Nhà nước hỗ trợ. Thành công của HTX đạt được như hôm nay chính là chất lượng sản phẩm đã được khẳng định, làm cầu nối đến người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng”, bà Lê Thị Kim Thanh cho biết thêm.

Nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP, thời gian qua tỉnh Khánh Hòa bố trí kinh phí từ ngân sách hỗ trợ phát triển sản phẩm từ nâng cấp tem nhãn, bao bì đến xây dựng trang thông tin điện tử và kết nối thương mại điện tử. Tỉnh cũng khuyến khích các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chương trình. Ngoài ra, các địa phương còn tích cực lồng ghép phát triển sản phẩm OCOP với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để tăng hiệu quả đầu ra và giá trị trải nghiệm. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi số sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso và các nền tảng địa phương.
Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN&MT Khánh Hòa cho biết, tỉnh hiện có khoảng 600 sản phẩm OCOP, tất cả các loại trái cây và nông sản đều được gắn nhãn hiệu OCOP và mã số vùng trồng. “Các sản phẩm nông nghiệp của Khánh Hòa trong thời gian tới đều sẽ được nâng tầm để tăng giá trị kinh tế, đồng thời khi sản phẩm có chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế sẽ tăng cơ hội xuất khẩu. Cùng với đó, Khánh Hòa cũng đang mở rộng thị trường tiêu thụ với đa dạng sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Muốn vậy, Khánh Hòa triển khai các chương trình liên kết với tất cả cơ sở tiêu thụ, ví dụ như các hệ thống siêu thị để đưa sản phẩm OCOP vào. Chỉ có như vậy, khách hàng mới biết đến nhiều hơn những sản phẩm OCOP của Khánh Hòa, tăng khả năng tiêu thụ gắn với sản xuất phát triển bền vững và nâng tầm giá trị sản phẩm”, ông Nguyễn Duy Quang khẳng định.

Sản phẩm OCOP vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Khánh Hòa thể hiện sự đa dạng, đặc trưng địa phương từ bưởi da xanh, sầu riêng đến trầm hương... Chương trình OCOP đã giúp các chủ thể sản xuất chuyên nghiệp hơn, phát triển kinh tế nông thôn, bảo tồn văn hóa và từng bước hội nhập vào chuỗi thương mại hiện đại.