Chiến thắng Đức Lập năm 1975 đã góp phần đẩy mạnh khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Tây Nguyên, tạo thế và thời cơ thuận lợi mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Quyết tâm giành chiến thắng, tạo thời cơ giải phóng miền Nam
Trên chiến trường Tây Nguyên, đầu năm 1975, địch tập trung một lực lượng khá lớn, bao gồm: lực lượng bộ binh của các đơn vị chủ lực, cùng với các lực lượng biệt động quân, xe tăng, xe bọc thép và không quân. Bộ Chỉ huy Quân đội Mỹ ở Sài Gòn nhận định: năm 1975, ta sẽ mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên, đánh vào thị xã Kon Tum, vì địch lấy Kon Tum - Pleiku làm khu vực phòng ngự chủ yếu. Chúng đã bố trí ở khu vực này gần như toàn bộ lực lượng chủ lực ở Tây Nguyên (trừ Trung đoàn 53 giữ thị xã Buôn Ma Thuột).
Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chủ động nắm bắt thời cơ, so sánh tương quan lực lượng địch, ta quyết định mở chiến dịch Tây Nguyên trong đó có trận chiến thắng Đức Lập năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến dịch: Tư lệnh, Trung tướng Hoàng Minh Thảo; Chính ủy, Đại tá Đặng Vũ Hiệp; các Phó Tư lệnh: Thiếu tướng Vũ Lăng, Đại tá Phan Hân, Đại tá Nguyễn Năng, Đại tá Nguyễn Long, Bộ phận đại diện của Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh do Đại tướng Văn Tiến Dũng chủ trì trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.
Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 5 sư đoàn (10, 320, 316, 3, 968) và 4 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công, 2 trung đoàn pháo binh, 1 trung đoàn tăng thiết giáp, 3 trung đoàn pháo phòng không cùng lực lượng vũ trang địa phương các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, nhằm tiêu diệt bộ phận sinh lực quan trọng của địch (diệt sư đoàn, đánh thiệt hại nặng Quân đoàn 2, Quân đội Sài Gòn), phá vỡ hệ thống kìm kẹp, giải phóng tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức. Mục tiêu then chốt là thị xã Buôn Ma Thuột và ba quận lỵ quan trọng: Đức Lập, Cẩm Ga, Kiến Đức; thực hiện chia cắt chiến lược; kết hợp với địa phương đánh phá “bình định”, giành dân ở các khu vực trọng điểm và vùng đất bằng Tây Nguyên.
Quận lỵ Đức Lập (tỉnh Quảng Đức cũ – huyện Đắk Mil, tỉnh Đăk Nông ngày nay) có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự, kinh tế, chính trị được xem như “cánh cửa thép” khống chế Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vùng biên giới Campuchia. Để án ngữ vị trí quan trọng này địch đã xây dựng 5 cứ điểm quân sự mạnh như: Cứ điểm Núi Lửa án ngữ Quốc lộ 12 (khu vực xã Thuận An), với các lô cốt, hầm ngầm và hệ thống chướng ngại vật dày đặc; Sở chỉ huy Trung đoàn 23 đóng tại trung tâm; trận địa pháo 105 ly đóng ở “đồi Trung đoàn” (thuộc khu vực xã Đăk Lao)... Tại đây địch xây dựng công sự kiên cố, vững chắc, chướng ngại vật dày đặc, có sân bay trực thăng dã chiến và trường huấn luyện biệt kích đóng tại khu vực xã Đắk Sắk. Lực lượng địch tại đây có 2 tiểu đoàn bộ binh, 1 chi đoàn xe tăng, xe bọc thép, 5 đại đội bảo an và một số đơn vị trinh sát, công binh thuộc Sư đoàn 23 được trang bị quân trang, vũ khí hiện đại. Ngoài ra, địch còn có hàng chục trung đoàn dân vệ, bảo an đóng ở vòng ngoài. Với lực lượng quân sự như vậy, Đức Lập trở thành lá chắn phía Tây - Nam thị xã Buôn Ma Thuột.
