Trong giai đoạn 1993-2006, sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gắn liền với các quyết định quan trọng của Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Học viện qua các năm 1993, 1996, 1999, 2005

Học viện khoa học xã hội mang tên Nguyễn Ái Quốc đổi tên thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Ngày 10/3/1993, Bộ Chính trị (khóa VII) ra Quyết định số 61-QĐ/TW Về việc sắp xếp lại các trường Đảng Trung ương chuyển thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”.

Quyết định của Bộ Chính trị ghi rõ: “Chuyển Học viện Nguyễn Ái Quốc thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chuyển các Trường: Nguyễn Ái Quốc khu vực I, II, III thành Phân viện Hà Nội, Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh, Phân viện Đà Nẵng và chuyển Trường Đại học Tuyên giáo thành Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, là Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học về lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước”[1].

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có 5 nhiệm vụ chủ yếu: 1- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt trung cao cấp của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể nhân dân về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, về công tác chính trị và sự lãnh đạo chính trị. 2- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có trình độ đại học và trên đại học, nhằm cung cấp cán bộ lãnh đạo, cán bộ nghiên cứu chủ chốt cho các viện nghiên cứu, các học viện, các trường và khoa Mác-Lênin các trường đại học. 3- Nghiên cứu những vấn đề về chủ nghĩa Mác-Lênin, về tư tưởng Hồ Chí Minh, về khoa học chính trị, những vấn đề lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam, về đường lối chiến lược, sách lược của Đảng, về xây dựng Đảng, về lãnh đạo và quản lý nhà nước, quản lý xã hội. 4- Chỉ đạo chương trình, nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học đối với các trường chính trị của tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương. 5- Mở rộng hợp tác quốc tế đào tạo, nghiên cứu khoa học với các nước, các đảng. Bộ Chính trị xác định: “Học viện và các phân viện được Trung ương Đảng và Chính phủ đầu tư về tài chính, cơ sở vật chất. Học viện, các phân viện có ngân sách độc lập”.

Theo Quyết định số 61-QĐ/TW, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trở thành hệ thống gồm Trung tâm Học viện và 4 Phân viện: Phân viện Hà Nội, Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh, Phân viện Đà Nẵng và Phân viện Báo chí và Tuyên truyền.

Lễ khai giảng năm học 2020-2021 tại Trung tâm Học viện

Hợp nhất với Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thành Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Ngày 30/10/1996, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 07-QĐ/TW “Về việc hợp nhất Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”, lấy tên là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo quyết định này, hai cơ quan là Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hợp nhất làm một. Theo đó, tiến hành sắp xếp, ổn định về tổ chức, bộ máy: các đơn vị chức năng (như các vụ, văn phòng) của hai cơ quan thống nhất về tổ chức; các viện nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh và các khoa giảng dạy của Học viện hợp nhất thành đơn vị mới là các viện với chức năng, nhiệm vụ mới: giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Quyết định mới của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Ngày 20/10/1999, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 67-QĐ/TW “Về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”.

Quyết định 67- QĐ/TW nêu rõ: “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt trung cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội, là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác -Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng Nhà nước, nghiên cứu về khoa học chính trị, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, đồng thời góp phần vào phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”[2].

Đồng thời, Quyết định 67- QĐ/TWcũng nêu rõ 7 chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Học viện: Một là, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ…; Hai là, nghiên cứu khoa học về lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, lịch sử lý luận và thực tiễn phong trào cách mạng Việt Nam, phong trào cách mạng thế giới và các quan hệ quốc tế, chính trị học; Ba là, chủ trì phối hợp với Học viện Hành chính quốc gia nghiên cứu, hướng dẫn chương trình nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học cho các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bốn là, chủ trì phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ đạo tổ chức biên soạn, đổi mới nội dung, chương trình học tập về các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng. Năm là, hướng dẫn nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đảng ở các địa phương và các bộ, ban, ngành Trung ương. Sáu là, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với các nước, các đảng cộng sản và phong trào cách mạng, các đảng cánh tả trên thế giới. Bảy là, nghiên cứu tổng kết và thông tin những vấn đề lý luận thực tiễn, kết quả nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Quyết định số 67-QĐ/TW được triển khai, theo đó, Học viện gồm 38 đơn vị đầu mối trực thuộc: 4 phân viện (Phân viện Hà Nội, Phân viện Đà Nẵng, Phân viện thành phố Hồ Chí Minh, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền); 7 khoa (hoa Triết học, Khoa Kinh tế chính trị, Khoa Quản lý kinh tế, Khoa Kinh tế phát triển, Khoa Nhà nước - pháp luật, Khoa Tâm lý xã hội, Khoa Văn hóa xã hội chủ nghĩa) ; 9 viện (Viện Lịch sử Đảng, Viện Xây dựng Đảng, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Viện Quan hệ quốc tế, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Viện Khoa học chính trị, Viện Kinh điển mácxít, Viện Thông tin khoa học, Viện Nghiên cứu quyền con người); 7 vụ (Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài vụ, Vụ Quản lý đào tạo, Vụ Quản lý đào tạo sau đại học, Vụ Quản lý khoa học, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Các trường Chính trị) ; 2 trung tâm (Trung tâm Xã hội học, Trung tâm khoa học về tín ngưỡng và tôn giáo; 2 bộ môn ( Bộ môn Tin học, Bộ môn Ngoại ngữ); 3 tạp chí (Tạp chí Nghiên cứu lý luận, Tạp chí Thông tin lý luận (năm 2000, sáp nhập thành Tạp chí Lý luận chính trị), Tạp chí Lịch sử Đảng ; 2 văn phòng (Văn phòng Học viện và Văn phòng Đảng ủy - Công đoàn) ; 1 ban (Ban Thanh tra) ; 1cục (Cục Quản trị).

