Cách đây 70 năm trong bài “Đạo đức công dân” đăng trên báo Nhân Dân ngày 15/01/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời căn dặn, chỉ bảo đối với quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân. Bài viết ra đời trong bối cảnh đại đa số nhân dân ta hăng hái đóng góp sức người, sức của, tự giác làm tròn nghĩa vụ của người chủ nước nhà để khắc phục hậu quả chiến tranh ở miền Bắc và hăng hái đấu tranh ở miền Nam để thống nhất đất nước, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân chỉ muốn hưởng quyền lợi mà không thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, thậm chí có người còn vi phạm pháp luật tham ô, buôn gian, trốn thuế, trộm cắp, lưu manh…

Những chỉ dẫn của Chủ tich Hồ Chí Minh về đạo đức công dân

Mở đầu bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”[1]. Nhân dân muốn làm chủ nước nhà, trước hết phải là một công dân sống và tuân thủ theo hiến pháp và pháp luật, phải:

             “- Tuân theo pháp luật Nhà nước.

- Tuân theo kỷ luật lao động.

- Giữ gìn trật tự chung.

- Đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung.

- Hăng hái tham gia công việc chung.

- Bảo vệ tài sản công cộng.

- Bảo vệ Tổ quốc”[2].

Bác khen ngợi bộ đội và nhân dân hăng hái kháng chiến, không tiếc máu xương: “Trong những năm kháng chiến, bộ đội ta anh dũng hy sinh xương máu, đồng bào ta hăng hái góp sức của, sức người. Điều đó tỏ rằng đại da số nhân dân ta đã tự giác, tự động làm trọn nghĩa vụ của người làm chủ nước nhà”[3].

Bên cạnh đó, Bác cũng chỉ rõ một số ít người đã không làm được nghĩa vụ của mình, mà chỉ muốn “hưởng quyền lợi mà không muốn làm nghĩa vụ. Thậm chí có những người phá hoại pháp luật (như tham ô, buôn gian, lậu thuế, trộm cắp, lưu manh…)”[4].

Nguyên nhân của tình trạng đó được Bác chỉ rõ là do ảnh hưởng của xã hội cũ, của chế độ thực dân, phong kiến đã tuyên truyền lừa bịp, xúi giục, làm cho một số người lạc hậu trốn tránh nghĩa vụ, làm trái pháp luật, trái đạo đức công dân.

Nhằm làm cho mọi người dân hiểu rõ đạo đức công dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “chúng ta cần phải giáo dục đạo đức công dân để mọi người hiểu rõ: Lợi ích chung của nước nhà và lợi ích riêng của người dân là nhất trí; quyền lợi của công dân và nghĩa vụ của công dân là nhất trí; đã là người chủ của nước nhà thì phải phụ trách đối với Tổ quốc”[5].

Đồng thời, Người cũng nêu lên những phương pháp, cách thức để giáo dục đạo đức công dân: “Giáo dục có nhiều cách: giúp quần chúng giáo dục quần chúng bằng cách tự phê bình và phê bình để dạy dỗ lẫn nhau. Cán bộ giáo dục quần chúng bằng cách vạch rõ âm mưu của địch, lấy sự thật mà giải thích cho quần chúng rõ địa vị cao quý của người chủ nước nhà, lực lượng xây dựng to lớn của ta, tương lai vẻ vang của dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước của mọi người”[6].

Bác Hồ trong một chuyến thăm tỉnh Nam Định (Ảnh tư liệu)

Đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi, Người nhấn mạnh: “chính quyền phải dùng phép luật. Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân”[7].

Thực hiện lời dạy của Người, ở nhiều nhà máy, xí nghiệp, các công trường, đa số công nhân, nhân dân, thanh niên xung phong thi đua nâng cao năng suất và tiết kiệm, nêu gương đạo đức công dân. Quần chúng đã tiến bước, các cơ quan, cán bộ thi đua thực hành phong trào tiết kiệm và bảo vệ của công, nhanh chóng đẩy mạnh khôi phục, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Một số giải pháp trong vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức công dân trong bối cảnh hiện nay

Trong điều kiện thực tiễn ở nước ta hiện nay, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, cần phải thực hiện những giải pháp cơ bản để trang bị cho mọi công dân những tri thức hiểu biết về vấn đề lợi ích trong xã hội, vấn đề quyền và nghĩa vụ công dân, đề cao trách nhiệm công dân, từ đó củng cố niềm tin, thúc đẩy hành động tự giác của mỗi công dân. Đó là:

Một là, đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục đạo đức công dân phù hợp với thực tiễn xây dựng đất nước. Thông qua giáo dục đạo đức công dân cần làm cho mọi công dân hiểu rõ bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng và sự khác nhau về chất với các chế độ dân chủ khác. Giáo dục mọi công dân hiểu rõ yêu cầu đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, về cơ bản lợi ích chung và lợi ích riêng là nhất trí, nhưng trong quá trình phát triển ở những điều kiện, hoàn cảnh nhất định vẫn không tránh khỏi những mâu thuẫn, xung đột. Cho nên, cách ứng xử của những công dân có đạo đức đó là phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Lợi ích chung được bảo đảm là cơ sở bảo đảm lợi ích của mỗi cá nhân.

Hai là, kết hợp chặt chẽ “gia đình - nhà trường - xã hội” trong giáo dục đạo đức công dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định nhiệm vụ của ngành giáo dục “…không những dạy đọc, dạy viết, mà còn phải chú trọng dạy đạo đức công dân”. Là một môn học đặc biệt chủ yếu nhằm trang bị kỹ năng ứng xử của công dân trong quan hệ với nhà nước, cần nâng cao chất lượng dạy và học môn Giáo dục công dân. Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi ươm mầm những nhân cách đầu tiên của công dân. Trong xã hội dân chủ, càng cần đến giáo dục đạo đức trong gia đình. Mỗi người không chỉ tìm thấy ở gia đình niềm vui, ý nghĩa trong sáng của cuộc sống, điểm tựa vững vàng và nguồn sinh lực mạnh mẽ để bước vào xã hội mà còn thu nhận từ gia đình những chuẩn mực đạo đức cao quý của người công dân để vững vàng bước ra ngoài xã hội với địa vị người làm chủ. Do đó, nội dung giáo dục đạo đức trong gia đình hiện nay không chỉ tập trung vào việc giáo dục cách ứng xử của các thành viên trong gia đình “trên kính dưới nhường” và lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.. mà cần tập trung giáo dục con em mình biết tôn trọng lợi ích xã hội và những nguyên tắc của đời sống xã hội, giáo dục tình cảm yêu Tổ quốc, yêu nhân, yêu chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ, bộ đội, công nhân
nông trường Mộc Châu, ngày 8/5/1959 (Ảnh tư liệu)
 

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục đạo đức công dân với tăng cường kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của việc giữ vững kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Quần chúng chỉ thực sự tin Đảng, yêu Đảng và tự giác làm tròn bổn phận của mình khi mỗi đảng viên của Đảng thực sự là tấm gương mẫu mực về đạo đức lối sống. Muốn tăng cường kỷ luật Đảng không chỉ giới hạn trong việc chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức mà cần phải phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của mọi công dân thông qua các cơ quan báo chí, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Trong giáo dục đạo đức công dân cũng cần đặc biệt chú trọng giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật. Đây là chuẩn mực quan trọng bậc nhất trong thang giá trị đạo đức công dân. Do đó, bên cạnh việc trang bị kiến thức tri thức, hiểu biết, cần giáo dục, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, rèn luyện ý thức tôn trọng pháp luật thông qua duy trì nghiêm kỷ cương, phép nước. Xây dựng nhà nước pháp xuyền XHCN chính là nhằm nâng cao ý thức và thực hiện tinh thần “thượng tôn pháp luật”, hình thành thói quen “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong mọi đối tượng công dân.

Bốn là, phát huy vai trò nêu gương đạo đức công dân. Nêu gương về đạo đức trước hết là một yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên và những người đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội. Việc nêu gương đạo đức của cán bộ, đảng viên có tác dụng giáo dục quần chúng rất cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính”[8]. Ngược lại, sự thiếu rèn luyện, tu dưỡng, đặc biệt là sự thoái hóa, biến chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hành vi đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, pháp luật của công dân. Truyền thống dân tộc Việt Nam, luôn đề cao vai trò nêu gương của mỗi người dân, đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Để có được những tấm gương sáng cho quần chúng học tập và noi theo, đội ngũ cán bộ, đảng viên, phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, tự mình gương mẫu “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 9, tr 258.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 258.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr 259.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr 259.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr 259.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr 259.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr 259.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr.130.