Trung đoàn 66 Sư đoàn 10 tổ chức phổ biến kế hoạch trước khi vào trận đánh Đức Lập tháng 3/1975. (Ảnh tư liệu)
Việc đánh Đức Lập trước là nhằm đảm bảo thuận lợi cho trận then chốt Buôn Ma Thuột nên khi thảo luận phương án tác chiến chiến dịch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng và được đại diện Bộ Chính trị và Bộ Tổng Tư lệnh phê chuẩn. Nếu ta tiêu diệt nhanh quân địch ở Đức Lập, ngoài việc tạo cho bộ chỉ huy chiến dịch sớm có lực lượng sẵn sàng tăng cường cho Buôn Ma Thuột còn có ý nghĩa bảo đảm hành lang cho các lực lượng tiến công vào hướng Nam Buôn Ma Thuột; thu hút thêm sự chú ý của địch về Đức Lập và bảo đảm bất ngờ cao nhất cho trận đánh then chốt quyết định.
Sau khi các lực lượng chủ yếu của ta gồm cả bộ binh và binh chủng kỹ thuật triển khai xong ở các hướng an toàn, đêm 3 rạng ngày 04/3/1975, theo đúng kế hoạch, Trung đoàn 95A đã mở màn chiến dịch Tây Nguyên bằng một loạt trận đánh địch trên Đường 19, phía Đông Plây Cu từ ngã ba Plây Bôn đến ấp Phú Yên làm chủ một đoạn đường dài 20km. Cũng trên Đường 19, đoạn từ đèo Phượng An đến cầu 13, 5 giờ 30 phút ngày 4 tháng 3, Sư đoàn 3 Quân khu V tiến công và làm chủ toàn bộ các cứ điểm và chốt địch ở cả hai phía Bắc và Nam đường. Tiếp đó, đêm 4 rạng ngày 5/3, Trung đoàn 25 chặn đánh đoàn xe hơn 40 chiếc của địch, làm chủ đoạn Đường 21 phía Đông Chư Cúc. Hai con Đường chiến lược 19 và 21, mạch máu vận chuyển nuôi sống quân ngụy ở Tây Nguyên đã bị cắt đứt. Tập đoàn phòng ngự địch ở Tây Nguyên bị cắt rời và cô lập khỏi đồng bằng Khu V.
Trên Đường 19 đoạn Thuần Mẫn sáng ngày 5/3, Trung đoàn 9 Sư đoàn 320 chặn đánh đoàn xe 14 chiếc của địch từ Pleiku đi Buôn Ma Thuột. Và đến sáng ngày 08/3, Sư đoàn 320 tổ chức một trận đánh hiệp đồng bộ binh - pháo binh, sau 1 giờ 20 phút đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Cẩm Ga (Thuần Mẫn). Đường 14 Buôn Ma Thuột đi Pleiku bị cắt đứt. Tập đoàn phòng ngự địch ở Tây Nguyên bị xé làm 2 cụm Bắc và Nam, không chi viện và ứng cứu được cho nhau. Tình thế đã dồn quân địch ở Tây Nguyên đến chỗ bị trói chặt thành từng cụm, nằm cứng một chỗ chờ chịu đòn.
Trên hướng Đức Lập, cho tới trước ngày nổ súng, tình hình địch cơ bản không có gì thay đổi. Chiều ngày 7/3, tại Sở chỉ huy Sư đoàn 10 đặt trong một cánh rừng Bằng Lăng ở phía Tây Đức Lập, Bộ Tư lệnh Sư đoàn họp xem xét lại kế hoạch tác chiến và quyết định lần cuối phương án đánh Đức Lập là: Bỏ qua tuyến phòng ngự vành ngoài của các cứ điểm Bảo An. Dùng Trung đoàn 66 (thiếu Tiểu đoàn 9) tiêu diệt căn cứ hành quân Sư đoàn 23 từ hướng Đông và Tây - Nam; Dùng Trung đoàn 28 (thiếu Tiểu đoàn 2), tiêu diệt căn cứ Núi Lửa. Cả hai Trung đoàn sẽ được hỏa lực của cụm pháo binh Sư đoàn chi viện. Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 28 thực hành bao vây quận lỵ Đức Lập trên hai hướng Tây và Đông - Nam.
