Đồng chí Phạm Hùng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tấm gương sống, chiến đấu, lao động của đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo. Chúng tôi phản ánh tấm gương sáng ấy qua những phát biểu của đồng chí Phạm Hùng cũng như qua những nhận xét, đánh giá của đồng bào, đồng chí về một người cộng sản chân chính

Tự thuật về quãng đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Phạm Hùng cho biết: “Tôi bị bắt ở Mỹ Tho về cái tội biểu tình có giết người, đốt phá và quấy rối trị an. Cuộc biểu tình ấy là cuộc biểu tình ngày 01/5 đầu tiên giữa ban ngày ở Mỹ Tho năm 1931. Lúc ấy, quần chúng bắt và xử án một tên hương quản rất gian ác. Đế quốc giải tôi đi đủ các khám, sau Tòa đại hình đặc biệt xử tội tử hình, giải tôi về xà lim án chém, năm ấy tôi 20 tuổi”[1].

Phiên tòa đại hình do thực dân Pháp mở năm 1933 được báo chí đương thời mệnh danh là Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương với trên 120 chiến sĩ yêu nước và cách mạng. Kết quả, đồng chí Phạm Hùng cùng nhiều đồng chí khác bị xử án nặng nhất là tử hình. “Tha bổng 11 người Ngô Đức Trì, Dương Hạc Đính... Xét lại ba người... 3 năm tù ngồi 23 người, 10 năm: 18 người, 15 năm: 17 người, 20 năm khổ sai: 21 người... chung thân biệt xứ: 19 người, tử hình 8 người: Lê Quang Sung, Phạm Khương, Phạm Hùng”[2].

Sau khi bị xử án tử hình, trước sức mạnh đấu tranh của phong trào yêu nước đòi giảm án, ân xá cho những người yêu nước và những chiến sĩ cộng sản, thực dân Pháp đã buộc giảm án cho đồng chí Phạm Hùng và đày đồng chí cùng nhiều chiến sĩ cộng sản khác ra địa ngục trần gian Côn Đảo.

Tại Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng tiếp tục cùng những bạn tù chính trị cộng sản đấu tranh bảo vệ khí tiết người cộng sản và đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc.

Đồng chí Phạm Hùng và bà con phường 9, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/1987 (Ảnh: Sggp.org.vn)

Cách mạng Tháng Tám thành công, Côn Đảo được giải phóng, Hàng trăm tù nhân, trong đó có đồng chí Phạm Hùng ngay lập tức trở về đất liền, tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đồng chí tâm sự: “Người cộng sản phải về ngay để tiếp tục cuộc chiến đấu cách mạng chớ không phải về để hưởng thụ”[3].

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Phạm Hùng tiếp tục cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân tộc đương đầu với các chiến lược chiến tranh của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Từ năm 1967 đến năm 1975, đồng chí đảm nhận cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, cùng cán bộ chiến sĩ lăn lộn tại chiến trường miền Nam kháng chiến.

Mùa Xuân năm 1975, trong không khí thần tốc tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí đã gửi bức điện cổ vũ các cánh quân đang bừng bừng khí thế tiến về giải phóng Sài Gòn. “Địch dao động tan rã. Các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh, chiếm các mục tiêu đúng quy định. Hội quân tại Dinh Độc Lập ngụy. Địch không còn có gì để thương lượng bàn giao. Chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên ! Toàn thắng !”[4].

Sau năm 1975, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Sau này là Bộ Công an), đồng chí Phạm Hùng phát biểu: “Kẻ thù xuyên tạc, đả kích chúng ta, bọn phản động, bọn đầu cơ, buôn lậu, lưu manh, côn đồ xuyên tạc, đả kích chúng ta, nhưng đừng để cho cán bộ không bằng lòng, nhân dân không bằng lòng với công an nhân dân chúng ta”[5].

Đối với quê hương, đồng chí Phạm Hùng cũng thể hiện tấm lòng của người con ưu tú của mảnh đất Vĩnh Long giàu truyền thống cách mạng. Tháng 10/1986, tại Đại hội đại biểu lần thứ IV Đảng bộ tỉnh Cửu Long, đồng chí phát biểu: “Với tư duy mới, phong cách làm việc mới, chúng ta vượt qua khó khăn, phát huy mọi khả năng sẵn có một cách sáng tạo thành sức mạnh mới tiến lên mạnh mẽ thực hiện thắng lợi nghị quyết của đại hội đề ra. Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, chúng ta sẽ giành được thành tựu mới to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng tỉnh Cửu Long giàu mạnh và tươi đẹp, xây dựng cuộc sống đồng bào các dân tộc ấm no, hạnh phúc và văn minh !”[6].

Nói về người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, đồng chí Trần Bạch Đằng đánh giá: “Tất nhiên, văn minh sông nước Long Hồ đã góp phần vào sự hình thành một Phạm Hùng, nhưng chính trung tâm Mỹ Tho đã mở rộng cửa, đưa một cậu bé học sinh làng quê bên kia sông Tiền lên thành một đại biểu ưu tú của nhân dân lao động, một người cộng sản hàng đầu của vùng châu thổ Sông Cửu Long, cùng sự tiếp cận với nền văn hóa công nghiệp đã sản sinh ra một Phạm Hùng như một đặc sản”[7].

