Giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là một chiến công đặc biệt xuất sắc của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Sự nhanh nhạy nắm bắt thời cơ, kịp thời hoạch định chủ trương, chỉ đạo thực hiện của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương là nhân tố then chốt làm nên thắng lợi quan trọng, giải phóng hoàn toàn các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đang bị quân đội Việt Nam Cộng hòa kiểm soát
Bối cảnh lịch sử và chủ trương, quyết định chiến lược của Đảng
Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Quân ủy Trung ương kiến nghị với Bộ Chính trị: “… Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”[1]. Kiến nghị này đã được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25/3/1975.
Cùng với đó, Quân ủy Trung ương yêu cầu Bộ Tổng tham mưu, Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về các đảo, quần đảo thuộc vùng biển của Việt Nam và chỉ thị cho Cục Quân báo nắm tình hình địch ở Biển Đông.
Ngày 30/3/1975, Quân ủy Trung ương điện cho các đồng chí Võ Chí Công và Chu Huy Mân: Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ giao cho Khu ủy và Bộ Tư lệnh B1 (tức Quân khu V) nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo hiện do quân đội Sài Gòn chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 02/4/1975, tại Tổng hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho Trung tướng Lê Trọng Tấn: “Ngoài nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh cho Quân khu V và Bộ Tư lệnh Hải quân, tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Vùng này có thể có tàu chiến của Hạm đội 7 và hải quân các nước khác hoạt động. Hải quân ngụy cũng được trang bị các loại tàu lớn. Do đó, nghệ thuật tác chiến phải kiên quyết, táo bạo, đồng thời phải hết sức mưu trí, sáng tạo, bất ngờ”[2].
Cán bộ chiến sĩ Quân chủng Hải quân xuống tàu ra giải phóng Trường Sa (Ảnh tư liệu)
Chiều ngày 04/4/1975, Quân ủy Trung ương điện tiếp cho Quân khu V, đồng thời cũng giao nhiệm vụ cho Quân chủng Hải quân là “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng”[3].
Ngày 09/4/1975, Quân ủy Trung ương điện “tối khẩn” cho các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân (Quân khu 5), Hoàng Hữu Thái (Phó Tư lệnh Hải quân) chỉ thị cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã định. Bởi trong tình thế lúc đó, “Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý định xâm chiếm”[4].
Giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa
Quán triệt và chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của cấp trên, Quân chủng Hải quân và Quân khu V đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng Trường Sa, chủ trương là giải phóng đảo Song Tử Tây trước, tiếp đến là các đảo khác, không cho địch kịp tăng viện đối phó.
Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho phân đội tàu của Đoàn 125 gồm tàu 673, 674 và tàu 675 thực hiện nhiệm vụ; đồng chí Trần Phong, quyền Tham mưu trưởng Đoàn 125 đại diện đơn vị bên cạnh đồng chí Hoàng Hữu Thái, Phó Tư lệnh Quân chủng đại diện Hải quân tại Sở Chỉ huy mặt trận ở Đà Nẵng để theo dõi, chỉ đạo thực hiện kế hoạch giải phóng đảo. Lực lượng giải phóng đảo được thành lập có phiên hiệu Đoàn C75 do đồng chí Mai Năng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 126, làm Chỉ huy trưởng.
Lúc 4 giờ ngày 11/4, toàn bộ lực lượng Đoàn C75 gồm ba tàu 673, 674, 675 của Đoàn 125 chở Đội 1 của Trung đoàn 126 đặc công Hải quân, 1 phân đội hỏa lực của đặc công nước thuộc Tiểu đoàn 471, Quân khu 5 xuất phát từ quân cảng Đà Nẵng đi giải phóng đảo Song Tử Tây ở phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa.
17 giờ ngày 13/4, ba tàu đã đến gần đảo Song Tử Tây. 4 giờ 30 phút ngày 14/4, sau 2 phát súng B41 mở đầu trận đánh, các mũi đồng loạt tiến công các mục tiêu, công sự của địch. Sau 30 phút chiến đấu, ta diệt 6 tên địch, số còn lại tháo chạy. Ta tiếp tục truy lùng và gọi hàng, bắt sống 33 tên địch còn lại trên đảo, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược. “5 giờ 15 phút ngày 14 tháng 4 năm 1975, ta hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo lên đỉnh cột cờ trước bia chủ quyền của Tổ quốc trên đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa”[5].
4 giờ sáng ngày 21/4, hai tàu 673 và 641 rời cảng Đà Nẵng tiến ra quần đảo Trường Sa. Theo kế hoạch, tàu 673 chở quân ra giải phóng đảo Nam Yết, tàu 641 ra đảo Sơn Ca. Lúc 0 giờ 30 phút ngày 25/4, tàu tiến vào cách đảo Sơn Ca 2 hải lý và tiến hành đổ bộ. Các chiến sĩ của ta nhanh chóng tiếp cận đảo, bắt đầu trận đánh. Đến 3 giờ ngày 25/4, ta làm chủ hoàn toàn đảo Sơn Ca.
