Chiến thắng Chòi Đồng đầu tháng 2/1965 trên địa bàn Long Khánh tiếp tục phát huy thắng lợi của chiến dịch Bình Giã (12/1964 – 01/1965), tiến thêm một bước trong việc đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn
Tình hình chiến trường Tây lộ 2 đầu năm 1965
Chòi Đồng nằm ở trung tâm chiến trường Tây lộ 2. Trong kháng chiến chống Mỹ, địa danh này thuộc địa phận xã Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, nay là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chòi Đồng là một trảng rộng, phía Đông giáp sở Cụ Bị, phía Tây giáp Bàu Cạn (Long Thành), phía Nam giáp Hắc Dịch, phía Bắc giáp Cẩm Đường.
Khu vực này trước kia là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Châu Ro. Trong kháng chiến chống Mỹ, dân cư trong vùng bị địch càn quét, đánh phá gom vào ấp chiến lược. Chòi Đồng có địa hình tương đối bằng phẳng. Bao quanh là những ngọn đồi lúp xúp, có nhiều suối nhỏ trong thung lũng. Giáp bìa Chòi Đồng là rừng tre gai, tiếp đó là rừng già nên có độ che khuất kín đáo, nhiều suối nhỏ thuận tiện cho trú quân và phòng thủ.
Chòi Đồng nằm trong vùng căn cứ cách mạng khu Tây của tỉnh Bà Rịa – Long Khánh thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chòi Đồng giáp Hắc Dịch, nơi đặt căn cứ của Tỉnh ủy, Tỉnh đội và các cơ quan dân - chính - đảng trong tỉnh. Các cơ quan của tỉnh và huyện Châu Đức đóng căn cứ tại các ngọn đồi, ven suối gần đó. Lực lượng vũ trang tỉnh, huyện cũng thường trú quân và cơ động tác chiến trên địa bàn này. Trong Chiến dịch Bình Giã, đây là địa bàn tập kết và bố trí lực lượng tác chiến của các đơn vị của tỉnh và của Miền. Tại vùng căn cứ Tây lộ 2, hai Trung đoàn chủ lực của Miền, Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 (Q761, Q762) đã về ém quân, tiếp nhận vũ khí, lương thực thực phẩm và cơ động đánh địch trên chiến trường Đông và Tây lộ 2, với các trận đánh tiêu diệt địch xuất sắc trong Chiến dịch Bình Giã.
Sau Chiến thắng Bình Giã (đợt I và đợt II), các lực lượng của Miền đã tập kết về khu vực này củng cố thực lực, kiểm điểm rút kinh nghiệm đợt I và đợt II chiến dịch. Trung đoàn 2 đóng quân tại khu vực Chòi Đồng. Đây là thời kỳ phong trào phá ấp chiến lược sôi nổi trên khắp chiến trường Bà Rịa - Long Khánh. Hơn 80 % chiến lược trong tỉnh bị phá lỏng, phá rã và phá banh. Vùng giải phóng được nối liền giữa các huyện với căn cứ Tây lộ 2 của tỉnh. Ta làm chủ nhiều đoạn trên lộ 2 và lộ 15, cả ngày lẫn đêm. Du kích các xã dọc lộ 2 và lộ 15 thường xuyên đắp mô, chặn xe vũ trang tuyên truyền trên các tuyến lộ. Địch muốn chuyển quân, chuyển hàng tiếp tế qua vùng này phải có lực lượng hộ tống.
Lãnh đạo xã Cù Bị , huyện Châu Đức viếng Bia tưởng niệm chiến thắng Chòi Đồng, ngày 27/7/2024
Diễn biến trận đánh
Sáng 08/02/1965, máy bay trinh sát địch quần đảo quan sát khu vực căn cứ Hắt Dịch, các trảng quanh khu vực Chòi Đồng được chú ý nhiều hơn, sau đó máy bay khu trục đến ném bom xuống phía đông Chòi Đồng nhằm vào khu dân cư Sở cao su Cụ Bị. Trong lúc đó, trinh sát và cơ sở báo về, tại các vùng lân cận như thị xã Bà Rịa, thị xã Long Khánh không thấy địch điều động đơn vị, tập trung quân, dấu hiệu của một cuộc càn quét lớn. Địch xảo quyệt, trinh sát một đằng, ném bom bắn phá nghi binh một ngả, chuẩn bị đổ quân một nơi.
