Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dốc lời “ruột gan” với đội ngũ y bác sỹ: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào” trong thư Người gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27/02/1955. 30 năm sau, từ năm 1985, ngày 27/02 hằng năm được lấy làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhằm tôn vinh, tri ân công lao đội ngũ cán bộ ngành y tế nước nhà và cũng nhằm nhắc nhở những người đang khoác lên mình chiếc áo blouse nhớ luôn khắc ghi lời Bác

Tiếp nối y đức của những danh y tiền nhân

Sinh mạng con người là cao quý, là trên hết. Sinh thời, đại danh y tài năng Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) có nói về y đức của người thầy thuốc như sau: “Thầy thuốc là người có nhiệm vụ bảo vệ sinh mệnh người ta. Lẽ sống chết, điều phúc họa đều ở trong tay mình xoay chuyển, lẽ nào người có trí tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm hồn không thoáng đạt, trí quả cảm không thận trọng mà dám theo đòi bắt chước học nghề y”. Theo ông, hành nghề chữa bệnh cứu người sẽ là không xứng đáng, thậm chí có thể quy thành tội nếu vướng mắc những tật xấu như: ngại mưa gió mà không đi chữa bệnh, sợ bệnh nhân không đủ tiền trả mà không chữa bệnh, thấy chứng bệnh dễ chữa mà nói khó để xoay tiền, thấy chứng khó mà không quyết chữa, y học còn non mà đi chữa bệnh, không chữa bệnh vì tư thù … Ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam còn khuyên dạy: “Làm người thầy thuốc mà không hằng tâm giúp người, chỉ chăm chăm kể lợi tính công, lấy của hại người thì khác gì giặc cướp”. Từ đó, với nghề đặc biệt này, Người có kết luận sâu sắc: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người, không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. Cả đời làm nghề, ông luôn tâm niệm: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ việc cứu người làm nhiệm vụ của mình không mưu lợi kể công”.

Đến Hồ Chí Minh, “lương y như từ mẫu”, hay “lương y kiêm từ mẫu” là câu thành ngữ giàu hình tượng mà Người luôn nhắc đến trong những bức thư hay các lần tiếp xúc nói chuyện với đội ngũ cán bộ y tế. Y đức của người thầy thuốc cũng như ngành y tế được diễn đạt sâu sắc, súc tích thành tấm lòng “từ mẫu” – mẹ hiền thương con là tình cảm cao cả, thiêng liêng nhất trong mọi tình cảm của con người. Thầy thuốc giỏi chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ; phải chu đáo, tỉ mẩn với một lòng thương bao la của “từ mẫu” đối với bệnh nhân mới đủ, bởi sự sống chết của người bệnh có khi chỉ mong manh trong gang tấc nên một tích tắc lơ đễnh, thờ ơ, chưa hết trách nhiệm cũng có thể đưa đến hậu quả đáng tiếc. Thêm nữa, lẽ thường, khi người ốm đau về thể chất sẽ hệ lụy, tiêu cực đến tinh thần nên nếu thầy thuốc không giỏi về tâm lý tiếp xúc, không thấu cảm, đồng cảm “như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” mà thiếu sự tận tụy từ lương tâm trách nhiệm thì nỗi đau của bệnh nhân dễ chất chồng, dồn đẩy đến tuyệt vọng. Ngược lại, khi niềm tin và hy vọng được thắp lên thì cơ hội và khả năng chiến đấu, chiến thắng bệnh tật về thể xác của người bệnh cũng thuận tăng theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 20/4/1963 (Ảnh tư liệu)

Trong Thư gửi Hội nghị Quân y được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, tháng 3/1948, Hồ Chí Minh đã dặn dò các chiến sỹ khoác lên mình chiếc áo blouse trắng: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”[i].

Trong thư đó, Bác thông cảm được nỗi niềm của người thầy thuốc bị “một số anh em quân nhân” (thương, bệnh binh) đối xử “không được trấn tĩnh”, “không được nhã nhặn” do họ sinh hoạt và chiến đấu trong điều kiện khắc khổ, bị kích thích hoặc thiếu tu dưỡng. Từ đó, Người động viên, nhắc nhở người thầy thuốc phải hết sức cảm thông, “lấy lòng nhân ái mà cảm động, cảm hóa họ” và chữa trị bệnh cho họ không chỉ bằng nghĩa vụ mà phải gắn kết với lương tâm là chính, phải kiêm luôn công việc như người mẹ hiền - “lương y kiêm từ mẫu”[ii].

Từ đó, theo Bác, “lương y kiêm từ mẫu” không chỉ là phương châm ứng xử, hành động và phục vụ của cán bộ y tế mà còn là một tiêu chí chuẩn mực về một người thầy thuốc giỏi. Trong Thư khen cán bộ, nhân viên Quân y vào những năm cuối đời, ngày 31/7/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khoẻ của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”[iii].

Có thể nói, lời ghi nhớ “lương y kiêm từ mẫu” của Bác mang ý nghĩa tựa như Lời thề Hippocrates dành cho người thầy thuốc phải tuyên thệ trước khi chuẩn bị vào nghề.

