Bức Tường Thành Đỏ: Liên Xô và Cuộc Chiến Quyết Định Vận Mệnh Thế Giới

Niềm hân hoan chiến thắng của các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô tại Berlin vào ngày 9/5/1945, sau khi Đức Quốc xã chính thức ký văn kiện đầu hàng vô điều kiện trước Liên Xô và các quốc gia Đồng minh. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát

Trong thế kỷ XX đầy biến động, Chiến tranh thế giới thứ hai là thời khắc đen tối nhất của nhân loại - nơi mà cả nền văn minh đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm bởi bóng đen phát xít. Giữa cơn bão dữ ấy, Liên Xô đã đứng lên như một “bức tường thành đỏ” - không chỉ bảo vệ chính mình mà còn đóng vai trò trung tâm, vai trò quyết định trong việc đập tan chủ nghĩa phát xít, khôi phục, bảo vệ nền hòa bình và vẽ lại bản đồ chính trị thế giới. Với sự hy sinh to lớn, sức mạnh quân sự phi thường và lý tưởng tiến bộ, Liên Xô không chỉ chiến thắng trên chiến trường mà còn khơi nguồn cảm hứng cho các phong trào giải phóng dân tộc toàn cầu, mở đường cho một trật tự thế giới mới - nơi khát vọng công lý và tự do được thắp sáng. Vai trò đó được thể hiện rõ qua các khía cạnh sau:

Thứ nhất, Liên Xô giữ vai trò quyết định trên chiến trường châu Âu - tuyến đầu chống phát xít Đức. Ngay từ khi phát xít Đức mở Chiến dịch Barbarossa vào tháng 6/1941, Liên Xô đã trở thành mục tiêu chính của cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo nhất trong lịch sử hiện đại. Trước sức mạnh quân sự khủng khiếp của Đức quốc xã, Liên Xô đã huy động toàn bộ tiềm lực quốc gia, tổ chức phòng ngự kiên cường và tiến hành phản công trên mặt trận dài hàng ngàn ki-lô-mét. Các chiến thắng chiến lược tại Mát-xcơ-va (1941), Xta-lin-grát (1942–1943) và Cuốc-xcơ (1943) đã làm đảo chiều cục diện chiến tranh, đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của Hitler và làm suy yếu nghiêm trọng sức mạnh quân sự của Đức. Đặc biệt, trận Cuốc-xcơ, trận chiến xe tăng lớn nhất lịch sử, đã xóa bỏ hoàn toàn khả năng tấn công chiến lược của Đức, đẩy chúng vào thế phòng ngự bị động.

Thứ hai, chiến công của Liên Xô tạo điều kiện cho sự thành công của phe Đồng minh trên các mặt trận khác. Trong bối cảnh Hồng quân Liên Xô liên tục tấn công và tiêu diệt lực lượng chủ lực của phát xít Đức trên mặt trận phía Đông, quân Đức buộc phải chia nhỏ lực lượng và không thể ngăn chặn cuộc đổ bộ lịch sử của phe Đồng minh tại Normandy vào tháng 6/1944. Chiến dịch tiến công thần tốc của Hồng quân, đặc biệt là chiến dịch Berlin (4-5/1945), đã góp phần trực tiếp buộc phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện và kết thúc chiến tranh ở châu Âu.

