(VNTV). Trong hành trình vươn tới một nền kinh tế phát triển tốc độ cao và bền vững, Việt Nam đang đối mặt với yêu cầu cấp bách phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Việc tập trung vào khoa học - công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như định hướng tại Nghị quyết 57-NQ/TW trở thành yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh ấy rất cần thắp lên tinh thần, khát vọng phụng sự - động lực từ bên trong, kết hợp với tha lực - áp lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và các cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Truyền thông về sự gắn kết sứ mệnh của người dân và doanh nghiệp với khát vọng vươn lên của dân tộc là một trong những cách hiệu quả để khơi dậy khát vọng phụng sự. Mỗi người dân và doanh nghiệp nhận thức rằng, sản phẩm, dịch vụ của mình gắn kết với những vấn đề xã hội, họ sẽ cảm thấy trách nhiệm lớn hơn, từ đó thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo. Văn hóa sáng tạo, khi được nuôi dưỡng, sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình đổi mới. Biện pháp hữu ích khác là có các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân theo đuổi sứ mệnh phụng sự xã hội; khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh có trách nhiệm xã hội, tạo giá trị bền vững. Cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình sáng chế và bảo vệ sở hữu trí tuệ… là yếu tố quan trọng để khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm.

Song song với nuôi dưỡng khát vọng phụng sự, áp lực cạnh tranh từ môi trường kinh doanh là yếu tố then chốt thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng sáng tạo và đổi mới. Trong kỷ nguyên số, công nghệ phát triển nhanh chóng và sự thay đổi của thị trường khiến doanh nghiệp không thể đứng yên, đòi hỏi phải đổi mới không ngừng để duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Chính vì thế cần có các cơ chế, chính sách thúc đẩy cạnh tranh công bằng và bảo vệ sự phát triển của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích họ áp dụng những giải pháp công nghệ tiên tiến và đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế. Việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cao chính là gia tăng áp lực thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới và phát triển sản phẩm mới. Việc hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận công nghệ mới, như trợ giá xe điện hay khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ.

Để quá trình phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo thành công, cơ chế chính sách hỗ trợ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhà nước nên trở thành “khách hàng đầu tiên” đối với các sản phẩm công nghệ trong nước nhằm tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Ngoài ra, việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, hỗ trợ các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo hay các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cùng với các cơ chế thử nghiệm an toàn (sandbox) sẽ thúc đẩy việc triển khai và ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực mới. Chính phủ cần duy trì một môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các mô hình hợp tác công - tư; khuyến khích chuyển giao công nghệ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường và các nguồn lực cần thiết để phát triển bền vững.

Việc kết hợp 3 yếu tố: khơi dậy khát vọng sáng tạo từ bên trong, tạo áp lực cạnh tranh thúc đẩy đổi mới và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ sẽ giúp đất nước vươn lên mạnh mẽ, tiên phong trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.