Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là do Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặc biệt chú ý đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ, đủ năng lực, trình độ lãnh đạo nhân dân chớp thời cơ vùng lên giành chính quyền, trong đó có đóng góp không nhỏ của đồng chí Võ Nguyên Giáp

Quan điểm của Hội nghị Trung ương tháng 5/1941 về đào tạo cán bộ

Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5/1941 dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phân tích tình hình cách mạng trong nước và quốc tế, nhất là diễn biến cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào đấu tranh của các dân tộc, đề ra những quan điểm, nội dung cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc.

Hội nghị đã hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc; trong đó Hội nghị chỉ rõ “Việc đào tạo cán bộ hiện nay đã thành công tác gấp rút, không thể bỏ qua một giờ phút. Tất cả các cấp bộ chỉ huy của Đảng, phải đặc biệt chú ý công tác này… dù phải đình đốn rất nhiều ngành khác, về việc đào tạo các cán bộ cũng không thể sao nhãng được… làm sao cho đủ năng lực lãnh đạo cuộc cách mạng Đông Dương đi đến toàn thắng”[1]. Vì vậy, tuy rất bận công việc chỉ đạo phong trào cách mạng chung của cả nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí cán bộ Trung ương Đảng vẫn luôn chú trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ.

Là “người học trò xuất sắc và gần gũi” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã vận dụng, sáng tạo, thực hiện xuất sắc nhiều chỉ dẫn của Bác, hiện thực hóa trong thực tiễn và có nhiều dấu ấn trong công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ tại Cao Bằng trong những năm 1941-1945.

Đào tạo cán bộ chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền

Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Trung Quốc về Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng, Cao Bằng) để xây dựng căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đồng chí Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng ở lại Tịnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc) công tác. Từ tháng 4/1941, đồng chí Võ Nguyên Giáp thường đi lại giữa Tịnh Tây - hang Cốc Bó (Hà Quảng, Cao Bằng - nơi làm việc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) để báo cáo tình hình cách mạng thế giới. Đến khoảng tháng 8/1941, đồng chí Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gọi về Pác Bó.

Cuối năm 1941 đầu năm 1942, đồng chí Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ về châu Hoà An, để mở lớp huấn luyện. Trước khi lên đường, đồng chí đã cải trang thành một người dân địa phương với bộ quần áo chàm, chiếc mũ nồi dạ và một chiếc túi dệt bằng vải chàm đeo sau lưng. Trong túi, ngoài những tài liệu của lớp huấn luyện tại biên giới, lúc này đã được in lại thành tập với tên “Con đường giải phóng”, còn có tập “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dịch và đánh máy để làm tài liệu huấn luyện các đảng viên.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp trong Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 22/12/1944 (Ảnh tư liệu dựng lại)

Thời gian này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã mở lớp huấn luyện chính trị tại các hang: Ghị Rằng, Ngườm Hoài, Ngườm Poóng, Ngườm Mác Men. Nội dung huấn luyện gồm có tình hình thế giới, tình hình trong nước, tại sao phải đánh Tây, đuổi Nhật, rồi đến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, cách tổ chức hội cứu quốc, các đội tự vệ, năm bước công tác bí mật; lại học cả cách khai hội, cách phát biểu ý kiến…

Nội dung huấn luyện được sắp xếp khéo léo từ dễ đến khó, từ thấp lên cao, từ mục tiêu đấu tranh trước mắt đến mục đích cao cả lâu dài, vì vậy học viên văn hóa thấp cũng hiểu được vì thấy giản dị rõ ràng, học viên có văn hóa cao cũng thấy bổ ích vì cô đọng, sâu sắc. Tuy các lớp huấn luyện được tổ chức trong hoàn cảnh hết sức khó khăn do điều kiện vật chất thiếu thốn, bữa ăn chỉ có cháo bẹ với rau rừng, nhưng tinh thần học tập của cán bộ, đảng viên, quần chúng rất hào hứng. Thời gian học tập tuy ngắn, nhưng khẩn trương, kỹ lưỡng, nên toàn thể học viên đều nắm vững chủ trương, đường lối cách mạng trong điều kiện lịch sử mới và cách thức gây dựng, phát triển phong trào Việt Minh.

Tháng 3/1942, tại nhà Ông Mã Văn Hản (Lũng Hoài, Hồng Việt, Hoà An), đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tình hình công tác tại Hoà An và tiếp tục nhận chỉ thị chuyển sang châu Nguyên Bình mở lớp huấn luyện Việt Minh.

Tại đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã mở lớp huấn luyện đầu tiên tại Hang Kéo Quảng. Sau đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Thiết Hùng đến hoạt động tại xã Tam Kim (Nguyên Bình), xúc tiến công tác gây dựng các đoàn thể cứu quốc sang châu Ngân Sơn (Bắc Kạn) nhằm đào tạo cán bộ cho phong trào vùng cao, các đồng chí đã mở hai lớp huấn luyện Việt Minh cho các hội viên cứu quốc ở các xã Kim Mã, Tam Lộng, Cẩm Lý tại Roỏng Bó và Khuổi Dủ.

