Hàng triệu công nhân ngành may mặc ở châu Á bị mất thu nhập gần 6 tỉ đô la do các thương hiệu thời trang lớn nhất thế giới hoãn, hủy đơn hàng đồng thời dừng thanh toán vì tác động của đại dịch Covid-19.
Công nhân đeo khẩu trang làm việc trong một nhà máy may ở Asulia, vùng ngoại ô của thủ đô Dhaka, Bangladesh. Ảnh: Getty

Mất 20% thu nhập vì bị giảm và nợ lương

Con số trên được đưa ra trong một báo cáo mới công bố của Clean Clothes Campaign (Hà Lan), liên minh lớn nhất của các nghiệp đoàn và tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền lợi người lao động trong ngành công nghiệp dệt may.

Báo cáo cho biết nhiều công nhân châu ở Nam Á và Đông Nam Á đang làm việc trong chuỗi cung ứng cho những nhà bán lẻ các thương hiệu thời trang toàn cầu như Hennes & Mauritz (H&M), Topshop và Gap, chỉ nhận được một phần hoặc không nhận được đồng lương nào trong ba tháng đầu tiên của đại dịch Covid-19 ( từ tháng 3 đến tháng 5). Báo cáo ước tính số lương của công nhân dệt may bị nợ là 500 triệu đô la ở Bangladesh và hơn 400 triệu đô la ở Indonesia.

Theo báo cáo, mức lương trung bình của công nhân trong chuỗi cung ứng dệt may ở châu Á đang sử dụng 50 triệu lao động đã giảm 20%, tương đương với 5,8 tỉ đô la lương bị cắt giảm hoặc bị nợ.

Rất nhiều người trong số họ đang sống với mức thu nhập nghèo khổ, tức chỉ 1,9 đô la Mỹ/ngày. “Tổn thất thu nhập tác động nặng nề đối với đời sống của công nhân dệt may” Khalid Mahmood, Giám đốc Quỹ Giáo dục lao động ở Pakistan, nói.

Ông cho biết công nhân dệt may Pakistan thường phải làm việc quá giờ chỉ để hưởng mức lương tối thiệu 17.500 rupee Pakistan (2,4 triệu đồng VN)/tháng. Vì vậy, khi mất thu nhập, nhiều công nhân không thể trả học phí cho con cái hoặc chi phí y tế và rơi vào cảnh nợ nần. Ông nói: “Chúng tôi chứng kiến nhiều công nhân dệt may phải cho con cái nghỉ học vì không đủ sức trả học phí nữa”.

Khi các lệnh phong tỏa kiểm soát đại dịch Covid-19 gây tê liệt các hoạt động kinh doanh ở Mỹ và châu Âu, doanh thu của nhiều nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới trong ngành công nhiệp thời trang toàn cầu trị giá 2.500 tỉ đô la, lao dốc. Họ đã ứng phó bằng cách yêu cầu các nhà cung cấp ở châu Á giảm giá mạnh cho cho các đơn hàng đã ký kết hoặc từ chối thanh toán cho các đơn hàng.

Các báo cáo về tình trạng công nhân dệt may ở châu Á bị nợ lương bắt đầu xuất hiện từ tháng 2 sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc. Điều này cản trở dòng chảy của vải dệt, dây kéo, nút áo quần và các phụ kiện khác được sử dụng trong ngành công nghiệp dệt may ở châu Á. Christie Miedema, người phát ngôn của tổ chức Clean Clothes Campaign, nói: “Sau đó, tình hình chỉ càng tồi tệ hơn”.

Một triệu công nhân Bangladesh trở về quê

Chỉ riêng tại Bangladesh, các công ty may mặc chịu tổn thất hơn ba tỉ đô la Mỹ doanh thu do các thương hiệu thời trang Tây không chịu thanh toán cho số áo quần đã sản xuất hoặc gia công,  theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu và sản xuất hàng dệt may Bangladesh (BGMEA). Nhiều công ty dệt may ở nước này càng khó khăn gấp bội sau khi giới chức trách áp đặt lệnh phong tỏa kiểm soát dịch bệnh, buộc họ phải đóng cửa nhà máy.

Hồi tháng 3, gần một triệu công nhân dệt may ở Bangladesh, tương đương 25% lực lượng lao động ngành dệt may ở nước này, phải trở về quê mà không được thanh toán đồng lương nào. Các công ty dệt may ở nước này cho biết đa số khách hàng phương Tây không đồng ý đóng góp hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp cho công nhân.

Hai hãng bán lẻ thời trang H&M (Thụy Điển) và Gap (Mỹ) từ chối bình luận về các cáo buộc nói rằng công nhân trong chuỗi cung ứng của họ bị cắt giảm lương do bị họ hủy đơn hàng.

Tháng trước, hãng Gap, chủ sở hữu các thương hiệu như Old Navy, Gap, Athleta, Banana Republic, cam kết sẽ làm việc với các nhà cung cấp để thanh toán đầy đủ cho những đơn hàng mà họ đã sản xuất nhưng bị hủy hoặc hoãn.

Shorifa Begum, 25 tuổi, một công nhân may ở Bangladesh cho biết cô nhận được thông báo sa thải qua tin nhắn hồi tháng 5 do cùng các công nhân khác tham gia cuộc biểu tình phản đối nợ lương. Begum cho biết công ty còn nợ cô 60.000 taka (709 đô la), tương đương hơn 1/3 thu nhập hàng năm của cô.

Cô nói: “Tôi phải vay mượn kể từ tháng 5. Tôi đang nợ tiền mua gạo và đậu lăng ở nhiều cửa hàng và tôi không biết khi nào có thể trả nợ”. Cô vừa xin vào làm việc một nhà máy may khác với mức lương chỉ 6.000 taka (71 đô la)/tháng, chỉ bằng phân nửa so với mức lương trước đây. Tại một số nơi ở Ấn Độ, Sri Lanka và Pakistan, mức lương trung bình của công nhân may mặc trong ba tháng từ 3-5 giảm về chỉ còn 50% so so với mức bình thường.

Clean Clothes Campaign cho rằng dù các thương hiệu thời trang phương Tây không trực tiếp kiểm soát vấn đề lương bổng của công nhân dệt may ở châu Á, họ chi phối lợi nhuận được tạo ra và phân phối trong chuỗi cung ứng của họ và lựa chọn đặt chuỗi cung ứng của họ ở các nước có lương thấp và chế độ phúc lợi xã hội yếu.

Clean Clothes Campaign kêu gọi các thương hiệu và các nhà bán lẻ thời trang ngừng đùn đẩy trách nhiệm và cam kết bảo đảm tất cả lao động trong chuỗi cung ứng của họ được nhận phần lương bị nợ.

Theo Reuters, Financial Times