Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh là kỷ nguyên phát triển thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu1, tập trung vào chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau, hoạt động đoàn kết, thúc đẩy hoà bình, phát triển bền vững, phẩm giá con người vì thế hệ hôm nay và ngày mai”.
Cách tiếp cận về kỷ nguyên trong giới học thuật có sự khác nhau nhất định, ở đây, lấy mục tiêu đạt được để đặt tên cho kỷ nguyên. Nội dung của kỷ nguyên chính là những nhiệm vụ mà dân tộc phải giải quyết trong kỷ nguyên đó. Độ dài hay ngắn của kỷ nguyên phụ thuộc vào nhiệm vụ mà dân tộc đã căn bản hoàn thành, mục tiêu đạt được trong kỷ nguyên trước là tiền đề, là cơ sở cho thực hiện nhiệm vụ của kỷ nguyên tiếp theo. Nội dung của kỷ nguyên tiếp theo là sự kế thừa, phát triển lên một tầm cao nội hàm của kỷ nguyên trước.
Thứ nhất, Kỷ nguyên độc lập, tự do được mở ra từ năm 1945. “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp, phong kiến và lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên đầu tiên, kỷ nguyên về độc lập, tự do”, như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã vạch ra2. Từ một thuộc địa không có tên trên bản đồ thế giới, một chế độ phong kiến lạc hậu ở phương Đông, Việt Nam tuyên ngôn với toàn thế giới vị thế là quốc gia độc lập có chủ quyền, một chế độ của nhân dân lao động. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khắc họa kỷ nguyên mới huy hoàng của dân tộc trong bản Tuyên ngôn độc lập: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”3.
Để giữ vững độc lập, tự do trong kỷ nguyên mới, quân và dân Việt Nam đã phải tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ, chiến đấu gian khổ, hy sinh to lớn và thắng lợi vẻ vang trước các thế lực của thực dân, đế quốc đầu sỏ và phản động quốc tế; đồng thời, phải nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đến mùa Xuân năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của kỷ nguyên độc lập, tự do đã được hoàn thành trọn vẹn. Thắng lợi của Việt Nam không chỉ có ý nghĩa vĩ đại đối với quốc gia dân tộc Việt Nam, mà còn mang tầm vóc thời đại cao cả, thời đại của hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, “kỷ nguyên đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Công cuộc đổi mới đất nước được đề ra sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng vào năm 1986 nhằm mục đích khắc phục những hạn chế, sai lầm về lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được thực hiện ở kỷ nguyên thứ nhất, mục tiêu khắc phục khủng hoảng về kinh tế xã hội và từng bước đưa nước ta phát triển. Với dũng khí dám nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng những quy luật khách quan, bám sát điều kiện cụ thể, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành một số chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục,... và được thực hiện một cách đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở nước ta tại thời điểm. Nhờ vậy, sau 10 năm (từ năm 1986-1996) nước ta đã khắc phục được khủng hoảng, giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa và bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến năm 2010, thu nhập bình quân đầu nước của Việt Nam đạt mốc 1.000 USD/năm, đưa nước ta thoát ra khỏi tình trạng chậm phát triển, lọt vào danh sách nước có thu nhập trung bình trên toàn thế giới. Chính sự kiện này đã đưa Việt Nam hoàn toàn chấm dứt tình trạng hàng trăm, hàng ngàn năm nghèo nàn, lạc hậu, mở ra cho nước ta một trang sử mới.
Đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, nước ta đã trở thành một điển hình trên nhiều lĩnh vực phát triển của thế giới hiện nay. Quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt gần 435 tỷ USD, tăng gấp 96 lần so với năm 1986; bình quân đầu người đạt khoảng 4.600 USD. Nước Việt Nam là một trong 40 nền kinh tế có quy mô GDP hàng đầu thế giới; là một trong 20 thị trường ngoại thương và thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trên thế giới; là quốc gia hàng đầu về Chỉ số phát triển con người (HDI), về đổi mới sáng tạo thì nằm trong nhóm các nước có cùng trình độ phát triển, Việt Nam cũng là nước có mối quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên của Liên hợp quốc; xây dựng được 30 quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và là đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc thế giới và khu vực; hoàn thành về đích các mục tiêu của Thiên niên kỷ; là bạn và cũng là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, chủ động trong cộng đồng quốc tế ..., Tóm lại, Việt Nam chưa bao giờ có được vị thế, sức mạnh và uy tín quốc tế như hiện nay”4.
Thứ ba, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thành tựu có ý nghĩa lịch sử to lớn của kỷ nguyên đổi mới và phát triển đã tạo tiền đề vững chắc cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mục tiêu của Việt Nam được Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra năm 2021 đặt ra là Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Có nhiều tiêu chí để xác định trình độ của một quốc gia phát triển. Theo tiêu chuẩn hiện hành, thế giới ngày nay có 38 quốc gia trên toàn thế giới là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các quốc gia này được xem là nước phát triển, nước công nghiệp hóa mới và một số quốc gia khác có nền sản xuất công nghiệp hiện đại. Để trở thành một quốc gia phát triển, trước hết quốc gia đó phải là một quốc gia công nghiệp hóa, có nền sản xuất công nghiệp tiên tiến, xã hội hiện đại, văn minh và thu nhập bình quân tính theo đầu người ở mức cao, trên 12.050 USD/năm. Việc vạch ra mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao là có đầy đủ căn cứ, đủ cơ sở. Đó là sức mạnh tổng hợp được tạo ra từ kết quả thực hiện các thời kỳ trước, nhất là trong quá trình đổi mới. Đó là kinh nghiệm của các nước đi trước, chỉ trong vòng vài ba thập kỷ công nghiệp hóa thành công họ đều trở thành quốc gia phát triển. Đó là cơ hội mới do bước ngoặt vận động của thế giới đem lại cho các nước đi sau có thể về đích sớm. Đây sẽ là một động lực tinh thần to lớn của hơn 100 triệu người Việt Nam quyết tâm thực hiện khát vọng Hồ Chí Minh xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”…
Lịch sử đấu tranh và lao động đầy sáng tạo của nước ta đã trải qua hai kỷ nguyên từ năm 1945 với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đến kỷ nguyên đổi mới và phát triển vào năm 1986 (từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI). Đến nay, nước ta đã và đang bước sang kỷ nguyên thứ ba, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, bắt đầu tư Đại hội XIV của Đảng ta. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại và hiệu quả đã trở thành yêu cầu tất yếu để đáp ứng những đòi hỏi của sự phát triển. Điều này không chỉ mang lại cơ hội thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế mà còn đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với từng địa phương trong việc nâng cao năng lực quản trị và tận dụng mọi thời cơ.
Việc tận dụng những thời cơ này để giải quyết những vấn đề cốt lõi này, Việt Nam sẵn sàng với tâm thế bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và từng bước nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới./.
Thu Hường – Tấn Phong
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr.25.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr.104.
3. Nguyễn Viết Thảo (2024), kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, http://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/ky-nguyen-vuon-minh-cua-viet-nam-trong-thoi-dai-moi-679728.html
4. Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 31 tháng 10 năm 2024.
5. Toàn văn Bản Tuyên ngôn độc lập, 02/09/2021.
1 Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 31 tháng 10 năm 2024.
2 https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/cuong-linhxay-dung-dat-nuoc-trong-thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bo-sung-phat-trien-nam-2011-1528
3 https://vietnamnet.vn/toan-van-ban-tuyen-ngon-doc-lap-771240.html
4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr.25 và tr.104.