Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 53 dân tộc thiểu số. Trong thời kỳ kháng chiến, vùng dân tộc thiểu số luôn là căn cứ địa hậu phương lớn của cách mạng, góp phần lập nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, nhiều chính sách của Nhà nước được ban hành nhằm huy động, sử dụng, phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo nên những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã khẳng định: Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung (Điều thứ 8). Điều đó cho thấy Nhà nước không những công nhận sự tồn tại của các dân tộc mà còn khẳng định sự bình đẳng về lợi ích và nghĩa vụ của tất cả các dân tộc. Chính điều này đã tạo nên cơ sở pháp lý vững chắc để đồng bào tin tưởng và ủng hộ cách mạng. Quan điểm này được tiếp tục ghi rõ tại Điều 5, Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số”.
Hiến pháp năm 2013 đã hiến định nhiều nội dung liên quan đến chính sách dân tộc được thể hiện ở Điều 5, Khoản 2 “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”; Khoản 4 “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”; Điều 58, Khoản 1 “…có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”; Điều 61, Khoản 3 “Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…”. Đặc biệt, tại Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên có quy định Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn “Quyết định chính sách dân tộc” thể hiện ở khoản 5 Điều 70.
Nhằm quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, nội dung của Hiến pháp thành các quy định góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho việc huy động, sử dụng nguồn lực trong vùng dân tộc thiểu số, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Nghị quyết 88/2019/QH14 bắt đầu được thực hiện từ năm 2021 với 10 dự án cụ thể nhằm giải quyết 3 vấn đề chính: (1) Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân để giảm dần khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số so với vùng phát triển; (2) Giải quyết những vấn đề bức thiết trong đời sống của nhân dân về tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và hỗ trợ làm nhà ở cho người dân. (3) Tiếp cận theo hướng lấy người dân làm trung tâm, chính sách sẽ xuất phát từ yêu cầu của người dân với phương châm là “dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”. Trong đó, xác định mục tiêu tổng quát là: “Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống thu nhập so với bình quân chung của cả nước;...”. Một trong những giải pháp để thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14 là “Đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số”. Đây là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở tích hợp các chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm qua, những vấn đề lớn đặt ra cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới đã được cụ thể hoá trong Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”(1).
Cùng với Nghị quyết 88/2019/QH14, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, thời gian thực hiện Chương trình là 10 năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; giai đoạn II: từ năm 2026 đến năm 2030. Chương trình nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Ngày 15/9/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1409/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Kế hoạch được ban hành nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 đảm bảo đồng bộ, kịp thời, thống nhất, hiệu quả; đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14.
Có thể nói, Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 là hai Nghị quyết của “ý Đảng, lòng Dân”, là sự mong đợi khát khao của đồng bào các dân tộc. Việc ban hành hai Nghị quyết đã khẳng định quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tạo cơ hội mới để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển toàn diện, bền vững.
Ngày 14-10-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg về “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025”. Đây là một quyết sách lớn, cụ thể hoá chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình được xây dựng trên cơ sở tích hợp các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm qua cùng với những chính sách mới nhưng được thay đổi cơ bản về cách tiếp cận trong phát triển kinh tế - xã hội dành cho địa bàn đặc thù này, đó là chuyển dần từ các chính sách mang tính chất hỗ trợ sang đầu tư phát triển.
Đối với Chính phủ, trong lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác dân tộc nói chung và chính sách dân tộc nói riêng có 2 văn bản đặc biệt quan trọng được Chính phủ ban hành, đó là Nghị định về công tác dân tộc và Chiến lược về Công tác dân tộc. Trong đó, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 về công tác dân tộc là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất, là khung pháp lý quan trọng để tổ chức thực hiện công tác dân tộc nói chung và chính sách dân tộc nói riêng. Theo Nghị định này, Chính sách dân tộc bao gồm 12 nhóm chính sách bao phủ toàn diện về kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng. Trong Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 ban hành theo Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc qua việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đến năm 2020, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; đây là định hướng khung quan trọng về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.
Tiếp tục cụ thể hóa Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; ngày 28/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là sự kế thừa, chuyển tiếp hết sức quan trọng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc trong giai đoạn mới. Đồng thời, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng sống cho đồng bào dân tộc thiểu số một cách bền vững. Nếu như Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2011 - 2022 (theo Quyết định số 449/QĐ-TTg 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ) chỉ gói gọn trong phạm vi 10 năm, thì với Chiến lược giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn tới 2045 cho thấy tầm nhìn chiến lược lâu dài của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc. Về mục tiêu tổng quát, Nghị quyết nhấn mạnh: “Ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.… Tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chiến lược cũng đặt ra 02 nhóm nhiệm vụ để thực hiện, đó là nhóm nhiệm vụ đột phá với 7 nội dung chính, nhóm nhiệm vụ chủ yếu với 8 nội dung chính tập trung vào phát triển kinh tế; phát triển giáo dục - đào tạo; y tế và dân số. Ngoài ra, Chiến lược giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2045 còn thể hiện tầm nhìn đột phá của Đảng, Nhà nước về khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số chính là nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài./.
Ngọc Cảnh
Chú thích và tài liệu tham khảo:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2021, tập I, tr.170.