Chế độ nhà tù tàn bạo của chính quyền Sài Gòn, những dấu tích của nó vẫn còn đó được lưu giữ tại các di tích lịch sử như Nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo và hàng chục nhà tù, trại giam khác, được lưu giữ trong các bảo tàng của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong giai đoạn 1954-1975. Thế nhưng có những thế lực vẫn muốn che giấu đi sự thật đó bằng việc đưa ra những bài báo về một chế độ nhà tù được cho là nhân văn với tù nhân
Những clip đổi trắng thay đen, đánh lừa dư luận
Mạng xã hội bây giờ là cả một biển thông tin, nhưng không phải ai cũng có đủ kiến thức để thẩm định những thông tin đó. Có những clip với cái tên giật gân, nhằm câu view, nhưng đồng thời cũng nhằm truyền tải những thông tin sai sự thật.
Gần đây, trên mạng xã hội YouTube, nhà sản xuất mang tên Theo Dấu Giày Sô đăng một clip dài 21 phút với tựa đề gợi sự tò mò của người xem “Nhà tù Phú Quốc- Những sự thật nhà trường xã hội chủ nghĩa sợ học sinh biết”. Hình ảnh trên màn hình cho thấy một tù nhân khi được phỏng vấn đã tuyên bố: “Thà ở tù miền Nam chứ tôi không muốn về miền Bắc”.
Vậy sự thật thế nào?
Như chúng ta đã biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, chính quyền Sài Gòn, đã xây dựng hàng trăm nhà tù lớn nhỏ trên khắp miền Nam, trong đó có thể kể đến các nhà tù lớn như Phú Quốc, Côn Đảo, Chí Hòa, Cần Thơ, Phú Tài...trong đó nhà tù Phú Quốc được gọi với cái tên Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc là một nhà tù lớn nhất, có thời điểm giam giữ đến gần 40.000 tù nhân, chủ yếu là các chiến sĩ bộ đội miền Bắc bị địch bắt và tù đày giam cầm đầy ải tại một hòn đảo cách xa đất liền.
Trước hết, cần phải nói không phải ngẫu nhiên mà chính quyền Pháp trước đây cũng như chính quyền Sài Gòn sau này xây dựng những nhà tù tại các hòn đảo xa xôi như Côn Đảo hay Phú Quốc. Trước hết, nhà cầm quyền muốn biệt lập các chiến sĩ cách mạng bị bắt khỏi phong trào cách mạng của nhân dân, cũng như để dễ dàng đàn áp các phong trào đấu tranh của tù nhân mà không sợ tiếng vang của nó bị dư luận tiến bộ phát hiện và lên án. Chính vì thế, hai nhà tù Phú Quốc và Côn Đảo là hai nhà tù giam giữ nhiều tù nhân nhất, trong đó nhà tù Phú Quốc giam giữ tù binh với số lượng như đã nói ở trên và nhà tù Côn Đảo giam giữ tù chính trị, có lúc lên tới trên dưới 10.000 người.
Một góc nhà tù Phú Quốc được tái hiện và lưu giữ
Trở lại video clip của nhà sản xuất Theo Dấu Giày Sô, mở đầu là những hình ảnh cuộc chiến ác liệt dịp Tết Mậu Thân tại Sài Gòn và tại Huế. Trong cuộc phản kích để giành lại những địa bàn đã bị mất, quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn đã bắt được hàng chục tù binh là các chiến sĩ quân giải phóng. Trước con mắt của các nhà báo trong nước và quốc tế, chính quyền Sài Gòn được dịp để tung ra những hình ảnh được coi là tốt đẹp của chế độ miền Nam. Đó là hình ảnh những người lính Sài Gòn bóc bánh chưng cho những người tù binh giải phóng ăn ngay trên đường phố. Vài tù binh cũng được châm cho điếu thuốc. Ai cũng xem đó là một sự đối xử tử tế với tù binh. Thế nhưng không thể làm khác, trước báo chí, họ những người lính Sài Gòn buộc phải thực thi những quy chế đối với tù binh đã được quốc tế quy định. Tất cả những điều này được xem là bắt buộc, ngoại trừ việc Tướng cảnh sát Sài Gòn Nguyễn Ngọc Loan ra tay bắn chết tù binh ngay trên đường phố Sài Gòn, một vụ việc đã gây rúng động dư luận quốc tế lúc đó, châm ngòi cho những phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ và châu Âu.