Tuy nhiên, cũng giống như Lê Hữu Trác đòi hỏi sự bắt chước học nghề y phải là người có trí tuệ đầy đủ, với Hồ Chí Minh y đức không chỉ là lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến, là sự thật thà, đoàn kết với đồng nghiệp, mà còn là sự say mê nghề nghiệp, luôn tích cực trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức toàn diện nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của toàn quân và toàn dân.

Y đức của người thầy thuốc không thể không gắn với năng lực và trình độ chuyên môn. Nếu thầy thuốc chẩn đoán sai lệch, không sử dụng thuần thục những trang thiết bị hiện đại, điều trị không chính xác và xảy ra hậu quả đáng tiếc, trả giá bằng tính mạng của người bệnh thì dù có nhiệt tình, tận tụy cũng không thể là người thầy thuốc giỏi, vì không thể sửa sai hay bù đắp bởi đời người chỉ có một lần để sống. Tài mới là đức lớn nhất và phải vun bồi cho nhau, nên người thầy thuốc cách mạng muốn hồng phải chuyên sâu, muốn cho y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa thực tiễn thì cần không ngừng trau dồi y lý, y thuật và luôn biết tự làm giàu trí tuệ cho mình.

Điều này trong Thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế toàn quốc năm 1953, Bác có điểm lưu ý về chuyên môn đến cán bộ y tế là cần “luôn luôn học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ” và đặc biệt phải được “chỉnh huấn” và “sắp xếp công việc để mọi người được chỉnh huấn”[iv].

Và xây dựng một nền y học “khoa học, dân tộc và đại chúng”

Chỉ chưa đầy một năm sau ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trên Báo Cứu quốc, tháng 3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”[v].

Sức khỏe con người liên quan và phụ thuộc rất nhiều nhân tố, trong đó không thể không nhắc đến thầy thuốc. “Muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần thầy thuốc”[vi] cũng là lời của Bác diễn đạt trong Bài nói chuyện trong buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương ngày 06/2/1953. Những sự quan tâm đó cho thấy tư tưởng của Bác Hồ rất toàn diện, sâu sắc về ngành y tế nước nhà, nó không chỉ dừng lại ở khám chữa bệnh, “đánh giặc ốm” mà là bảo vệ sức khỏe, phát triển sự khang kiện của giống nòi.

Trong bức Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, ngày 27/02/1955, không những là vấn đề chữa bệnh tật mà là “giữ sức khoẻ cho đồng bào” và “xây dựng một nền y học của ta”[vii] mới là ý kiến thảo luận quan trọng mà Bác và Chính phủ mong muốn “phó thác” cho ngành y tế nước nhà. Đây chính là tâm thế “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và tầm nhìn xa trông rộng của người lãnh tụ “cả một đời vì nước vì non”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Thành phố Nam Định (ngày 22/5/1963)
(Ảnh tư liệu/TTXVN)

Có thể nói, sứ mệnh của người thầy thuốc rất thiêng liêng khi người bệnh lẫn Chính phủ đều “phó thác” – tin cẩn giao phó hoàn toàn cho họ, vì điều đó không chỉ có ý nghĩa đối với bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu bệnh tật ở mỗi người mà còn liên quan đến sự cải thiện và nâng cao chất lượng của giống nòi, của dân tộc cho những thế hệ tương lai. Bác đã gợi ý, một nền y học tốt nhất để người dân được thụ hưởng phải trên nguyên tắc “khoa học, dân tộc và đại chúng”[viii] và phối hợp, chắt lọc tinh túy y dược của “Đông” lẫn “Tây”. Tính “khoa học, dân tộc và đại chúng” của ngành lấy biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy phép của Esculape đó chính là hoài bão về nền y học của đất nước hình chữ S phải vừa tiên tiến, hiện đại để tiệm cận và hội nhập với sự phát triển của y học thế giới, vừa đồng thời giữ được bản sắc dân tộc và dành sự phục vụ cho số đông nhất có thể.

Từ những thông điệp cao cả đó, bức thư trở thành di sản có ý nghĩa to lớn nên ngày 06/02/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 39/HĐBT, lấy ngày 27/02 hằng năm làm “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”.

70 năm qua, từ bức Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27/02/1955, những lời dạy của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, là tư tưởng chỉ đạo để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quan tâm, chăm lo sức khỏe Nhân dân, đặc biệt là nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, giỏi về y thuật, sáng về y đức. Thấm nhuần và làm theo lời dạy của Người về y đức, rất nhiều tấm gương thầy thuốc đẹp, tận tụy, tâm huyết, hết sức phục vụ người bệnh nở rộ trong sự nghiệp chǎm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân như Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Đặng Vǎn Ngữ, v.v…

Đến nay, nền y học Việt Nam phát triển ngày càng tiên tiến và hiện đại; hệ thống y tế cả nước được kiện toàn; quy mô, năng lực, chất lượng y tế dự phòng, khám chữa bệnh, phòng, chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân có bước phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong phòng chống đại dịch Covid-19... hẳn không thể thiếu công lao những tư tưởng về y đức của Bác đã soi đường chỉ lối và chắp cánh cho những người làm công tác y tế nước nhà.


[i]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr.487.

[ii]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.487.

[iii]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.15, tr.361.

[iv]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.153-154.

[v]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.241.

[vi]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.53.

[vii]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr.343.

[viii]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr.343.