Học viện Chính trị Khu vực II tại Thành phố Hò Chí Minh

Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện

Ngày 30/7/2005, Bộ Chính trị (khóa IX) ra Nghị quyết số 52-NQ/TW Về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”.

Nghị quyết quy định, về cơ cấu tổ chức: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gồm các viện, vụ, ban, văn phòng, tạp chí, nhà xuất bản và Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Báo chí và Tuyên truyền[3]. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là đơn vị tài chính cấp I.

Để chỉ đạo triển khi thực hiện Nghị Quyết số 52-NQ/TW, ngày 02/8/2005, Bộ Chính trị (khóa IX) ra Quyết định số 149-QĐ/TW “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Quyết định chuyển các phân viện thành Học viện. Đồng thời, thực hiện giảm cơ quan đầu mối, điều chỉnh tổ chức một số đơn vị, chuyển khoa thành viện, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh từ 38 đơn vị giảm còn 32 đơn vị trực thuộc, trong đó, gồm 5 Học viện (Học viện Chính trị khu vực I đặt tại thành phố Hà Nội, Học viện Chính trị khu vực II đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực III đặt tại thành phố Đà Nẵng, Học viện Chính trị khu vực IV đặt tại thành phố Cần Thơ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (đặt tại thành phố Hà Nội); 17 viện (chuyển các khoa thành viện, có thêm 11 viện chuyên ngành so với năm 1999, gồm: Viện Triết học, Viện Kinh tế chính trị học, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Viện Lịch sử Đảng, Viện Xây dựng Đảng, Viện Kinh điển Mác – Lênin, Viện Quan hệ quốc tế, Viện Nhà nước và pháp luật, Viện Chính trị học, Viện Xã hội học và tâm lý lãnh đạo, quản lý, Viện Quản lý kinh tế, Viện Kinh tế và phát triển, Viện Văn hóa và phát triển, Viện Nghiên cứu tôn giáo và tín ngưỡng, Viện Nghiên cứu quyền con người, Viện Thông tin khoa học; 6 vụ (Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ Quản lý đào tạo, Vụ Quản lý khoa học, Vụ Các trường chính trị, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính. 30); 2 cơ quan báo chí, xuất bản (Tạp chí Lý luận chính trị, Nhà xuất bản Lý luận chính trị; đối với Tạp chí Lịch sử Đảng vẫn giữ nguyên chức năng nhiệm vụ của tạp chí ngành toàn quốc, trực thuộc Viện Lịch sử Đảng); 1 Ban Thanh tra; 1 Văn phòng Học viện.

Thực hiện Quyết định 149- QĐ/TW của Bộ Chính trị, ngày 30/3/2006, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ra Quyết định số 534/QĐ-HVCTQG thành lập Học viện Chính trị khu vực IV trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đặt tại thành phố Cần Thơ. Việc thành lập Học viện Chính trị khu vực IV nhằm tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội, các doanh nghiệp Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập ở khu vực Tây Nam Bộ. Theo Quyết định này, ngày 18/4/2006 là ngày thành lập Học viện Chính trị khu vực IV.

 

[1]. Quyết định số 61/QĐ-TW của Bộ Chính trị (khóa VII) ngày 10/3/1993.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, t.58, tr.417-418.

[3]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, t.64, tr. 346-348.