Cảnh tiếp theo là cảnh một nhà báo ngoại quốc, có thể là nhà báo Pháp, vì tiếng Pháp được sử dụng để đặt câu hỏi, cùng một thông dịch viên nữ người Việt Nam phỏng vấn một tù nhân quân giải phóng bị thương đang chống nạng tại Nhà tù Phú Quốc. Cuộc phỏng vấn chỉ trong vòng khoảng một phút với hai câu hỏi đơn giản, ngắn gọn của nhà báo ngoại quốc. Ta có thể nghe rõ người tù binh trả lời câu hỏi của nhà báo nước ngoài khi hỏi vào miền Nam làm gì, anh trả lời: “Tôi vào miền Nam để đánh Mỹ xâm lược”. Câu hỏi thứ hai là các anh bị Mỹ giết chết nhiều không, người tù binh trả lời: “Tôi mới vào nên cũng chưa thấy Mỹ giết được ai hết đồng đội của tôi”.
Hoàn toàn không có một câu trả lời nào như trên hình ảnh quảng cáo của clip là “Tôi thà ở tù miền Nam còn hơn trở về miền Bắc”.
Kế đến là cảnh những người tù nhân đang sống một cách vui vẻ trong trại với các hoạt động như nấu ăn, thêu thùa, làm mộc, và các hoạt động khác như đá bóng, chơi bóng chuyền, nghe văn nghệ, tập thể dục, trồng rau, cắt tóc cho nhau, thậm chí là hình ảnh những người lính Sài Gòn cắt tóc cho những tù binh cộng sản, rồi hình ảnh những cô gái miền Nam vào trại thăm những tù binh cộng sản, tặng họ những thứ hàng hóa phổ thông của miền Nam như hoa quả, bánh kẹo, thuốc lá, những người tù binh cộng sản vui vẻ đàn hát, những người tù binh cộng sản vui mừng đón nhận. Dựa vào những hình ảnh đó, những người làm video clip bình luận rằng: chế độ dân chủ của miền Nam Việt Nam đã được thực thi một cách tuyệt vời và đó là một “điểm yếu” mà miền Bắc khai thác để ngày càng làm suy yếu chế độ miền Nam Việt Nam.
Những hình ảnh về một nhà tù Phú Quốc đầy tính nhân văn. Vậy sự thật thế nào ?
Như chúng ta đã biết, khi người chiến sĩ giải phóng rơi vào tay kẻ thù, bị giam cầm đầy ải tại các nhà tù, đặc biệt là Phú Quốc sẽ phải trải qua sự phân loại đặc biệt gay gắt. Trong cuộc đấu tranh đó, không tránh khỏi có những người không giữ được khí tiết cách mạng, thuận theo chương trình chiêu hồi của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Những người tù binh được đối xử tử tế như chúng ta kể đến ở trên chính là bộ phận này, có được đời sống tương đối “dễ thở” trong nhà tù và thường xuyên được chính quyền mời các nhà báo trong nước mà nước ngoài đến quay phim, chụp ảnh để quảng cáo cho một chế độ nhà tù nhân văn, đối xử với tù binh đúng quy ước quốc tế.
