Trận đánh diễn ra rất ác liệt và liên tục suốt gần 3 tiếng đồng hồ, nếu tính cả thời gian đánh phá, ném bom, dọn bãi thì 4 tiếng ròng rã mới kết thúc. Sau này, bọn lính còn sống sót trở về kháo nhau: “Việt cộng sử dụng chiến thuật hỏa công thiệt hay”. Thực ra, địch tự dẫn xác vào thiên la địa võng mà chúng không ngờ tới. Một trong những yếu tố thành công lớn của trận Chòi Đồng là thời tiết, địa thế đều ủng hộ ta. Thế trận chiến tranh nhân dân của quân, dân ta và lửa khói do bom đạn địch châm ngòi đã thiêu đốt quân địch.

Phối hợp với bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và đội bảo vệ của Ban Tuyên huấn được trang bị vũ khí cũng tham gia đánh địch. Anh em đội bảo vệ Ban Tuyên huấn trận này rất gan dạ, bắn hạ nhiều tên địch. Các anh Tám Thăng, Vũ Tấn, ở bộ phận Tuyên huấn, cô Mai, cô Phượng trong đoàn văn công được cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 2 coi như những chiến binh thực thụ của trận Chòi Đồng. Anh em ai cũng vui vì thu được nhiều chiến lợi phẩm. Riêng anh Đỗ Quốc Hùng, cán bộ Ban Tuyên huấn được tổ chức bố trí cho người yêu (là đảng viên) từ vùng tạm chiếm vào căn cứ Hắt Dịch để tuyên bố đám cưới tại cơ quan đêm hôm ấy. Giặc càn, anh cùng lực lượng tự vệ cơ quan xông pha suốt ngày ngoài chiến hào cùng bộ đội. Tối về dự đám cưới tuyên bố rồi lại vội vàng cùng anh chị em trong Ban Tuyên huấn đi suốt đêm tải thương về tuyến sau. Mãi hơn hai năm sau, anh mới có dịp gặp lại người vợ trẻ khi cơ quan chuyển về căn cứ khu Đông. Trận đánh ở Chòi Đồng, cùng với quân chủ lực, lực lượng địa phương tỉnh Bà Rịa - Long Khánh đã góp một phần không nhỏ vào thắng lợi chung, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân trong tỉnh.

Lễ viếng các liệt sĩ hy sinh trong chiến thắng Chòi Đồng được xã Cù Bị tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Viêt Nam, ngày 22/12/2024

Trận đánh địch phản kích tại Chòi Đồng của ta thu được thắng lợi lớn, nhưng về phía ta cũng chịu tổn thất không nhỏ. Nếu như tình huống bất ngờ từ trảng lửa Chòi Đồng góp phần làm phá sản kế hoạch đổ quân của địch thì ngọn lửa cũng gây nhiều khó khăn cho việc cơ động, chuyển quân, chuyển thương của bộ đội ta. Không ít cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 2 đã bị thương, bị cháy sém vì lửa. Lực lượng dân công hỏa tuyến được huy động khẩn trương tiếp cận tiền duyên, kịp thời hỗ trợ bộ đội chuyển thương về quân - dân y tỉnh để điều trị. Nhiều cán bộ trong Ban Tuyên huấn và các cơ quan của tỉnh được huy động tải thương chuyển tiếp về tuyến sau.

Kết quả và ý nghĩa trận đánh

Chiến thắng Chòi Đồng là một chiến công tiếp nối, phát huy thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã. Chiến thắng Chòi Đồng giúp đẩy mạnh phong trào phá ấp chiến lược trong giai đoạn này, đồng thời mở rộng, củng cố và bảo vệ vững chắc vùng giải phóng.

Chấp hành sự chỉ đạo của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, Trung đoàn 2 đã đề cao cảnh giác, chủ động đánh địch, làm thất bại cuộc tập kích vào căn cứ Tây lộ 2 của hai tiểu đoàn dự bị chiến lược của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng. Phát huy thắng lợi Chiến dịch Bình Giã, trận Chòi Đồng đã tiêu diệt thêm một bộ phận sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng, bảo vệ vùng căn cứ, bảo vệ hệ thống kho tàng Đoàn 84 Hậu cần Miền, Bệnh xá K76A tại Hắc Dịch, bảo vệ cơ quan lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, giúp cho phong trào địa phương có điều kiện phá lỏng phá rã hệ thống ấp chiến lược, góp phần vào bước ngoặt so sánh lực lượng ở địa phương có lợi cho ta.

