Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là một trong những cuộc khởi nghĩa sớm nhất trong cao trào cách mạng giải phóng dân tộc 1939-1945. Thành quả của nó là thành lập được Đội du kích Ba Tơ, trở thành lực lượng vũ trang quan trọng trong cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại Quảng Ngãi và các tỉnh Nam Trung Bộ

Cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên, duy nhất do các chiến sĩ cộng sản vừa thoát khỏi lao tù lãnh đạo tại miền Trung

Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ do chi bộ căng an trí Ba Tơ phát động liền ngay sau khi nghe tin Nhật đảo chính Pháp (đêm 9/3/1945) do một cơ sở cách mạng từ đồng bằng lên báo vào trưa ngày 10/3. Đội quân khởi nghĩa chia làm 3 mũi giáp công: lực lượng tù chính trị gồm 17 chiến sĩ cộng sản có vũ trang một số súng tấn công Nha kiểm lý rồi áp sát đồn Ba Tơ, vừa nổ súng, vừa gọi loa kêu hàng vào bên trong, có lực lượng quần chúng vũ trang giáo, mác, rựa mới được huy động, nổi trống mõ gây áp lực ở bên ngoài, lại có cơ sở nội ứng làm công tác binh vận ở bên trong đồn, đã nhanh chóng thắng lợi ngay trong đêm ngày 11/3/1945.

Sáng ngày 12/3/1945, Ban Chỉ huy cuộc khởi nghĩa tổ chức mít tinh tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng tại châu lỵ Ba Tơ. Lời tuyên bố nói rõ: “Chính quyền cách mạng Ba Tơ là bộ phận khăng khít chính quyền cách mạng toàn quốc, vừa là phần tử chống phát xít của Mặt trận dân chủ toàn thế giới. Chính quyền cách mạng Ba Tơ thi hành những nhiệm vụ của cuộc dân tộc giải phóng…, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập dựng lên chính thể dân chủ cộng hoà, theo tinh thần tân dân chủ do toàn dân cử ra để ban bố các quyền tự do dân chủ cho tất cả các tầng lớp nhân dân”[1].

Khởi nghĩa Ba Tơ là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên và cũng là duy nhất ở các tỉnh Nam Trung Bộ, cũng là cuộc khởi nghĩa từng phần duy nhất trong cả nước do các chiến sĩ cộng sản đang bị lao tù thực hiện. Sở dĩ các chiến sĩ cộng sản tại Căng an trí Ba Tơ làm được cuộc khởi nghĩa từng phần thắng lợi là vì tại đây đã sớm hình thành chi bộ đảng ngay từ năm 1942. Các đảng viên của chi bộ Căng an trí Ba Tơ là những chiến sĩ cộng sản đã kinh qua đấu tranh gian khổ, từng lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi nên có nhiều kinh nghiệm hoạt động, lại được quán triệt Nghị quyết Trung ương tháng 5/1941, cả kiến thức quân sự và những vấn đề lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin khi còn ở nhà đày Buôn Ma Thuột. Chi bộ đảng này sau đó làm luôn nhiệm vụ Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi để lãnh đạo, phát động phong trào cứu quốc trong toàn tỉnh, vừa tuyên truyền phát động tư tưởng đánh Pháp, đuổi Nhật trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Ba Tơ, vừa bắt liên lạc với một số đảng viên, cơ sở cách mạng các huyện đồng bằng để xây dựng thực lực chính trị, đồng thời lên kế hoạch tích cực bắt liên lạc với các tỉnh bạn.

Đội du kích Ba Tơ tuyên thệ tại căn cứ địa, tháng 3/1945 (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Đến cuối năm 1944, Tỉnh ủy lâm thời tổ chức hội nghị quyết định khẩn trương đẩy mạnh các mặt công tác, bàn kế hoạch tổ chức thoát ly khỏi Căng an trí Ba Tơ để bung ra xây dựng và mở rộng phong trào cách mạng, lập chiến khu và xây dựng lực lượng du kích để kịp thời hành động khi thời cơ xuất hiện theo tinh thần khởi nghĩa từng phần trong Nghị quyết Trung ương tháng 5/1941.

