Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I (tháng 3/1935), Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra Nghị quyết về công tác trong các dân tộc thiểu số. Nghị quyết nhấn mạnh: “Đảng Đại hội xét rằng lực lượng tranh đấu của các dân tộc thiểu số là một lực lượng rất lớn... 1. Các Đảng bộ cần đem các bản chương trình của Đảng, của Quốc tế Cộng sản, của Tổng Công hội đỏ Đông Dương và Liên hợp Công hội thợ nông nghiệp và của Thanh niên Cộng sản Đoàn phổ biến và thi hành trong các dân tộc thiểu số”(1). Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951), Đảng chỉ rõ: “Nguyện vọng của các dân tộc sống chung trong nước Việt Nam hiện nay là đoàn kết, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau, chung sức chống bọn thực dân xâm lược, quyết không trở lại đời nô lệ cũ. Cho nên chính sách của Đảng và Chính phủ ta lúc này là làm cho các dân tộc đó đoàn kết chặt chẽ, đặng kháng chiến, đánh bại quân xâm lược và cùng nhau xây dựng một quốc gia Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, trong đó mọi dân tộc đều bình đẳng và giúp đỡ nhau cùng tiến”(2). Đến tháng 8/1952, Bộ Chính trị khóa II có nghị quyết về “Chính sách dân tộc thiểu số của Đảng hiện nay”, khẳng định: “Đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng tương trợ để giúp nhau tiến bộ về mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá”. Đây là chính sách dân tộc toàn diện đầu tiên của Đảng ta, phù hợp với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng. Nhờ có một chính sách toàn diện như vậy, Đảng ta đã tập hợp được toàn thể dân tộc trong đó có các dân tộc thiểu số anh em cùng hướng vào mục tiêu chung là đánh đuổi thực dân Pháp trong trận quyết chiến lịch sử tại Điện Biên Phủ.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) đã họp và đề ra nhiệm vụ, đường lối của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó đề cập tới vấn đề dân tộc: “Đảng và Nhà nước dân chủ nhân dân cần phải làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao và vùng biên giới tiến kịp vùng nội địa, các dân tộc thiểu số tiến kịp dân tộc Kinh, giúp các dân tộc phát huy tinh thần cách mạng và năng lực to lớn của mình, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(3).
Nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn về vấn đề dân tộc, phù hợp với thực tiễn nên Đảng, Nhà nước ta đã động viên được đồng bào các dân tộc thiểu số ở mỗi miền tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Ở miền Bắc, đồng bào các dân tộc thiểu số cùng toàn thể nhân dân tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ở miền Nam, đồng bào các dân tộc thiểu số đã sát cánh cùng người Kinh cống hiến sức lực, xương máu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đại hội lần thứ IV (14/12/1976) của Đảng đã đề ra chính sách dân tộc: “Giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ có tính chất chiến lược của cách mạng Việt Nam… Chính sách dân tộc của Đảng là thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, tạo những điều kiện cần thiết để xóa bỏ tận gốc sự chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa dân tộc ít người và dân tộc đông người, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp, làm cho tất cả các dân tộc đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đều phát triển về mọi mặt, đoàn kết giúp nhau tiến bộ, cùng làm chủ tập thể Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(4).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) là Đại hội của đường lối Đổi mới đất nước, về vấn đề dân tộc, Đảng ta vẫn kiên trì chủ trương: “phát triển mối quan hệ tốt đẹp gắn bó giữa các dân tộc trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau, cùng làm chủ tập thể; kết hợp phát triển kinh tế và phát triển xã hội,...”(5) và “Thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng. Tăng cường đầu tư và có chính sách cụ thể về các mặt kinh tế, xã hội để phát huy khả năng của miền núi về xây dựng kinh tế, văn hóa và chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc”(6).
Tại Đại hội VII (1991), quan điểm, chính sách về sử dụng nguồn lực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng ta nâng lên tầm cao mới, được thể chế hóa ở các chính sách cụ thể đối với đồng bào các dân tộc thiểu số như “Cải thiện một bước điều kiện làm việc, ăn, ở, học tập, chữa bệnh, đi lại và nghỉ ngơi cho nhân dân lao động, đặc biệt chú trọng vùng núi biên giới và đồng bào các dân tộc thiểu số”(7) và “trong 5 năm tới, có kế hoạch khai thác các thế mạnh của vùng trung du, miền núi, tạo chuyển biến rõ nét ở một số vùng. Có những chính sách và biện pháp riêng đối với miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số”(8). Đặc biệt, phát triển giáo dục và đào tạo được Đảng ta xác định là quốc sách hàng đầu, đồng thời là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc”. Điều này được thể hiện trong việc “tăng đầu tư cho giáo dục ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số, mở rộng các trường nội trú, quy hoạch đào tạo cán bộ và trí thức người dân tộc”(9).