Phương pháp đào tạo, huấn luyện cán bộ dễ hiểu, dễ nhớ

Đầu năm 1942, đồng chí Võ Nguyên Giáp chuyển sang tổ chức lớp huấn luyện ở Lũng Lừa (khu vực đồng bào Mông, Dao ở Nguyên Bình). Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thể hiện phương pháp truyền thụ đặc sắc, dù lớp học dài ngày hay ngắn ngày, nhiều hay ít học viên, đồng chí luôn chuẩn bị kỹ nội dung huấn luyện, nắm chắc tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của phong trào cách mạng, hiểu rõ trình độ học viên, nội dung bài giảng thiết thực, bổ ích, phù hợp, đạt hiệu quả huấn luyện. Những vấn đề trừu tượng, phức tạp, đồng chí diễn giải với hình thức giản dị, dễ hiểu, bằng những hình ảnh quen thuộc như cách nói của nhân dân lao động, phù hợp với các đối tượng học viên có trình độ nhận thức khác nhau.

Để khắc phục những khó khăn về việc giải nghĩa những danh từ mới, nhất là những danh từ về chính trị cho các học viên người đồng bào dân tộc không biết tiếng Kinh, đồng chí còn “dùng thêm những hình vẽ để giảng bài”[2].

Khi nói đến Tây, Nhật áp bức bóc lột dân ta, đồng chí vẽ hình thằng Tây, thằng Nhật đánh đập đồng bào, vẽ người dân trên lưng chồng chất sưu cao, thuế nặng. Khi giảng về vấn đề đoàn kết đánh Tây, đuổi Nhật thì đồng chí vẽ người Mán, người Thổ, người Kinh cùng nắm tay nhau… Cách làm này giúp anh chị em học viên hiểu được dễ dàng hơn.

Kết quả lớp học khá tốt. Trong lễ tốt nghiệp, một đồng chí học viên đã nói bằng một giọng cảm động: “Chúng tôi ở núi cao, rừng rậm bao đời nay không có ánh sáng. Hội đã đưa đồng chí giáo viên đến chỉ cho chúng tôi con đường độc lập, tự do. Anh chị em chúng tôi như những người thức đêm, nhà có ngọn đèn dầu đã cạn, sắp tắt, giờ cấp trên cử người đến đem dầu đổ thêm vào, làm cho đèn lại sáng ra. Đầu óc chúng tôi trước kia tối tăm, bây giờ nhờ hội đã sáng”[3].

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại bà con nhân dân Cao Bằng năm 1994 (Ảnh tư liệu)

Qua những lớp huấn luyện tại Hòa An và Nguyên Bình, càng thấy rõ, trong khi vận động quần chúng làm cách mạng, nếu nói lên được những nguyện vọng nóng bỏng của quần chúng, những điều liên hệ mật thiết đến đời sống của quần chúng, thì quần chúng rất dễ tiếp thu, công tác vận động sẽ trở nên có một sức hấp dẫn đặc biệt, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quần chúng tiến lên con đường đấu tranh. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã mở 3 lớp huấn luyện cán bộ ở Nguyên Bình; tại Hòa An mở 6 lớp đào tạo cán bộ Việt Minh cho phòng trào Hoà An và các địa phương khác trong tỉnh cũng được liên tiếp tổ chức. Trong thời gian năm 1942, tại Cao Bằng đã có những châu Việt Minh “hoàn toàn”, thành quả đó có sự đóng góp to lớn của đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Sau đó cũng thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Phạm Văn Đồng đã chọn 10 thanh niên Cao Bằng đi học lớp “Đệ tứ chiến khu vô tuyến điện, điệp báo ban” tại Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc), thời gian học một năm, mãn khóa về nước tham gia tổng khởi nghĩa.

"Nam tiến", tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, huấn luyện cán bộ

Với kết quả mở rộng cơ sở chính trị vững chắc ở Nguyên Bình, tháng 2/1943, tại Lũng Hoài (Hồng Việt, Hoà An) diễn ra Hội nghị Liên tịch giữa Tổng bộ Việt Minh, Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng và đại biểu cứu quốc quân bàn việc mở rộng phong trào, chuẩn bị chủ động đón thời cơ mới. Theo Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị bàn việc mở rộng phong trào "Nam tiến" để tạo con đường liên lạc từ Cao Bằng phát triển sang các hướng Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang. Ngoài hướng "Nam tiến" còn có hướng "Đông tiến" và "Tây tiến".