Một số hình thức tra tấn, đàn áp tù nhân tại nhà tù Phú Quốc (Ảnh tư liệu lịch sử dựng lại)
Tuy nhiên, đằng sau một bộ phận rất nhỏ này, phần lớn những chiến sĩ tù binh đã kiên quyết đấu tranh chống tại chế độ lao tù khắc nghiệt, tàn bạo, chống lại chương trình chiêu hồi của chính quyền Sài Gòn, kiên quyết bảo vệ khí tiết và đấu tranh cuộc chính quyền Sài Gòn phải đối xử với họ đúng với quy ước quy chế tù binh quốc tế. Những tù binh này không được hưởng những chế độ như chúng ta vừa kể trên đây mà họ bị giam cầm, đày ải, bị bỏ đói, bị tra tấn đánh đập, thậm chí bị sát hại một cách tàn bạo. Ước tính trong số khoảng trên 40.000 tù binh quân giải phóng bị giam tại Phú Quốc đã có đến 4.000 tù binh bị chết vì bỏ đói, tra tấn, bệnh tật và bị sát hại.
Chứng cứ của các hình thức tra tấn tù binh tàn bạo vẫn còn đó, ta có thể chứng kiến tại Di tích lịch sử quốc gia nhà tù Phú Quốc hay tại các nhà bảo tàng của các chiến sĩ bị địch bắt tù đày trên cả nước.
Các hình thức tra tấn tàn bạo tại Nhà tù Phú Quốc rất đa dạng và man rợ. Một số hình thức tra tấn được ghi nhận bao gồm: Các hình thức tra tấn thể xác: Đánh đập bằng chày vồ, roi cá đuối; đóng đinh vào người; dùng que sắt nung đỏ đâm vào bắp chân; ép ván lồng ngực; ném người vào chảo nước sôi; chôn sống tù nhân; dùng thanh gỗ đóng vào để bật hàm răng của tù nhân; tống tù nhân vào thùng đầy nước rồi dìm đầu; giam cầm trong "chuồng cọp" kẽm gai ngoài trời; rắc bột ớt vào vết thương; tra điện….
Những hình thức tra tấn này đã gây ra cái chết cho hàng nghìn tù binh tại Nhà tù Phú Quốc, hàng nghìn người khác mang thương tật suốt đời.
Chứng cứ còn đó với những nhân chứng sống tàn phế trở về từ nhà tù Phú Quốc.
Ông Nông Tuấn Đài: Trưởng Ban Liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Cao Bằng, người đã từng trải qua “cơn ác mộng Phú Quốc”. Ông Đài bị bắt vào năm 1967 và chứng kiến nhiều hình thức tra tấn dã man tại nhà tù.
Ông Đỗ Nhật Quỳnh, một chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn, người đã bị tra tấn rất nhiều lần và bị nhổ 4 cái răng vì dạy thơ cho bạn tù.
Ông Lâm Văn Bảng, cựu tù binh Phú Quốc, người đã thành lập và quản lý Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày. Ông Bảng bị giam ở Trại giam Phú Quốc 4 năm, 8 tháng, 7 ngày và chứng kiến nhiều đồng đội của mình bị tra tấn đến chết. Bản thân ông Lâm Văn bảng đã bị cai ngục nhà tù đánh gãy 9 chiếc răng, bị bắt nuốt cae răng gãy lần máu, trong suốt thời gian ông bị giam cầm.
Chứng cứ vẫn còn đấy khi viên cai ngục Bảy Nhu, một trong những cai tù được coi là tàn bạo nhất với tù binh cộng sản tại nhà tù Phú Quốc, nổi tiếng với màn dùng gậy gỗ ghè lấy răng của tù binh cộng sản, người mà sau này khi giải phóng, sống một cuộc đời cô độc trong dằn vặt, đau khổ và không dám tiếp xúc với người dân.
Trở lại câu trả lời phỏng vấn chúng ta thấy trên hình ảnh của clip “Thà ở tù miền Nam chứ tôi không muốn về miền Bắc”, trên thực tế thì chính quyền Sài Gòn cũng nghĩ ra khá nhiều thủ đoạn thâm hiểm để bôi xấu miền Bắc. Trong quá trình trao trả tù binh sau Hiệp định Paris, chúng đã trà trộn đưa những tù nhân tù binh giả vào đoàn tù trao trả, đến phút cuối cùng, những tù nhân này đứng lên ca ngợi chế độ miền Nam văn minh, tuyên bố không trở về miền Bắc và muốn quay trở về với chính nghĩa quốc gia. Thực tế thì cũng có hàng trăm tù binh, tù chính trị đã chiêu hồi, tự cảm thấy họ có lỗi lầm, sau khi được thả ra, đã không dám quay trở lại miền Bắc mà ở lại miền Nam sống một cuộc sống ẩn dật, bởi họ sợ bị phải đối mặt với những hình phạt khi được trao trả, cũng như lương tâm họ cắn rứt khi không đủ dũng cảm đứng trong hàng ngũ những người tù nhân cộng sản kiên trung trong nhà tù của kẻ thù.