Trong trận Chòi Đồng, ta diệt và loại khỏi vòng chiến đấu tiểu đoàn dù 5, tiêu hao nặng tiểu đoàn dù 6; theo tin từ đài quan sát tại trận địa và tin từ trinh sát kỹ thuật, địch bị loại khỏi vòng chiến đấu trên 300 tên, trong đó có 31 tên Mỹ trên máy bay lên thẳng bị bắn rơi bỏ mạng tại trận; 22 trực thăng bị bắn cháy và hư hại (có ba chiếc phải bỏ lại chiến trường), một máy bay khu trục rơi xuống vùng Cẩm Mỹ (Long Khánh). Ta thu nhiều súng đạn và đồ dùng quân sự trong đó có bảy đại liên.

Chiến thắng Chòi Đồng ghi thêm một chiến công vẻ vang của quân và dân Châu Đức và Trung đoàn 2 trên chiến trường lộ 2 trong giai đoạn chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Hiệu quả tiêu diệt địch cao. Đây là kết quả của sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Quân khu và của Bộ Tư lệnh Miền trên chiến trường này. Đây cũng là kết quả một quá trình hiệp đồng chiến đấu giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, với quân và dân huyện Châu Đức.

Chiến thắng Chòi Đồng tiếp nối thêm chiến công sau Chiến dịch Bình Giã, Trung đoàn 2 có một bước tiến mới về trình độ tác chiến và trưởng thành trong tổ chức chỉ huy, phản ứng kịp thời trong mọi tình huống.

Trận đổ quân càn quét hòng tiêu diệt chủ lực ta sau Chiến dịch Bình Giã bị đập tan. Chiến thắng Chòi đồng càng khẳng định sự sụp đổ không tránh khỏi của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ trong giai đoạn chuyển thế tiến công, đối đầu với địch khi chúng chuyển sang tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Học sinh Trường THCS Cù Bị viếng các liệt sĩ tại Bia tưởng niệm chiến thắng Chòi Đồng

Những bài học kinh nghiệm

Sau trận đánh, Tư lệnh Miền Trần Văn Trà đã kịp thời gửi điện biểu dương chiến công của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 2 và cán bộ nhân dân huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Long Khánh. Trong niềm vui thắng lợi, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị vẫn không nguôi nỗi đau buồn, thương tiếc 127 đồng đội thương vong, trong đó có 44 đồng chí đã hy sinh anh dũng. Đây là trận đánh ta chịu thương vong lớn nhất ở chiến trường miền Đông Nam Bộ lúc bấy giờ. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2 đã kiểm điểm, nghiêm khắc nhận lấy thiếu sót. Chiến thắng Chòi đồng để lại một số kinh nghiệm quý, đó là:

- Tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội ta.

- Nắm vững địa bàn chiến lược, làm chủ chiến trường, vận dụng các yếu tố địa hình, thời tiết trong tác chiến.

- Phát huy sức mạnh từ hệ thống căn cứ địa và địa bàn trú quân.

- Phát huy sức mạnh đoàn kết và phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và các lực lượng trong căn cứ.

- Từ sau trận Bình Giã, địch đã có bước chuyển hướng về chiến thuật, sử dụng phổ biến chiến thuật “trực thăng vận” để cơ động, đổ quân nhanh với mức độ hỏa lực chi viện tối đa. Vì vậy, khi trú quân, tổ chức trận địa phải coi trọng xây dựng hầm hào, hệ thống công sự vững chắc sẽ hạn chế được tổn thất trước mật độ bom pháo dày đặc của địch.

- Trong tác chiến với quân chủ lực Mỹ-ngụy, cần tập trung lực lượng, đánh nhanh, giải quyết chiến trường nhanh. Trận Chòi Đồng, nếu như ta kịp thời khắc phục, đưa lực lượng dự bị (Tiểu đoàn bộ binh 4) vào tác chiến sớm hơn, dứt điểm nhanh hơn thì sẽ có khả năng thắng lớn hơn, tổn thất ít hơn.