Được giao phụ trách Ban xung phong Nam tiến, đồng chí Võ Nguyên Giáp tiếp tục thực hiện hoạt động đào tạo, huấn luyện cán bộ. Để việc giảng dạy tại các lớp huấn luyện đỡ khó khăn, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tranh thủ học tiếng dân tộc. Sau một thời gian thâm nhập cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, rất mực cầu thị, năng học hỏi, đồng chí đã giao tiếp được bằng ngôn ngữ của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao; đây là điều kiện thuận lợi cho đồng chí dịch và chuyển thành văn vần những tài liệu phổ thông của Mặt trận Việt Minh.

Đồng chí thường xuyên liên hệ lý luận với thực tế, học đến đâu hành đến đấy; vừa làm công tác huấn luyện vừa tìm hiểu tình hình địa phương. Các đồng chí đi huấn luyện trở về hoạt động rất hăng hái. Những nhận thức mới của anh em, đầu tiên, lan ra trong gia đình, rồi lan tỏa ra họ hàng, thân thuộc. Chẳng bao lâu, tư tưởng cách mạng đã tràn lan khắp nơi, thu hút được cảm tình của nhiều người.

Xen kẽ thời gian huấn luyện, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí ở địa phương đi các làng, bản làm công tác vận động quần chúng, tham gia những cuộc sinh hoạt của các giới nông dân, thanh niên, phụ nữ, nhi đồng. Phong trào Nam tiến được cán bộ và nam nữ hội viên thanh niên cứu quốc nhiệt liệt hưởng ứng. Từ Nguyên Bình (Cao Bằng) các đội xung phong tiến xuống Ngân Sơn, Bạch Thông, qua Chợ Rã xuống Chợ Đồn (Bắc Kạn) nối liền với Chợ Chu, Đại Từ (Thái Nguyên) thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc: Dao, Mông, Tày, Nùng vào các hội cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Phong trào Nam tiến qua vùng đồng bào Dao đã dẫn đến sự ra đời của khu Quang Trung và Thiện Thuật, Khu vận động cách mạng của đồng bào Dao ở Nguyên Bình (Cao Bằng) và Bắc Kạn.

Ký ức và tình cảm tốt đẹp của đồng bào về đồng chí Võ Nguyên Giáp

Trong ký ức của đồng bào các dân tộc Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp không chỉ là người lãnh đạo cao nhất của quân đội, là vị đại tướng tài ba bách chiến, bách thắng mà còn là một người anh Cả, một thành viên ruột thịt của nhiều gia đình. Đồng chí nói thành thạo tiếng Tày, tiếng Dao và tiếng Mông. Bài diễn ca về Mười chính sách Việt Minh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết bằng thể thơ lục bát gửi đồng bào Việt Bắc đã được đồng chí Võ Nguyên Giáp chuyển sang thể thơ 5 chữ lấy tên là “Việt Minh ngũ tự kinh” gồm 120 câu và dịch sang 3 thứ tiếng: Tày, Dao, Mông để phổ biến cho đồng bào vừa dễ hiểu, vừa dễ tiếp thu, sau được dùng làm tài liệu tuyên truyền chính trong quần chúng và các lớp huấn luyện chính trị, văn hóa của phong trào Việt Minh.

Sau này, mỗi lần về thăm Cao Bằng, gặp bà con các dân tộc, đồng chí đều nói chuyện bằng tiếng dân tộc. Ngày nay, ở Tam Kim, Nguyên Bình, hầu như gia đình nào cũng treo một bức chân dung đồng chí Võ Nguyên Giáp trang trọng giữa phòng khách. Khi được hỏi về đồng chí, từ cụ già cho đến các cháu nhỏ, ai cũng tỏ lòng kính yêu đặc biệt.

Từ lớp huấn luyện Nặm Quang (Tịnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), đến các lớp huấn luyện được mở ra trong những năm 1941 - 1945 ở châu Hòa An, châu Nguyên Bình… đã giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng trưởng thành rất nhiều về sự hiểu biết, về trình độ, về khả năng công tác và về đạo đức cách mạng. Các cán bộ, đảng viên được tôi luyện về cả lý luận và thực tiễn là cơ sở quan trọng để thu hút quần chúng, thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên những bước vững chắc, thành công của công cuộc xây dựng căn cứ địa cách mạng Cao Bằng, thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám ở địa phương đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những công lao của đồng chí Võ Nguyên Giáp trong việc chỉ đạo mọi mặt công cuộc xây dựng căn cứ địa cách mạng Cao Bằng nói chung và trong việc chăm lo đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ Cao Bằng nói riêng.

Hải Định

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.133

[2] Nhiều tác giả: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những chiến công chấn động địa cầu,Nxb. Thời đại, Hà Nội,.2014, tr.111.

[3] Nhiều tác giả: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những chiến công chấn động địa cầu, Sđd, tr.111.