Từ thông tin của Đại đội 7 trinh sát, Bộ Tham mưu cho biết bị mất đảo Sơn Ca, quân ngụy trên các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa lâm vào tình thế hoang mang, hoảng sợ. Chớp lấy thời cơ, Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương lập tức chỉ thị cho đồng chí Mai Năng đang trên tàu 673 ở Song Tử Tây: “Khẩn trương cho lực lượng đến giải phóng các đảo còn lại, quyết không để một lực lượng nào khác lợi dụng cơ hội để chiếm đảo”. 1 giờ 30 phút ngày 27/4, tàu 673 rời Song Tử Tây và đến 10 giờ 30 cùng ngày thì đến đảo Nam Yết. Một bộ phận của Phân đội 3 nhanh chóng đổ bộ lên chiếm giữ đảo. Bộ phận còn lại trên tàu sẵn sàng chi viện nếu địch ở đảo vẫn còn và chống trả. Lúc này trên đảo, địch đã vứt bỏ vũ khí và rút chạy hết. Một bộ phận lực lượng do đồng chí Mai Năng chỉ huy ở lại chốt giữ bảo vệ đảo. Bộ phận còn lại do đồng chí Vũ Phi chỉ huy lên tàu 673 tiến về phía đảo Sinh Tồn.
10 giờ 30 phút ngày 28/4, tàu 673 chở lực lượng của ta đổ bộ lên giải phóng đảo Sinh Tồn. Cũng như đảo Nam Yết, quân địch trên đảo Sinh Tồn đã hoang mang rút chạy từ sáng sớm nên lực lượng ta đổ bộ lên chiếm giữ đảo rất thuận lợi. Lá cờ quân giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp tục được kéo lên trên cột cờ của đảo, khẳng định đảo Sinh Tồn đã hoàn toàn giải phóng. Tiếp đó, tàu 673 khẩn trương chở lực lượng còn lại tiến đến giải phóng đảo Trường Sa. 9 giờ sáng ngày 29/4/1975, phân đội chiến đấu của Trung đoàn 126 đã hoàn thành đổ bộ lên đảo Trường Sa. Cờ giải phóng tung bay trên hòn đảo cuối cùng mà quân ngụy Sài Gòn đóng giữ ở quần đảo Trường Sa.
Bộ đội ta giải phóng đảo Song Tử Tây (Ảnh tư liệu)
Giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thực
Chiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa trong mùa Xuân 1975 mang nhiều giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thực trên nhiều khía cạnh:
Thứ nhất, quá trình lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ giải phóng Trường Sa thể hiện tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng với lãnh thổ của Tổ quốc trên biển, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố then chốt làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Giải phóng Trường Sa năm 1975 cũng chính là một mốc son lịch sử khẳng định tài năng, bản lĩnh của Đảng trong tiến trình lãnh đạo bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thể hiện sự mưu trí, sáng tạo, quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là giá trị truyền thống tốt đẹp của Đảng để chúng ta vận dụng vào việc xây dựng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển. Đồng thời, giáo dục lòng yêu nước, nhân lên niềm tự hào dân tộc đối với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay.
Thứ hai, việc giải phóng kịp thời các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã giúp cho Việt Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, tránh được sự “dòm ngó” của các thế lực nước ngoài lúc bấy giờ. Đây là tiền đề quan trọng cho sự hiện diện và làm chủ của Việt Nam đối với phần lớn quần đảo Trường Sa hiện nay. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự, giúp Việt Nam bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” trên hướng biển mà còn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền cũng như các lợi ích to lớn của quốc gia trên Biển Đông.
Thứ ba, bằng việc giải phóng Trường Sa năm 1975, Việt Nam đã tiếp nối quyền làm chủ đối với quần đảo Trường Sa đã được Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử xác lập. Dấu mốc quan trọng thể hiện sự minh định của lịch sử này chính là căn cứ để Việt Nam tiếp tục đấu tranh khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình đối với quần đảo Trường Sa.
Biển, đảo – trong đó có quần đảo Trường Sa là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự kiện giải phóng Trường Sa trong mùa Xuân 1975 là bài học lịch sử và mang giá trị lý luận, tinh thần to lớn để chúng ta vận dụng vào việc thực hiện mục tiêu chiến lược đối với sự nghiệp bảo vệ biển, đảo của đất nước hiện nay như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định: “Nhiệm vụ cơ bản, lâu dài và xuyên suốt là xác lập chủ quyền đầy đủ, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán vùng biển, thềm lục địa, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quần đảo, đảo khác thuộc chủ quyền của nước ta. Nhiệm vụ trước mắt là phải bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lợi ích quốc gia trên vùng biển, đảo, duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển”[6].
[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, (Phạm Chí Nhân thể hiện, xuất bản lần thứ năm), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.289.
[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, (Phạm Chí Nhân thể hiện, xuất bản lần thứ năm), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.293.
[3] Điện số 990B/TK, lúc 17 giờ 30 phút, ngày 04/4/1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đồng chí Võ Chí Công và đồng chí Chu Huy Mân.
[4] Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng: Một số văn kiện chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 – Chiến dịch Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.229.
[5] Bộ Tư lệnh Hải quân: Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam (1955 - 2015), Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.195.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X (Lưu hành nội bộ), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.78-79