Không kể những nhà báo-nhà cách mạng đã hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền, trong hai cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, đã có trên 500 nhà báo hy sinh
Muôn mặt sự hi sinh của các nhà báo
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, đã có ít nhất 512 nhà báo hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Nhà báo Hồ Quang Lợi nhắc đến trường hợp hi sinh của nhà báo liệt sĩ Trần Kim Xuyến, nguyên Phó giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, tiền thân Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam, các nhà báo liệt sĩ như Trần Đăng, Hoàng Lộc, Lê Đình Dư của báo Quân đội Nhân dân, nữ nhà văn phóng viên chiến trường quả cảm Dương Thị Xuân Quý hi sinh năm 1969 tại Quảng Nam. Nhà báo, có người hi sinh vì bom đạn, có người hi sinh vì sốt rét ác tính giữa rừng và nhiều nguyên nhân khác.
Đối với báo Nhân Dân mọi người không quên đến nhà báo Thôi Hữu, tên thật là Nguyễn Đắc Giới, Ủy viên Ban Biên tập báo Sự Thật, tiền thân của báo Nhân Dân, hi sinh tại chiến trường Việt Bắc năm 1950. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tứ hi sinh năm 1967 ở Quảng Ngãi. Nhà báo Nguyễn Huy hi sinh năm 1968 ở Quảng Trị. Nhà báo Nguyễn Trọng Định hi sinh tại chiến trường Quảng Đà năm 1968.
Ngoài những nhà báo hi sinh, còn có những nhà báo bị thương, trở thành thương binh hoặc bị kẻ thù bắt giữ trong quá trình tác nghiệp.
Nhà báo Đinh Trọng Quyền trong một lần đi chiến dịch cuối năm 1969, bị thương và phải cưa đi một chân. Tuy bị thương nặng và ở trong vòng vây của địch, ông vẫn sống sót và cuối cùng được đưa ra miền Bắc để điều trị.
Nhà báo Vũ Tín, một phóng viên ảnh gạo cội của Thông Tấn xã Việt Nam tăng cường cho mặt trận B5, bị thương cụt một chân khi đi cùng Cục trưởng Cục Tuyên huấn Cao Bá Đồng tại Mặt trận B5.
Nhà báo Cao Kim vừa cầm bút, vừa cầm súng, có lúc tưởng đã hy sinh, giấy báo tử đã gửi về tới hậu phương, nhưng rồi cuối cùng vỡ òa cảm xúc khi từ chiến trường trở về.
Nhà báo Trần Ngọc Đặng, trong trận đánh ở Tây Ninh năm 1967 đã tham gia chiến đấu bắn cháy hai xe bọc thép của địch trước khi hi sinh.
Nhà báo tác nghiệp tại chiến trường Quảng Trị năm 1972 (Ảnh tư liệu)
Nhà báo Trương Thị Mai, phóng viên Thông Tấn xã Giải phóng tại Trung Nam Bộ, bị địch bắt và tra tấn dã man, chấp nhận hy sinh để bảo đảm an toàn căn cứ của Phân xã và Khu ủy. Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Bùi Đình Túy, trên đường đi công tác bị máy bay Mỹ oanh tạc, trúng bom hi sinh tại mặt trận Trảng Dầu lúc 53 tuổi.
Nhà báo, nhiếp ảnh Trần Bình Khuôl, phóng viên Thông Tấn xã Giải phóng, từng là Trưởng Cơ quan điện ảnh nhiếp ảnh Khu 9, hi sinh năm 1968 tại U Minh, Cà Mau.
Tên tuổi của các nhà báo tiêu biểu đã được đặt cho nhiều con đường, ngõ phố ở các tỉnh, thành địa phương trên cả nước.
Tại Kiên Giang, hai nhà báo của Thông Tấn xã Giải phóng đã ngã xuống khi chiến đấu chống càn cùng anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng (tức chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức) và các đồng đội của chị.
Nhà báo Thẩm Đức Hòa viết cho vợ là bức thư cuối cùng từ chiến trường, đề ngày 19/11/1967. Bốn ngày sau, ngày 23/11/1967, ông hi sinh tại mặt trận phía Tây Thừa Thiên Huế.
Nhà báo Phan Hoài Nam, nguyên Trưởng Phòng Biên tập của Thông Tấn xã Giải phóng đã sống và chiến đấu như một chiến sĩ thực thụ. Năm 1968, ông đã chiến đấu rất anh dũng trong một trận chống càn và hy sinh ở mặt trận Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Nhà nhiếp ảnh Nghĩa Dũng, phóng viên Thông tấn quân sự, hi sinh trong khi đang cùng bộ đội tiến đánh một cao điểm ở phía Tây Quảng Trị. Nhà báo Hồ Minh Khởi, thuộc biên chế của Cục Tuyên huấn đã anh dũng hi sinh khi dẫn đoàn phóng viên vào tăng cường cho chiến trường.
Từ năm 1968 đến năm 1970 là năm các nhà báo hy sinh nhiều nhất trong bối cảnh cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt trong và sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân. 10 nhà báo của Thông Tấn xã Giải phóng đã anh dũng hi sinh trên đường phố Sài Gòn. Nhà báo Phan Tuân đã hi sinh trong tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân. Các nhà báo Phạm Vũ Bình và Nguyễn Đức Thanh, các điện báo viên Phan Đăng Oanh, Đỗ Văn Thịnh cũng hi sinh trong các chiến dịch sau đó.
Nhà báo Nguyễn Đình Cước hi sinh trên đường đi công tác cùng nhà báo Phó Giám đốc Thông Tấn xã Giải phóng Bùi Đình Túy.