Chính vì vậy, khi được tin Nhật đảo chính lật Pháp, tự nhận thấy về điều kiện chủ quan phong trào cách mạng trong toàn tỉnh đang lên, số đông tù chính trị trong căng an trí vẫn giữ vững ý chí chiến đấu, quần chúng địa phương Ba Tơ có tinh thần yêu nước sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa, về khách quan, tuy Nhật lật Pháp nhưng không phải Nhật mạnh mà chỉ là một việc làm bị động nhằm đề phòng quân Pháp phái De Gaulle dựa vào quân Anh - Mỹ đánh sau lưng, chính quyền Nam triều ở nông thôn còn đang hoang mang. Tại Ba Tơ, đồn trưởng đang mắc kẹt ở thị xã, trong đồn chỉ có hơn chục lính đang trong tình thế như rắn mất đầu, trong số lính có nhiều người cảm tình với cách mạng, lại có cơ sở bên trong làm nội ứng. Trước tình hình đó, tù nhân cộng sản quyết định lập Ủy ban khởi nghĩa và lập tức lên kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tại châu lỵ Ba Tơ.

Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ như vậy là nổ ra đúng lúc, bởi nếu chỉ trước một vài ngày chưa chắc đã thắng lợi vì sẽ không huy động được quần chúng, do quần chúng chưa thấy rõ Pháp đã đổ, quân địch ở Ba Tơ sẽ ngoan cố chống trả, còn nếu làm sau một vài ngày thì quân Nhật sau khi đã ổn định được tình hình ở tỉnh lỵ Quảng Ngãi sẽ kéo lên đàn áp, tổn thất sẽ lớn.

Lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên ở Nam Trung Bộ, một trong những đội quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ sinh ra chính quyền cách mạng Ba Tơ và Đội quân du kích cứu quốc Ba Tơ. Đây là chính quyền cách mạng đầu tiên được thành lập và là lực lượng vũ trang đầu tiên ra đời trong cao trào giải phóng dân tộc tiến tới tổng khởi nghĩa ở các tỉnh Trung Bộ[2].

Đội du kích cứu quốc Ba Tơ (gọi tắt là Đội du kích Ba Tơ) do đồng chí Phạm Kiệt làm Đội trưởng, đồng chí Nguyễn Đôn làm Chính trị viên, chính thức làm lễ tuyên thệ vào ngày 14/3/1945 tại khu vực Hang Én. Dưới lá cơ đỏ sao vàng trang nghiêm, trước bãi sông rộng, thác nước ầm vang, giữa núi non hùng vĩ của dãy Cao Muôn, toàn đội gồm 28 chiến sĩ bồng súng đứng nghiêm, nghe đồng chí Nguyễn Đôn, Chính trị viên tuyên bố: “…Các đồng chí hãy nhìn núi cao sông rộng thác chảy bên chân ta. Chúng ta dừng lại đây làm lễ tuyên thệ để tỏ rõ quyết tâm: Núi cao mấy cũng vượt, sông sâu thác ghềnh mấy cũng qua, không một khó khăn nào cản bước tiến của người cách mạng, những chiến sĩ cộng sản một lòng một dạ vì sự nghiệp của Tổ quốc, của nhân dân, giành lấy cơm áo, hạnh phúc cho đồng bào, độc lập tự do cho xứ sở…”. Vai trò, mục đích và phương hướng phát triển của Đội được xác định ngay từ đầu: “Đội du kích Ba Tơ là đội quân vũ trang của Đảng, tập trung thoát ly, lưu động, lấy chiến đấu diệt thù làm mục đích; chiến đấu vì mục đích của giai cấp vô sản, của dân tộc. Trước mắt, nó sẽ được phát triển và xây dựng mạnh mẽ để cùng nhân dân Quảng Ngãi tiến hành giành lấy chính quyền toàn tỉnh. Tương lai nó sẽ là một trong những đội quân vũ trang của Đảng, của nước” [3].

