Trong kỷ nguyên số như hiện nay, chuyển đổi số là yêu cầu cấp bách, là xu hướng tất yếu của nhân loại. Điều đó đòi hỏi mỗi người phải có những cách thức mới để lĩnh hội những tri thức mới của nhân loại. Một trong những cách thức mới mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến là “học tập suốt đời”, nhất là “học tập số” để lĩnh hội “kiến thức số”.

Những điểm nhấn quan trọng của tinh thần “học tập suốt đời”

Bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây đã tạo ra được hiệu ứng tích cực trong việc lan tỏa các giá trị cũng như ý nghĩa, tầm quan trọng của học tập đặc biệt là tự học. Trong bài viết, Tổng Bí thư đã khẳng định rằng học tập suốt đời không phải là điều gì mới thông qua việc minh chứng bằng thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác giáo dục và phát động các phong trào toàn dân học tập. Tuy nhiên, thực tiễn đất nước và thế giới đang chứng kiến những thay đổi to lớn, thậm chí là những thay đổi có tính bước ngoặt và do đó, Tổng Bí thư cũng đã chỉ ra những vấn đề mới đối với việc học tập suốt đời.

Một trong những điểm mới của tình hình thế giới mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra đó là những yêu cầu mới do cách mạng khoa học công nghệ đặt ra. Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Cách mạng khoa học công nghệ đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, tạo nên sự biến cách to lớn trong đời sống xã hội, đặt ra những yêu cầu mới, nhu cầu mới, nhiệm vụ mới, suy nghĩ mới, hành động mới với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị”. Do đó, học tập suốt đời là nhiệm vụ tất yếu của mỗi cán bộ, đảng viên.

Tinh thần học tập suốt đời có một số điểm nhấn quan trọng sau:

 Một là, mục đích của việc học tập suốt đời. Tổng Bí thư khẳng định: “học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành những người hữu dụng”. Như vậy, việc học tập suốt đời trước hết là để có tri thức, bản lĩnh và trở thành những người hữu dụng cho xã hội.

Hai là, yêu cầu mới đối với học tập suốt đời. Theo Tổng Bí thư, học tập suốt đời trở thành một quy luật sống; không chỉ giúp mỗi cá nhân nhận biết, thích nghi, với những thay đổi hàng ngày của thế giới hiện tại, làm giàu trí tuệ, hoàn thiện nhân cách và định vị bản thân trong xã hội hiện đại; cao hơn, học tập suốt đời còn là con đường duy nhất, hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để đảm bảo sự phát triển thịnh vượng, bền vững.

Ba là, phương pháp mới học tập suốt đời. Một trong những phương pháp học tập mới mà Tổng Bí thư đề cập đến trong bài viết đó chính là “học tập số” để lĩnh hội “kiến thức số”. Kho tàng tri thức nhân loại vô cùng lớn và đang được số hóa mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân tiếp thu và học hỏi. Do đó, mô hình tự học của mỗi cá nhân cần chuyển đổi nhanh chóng để nắm bắt được cơ hội học tập mới và từ đó làm giàu tri thức của mình trong đó có kiến thức số.

Ngoài những điểm mới đó ra, khi đánh giá những hạn chế trong việc thực hiện chủ trương học tập suốt đời, Tổng Bí thư đã chỉ ra một hạn chế lớn khiến cho việc học tập suốt đời của cán bộ, đảng viên chưa đạt được kết quả như mong muốn đó là tình trạng học theo phong trào, sính bằng cấp mà chưa thực sự căn cứ vào đòi hỏi thực tiễn, ngại khó, ngại khổ trong học tập, không đào sâu suy nghĩ để vươn lên chinh phục những đỉnh cao trong khoa học. Từ đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh vào yếu tố tự học, thực học và học tập suốt đời. Nếu như học tập suốt đời là nhiệm vụ thì muốn thực hiện tốt nhiệm vụ đó, mỗi cá nhân cần phải tích cực tự học và muốn việc tự học mang lại kết quả tốt thì cần phải học thực, học lấy kiến thức, làm giàu tri thức và hoàn thiện bản thân.

Phát huy tinh thần “học tập suốt đời”

Là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là người hiện thực hóa và đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, cán bộ, đảng viên đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với việc học tập suốt đời.

Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần coi học tập suốt đời là nhiệm vụ và là công việc thường xuyên phải làm. Thế giới vận động và thay đổi không ngừng, đặc biệt là những thay đổi to lớn mà cách mạng khoa học - công nghệ đem lại nhất là cách mạng công nghiệp 4.0, cán bộ, đảng viên cần ra sức học tập đặc biệt là tự học để cập nhật các tri thức mới để từ đó đổi mới nhận thức, đổi mới tư duy và hành động để hoàn thành tốt các chức trách, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Thứ hai, phải gắn kết việc học tập suốt đời với nâng cao hiệu quả, chất lượng thực thi công vụ. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao tình thần học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Do đó, việc học phải gắn với chuyên môn, nghiệp vụ và yêu cầu của vị trí việc làm. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh; hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả và thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị “về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Cuộc cách mạng này đang đặt ra những đòi hỏi mới, yêu cầu mới đối với cán bộ, đảng viên. Khi việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoàn tất, công việc của mỗi cán bộ, viên chức sẽ tăng lên, yêu cầu chất lượng thực thi công vụ cũng sẽ tăng. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng siết chặt việc đánh giá, sát hạch cán bộ và những cán bộ không đủ năng lực, không đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ bị đào thải. Thực tế này đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, đặc biệt là nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng tốt yêu cầu của từng vị trí việc làm.

Thứ ba, tích cực chuyển đổi phương pháp học tập, đặc biệt là cần chú ý “học tập số”. Sự phát triển công nghệ số đem đến cơ hội học tập rộng mở cho tất cả mọi người và thành công của mỗi người phụ thuộc rất lớn vào khả năng khai thác nguồn tài nguyên đó. Có người ví “tài nguyên số” như “dầu mỏ công nghệ” nên chúng ta cần coi các nguồn tài liệu số hóa là một nguồn tài nguyên quý giá đối với mỗi cá nhân và mỗi quốc gia. Để việc học tập suốt đời mang lại hiệu quả thiết thực, cán bộ, đảng viên cần gắn kết việc thực thi công vụ với việc học tập suốt đời, nghĩa là học từ trong công việc, học để phục vụ công việc và học cũng là công việc phải làm.

Thứ tư, cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần gương mẫu trong việc học tập suốt đời. Để phong trào học tập suốt đời lan tỏa và truyền cảm hứng đến tất cả người dân trong nước thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu trong việc tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên cần tích cực tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, bạn bè, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào học tập suốt đời.

Như vậy, “học tập suốt đời” là học tập liên tục, không ngừng nghỉ để lĩnh hội tri thức, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình chuyển đổi số. Mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động, tích cực, tiên phong thực hiện tinh thần “học tập suốt đời”.