Từ năm 1986, đất nước ta bước vào thực hiện sự nghiệp đổi mới. Trong những năm đầu đổi mới, tình hình kinh tế-xã hội hết sức khó khăn. Các thế lực thù địch tiếp tục gây hấn, nhất là tại các quần đảo của Việt Nam trên biển Đông. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), đồng chí Phạm Hùng đã cùng đồng chí, đồng bào ra sức tháo gỡ khó khăn, đưa đất nước tiến lên. Nói về đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Nguyễn Võ Danh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: “Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Phạm Hùng - anh Hai đã và đang góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần VI và của các Hội nghị Trung ương, tích cực thực hiện công cuộc đổi mới. Bất chấp tuổi cao, sức yếu, anh nêu gương và đòi hỏi đổi mới phong cách lãnh đạo, đi sát thực tế, lắng nghe ý kiến của cán bộ và nhân dân”[8].

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tháng 12/1986, Đảng ta đã đúc kết những bài học kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng, trong đó đặc biệt quan trọng là bài học Lấy dân làm gốc và phải đổi mới tư duy, đổi mới phong cách làm việc. Bản thân đồng chí Phạm Hùng thấy rõ: “Bài học lấy dân làm gốc đòi hỏi chúng ta phải thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa một cách sâu sắc để đảm bảo công việc của chúng ta hiện nay và sắp tới được tiến hành có hiệu quả có thể tránh được những sai lầm... Không thể hoàn thành nhiệm vụ mới với cách nhìn cũ với phong cách làm việc cũ trì trệ”[9].

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, năm 1988 (Ảnh tư liệu)

Trong con mắt của bạn bè quốc tế, đồng chí Phạm Hùng là nhà lãnh đạo tài năng của Việt Nam và đóng góp cho việc xây đắp tình hữu nghị giữa các quốc gia. “Đồng chí Phạm Hùng là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và nhà nước Việt Nam, là con người yêu quý của nhân dân Việt Nam, là người trung thành với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là chiến sĩ kiên cường của phong trào giải phóng dân tộc và độc lập dân tộc, là nhà hoạt động tích cực cho hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”[10].

Đồng chí Phạm Hùng đột ngột từ trần để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào, đồng chí. Điếu văn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đọc tại lễ truy điệu đồng chí Phạm Hùng ngày 13/3/1988 có đoạn: “Công lao của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta rất to lớn. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của đồng chí là một tấm gương sáng đối với mọi người cộng sản và mọi người Việt Nam ta. Đồng chí không còn nữa nhưng hình ảnh đồng chí sống mãi trong trái tim chúng ta”.

Sau này, đồng chí Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng chỉ rõ: “Đối với chúng ta, thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của anh Phạm Hùng như một viên ngọc quý. Nói đến anh, trước hết là nói đến tinh hoa và khí phách tiêu biểu của người cộng sản... Nói đến một mẫu người nghiêm túc, thận trọng, chu đáo, luôn sống và làm việc theo chuẩn mực của tư tưởng đạo đức truyền thống cần, kiệm, liêm, chính, kỷ cương”.

Phạm Hùng, một con người tài đức song toàn. “Đã là một con người thì ai cũng có mặt khiếm khuyết như là một tất yếu, nhưng ở đồng chí Phạm Hùng, những khiếm khuyết rất mờ nhạt, nhường chỗ cho một chân dung hoàn mỹ: một mẫu mực sống động về một con người “người cộng sản chân chính trong thời đại Hồ Chí Minh”[11].

Có thể nói, tất cả những gì được lưu lại trong ký ức của đồng bào, đồng chí đã cho thấy: đồng chí Phạm Hùng, người cộng sản chân chính, đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, giành được tình cảm yêu mến, khâm phục, ngưỡng mộ của đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế.

Xuân Nguyễn

 

[1] Trích hồi ký của đồng chí Phạm Hùng: Nhân dân ta rất anh hùng, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1969.

[2] Phạm Hùng - người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo có uy tín lớn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.

[3] Trích lời đồng chí Phạm Hùng trong tác phẩm Ở Côn Đảo, tháng 8 năm 1945.

[4] Bức điện hỏa tốc gửi Thủ trưởng các đơn vị đang cầm quân trên chiến trường của đồng chí Phạm Hùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

[5] Phát biểu của đồng chí Phạm Hùng tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 38.

[6] Phát biểu của đồng chí Phạm Hùng tại Đại hội đại biểu lần thứ IV Đảng bộ tỉnh Cửu Long ngày 06/10/1986.

[7] Trần Bạch Đằng: Chân dung người cộng sản chân chính Phạm Hùng, xuất bản năm 2011.

[8] Phát biểu của đồng chí Nguyễn Võ Danh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/3/1988.

[9] Phát biểu của đồng chí Phạm Hùng, trong sách Phạm Hùng- Chân dung người cộng sản chân chính, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

[10] Phát biểu của đại diện Đoàn đại biểu Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong lễ truy điệu đồng chí Phạm Hùng ngày 12/3/1988.

[11] Phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh đồng chí Phạm Hùng, ngày 11/6/2002.