Sau khi khởi nghĩa thắng lợi và chính quyền cách mạng đã thành lập tại châu lỵ Ba Tơ, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi chủ trương chuyển chính quyền cách mạng hoạt động bí mật trong lòng dân, không thực hiện chiếm đất, giữ đồn, mà chuyển Đội du kích Ba Tơ sang hoạt động cơ động để giữ gìn lực lượng, có thời gian củng cố, luyện tập quân sự, học tập chính trị, nhờ đó đã tránh được 3 cuộc càn lớn của quân Nhật và lính bảo an trong thời kỳ đầu Đội còn non trẻ.

Công tác Đảng, công tác chính trị của Đội được Tỉnh ủy lâm thời quan tâm ngay từ đầu. Đến giữa tháng 5/1945, Tỉnh ủy cử đồng chí Nguyễn Chánh, Tỉnh ủy viên lên tăng cường lãnh đạo Đội, làm Chính trị viên, đồng chí Nguyễn Đôn chuyển làm Chính trị viên phó, với chi bộ đảng trong đội du kích gồm 6 đảng viên (số đội viên còn lại tuy phần lớn cũng là đảng viên nhưng theo chỉ thị của Trung ương Đảng, các đảng viên khi ra tù đều phải có thời gian xem xét trước khi phục hồi đảng tịch).

Đội có các ban công tác như Ban Chính trị, Ban Huấn luyện, Ban Quân pháp… để giúp Ban chỉ huy. Các đội viên du kích Ba Tơ cùng có chung một lời thề chiến đấu mỗi khi nhận nhiệm vụ và khi gặp nhau: “HY SINH VÌ TỔ QUỐC!”, có chung một bài hát với câu mở đầu và câu kết thúc: “Dang tay ta tung hô muôn năm bóng cờ!”; có chung một bản quân kỷ trong đó có quy định những điều cốt yếu của người lính du kích. Đội còn có riêng một tờ báo là tờ “Xung phong”, số báo đầu tiên có ký họa hình ảnh các chiến sĩ du kích tập trung trong rừng, với 2 câu thơ đề: “Còi xung phong mỗi khi thúc giục/ Dù chông gai bom đạn chẳng sờn lòng”.

Sau gần 2 tháng lưu động trên vùng rừng núi với phương thức linh hoạt, cơ động nhiều nơi từ Cơ Nhứt lên Nước Nẻ, Ranh Rói, trở lại Ruộng Hoa rồi sang Nước Lá, cuối tháng 4/1945, Đội chuyển hẳn xuống đồng bằng.

Cùng với huấn luyện quân sự, chính trị cho các đội viên, ngay từ đầu khi còn lưu động trong vùng rừng núi Đội đã làm tốt công tác vận động quần chúng, tổ chức những buổi lễ “ăn thề” giữa Đội với đồng bào dân tộc thiểu số theo phong tục tập quán địa phương, thề yêu thương đùm bọc, sống chết có nhau, cùng đoàn kết đánh Nhật, cứu nước, ai làm sai sẽ bị cách mạng, nhân dân và “Giàng” xử phạt.

Cuộc mít tinh của nhân dân Ba Tơ trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Khi chuyển xuống đồng bằng Đội phân thành hai bộ phận. Bộ phận phía Bắc đứng chân tại vùng Vĩnh Sơn, Vĩnh Tuy xây dựng chiến khu Phan Đình Phùng; bộ phận phía Nam đứng chân tại Núi Lớn xây dựng chiến khu Hoàng Hoa Thám. Từ hai chiến khu này Đội cử cán bộ đi giúp các tỉnh Quảng Nam, Bình Định và luân phiên 1/3 quân số ở tại căn cứ luyện tập, 2/3 phân tán đi các làng tuyên truyền, góp phần tích cực trong việc xây dựng các đoàn thể cứu quốc. Sau đó, dựa trên cơ sở các đoàn thể cứu quốc phát triển mạnh để tiếp tục phát triển lực lượng vũ trang theo hướng chọn những hội viên cứu quốc hăng hái tổ chức các đội tự vệ; rút những đội viên tự vệ hăng hái tổ chức thành tiểu tổ du kích, rồi lại rút những đội viên hăng hái trong các tiểu tổ du kích bổ sung cho Đội du kích Ba Tơ.