Song, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, Trung đoàn 2 vẫn nắm vững sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy chiến dịch, sẵn sàng chiến đấu. Trung đoàn tăng cường trinh sát từ xa, tiếp tục củng cố công sự, ngụy trang, chuẩn bị cơm vắt hai bữa cho bộ đội. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng. Bộ Chỉ huy chiến dịch thường xuyên thông báo tình hình, nhắc nhở đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Sau đợt triển lãm ngày 4 Tết, có nhiều khả năng địch nắm được tin tức về lực lượng ta tập trung tại khu vực này, chắc chắn chúng sẽ mở cuộc hành quân càn quét. Thực hiện phương án đánh quân đổ bộ, các đơn vị đều được lệnh ém quân, giữ bí mật lực lượng đến phút chót.
Sáng ngày 09/02/1965, địch cho máy bay quần đảo bắn phá Chòi Đồng, nhất là khu vực rừng chồi, rừng cao su bao quanh trảng trống, đích thân tướng ngụy Tôn Thất Đính chỉ huy cuộc của cuộc đổ quân. Lực lượng tham chiến có hai tiểu đoàn dự bị chiến lược: Tiểu đoàn dù 5 và Tiểu đoàn dù 6. Thực hiện chiến thuật “trực thăng vận”, địch giữ được bí mật trong việc huy động lực lượng các đơn vị tham gia, đồng thời tạo sức cơ động nhanh, tạo tình huống bất ngờ hòng chụp được đầu não và Bộ Chỉ huy chiến dịch tại căn cứ.
Trước khi đổ quân, địch cho nhiều tốp máy bay quần đảo thay phiên ném bom bắn phá dọc khu rừng quanh trảng trống. Từng tốp khu trục ném bom, trực thăng bắn rốc két xối xả vào ven rừng khu vực Chòi Đồng. Nhiều loạt bom bi và rốc két trúng trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn bộ binh 5 và Tiểu đoàn bộ binh 6. Trận địa Trung đoàn chìm ngập trong khói lửa đạn bom.
Trung đoàn nắm chắc tình hình các đơn vị. Từ bộ phận quan sát tại tiền duyên, Trung đoàn chỉ đạo phải giữ vững liên lạc thông suốt, các tiểu đoàn thực hiện đúng phương án tác chiến, ém quân, giữ bí mật, khôi phục ngụy trang, củng cố hầm hào, giải quyết thương binh sau khi bị ném bom, bắn phá, không được bắn máy bay trinh sát và máy bay ném bom khi chưa có lệnh.
Trận ném bom bắn phá dọn bãi kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, chúng không phát hiện trận địa ta. Đúng như dự kiến của ta, sau đợt oanh tạc, không phát hiện dấu hiệu khả nghi, địch bắt đầu cho từng tốp trực thăng nối đuôi nhau, chở tiểu đoàn dù số 5 liên tục đổ quân xuống trảng tranh Chòi Đồng.
Khi tốp đầu vừa chạm đất, nhiều tốp trực thăng khác còn lơ lửng trước đội hình Tiểu đoàn 6 của ta, Tiểu đoàn trưởng Năm Ngân phát lệnh khai hỏa. Theo kế hoạch hiệp đồng, tất cả các trận địa nổ súng đồng loạt. Các khẩu đội ĐKZ57 và trọng liên 12,7mm nhả đạn vào những tốp máy bay đang sà xuống đổ quân. Nhiều tên chết khi chưa kịp rơi xuống đất. Đạn ĐKZ57 và AK của các mũi xung kích hạ gục từng toán lính dù vừa đặt chân xuống mặt đất. Ngay từ loạt đạn đầu tiên, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 6 đã bắn hạ tại chỗ tám trực thăng HU-1A.
Trận chiến diễn ra ác liệt. Trực thăng địch tiếp tục đổ quân dưới sự chi viện hỏa lực từ các tốp trực thăng vũ trang. Các cán bộ Trung đoàn đang có mặt tại Sở Chỉ huy còn nghe được tiếng hô xung phong của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 6, tiếng la hoảng loạn của địch át cả tiếng súng, tiếng pháo và hỏa tiễn của địch. Một chiếc khu trục Skyder bị bắn cháy, rơi tại trận, phi công buộc phải nhảy dù.
Xã Ngãi Giao, huyện Châu Đức chiến trường xưa nay là xã nông thôn mới Cù Bị, huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu
Ngay lập tức, nhiều chiếc trực thăng yểm trợ tập trung lại khu vực chiến sự, bắn vãi đạn về phía trận địa ta. Thời tiết đang vào cuối mùa khô. Cỏ tranh bắt đầu bén lửa, gió lớn thổi ngọn lửa bốc cao. Cả trảng tranh biến thành một biển lửa khổng lồ. Quân địch bất ngờ vì không lường được tình huống này, hoảng loạn, tan vỡ đội hình, la lối kêu cứu. Các tốp trực thăng sà xuống bốc đám lính dù đang hoang mang cực độ. Gió càng mạnh, đám cháy lan rộng, bén đến cả đám lính vừa đổ xuống. Khói lửa trùm lên cả tránh tranh Chòi Đồng. Quân địch la ó kinh hoàng, chúng ngỡ rằng ta dùng chiến thuật hỏa công thiêu sống bọn chúng.