Đến Đại hội VIII, vấn đề huy động, sử dụng nguồn lực trong vùng dân tộc thiểu số được Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn. Thực hiện “bình đẳng, đoàn kết, tương trợ” giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng Luật Dân tộc. Từ nay đến năm 2000, bằng nhiều biện pháp tích cực và vững chắc, thực hiện cho được ba mục tiêu chủ yếu: xóa được đói, giảm được nghèo, ổn định và cải thiện được đời sống, sức khỏe của đồng bào các dân tộc, đồng bào vùng cao, vùng biên giới; xóa được mù chữ, nâng cao dân trí, tôn trọng và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; xây dựng được cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch và vững mạnh”(10).
Tại Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định nhất quán về chính sách dân tộc, đồng thời chỉ ra phương hướng, mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Thực hiện tốt chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, phát triển sản xuất hàng hóa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói, giảm nghèo, mở mang dân trí, giữ gìn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; thực hiện công bằng xã hội giữa các dân tộc, giữa miền núi và miền xuôi, đặc biệt quan tâm vùng gặp nhiều khó khăn, vùng trước đây là căn cứ cách mạng và kháng chiến. Tích cực thực hiện chính sách ưu tiên trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số. Động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu, có uy tín trong dân tộc và ở địa phương”(11). Để cụ thể hóa chính sách dân tộc của Đại hội IX, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003, “Về công tác dân tộc”. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng ta về công tác dân tộc trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở đánh giá toàn diện về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và xuất phát từ yêu cầu của tình hình mới, Nghị quyết khẳng định: “phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Và “tập trung phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tăng cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước”. Đây là quan điểm rất quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới của Đảng trong bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều chuyển biến, thay đổi.
Sau 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đại hội lần thứ X (2006) của Đảng một lần nữa khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta”(12). Do đó, cần “... nhanh chóng xây dựng cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, dân tộc, vùng miền...”; mặt khác, “thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng; làm tốt công tác định canh, định cư và xây dựng vùng kinh tế mới... Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các dân tộc... Chống các biểu hiện kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc”(13).
Đến Đại hội XI (2011) vấn đề huy động, sử dụng nguồn lực trong vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được Đảng quan tâm: “Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, không ngừng cải thiện đời sống và chất lượng dân số của đồng bào các dân tộc thiểu số” bởi “các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, cần “nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp”(14). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam... Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số”(15).
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng (2016) đã bổ sung, phát triển chủ trương đường lối về dân tộc và chính sách dân tộc: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc”(16). Đại hội XIII (2021), trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong thực hiện chính sách về dân tộc, Đảng ta đề ra chủ trương “huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”(17). “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới”(18). Đây là một bước đổi mới tư duy, xác định rõ định hướng chính sách trong huy động, sử dụng nguồn lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với sự phát triển quan điểm nêu trên, có thể thấy Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng việc huy động, sử dụng nguồn lực trong vùng dân tộc thiểu số. Đây là yếu tố quyết định đưa đến thành công trong việc đầu tư các dự án ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm thu hẹp về khoảng cách phát triển ở các vùng trong sự phát triển chung của cả nước; để Việt nam vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Ngọc Cảnh
Chú thích và tài liệu tham khảo:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tập 5 (1935), tr.73.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, tập 12 (1951), tr.140.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, Tập 21 (1960), tr.609
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2004, Tập 37 (1976), tr.575-576
(5), (6). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, Tập 47 (1986), tr.779-780; 906
(7), (8), (9). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2007, Tập 51 (1991), tr.49; 98; 113
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2015, Tập 55 (1996), tr.404
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.127-128
(12), (13). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.121; 96-97; 122
(14), (15). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.121; 244; 245; 81
(16) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.164
(17), (18). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2021, tập I, tr.170; tập II, tr.140 - 141