Thực hiện kế hoạch tác chiến của Sư đoàn, ngay trong đêm 7/3, Phòng Hậu cần Sư đoàn đã tổ chức lực lượng vận tải chuyển lót đạn, gạo trên các hướng. Các chiến sĩ quân giới trực tiếp kiểm tra bảo đảm đạn đồng bộ, đúng chủng loại. Các chiến sĩ quân y khẩn trương triển khai hầm phẫu, hầm trú ẩn sẵn sàng đón nhận thương binh. Tiểu đoàn Thông tin 18 gấp rút mắc dây tới các vị trí tập kết của các trung đoàn. Mùa khô ở Tây Nguyên, nạn cháy rừng thường đe dọa sự an toàn của đường dây. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 18 phải tổ chức nhiều tổ, chốt ở những nơi xung yếu. Những khu vực trọng điểm, chiến sĩ thông tin đã phải chôn dây sâu dưới đất, vừa phòng cháy, vừa bảo đảm an toàn và bí mật.
Cũng trong đêm 07/3, Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 66, đơn vị chiếm lĩnh xa nhất được lệnh hành quân. Để giữ bí mật khi vượt qua Đường 14. Ngoài việc tổ chức 2 tổ cảnh giới từ xa ở hai phía, đơn vị dùng ni lông trải lên mặt đường cho bộ đội đi qua, người đi sau cùng thu lại. Tiểu đoàn 8 đã vào vị trí tập kết an toàn.
Đêm 08/3, toàn Sư đoàn hành quân chiếm lĩnh trận địa. Đội hình Sư đoàn phải vượt qua nhiều địa hình phức tạp, vượt qua những cánh đồng trống trải đi dưới những cánh đồng cà phê đang mùa nở hoa trắng ngần và phải thận trọng vòng qua hệ thống “ấp chiến lược” dày đặc dân vệ, bảo an. Ở những đoạn đường có mìn, trinh sát đã cắm lộ tiêu hai bên cho bộ đội đi an toàn...
Tại Sở chỉ huy Sư đoàn 10, Sư đoàn trưởng Hồ Đệ, Chính ủy Lã Ngọc Châu cùng các sĩ quan tham mưu, chính trị, hậu cần hồi hộp theo dõi trên tấm bản đồ tác chiến những mũi tên nhích dần vào sát căn cứ địch. 3 giờ sáng ngày 09/3, tất cả các hướng của ta báo về đã vào đúng vị trí chiếm lĩnh an toàn.
05 giờ 55 phút ngày 09/3/1975, khi các đài quan sát pháo binh vừa nhìn rõ mục tiêu trong căn cứ địch, thì lệnh tiến công từ sở chỉ huy Sư đoàn được truyền nhanh tới các đơn vị. 15 khẩu pháo lớn của Sư đoàn đã dồn dập nã những loạt đạn chính xác vào căn cứ hành quân Sư đoàn 23 ngụy, căn cứ Núi Lửa và quận lỵ Đức Lập. Phối hợp với pháo binh Sư đoàn các trận địa pháo của Trung đoàn 28 và Trung đoàn 66 cũng tới tấp trút đạn xuống căn cứ địch. 90 phút bắn phá liên tục của pháo binh ta vừa ngừng, bộ binh ta lập tức được lệnh tiến công.
Tại căn cứ Núi Lửa, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 28 hình thành hai mũi đột mạnh vào trung tâm áp đảo quân địch. Sau 45 phút chiến đấu, toàn bộ quân địch trong căn cứ Núi Lửa bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh.
Cùng lúc với Trung đoàn 28, các chiến sĩ Trung đoàn 66 thực hành mở cửa tiến công căn cứ chỉ huy hành quân của Sư đoàn 23. Ở hướng Tây do Tiểu đoàn 7 phụ trách, địch cho xe tăng ra bịt cửa mở. Chiếc xe tăng M.41 vừa xuất hiện, lập tức bị Nguyễn Minh Phúc dùng B.40 tiêu diệt. Đại đội 1 và Đại đội 3 nhanh chóng tràn qua cửa mở, đánh thẳng vào trung tâm.