Sau gần 2 giờ chiến đấu, Tiểu đoàn dù 5 đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, cầu cứu chi viện hỏa lực ngăn chặn đánh phá vào đội hình quân ta. Địch phản kích quyết liệt bằng bom pháo, dọn đường cho trực thăng đổ tiểu đoàn dự bị (Tiểu đoàn dù 6) xuống tăng viện để cứu nguy cho Tiểu đoàn dù 5. Máy bay địch tiếp tục bắn phá hỗ trợ Tiểu đoàn dù 6 đổ quân cứu nguy.
Về phía ta, khói lửa cũng là một trở ngại lớn, khiến quân ta khó cơ động đội hình. Hệ thống giao thông hào, công sự chiến đấu của Trung đoàn 2 ở tuyến tiền duyên nằm giữa những lùm tre gai ven chân đồi hướng ra trảng cỏ. Phía trước là địch và lửa, phía sau là hậu phương ta đang trong tầm hỏa lực ngăn chặn của địch. Bộ đội ta rất khó vận động, tiếp cận tiêu diệt địch cũng như di chuyển đội hình. Tỷ lệ thương vong khá cao. Lực lượng du kích, tự vệ cơ quan và dân công hỏa tuyến của Tỉnh ủy thường xuyên bám sát trận địa, vượt qua lửa đạn dày đặc để tiếp nhận thương binh, đưa về bệnh xá dã chiến đặt tại Gia Cốp.
Tại trận địa của Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 2, đội dân công hỏa tuyến do chị Phức, cán bộ xã Bình Ba là Đội trưởng, anh Huề công nhân cao su sở Bình Ba là Đội phó, anh Bảy Lượng là Chính trị viên gồm 61 thanh niên nam nữ (phần đông là phụ nữ bám sát ngay sau chiến hào của đơn vị, tiếp nhận thương binh đưa về quân y tỉnh. Có cả những tân binh ở Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp quân lực Việt Nam Cộng hòa mới được cán bộ binh vận ta giác ngộ cũng tham gia dân công hỏa tuyến, trong đó có anh Phương. Khi bộ đội vận động, cơ động đội hình, anh chị em cũng khoác túi cứu thương và cáng chạy theo sau. Chia lửa với cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 2, 13 anh chị em dân công cũng bị thương ngay tại chiến hào của Đại đội 2, còn lại 48 anh chị em vẫn bám sát đơn vị, liên tục làm nhiệm vụ sơ cứu và chuyển thương binh về hậu cứ. Chị Tâm (dân công) người nhỏ bé, gặp ca thương binh nặng vẫn ráng chạy nhanh, nhiều lần vấp ngã vẫn gượng dậy vừa khóc vừa cáng tiếp. Mồ hôi, nước mắt đầm đìa dọc đường về quân y tỉnh. Chị thương cho anh em thương binh và lo cho trách nhiệm của mình.
Trước tình hình đó, vào 14 giờ, Chỉ huy Trung đoàn điều động lực lượng dự bị – Tiểu đoàn 4 do đồng chí Trương Văn Đàng – Chính trị viên tiểu đoàn chỉ huy bước vào chiến đấu với nhiệm vụ nhanh chóng tiêu diệt gọn Tiểu đoàn dù 5. Từ căn cứ Gia Cốp, Tiểu đoàn 4 nhanh chóng cơ động lực lượng, tiếp cận rừng cao su, tiêu diệt nốt những toán tàn quân của tiểu đoàn dù 5, nhưng sức cơ động chậm vì hỏa lực địch bắn rất rát và khói lửa ngăn cách. Tiểu đoàn 4 bộ binh của ta phải đón đánh đợt đổ quân thứ 2 của Tiểu đoàn dù 6 – lực lượng cơ động dự bị chiến lược của địch. Các khẩu đội 12,7 mạnh mẽ, lợi dụng địa hình địa vật, bố trí trận địa dã chiến, nhả đạn vào những tốp máy bay đang sà xuống đổ toán quân mới của Tiểu đoàn dù 6 của địch.
Tiểu đoàn 4 bước vào chiến đấu trong khi tương quan lực lượng không có lợi cho ta. Địch tăng thêm Tiểu đoàn dù 6 và tăng cường hỏa lực yểm trợ. Về phía ta, các đơn vị đều thương vong cao. Chỉ huy Trung đoàn ra lệnh thu quân giải quyết thương binh. Chiến đoàn dù của địch thu dọn chiến trường, lấy xác, chuyển thương binh, trục kéo trực thăng bị bắn hạ.
(Còn tiếp)