Thứ ba, Liên Xô đóng vai trò chủ chốt trong việc kết thúc chiến tranh tại châu Á. Sau khi phát xít Đức sụp đổ, Liên Xô tiếp tục phát huy vai trò tích cực khi tham gia Chiến dịch Mãn Châu (8/1945). Với sự phối hợp của quân đội Mông Cổ, Trung Quốc và Triều Tiên, Hồng quân Liên Xô đã nhanh chóng tiêu diệt đạo quân Quan Đông - lực lượng tinh nhuệ và mạnh nhất của phát xít Nhật tại châu Á. Chiến thắng này góp phần quan trọng buộc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, chính thức chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thứ tư, Liên Xô gánh vác phần lớn gánh nặng chiến tranh của nhân loại. Mặt trận Xô - Đức là chiến trường khốc liệt nhất của cuộc chiến, nơi tập trung hơn 2/3 binh lực phát xít Đức. Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt hơn 600 sư đoàn địch, phá hủy trên 70.000 xe tăng và pháo binh. Cái giá phải trả là vô cùng to lớn: hơn 27 triệu người Liên Xô thiệt mạng - một con số khẳng định rằng chính Liên Xô đã gánh chịu phần lớn hy sinh để giành lấy chiến thắng cho phe Đồng minh và cho cả nhân loại.

Thứ năm, chiến thắng của Liên Xô mang ý nghĩa thời đại sâu sắc và toàn cầu. Sự sụp đổ của phát xít dưới đòn giáng mạnh mẽ của Hồng quân Liên Xô đã thổi bùng phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên khắp thế giới - từ châu Á, châu Phi đến Mỹ Latinh. Ở Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là minh chứng tiêu biểu cho sự lan tỏa của chiến thắng ấy. Đồng thời, thắng lợi của Liên Xô còn khẳng định sức mạnh vượt trội của chế độ xã hội chủ nghĩa, thể hiện khả năng huy động toàn dân, toàn quân trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và đấu tranh vì công lý, vì chính nghĩa.

Thứ sáu, vai trò của Liên Xô định hình trật tự thế giới mới sau chiến tranh. Sau chiến thắng, với vị thế và uy tín vượt trội, Liên Xô trở thành một trong hai siêu cường của thế giới. Liên Xô giữ vai trò chủ chốt trong việc thành lập Liên Hợp quốc, thúc đẩy sự hình thành trật tự thế giới lưỡng cực và dẫn đầu phong trào hòa bình, phản đối chiến tranh xâm lược. Từ một quốc gia từng bị tấn công tàn khốc, Liên Xô đã vươn lên thành biểu tượng của công lý, hòa bình và đoàn kết quốc tế.

Như vậy, vai trò của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai không chỉ được thể hiện qua sức mạnh quân sự và chiến lược mà còn mang ý nghĩa nhân văn và lịch sử sâu sắc. Liên Xô đã góp phần cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít, đồng thời thắp sáng niềm tin vào lý tưởng tự do, công bằng và tiến bộ. Chiến thắng ấy không chỉ thuộc về một quốc gia, mà còn là di sản thiêng liêng của toàn nhân loại, là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của chính nghĩa trong thời đại đen tối nhất thế kỷ XX.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít. Trong Thông điệp Liên bang ngày 15 tháng 1 năm 2020, Ông tiếp tục khẳng định rằng: “Đối với nước Nga, Ngày chiến thắng 9 tháng 5 là ngày lễ vĩ đại nhất, thiêng liêng nhất. Chúng ta kỷ niệm ngày lễ đó không chỉ nhằm thể hiện sự tôn trọng quá khứ lịch sử mà còn hành động vì tương lai của chúng ta, ngày lễ này củng cố khối thống nhất của chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ sự thật về Chiến thắng. Chúng ta sẽ nói gì với con cháu mình khi những điều giả dối về cuộc chiến đang lan truyền khắp thế giới như một bệnh dịch. Chúng ta sẽ dùng sự thật để chống lại những luận điệu dối trá trắng trợn và những mưu đồ viết lại lịch sử”[1].


[1] Đức Hà, 75 năm Chiến thắng vĩ đại và tiếp tục câu chuyện những người Việt Nam chiến đấu bảo vệ Moskva, https://hoihuunghivietnga.vn/75-nam-chien-thang-vi-dai-va-tiep-tuc-cau-chuyen-nhung-nguoi-viet-nam-chien-dau-bao-ve-moskva-d1184.html.