Ở hướng Đông, lúc đầu Tiểu đoàn 8 phát triển thuận lợi nhưng khi tiến gần trung tâm căn cứ thì bị xe tăng địch bắn chặn, một số chiến sĩ hy sinh. Tiểu đội phó Đoàn Đức Kiệm vượt lên lợi dụng địa hình, nhằm lỗ châu mai đang nhả đạn, bóp cò, quả đạn B40 của Kiệm bay lọt vào lỗ châu mai, phá hủy chiếc xe tăng đặt dưới hầm có mái che, mở đường cho đội hình Tiểu đoàn phát triển. Bị đánh mạnh từ các phía, quân địch buộc phải co về khu chỉ huy cố thủ. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 chiến đấu anh dũng, khôn khéo, dùng lựu đạn, thủ pháo, súng phun lửa diệt địch. Tổ địch vận của Trung đoàn 66 do Nguyễn Văn Đoàn chỉ huy kịp thời dùng loa kêu gọi quân địch đầu hàng.
9 giờ 30 ngày 09/3, căn cứ chỉ huy hành quân của Sư đoàn 23 - một vị trí quan trọng bậc nhất của địch ở Đức Lập đã bị các chiến sĩ Trung đoàn 66 tiêu diệt.
Trận Đức Lập tuy không phải là trận then chốt nhưng có vị trí rất quan trọng nên Sư đoàn đã được cấp trên chỉ đạo sát sao trong từng bước phát triển của trận đánh.
Sau hơn một ngày chiến đấu quyết liệt, khẩn trương, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Chiến dịch giao cho: đập vỡ tuyến phòng thủ Tây - Nam thị xã Buôn Ma Thuột, tiêu diệt địch, giải phóng một địa bàn quan trọng với hơn một vạn dân, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh (nhất là pháo và đạn pháo lớn), trực tiếp tăng cường sức mạnh cho Sư đoàn để thực hiện tiếp nhiệm vụ chiến đấu của chiến dịch.
Hội thảo khoa học kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đức Lập vừa được tổ chức tại Đăk Mil, Đắk Nông
Ý nghĩa quan trọng trong tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975
50 năm đã trôi qua, chiến thắng Đức Lập vần giữ nguyên giá trị lịch sử và để lại nhiều bài học quý báu, nhất là về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc. Điều này được thể hiện sâu sắc ở một số nội dung sau:
Một là, đánh giá đúng tình hình, quán triệt, vận dụng thực hiện có hiệu quả quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng về nhiệm vụ quân sự quốc phòng trong tình hình mới.
Chiến thắng Đức Lập năm 1975, bắt nguồn từ tầm nhìn chiến lược, đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng, trong đó nội dung cốt lõi là đánh giá đúng tình hình, nhất là đánh giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu của địch và khả năng thực tế của ta… trên cơ sở đó hoạch định chủ trương, phương pháp và tổ chức chỉ đạo trận đánh một cách đúng đắn, sáng tạo. Nét nổi bật của chiến thắng Đức Lập là, quán triệt tư tưởng tiến công, lựa chọn hướng, mục tiêu và thời điểm tiến công hết sức táo bạo, bất ngờ làm cho địch bị động, lúng túng trong đối phó. Đặc biệt, cùng một lúc ta đồng loạt tiến công trên nhiều hướng, phạm vi rộng, trọng tâm là các trung tâm đầu lão của địch làm cho chúng hoảng loạn về tinh thần và không kịp trở tay để phản ứng lại.