Đến bây giờ thì chúng ta đã hiểu nhà sản xuất Theo Dấu Giày Sô muốn gì. Bản thân họ bịa đặt ra những lời nói của các tù nhân tù binh. Bản thân họ muốn che giấu đi những tội ác của chính quyền Sài Gòn đối với tù binh, những tội ác vi phạm công ước quốc tế về đối xử với tù binh. Những clip này cho dù có đưa lên mạng xã hội, có thể đánh lừa được một số người, nhưng cũng không thể che giấu được thực tế rằng chính quyền Sài Gòn đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc, tàn bạo xảo quyệt, đối xử với tù binh cũng như tù chính trị trên khắp các nhà tù miền Nam trong đó đặc biệt là nhà tù Phú Quốc, nơi được ví như “địa ngục trần trần gian” mà những người đã trải qua nhà tù Phú Quốc đã chiến đấu chiến thắng trở về thực sự là những người anh hùng.
Thực tế clip của nhà sản xuất Theo Dấu Giày Sô cũng cho chúng ta thấy, trong cuộc đấu tranh quyết liệt liên quan đến sinh mạng chính trị và tính mạng của con người, có một bộ phận đã không chịu nổi chính sách nhà tù hà khắc, tàn bạo của chính quyền Sài Gòn, đã chiêu hồi và quảng bá cho hình ảnh của những nhà tù đó một cách sai lạc. Nếu chế độ nhà tù miền Nam được coi là nhân văn tử tế, thì tại sao các nhà tù lại được báo chí trong nước và quốc tế gọi với cái tên “địa ngục trần gian”. Nếu cuộc sống của tù binh cộng sản tại nhà tù Phú Quốc tươi đẹp như thế, nhân văn như thế, tại sao có đến 9/10 tù nhân vẫn không chọn cuộc sống đó mà họ chọn cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù để giữ trọn vẹn khí tiết của người chiến sĩ cộng sản đến ngày chiến thắng trở về.
Những clip như thế, những hình ảnh như thế, dù bịa đặt một cách trắng trợn như lời phỏng vấn người tù, hay được che giấu bằng những hình ảnh cuộc sống tù nhân đầy màu sắc hiền hòa, cũng không thể che dấu được đằng sau đó sự thật tàn bạo mà chế độ miền Nam Việt Nam đối xử đối với những người tù binh. Chúng ta có thể thăm Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Phú Quốc để thấy được các hình thức tra tấn tù nhân tàn bạo của cai ngục. Chúng ta có thể kiểm chứng hình ảnh, hiện vật của những chiến sĩ cộng sản đã từng sống chết qua "địa ngục trần gian" nhà tù Phú Quốc được lưu lại tại bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại gia đình ông Lâm Văn Bảng ở Phú Xuyên, Hà Nội. Với trên 4.000 hiện vật lịch sử, ông Lâm Văn Bảng cho biết: “Ở đây, mỗi hiện vật đều là xương, là máu của đồng đội tôi!”.
Nhà sản xuất Theo Dấu Giày Sô không đến đây mà lấy tư liệu. Họ lấy vài đoạn phim của các nhà báo nước ngoài, của cơ quan tâm lý chiến Việt Nam Cộng hòa rồi kết luận cuộc sống nhà tù Phú Quốc đầy tính nhân văn, thậm chí còn bịa đặt câu nói của người tù binh trả lời phỏng vấn “Thà ở tù miền Nam chứ tôi không muốn về miền Bắc”.