Hằng ngày, chúng ta vẫn nghe nhạc hiệu Chương trình phát thanh Quân đội Nhân dân kèm theo câu nói “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Lời dạy là nguồn động lực, kim chỉ nam để Quân đội Nhân dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng, nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc của câu nói này
Biết một mà không biết hai
Chúng ta có thể bắt gặp trên mạng những ý kiến cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ nói quân đội ta trung với nước, chứ không nói quân đội ta trung với Đảng.
Họ dẫn ra sự kiện chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường võ bị Trần Quốc Tuấn tại Sơn Tây, nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1, nói chuyện với cán bộ, học viên nhà trường, đồng thời tặng nhà trường một lá cờ thêu sáu chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân”.
Cái này thì họ đúng, bởi vì đúng là ngày 26/5/1946, mấy ngày trước khi lên đường thăm Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh, Chủ tịch Quân ủy Võ Nguyên Giáp cùng nhiều cán bộ quân sự cao cấp từ Hà Nội đến dự Lễ khai giảng của Trường võ bị Trần Quốc Tuấn và tặng cán bộ, học viên nhà trường lá cờ cùng dòng chữ nói trên. Nguyên văn lời Bác: “Anh em có nhiều giai cấp, tư tưởng khác nhau, trước hết phải đoàn kết, đoàn kết thật thà. Phải có kỷ luật cả về tinh thần lẫn vật chất. Phải noi gương anh dũng của anh em binh sĩ hồi khởi nghĩa để làm gương cho các lớp về sau. Các anh em cần làm được như lời Tôn Trung Sơn đã nói: “Những người thanh niên tốt muốn làm việc to chứ không muốn làm quan lớn”.
Mong rằng anh em ở đây, bao giờ cũng phải làm theo hai khẩu hiệu mà nó là cái mục đích của anh em: Trung với nước, hiếu với dân”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và trao lá cờ thêu 6 chữ vàng cho học viên Trường võ bị Trần Quốc Tuấn ngày 26/5/1946 (Ảnh tư liệu)
Lá cờ cùng dòng chữ nói trên hiện nay đang được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới được xây dựng trên đại lộ Thăng Long, Hà Nội.
Nhưng người ta nói rằng “biết một mà không biết hai” chính là ở đây. Những người nói rằng Bác Hồ chỉ nói quân đội ta trung với nước không biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói rằng “Quân đội ta trung với Đảng...”
Đó là bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi chiêu đãi nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày 22/12/1964.
Trong bài phát biểu tại buổi chiêu đãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[2].
Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân…
Như vậy, trong hai sự kiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng: Quân đội ta trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân….
Vậy tại sao chủ tịch Hồ Chí Minh lại nói vậy tại chuyến thăm trường võ bị Trần Quốc Tuấn và tại Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chúng ta biết rằng, sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đứng trước hiểm họa “thù trong giặc ngoài”, tình thế được mô tả như “ngàn cân treo sợi tóc”. Tất cả các thế lực thù địch đều chĩa mũi nhọn vào nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặc biệt là chĩa mũi nhọn vào Đảng Cộng sản Đông Dương, người lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vang dội, tiêu biểu lúc này là Chính phủ do chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Lá cờ mang những lời dạy quý báu của Bác Hồ theo suốt những chặng đường chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)
Trong bối cảnh đó, về sách lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã buộc phải đưa Đảng vào hoạt động bí mật dưới danh nghĩa Hội nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác ở Đông Dương. Ngày 11/11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự ý giải tán. Về danh nghĩa Đảng đã giải tán, lúc này chỉ còn Mặt trận Việt Minh và nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đại diện cho mọi quyền lợi của dân tộc. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dạy rằng “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân”. Lúc này, về danh nghĩa, đâu còn Đảng Cộng sản Đông Dương nữa mà có thể nói trung với Đảng.
Tuy nhiên đến năm 1964, khi tình thế cách mạng đã khác, khi miền Bắc sau 10 năm củng cố, xây dựng đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại Hội nghị chính trị đặc biệt tháng 3/1964 “Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới”[3]. Lúc này, Đảng lao động Việt Nam đã ra công khai lãnh đạo toàn diện sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Quân đội ta lúc này đã trưởng thành, xây dựng và chiến đấu theo mục tiêu lý tưởng của Đảng đã đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cho nên, lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể nói rõ rằng “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân....”. Lúc này, Đảng, Nhà nước và dân tộc, tất cả người Việt Nam đều chung một mục tiêu xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa giàu mạnh và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Quân đội là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh nói Quân đội ta “trung với Đảng” hoàn toàn hợp lý trong thời điểm này. Trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân vừa là nhiệm vụ, vừa là phương châm xây dựng và phát triển của quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chương trình phát thanh Quân đội nhân dân là một chương trình phát thanh hằng ngày phục vụ quân đội và nhân dân ta trong cuộc sống, chiến đấu, lao động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ những dữ liệu lịch sử nói trên, chương trình phát thanh quân đội lấy nhạc hiệu và slogan như chúng ta đã thấy: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Câu nói này khẳng định lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quân đội ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ chiêu đãi kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1964.
Có lẽ đến đây cũng không cần nói thêm gì nhiều, những quan điểm cho rằng chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ nói rằng Quân đội ta trung với nước, mà không nói rằng Quân đội ta trung với Đảng là một cái nhìn phiến diện, thiếu hiểu biết, nói chính xác là “biết một và không biết hai” và hoàn toàn có thể thông cảm được. Ngoài ra, không loại trừ mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch khi muốn phi chính trị hóa quân độ, tách rời sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân… đã trở thành truyền thống và trở thành khẩu hiệu thôi thúc quân đội ta xây dựng và trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng, cùng dân tộc Việt Nam làm nên những thắng lợi to lớn của công cuộc bảo vệ nền độc lập dân tộc, chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Những lời dạy của người đã đồng hành cùng Quân đội Nhân dân Việt Nam trong suốt chặng đường chiến đấu và chiến thắng quân phiệt Nhật, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các kẻ thù xâm lược ở biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc. Ngày nay, trong bối cảnh quân đội ta đang tiến lên xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, chính quy, hiện đại, những lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam cho quân đội ta tiếp tục xây dựng và trưởng thành trong bối cảnh mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
An Lê