Hiện nay, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, những kinh nghiệm đó vẫn còn nguyên giá trị. Theo đó, chúng ta cần nghiên cứu kỹ, khách quan, toàn diện tình hình thực tế để vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp và có tính khả thi cao. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Vì thế, việc nghiên cứu đánh giá đúng tình hình quốc tế và trong nước nhất là những vấn đề liên quan đến quốc phòng - an ninh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để thực hiện tốt vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành nhất là Bộ Quốc phòng… Trên cơ sở đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước về đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc và có đối sách xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Hai là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Nét nổi bật của chiến thắng Đức Lập, cũng là bất ngời lớn nhất đối với kẻ thù, là lần đầu tiên trong trận thắng mở màn của chiến dịch Tây Nguyên, quân và dân ta đã bất ngờ tiến công đồng loạt trên các hướng lấy tiêu diệt cụm cứ điểm ở căn cứ Đức Lập làm chiến trường chính, đánh vào căn cứ chỉ huy hành quân của Sư đoàn 23 bằng lực lượng tổng hợp. Trong đó, việc kết hợp chặt chẽ giữa tiến công của bộ đội chủ lực với nổi dậy của quần chúng mà lòng cốt là lực lượng vũ trang địa phương trong thế trận được chuẩn bị sẵn đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Nhờ đó, quân và dân ta đã thực hiện đánh địch rộng khắp, vừa tập trung, hãm chúng vào thế bị động, lúng túng chống đỡ. Chính nhờ dựa vào Nhân dân, thế trận chiến tranh nhân dân, nhất là các tổ chức đảng và cơ sở cách mạng địa phương, Sư đoàn 10 đã bí mật tiến công đồng loạt trên các hướng tiêu diệt toàn bộ quân địch, đập vỡ toàn bộ tuyến phòng thủ phía Tây Nam thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng một khu vực rộng lớn với hàng vạn dân, mở thông đường hành lang chiến lược vào Đông Nam Bộ. Thực tiễn đó, một lần nữa khẳng định, sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân là một trong những nét đặc sắc trong chiến thắng Đức Lập cũng là vấn đề xuyên suốt trong chiến dịch Tây Nguyên, tạo thế và thời cơ thuận lợi mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên từng khu vực và địa bàn cả nước, nhất là trên các địa bàn chiến lược. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn dân; trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước. Để đạt được mục tiêu xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về xây dựng khu vực phòng thủ; Nghị định số 21/2019/NĐ- CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về Khu vực phòng thủ trong quá trình thực hiện, phải phát huy có hiệu quả vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; năng lực làm tham mưu và tổ chức thực hiện của các ban, ngành, đoàn thể, mà trước hết là cơ quan quân sự địa phương để tăng cường tiềm lực về mọi mặt cho khu vực phòng thủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, phối hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng.
Thế trận quốc phòng – an ninh được xây dựng vững chắc sẽ tạo điều kiện cho các lực lượng phối hợp hoạt động xử lý tốt các tình huống, bảo vệ vững chắc địa bàn, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Yêu cầu đặt ra là, thế trận đó phải đáp ứng tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong thời bình; đồng thời, sẵn sàng chuyển hóa thành thế chiến tranh nhân dân khi đất nước bị xâm lược.
Ba là, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân.
Chiến thắng Đức Lập là kết quả của việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh; thực hiện phương thức chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo. Đó là: kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh chính quy của các đơn vị chủ lực với chiến tranh nhân dân địa phương của lực lượng vũ trang địa phương và nó được biểu hiện cụ thể ở sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, làm chủ các ấp chiến lược, xóa bỏ tề ngụy, kêu gọi tàn binh trình diện. Vì thế, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta phải tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, đủ sức làm nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Để đạt được mục tiêu trên, cần tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân theo hướng: “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trước hết, coi trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Muốn vậy các đơn vị phải tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội; có bản lĩnh chính trị vững vàng để phòng, chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” Quân đội của các thế lực thù địch; đồng thời, có ý chí, quyết tâm cao để vượt qua khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tập trung xây dựng các Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng cấp ủy với đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Trong tình hình hiện nay để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tiến thắng lên hiện đại, các cơ quan, đơn vị cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, nhất là công tác sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, giáo dục, đào tạo…bảo đảm cho quân đội kiên định mục tiêu lý tưởng chiến đấu và trình độ kỹ chiến thuật và khả năng tác chiến ngày càng cao, trên cơ sở tinh thông nghiệp vụ, khai thác và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có và mới được trang bị. Cùng với đó, chú trọng xây dựng, phát triển nền khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện mới, bao đảm vừa kế thừa phát huy truyền thống quân sự của dân tộc, vừa tiếp cận, tiếp thu nền khoa học nghệ thuật quân sự tiên tiến, hiện đại trên thế giới, trong đó coi trọng nghiên cứu khoa học, nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong chống chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của địch.