Để hiểu rõ hơn chiến công cũng như mức độ tổn thất của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 2, cần phải hiểu rõ hơn tình thế so sánh lực lượng. Trong suốt quá trình từ trước khi bước vào Chiến dịch Bình Giã, Trung đoàn liên tục chiến đấu, quân số có hao hụt chưa kịp bổ sung. Trên thực tế, quân số mỗi tiểu đoàn chỉ có khoảng 300 cán bộ, chiến sĩ[1]. Trong khi đó, địch sử dụng lực lượng hai tiểu đoàn quân trừ bị chiến lược, quân số mỗi tiểu đoàn từ 600 đến 700 quân. Tổng số quân địch tham chiến gấp hai lần quân ta, được hỏa lực chi viện cao cùng những phương tiện chiến tranh hiện đại, cơ động nhanh. Trong tương quan như vậy, Chiến thắng Chòi Đồng đã thể hiện bước trưởng thành mới của Trung đoàn 2 về trình độ chỉ huy tác chiến, mở ra khả năng ứng phó trong mọi tình huống.

Chiến thắng Chòi Đồng đã nhân lên những chiến công của lực lượng bộ đội chủ lực, của quân và dân Bà Rịa - Long Khánh trong Chiến dịch Bình Giã. Lần đầu tiên tại mảnh đất Châu Đức anh hùng, hàng loạt trận đánh diễn ra liên tiếp trong vòng hơn một tháng, tất cả các đơn vị trừ bị chiến lược sừng sỏ nhất của quân đội Sài Gòn như thủy quân lục chiến, chiến đoàn dù, chiến đoàn biệt động quân với. phương tiện chiến tranh hiện đại đã bị đánh tan tác, đánh dấu thời kỳ sụp đổ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

Sự hiệp đồng chiến đấu của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, du kích Ngãi Giao cùng cán bộ, tự vệ chiến đấu của các cơ quan tỉnh và huyện trong vùng căn cứ – những người anh em cùng chung một chiến hào, khó khăn cùng chia sẻ, từ khi củng cố công sự, phát triển tuyến giao thông hào cho đến suốt quá trình hiệp đồng chiến đấu. Nơi nào có chiến thương là có chị em chăm sóc. Nhân dân Châu Đức với truyền thống đấu tranh kiên cường, giàu tình nghĩa đã cùng với bộ đội địa phương và cán bộ kiên cường bám trụ lãnh đạo đấu tranh, đoàn kết thương yêu gắn bó, không tiếc máu xương phục vụ cho bộ đội chiến đấu và chiến thắng. Gạo muối chưa đủ nhưng chiến dịch nổ ra vẫn bảo đảm cho bộ đội sinh hoạt, tác chiến. Nhân dân Châu Đức dù thiếu ăn, vẫn chắt chiu từng hạt gạo để nuôi quân ăn no, đánh thắng.

Thắng lợi ở Chòi Đồng nói riêng cũng như thắng lợi trong Chiến dịch Bình Giã nói chung đã để lại một bài học kinh nghiệm lớn trong xây dựng bộ đội chủ lực và chỉ đạo chiến dịch là: không vì thiếu ăn mà không tập trung đánh lớn, “đâu cần dân có, đâu khó có dân”.

Một ý nghĩa thắng lợi quan trọng có sức cổ vũ lớn lao đối với cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 2 là phong trào địa phương đã phát triển bởi sự lãnh đạo kịp thời và sắc bén của Đảng bộ địa phương. Trên đà thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã và Chiến thắng Chòi Đồng, Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh và Huyện ủy Châu Đức đã tích cực chỉ đạo mở mảng mở vùng, phá ấp chiến lược, phát triển lực lượng vũ trang, tạo thế trận tiến công, sẵn sàng đối đầu với chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của địch.

 

[1] Trong Chiến dịch Bình Giã, đơn vị thương vong không nhiều. Bù lại, đơn vị đã được bổ sung nhiều vũ khí từ nguồn chiến lợi phẩm và đặc biệt là từ chuyến hàng chi viện trực tiếp từ hậu phương lớn miền Bắc, vào cửa Lộc An đêm 22/12/1964, trong đó có tiểu liên AK rất hiệu quả cho bộ binh chiến đấu.