Nhờ phương thức xây dựng lực lượng này, Đội đã hình thành được 3 thứ quân tại địa phương với chất lượng tiểu tổ du kích cao hơn các đội tự vệ, chất lượng đội du kích Ba Tơ cao hơn các tiểu tổ du kích. Đến trước ngày khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh (tháng 8/1945), Đội du kích Ba Tơ đã có gần 1.000 chiến sĩ, biên chế thành 2 đại đội, mỗi đại đội có từ 3 đến 5 trung đội, mỗi trung đội có 5 tiểu đội.

Về vũ khí, bằng nhiều cách, từ số súng do cơ sở nội ứng từ trong đồn Ba Tơ đưa ra, lính bảo an đào ngũ trao lại và vừa tước được của lính khi khởi nghĩa tại châu lỵ Ba Tơ, đến cử đội viên tìm nhặt những khẩu súng tàn quân Pháp vứt bỏ hoặc giấu lúc Nhật đảo chính, vận động những người dân có súng săn ủng hộ, rồi mở rộng lạc quyên trong quần chúng cứu quốc góp tiền mua vũ khí, cả thông qua cơ sở nội ứng trong lính bảo an đột nhập vào đồn lấy súng (riêng tại đồn Tư Nghĩa đã lấy được 37 khẩu và một bao tải đạn). Đến trước ngày khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh, đội đã có được số súng lên tới 400 khẩu[4]. Đây là số vũ khí rất lớn của lực lượng vũ trang thời kỳ tiền khởi nghĩa (bấy giờ ở Hà Nội, lực lượng vũ trang Hà Nội cũng chỉ có 70 - 80 khẩu súng[5]).

Với lực lượng quân sự đông đảo và số vũ khí khá lớn, trong khởi nghĩa tháng 8/1945 ở Quảng Ngãi, Đội du kích Ba Tơ đã thể hiện rất rõ tính chất vũ trang chiến đấu bằng những trận chặn đánh quân Nhật tại Xuân Phổ, Mỏ Cày, Thi Phổ Nhì, Tú Sơn, Sông Vệ, v.v…. , hình thành thế bao vây thị xã, buộc quân Nhật phải nhượng bộ những điều kiện do Việt Minh Quảng Ngãi đưa ra, chấp nhận không tấn công lực lượng khởi nghĩa, để Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Ngãi chính thức làm lễ ra mắt nhân dân trong toàn tỉnh.

Đội du kích Ba Tơ không chỉ là tiền thân lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi mà còn làm nòng xây dựng các đơn vị mới cho lực lượng vũ trang Liên khu 5 ngay sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, là một trong những tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thành công trong phát động cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và xây dựng, phát triển Đội du kích Ba Tơ cho thấy Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã nắm được những vấn đề cốt lõi về lý luận khởi nghĩa trong học thuyết Mác - Lênin và quán triệt được những chỉ đạo của Trung ương Đảng về nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Đồng chí Phạm Kiệt, nguyên Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi, Chỉ huy trưởng cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, Đội trưởng Đội du kích Ba Tơ về sau đã kể lại rằng, nhờ quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương tháng 5/1941, mà lúc “ở trong tù các đồng chí đã cùng tôi tính toán kỹ lưỡng đường đi nước bước, phương hướng và kế hoạch hoạt động sau này”[6].


[1] Ủy ban nhân dân cách mạng Ba Tơ: Lời Tuyên cáo của Ủy ban nhân dân cách mạng Ba Tơ. Tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

[2] Ngô Văn Minh: Cách mạng tháng Tám tại các tỉnh ven biển Nam Trung bộ. Nxb Đà Nẵng, 2005, tr.133.

[3] Dẫn theo Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V - Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi: Lịch sử Đội du kích Ba Tơ (1945-1946), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.50 -51.

[4] Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi: Kiểm thảo bốn giai đoạn lịch sử vận động cách mạng của Đảng bộ Quảng Ngãi. Lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, tr.30

[5] Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội 1926-1954 (sơ thảo). Nxb Hà Nội, 1989, tr.165.

[6] Phạm Kiệt: Từ núi rừng Ba Tơ. Nxb Quân đội nhân dân. Hà Nội, 1964, tr.7.