Tấm lòng của một nhà báo đối với đồng ngiệp đã hi sinh
Nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Nghệ An, nguyên Phó Chủ tịch Hội nhà báo Nghệ An đã là người cố gắng tìm hiểu câu hỏi này và là người cất công tìm lại dấu chân của các nhà báo trong sự nghiệp kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đối với ông, sự hi sinh của những đồng nghiệp thật sự đáng trân trọng và đó là lý do để ông cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đưa anh linh các nhà báo liệt sĩ về thờ tại chùa Âu Lạc, phường Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Các trường hợp hi sinh của các nhà báo rất đa dạng phong phú. Người thì trúng bom khi nằm dưới bãi bom tọa độ của đối phương, người thì hi sinh khi vừa cầm bút vừa cầm súng xông lên chiến đấu. Nhưng điểm chung của họ đều là, không quản ngại nguy hiểm, hy sinh, xông pha nơi chiến trường ác liệt.
Trong các cơ quan báo chí, Thông Tấn xã Việt Nam là cơ quan có số lượng nhà báo hy sinh nhiều nhất, lên tới hơn 260 người.
Một tổ điện báo của Thông Tấn xã Giải phóng tại căn cứ (Ảnh tư liệu)
Năm 1995, nắm được thông tin từ Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam về 6 nhà báo liệt sĩ của Thông Tấn xã Việt Nam, hy sinh tại một hang núi Hòn Tàu, vùng giáp ranh giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Hiền đã về tận hang Hòn Tàu để xác minh thông tin, xác minh danh tính các liệt sĩ. Tại đây, ông Hiền đã xác minh được, vào năm 1967, nhà báo phân xã trưởng tỉnh Quảng Đà Trần Ngọc Anh và 5 phóng viên khác đang truyền tin thắng trận của mặt trận Quảng Đà về Thông Tấn xã Việt Nam thì bị trúng bom Mỹ khiến 6 nhà báo và 9 chiến sĩ khác hi sinh.
Năm 1997, ông ra Hải Phòng để xác minh danh tính và quá trình hi sinh của nhà báo Vũ Hiến, báo Hải quân Nhân dân. Qua xác minh, ông Hiền đã xác định được vào ngày 03/01/1979, Hải quân vùng 5 nổ súng tấn công quân Pol Pot tại cảng Kép, cảng Kô Kông. Nhà báo Vũ Hiến tham gia cuộc tiến công, khi đó ngồi trên tháp pháo xe tăng của Trung đoàn 812, Sư đoàn 8. Giao tranh diễn ra ác liệt chính trong trận này trong lúc đang tác nghiệp nhà báo Vũ Hiến đã hy sinh khi trên tay vẫn còn nắm chặt máy ảnh.
Năm 2000, nhà báo Trần Văn Hiền vào thành phố Hồ Chí Minh, được sự giúp đỡ của các đồng chí nguyên là Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam và cán bộ, chiến sĩ Quân khu 7, xác minh được danh tính nhà báo liệt sĩ Nguyễn Khắc Thắng của Thông Tấn xã Việt Nam, hy sinh tại tỉnh Tây Ninh năm 1970.
Ông Trần Văn Hiền cũng đã bỏ công sức xác minh được trường hợp hy sinh của nhà báo Lang Văn Mẫu, quê ở Cao Bằng, công tác tại báo Hoàng Liên Sơn, hi sinh ở chiến trường biên giới phía Bắc năm 1979.
Qua những chuyến đi dày công sức, cho đến nay ông đã thu thập được thông tin, danh tính của 512 nhà báo liệt sĩ và nhiều tác phẩm báo chí của họ.
Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam ở Hà Nội có một khu tưởng niệm đặc biệt trang trọng dành cho 512 liệt sĩ là nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí đã anh dũng hy sinh khi tác nghiệp tại các chiến trường và làm nhiệm vụ quốc tế trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
512 liệt sĩ nhà báo này thuộc nhiều cơ quan báo chí như Thông Tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Cứu Quốc, báo Nhân Dân, Điện ảnh Quân đội Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân, báo Giải Phóng, Thông Tấn xã Giải phóng, Đài Thát thanh Giải phóng....
Ông Trần Văn Hiền cho biết trong giai đoạn 1963-1975, có 66 nhà báo đi vào chiến trường, 19 người trong số đó hi sinh. Nhà báo Phạm Thị Ngọc Huệ, báo Trường Sơn, trúng tuyển Đại học nhưng gác lại việc học hành, viết đơn bằng máu xung phong ra chiến trường, rồi hy sinh ở Ka Tốc, tỉnh Khăm Muộn, Lào.
Nhà báo Nông Văn Tư, Điện ảnh Quân đội, chọn trận địa pháo phòng không là nơi tác nghiệp để ghi lại những thước phim ác liệt nhất. Tháng 12/1971, trận địa pháo bị ném bom, nhà báo ngã xuống khi vẫn ôm hộp phim, vai đeo bình ắc quy dự phòng ,toàn thân đầy máu, còn ánh mắt vẫn hướng về phía nhà ga Vinh.
Mặc dù đã sưu tầm được danh tính 512 nhà báo hi sinh trong sự nghiệp kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc nhưng ông Trần Văn Hiền vẫn đau đáu nỗi lòng vì phần lớn nhà báo hi sinh đều chưa tìm được mộ, chưa quy tập được hài cốt, hoặc những câu chuyện về họ hầu như chưa được biết đến. Họ cũng như hàng trăm nghìn liệt sĩ đã hi sinh âm thầm cho sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc.