Thơ cách mạng kháng chiến đóng vai trò quan trọng trong nền văn nghệ Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến, thơ cách mạng khơi gợi mạnh mẽ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, góp phần tạo dựng điểm tựa về tinh thần cho các thế hệ người Việt vượt qua những thời khắc gian nan của lịch sử. Quan điểm cho rằng "Thơ cách mạng kháng chiến chỉ minh họa cho chính trị" của các thế lực thù địch cần phải bị bác bỏ, phê phán.

Thơ cách mạng đóng vai trò quan trọng trong nền văn nghệ nước nhà. Ảnh: Internet

Tác giả xin mạn phép không lạm bàn về nghệ thuật thi ca - điều mà mỗi người sẽ có cảm nhận theo cách riêng của mình. Chỉ có điều ai cũng muốn nhắc đến: thi ca chính là hiện thực và cũng từ hiện thực đời sống người nghệ sĩ mới có những rung cảm thật sự, như nhà thơ Đuy Blay ví von rất tinh tế, rằng: "Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim".

Thi ca là hình thức văn học ra đời sớm để ghi lại những cung bậc tình cảm của văn nghệ sĩ từ trái tim trước thiên nhiên, sự vật, con người và sự kiện xã hội. Văn nghệ sĩ trong thời kỳ kháng chiến cũng vậy. Với tư cách là văn nghệ sĩ – chiến sĩ, tình cảm thiêng liêng của họ biểu thị rõ tư tưởng yêu nước sâu sắc: “Mà nói vậy: Trái tim anh đó - Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ: Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều - Phần cho thơ, và phần để em yêu..."[1]. Thật sự, không có sự hy sinh nào lớn lao, cao cả hơn sự hy sinh cho đất nước mình, dân tộc mình: “Ôi! Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi, Tổ quốc! Nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông” (Chế Lan Viên). Trên đường hành quân đánh giặc, anh luôn nghĩ về hòa bình, về nụ mầm sự sống đầy tính nhân bản: Thoảng mùi hoa thiên lý của nhà ai/ Một tiếng chim khuya gọi mùi vải đỏ/ Nghe đất thở luống cày hồn hậu lạ/ Ta muốn thành hạt cốm uống hương đêm[2]. Sự đóng góp của thi ca vào thắng lợi chung của dân tộc, vào việc bồi đắp lòng yêu nước và khẳng định những tình cảm cao thượng của con người trong hai cuộc kháng chiến vừa qua là một điều rõ ràng. Việc hình thành đội ngũ một lớp nghệ sĩ - chiến sĩ mang tính đặc thù của thời chiến, đã đồng thời trở thành quy luật nội tại có ý nghĩa thật sự thúc đẩy sức sáng tạo trong văn nghệ. Trong thời khắc chiến tranh khi Tổ quốc đang bị đe dọa và Nhân dân còn lầm than, động lực sống, mục tiêu sống của mỗi công dân Việt nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng phải và vì cái chung mà tự nguyện gác lại hoặc hy sinh cái riêng. Vẻ đẹp và yêu cầu thẩm mỹ cao nhất cho mọi sáng tạo của các văn nghệ là hướng về cái chung của cộng đồng tạo nên sự gắn kết keo sơn như hình tượng Chế Lan Viên khắc họa: “Những năm đất nước có chung dáng hình, có chung khuôn mặt/ Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ in nhau” hay như Tế Hanh: “Đọc câu thơ đồng chí ngỡ thơ mình”.

Bởi vậy, dù cho hồn thơ của mỗi thi sĩ là những rung động khác nhau, nhưng trong bối cảnh mà tất cả mọi người dân yêu nước đất Việt đều hướng về cùng một mục tiêu cao cả: độc lập dân tộc thì giá trị cao nhất của thi ca được khởi nguồn từ những trái tim đầy xúc cảm về niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào Đảng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giải phòng đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong những thời khắc lịch sử trọng đại đó, yêu cầu nghệ thuật của thi ca được tự giác kết hợp với yêu cầu chính trị, với nhiệm vụ lịch sử của đất nước. Thử hỏi thời kỳ đó, những tiếng thở dài như “Không rên xiết là thơ vô ý nghĩa” hay “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ/ Một đôi người u uất nỗi chơi vơi” liệu có đại diện cho tiếng nói cả dân tộc không? Câu trả lời chỉ thực sự khó đối với các thế lực thù địch khi đối diện với chất liệu vừa hào hùng vừa đậm chất nhân văn của thơ ca cách mạng kháng chiến mà thôi!

Sứ mệnh của thi ca không đồng nghĩa với sự “vật vờ”, “ru ngủ” hay “phi lý” mà hướng đích cao nhất như Đoxtoiepxki đã từng nói: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” - thiên chức cao cả của thi ca là đem cái đẹp đối diện với các hiện tượng phản văn hóa, đi ngược lại quyền văn hóa của mọi con người. Sự đồng hành của cả dân tộc hướng tới mục tiêu: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; khi mọi người dân đất Việt đều một lòng tin tưởng vào chân lý “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” thì sự biểu đạt của tình cảm cộng đồng sẽ vừa là sản phẩm, vừa là mục tiêu cho con người lựa chọn hay hướng đích. Cái chung biểu thị sự gắn kết keo sơn đó không chỉ là vẻ đẹp của lý tưởng mà còn là nét đặc trưng rất giàu chất thẩm mỹ - chất thơ được kết tụ, tỏa sáng, và có mặt ở rất nhiều tác phẩm thi ca cách mạng kháng chiến:

                    Đường ra trận vẫn con đường cứu nước

                    Nắng trên đầu là sắc nắng mùa thu.

                                        (Vương Trọng) 

Hoặc ở tầm bao quát, đó là:

                    Núi Bắc sông Nam đều giống Bác

                    Nhìn một người ta nhìn ra cả nước

                    Trán trông xa và mắt dõi về sâu.

                                        (Chế Lan Viên)

Những cảm xúc tươi mới, anh hùng ca và lãng mạn như vậy cớ sao khi có một số người luôn than thở và trách cứ quá khứ, muốn ném toàn bộ thơ ca cách mạng kháng chiến vào một rọ? Họ kêu gọi nên “quên đi thứ thơ chỉ tuyên truyền bề nổi, ít thấy nội tâm, ít xúc cảm nghệ thuật”,  hay chỉ được làm “theo đơn đặt hàng của nhu cầu chính trị”?.

Giá trị cao cả và thiêng liêng mà thi ca cách mạng kháng chiến tạo dựng và bồi đắp được cho đất nước và nhân dân Việt Nam đã được kiểm nghiệm và không thể thay thế! Vì thế, sự “minh họa” chỉ có thể diễn ra với những người không còn tôn trọng lý tưởng nên đã bị đẩy đến tình trạng đớn hèn, vô vọng hoặc ảo vọng. Và khi điều đó xảy ra thì ngay cuộc sống cũng trở thành vật vờ vô nghĩa, huống chi là thi ca! Lịch sử đã sang trang, môi trường văn hóa dân tộc đang rộng mở, vì sao vẫn còn đó những người làm thơ chỉ thích rỗi rãi xáo trộn ngôn từ để mà chơi, mê làm xiếc với ngôn từ bằng các mê cung của chữ nghĩa, tự huyễn hoặc mình là "thiên tài" bằng cách "lên đồng" với những hình tượng thơ có lúc lập dị, có lúc ngập vào khám phá bí ẩn của bản năng tính dục, với mọi kiểu cách gắn kết câu chữ phi lý đến mức thủ tiêu mọi ý nghĩa, xóa hết mọi nội hàm của thi ca?

Nhà thơ Pháp Pôn Ê-luy-a, khi tự chuyển hóa từ một nhà thơ siêu thực thành một nhà thơ cộng sản, đã tâm đắc với lý tưởng của mình là đã "từ chân trời của một người đến với chân trời của tất cả". Ngày hôm nay, lại có người nói: "Ê-luy-a cũ rồi! Bây giờ, lẽ ra chúng ta phải nói ngược lại, là từ chân trời của tất cả hãy trở lại chân trời của một người, thơ như thế mới thể hiện hết cái Tôi độc đáo, thiêng liêng, mới có thể thăng hoa, thơ chính là của tầng lớp tinh hoa, không thể chỉ phản ánh lý tưởng tầm thường của số đông hỗn tạp"! Môi trường văn hóa mới của chúng ta không thể chấp nhận thói ngạo mạn đến mức ích kỷ cực đoan tựa như hiện tượng biến dạng của "nhóm lợi ích" vị kỷ đang chia rẽ và làm băng hoại đất nước, nên không thể tôn thờ chủ nghĩa cá nhân hoặc chủ nghĩa duy tâm chủ quan, được huyễn hoặc đến mức thần bí, cao đạo. Ý nghĩa lời dặn dò của V.I.Lenin vẫn còn nguyên giá trị, rằng: “Nghệ thuật thuộc về nhân dân. Nghệ thuật phải bắt rễ sâu xa trong lòng đông đảo quần chúng lao động. Nó phải được quần chúng đó hiểu và yêu thích. Nó phải tập hợp được tình cảm, tư tưởng, ý chí của quần chúng đó, nâng họ lên. Nó phải thức tỉnh những nghệ sĩ trong quần chúng và phát triển các nghệ sĩ đó”. Điều đó cho thấy, tinh thần tự giác cao cả của người nghệ sĩ với trách nhiệm công dân như một nhu cầu tự thân, trùng khớp đẹp đẽ với lý tưởng sống và lý tưởng nghệ thuật thi ca cách mạng là điều không thể phủ nhận. Vì thế, những người đứng ngoài cuộc, dù nhân danh bất cứ cái gì, sử dụng bất cứ thủ đoạn nào để “miệt thị” những giá trị đã thấm sâu vào tâm thức dân tộc thì càng thể hiện sự mù quáng, tráo trở của chúng hơn mà thôi!


[1] Tố Hữu: “Bài ca mùa xuân 1961”

[2] Lưu Quang Vũ: "Đêm hành quân".