Cách đây 70 năm (3/1955-3/2025), xuất phát từ vai trò đặc biệt quan trọng của cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Người cán bộ cách mạng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 3/3/1955, với bút danh CB, khẳng định tầm quan trọng của người cán bộ cách mạng, là người dẫn dắt và quyết định sự thành công của cách mạng. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh đạo đức của người cách mạng, hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích của nhân dân, của đất nước

Quan điểm của Hồ Chí Minh về người cán bộ cách mạng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”[1]. Từ đó, Người khẳng định: “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”[2]. Vai trò, sứ mệnh to lớn đó, đòi hỏi người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng: “Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là:

Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường.

                                                                        Tận trung với nước. Tận hiếu với dân.

Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”[3].

Mục đích làm cách mạng để “giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người”[4] để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ, nhưng rất vẻ vang, đòi hỏi người cán bộ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, làm dày thêm giá trị của người cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng trăn trở, đặt vấn đề, đòi hỏi cán bộ không ngừng đổi mới, sáng tạo: “So với trước, công việc bây giờ khó khăn hơn, to lớn hơn, phức tạp hơn… Một cái máy tính, một giây đồng hồ làm được hàng ngàn phép toán, không phải cộng trừ nhân chia thông thường. Liên Xô bắn tên lửa trúng đích xa một vạn hai ngàn cây số… phải có tính toán giỏi mới trúng đích. Hay như con tàu vũ trụ bay hơn 300 cây số, lại bay vòng quanh quả đất. Bây giờ bảo chúng mình bay, có bay được không”[5].

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, tháng 02/1951 (Ảnh tư liệu)

Làm cách mạng là một “công việc to tát” nếu không có đạo đức cách mạng làm nền tảng, thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang, mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[6].

Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi tinh thần cách mạng, vượt qua khó khăn, khắc phục gian khổ, bền gan phấn đấu của cán bộ trong suốt những năm kháng chiến, đã “nhận rõ đánh giặc cứu nước là PHẢI, rụt rè cầu án là TRÁI. Họ đã giữ vững lập trường cách mạng, không lay động, không hoang mang…cán bộ ta đã vui vẻ chịu đựng mọi gian khổ, bền bỉ làm mọi công tác nặng nề. Họ đã hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, anh dũng hy sinh cho Tổ quốc”[7]. Sau kháng chiến, trong những năm tháng hòa bình tại miền Bắc, trong các ngành hoạt động, cán bộ đều phát huy tinh thần anh dũng, giữ vững lập trường đã “hy sinh cá nhân cho lợi ích chung của nhân dân, của Tổ quốc và làm cho kháng chiến thắng lợi”[8].

Người cán bộ cách mạng đặt lợi ích dân tộc lên trên hết trong bối cảnh mới hiện nay

Thấm nhuần tư tưởng cán bộ và đạo đức cách mạng của người cán bộ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng luôn quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ xem đây là nhân tố quyết định thành bại của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng. Sự nghiệp đổi mới mang lại cho đất nước cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa bao giờ có được như hiện nay.

Một trong 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ là tinh gọn tổ chức bộ máy để hệ thống chính trị mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Ngày 19/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, do đó, phải được thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, do công việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức, nhất là trong việc đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức. Do đó, cần phải có sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[9]. Cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó” bởi liên quan đến lợi ích của nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân.

Trở lực chính của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay cũng là chủ nghĩa cá nhân. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân sẽ triệt tiêu “điểm nghẽn” chính của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”[10].

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp đào tạo cán bộ (Ảnh tư liệu)

Nêu cao tinh thần chí công vô tư, đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên lợi ích riêng của từng bộ phận, cá nhân với tinh thần khẩn trương “càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngay sau khi Quốc hội thông qua cơ cấu tổ chức của Chính phủ, các địa phương đã bắt đầu ban hành các quyết định phê duyệt danh sách đối tượng nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc để bảo đảm việc triển khai phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được đồng bộ, kịp thời.

Nhiều lãnh đạo tự nguyện nghỉ hưu sớm khi sắp xếp, tinh gọn, nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận số lượng đáng kể cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi nhằm thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại tổ chức. Đặc biệt, một số địa phương đã ghi nhận số lượng đáng kể cán bộ giữ vị trí lãnh đạo tự nguyện nghỉ hưu sớm.

Tại Quảng Nam, hơn 500 cán bộ đã xin nghỉ hưu trước tuổi, trong đó có hàng chục người là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam quản lý. Ngày 20/2/2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ký ban hành quyết định về việc phê duyệt danh sách 54 cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc trong quý 1/2025, trong đó có 6 người là Giám đốc Sở và 1 người là Phó Giám đốc Sở.

Tỉnh ủy Bình Phước cũng phê duyệt danh sách nghỉ hưu trước tuổi cho 18 cán bộ lãnh đạo ngành tuyên giáo và dân vận.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình cũng đã công bố các quyết định nghỉ hưu và nghỉ thôi việc đối với 16 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Đây đều là các cán bộ đang giữ các chức vụ lãnh đạo như: Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chánh Thanh tra tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Bí thư Huyện ủy và một số Phó Giám đốc Sở…

Tỉnh Kon Tum có 15 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã xin nghỉ hưu trước tuổi, bao gồm các Tỉnh ủy viên, Giám đốc và Phó Giám đốc một số sở, ngành. Tại Đắk Lắk, nhiều lãnh đạo sở, ngành, bao gồm Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ đã viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi để tạo thuận lợi cho quá trình tinh gọn bộ máy.

Tại Hà Nội, có 59 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Công an thành phố xin nghỉ hưu trước tuổi.

Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu, tính đến ngày 20/2, có 352 cán bộ, công chức, viên chức đăng ký nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại Hải Dương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương dự kiến toàn tỉnh dôi dư 835 cán bộ, công chức, viên chức sau khi tinh gọn bộ máy.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, dự kiến có khoảng 7.159 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ nghỉ việc hoặc nghỉ hưu trước tuổi. Cụ thể, có 6.291 người thuộc diện tinh giản biên chế, 418 người phụ trách công tác Đảng dôi dư, 450 trường hợp không đủ điều kiện tái cử hoặc tái bổ nhiệm[11]

Như vậy, thấm nhuần đạo đức cách mạng, với sự hy sinh lợi ích cá nhân, đặt lợi ích dân tộc, Tổ quốc lên trên hết, trước hết, với phẩm chất đạo đức dĩ công vi thượng: “tất cả vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu”[12], trên cả nước, hàng nghìn cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết và trách nhiệm với công việc, đã chủ động viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện sắp xếp, tổ chức bộ máy được thuận lợi, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, vì nhiệm vụ và yêu cầu chính trị chung, vì lợi ích chung của tập thể, đặt lợi ích của tập thể lên trên quyền lợi cá nhân.

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr 318.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr 358.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr 354.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr292.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr463-464.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr 612.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr 354.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr 355.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, tập 11, tr 601.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, tập 15, tr 547.

[12] Xem: Tô Lâm: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, Tạp chí Cộng sản, số 1050, tháng 11/2024.