Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần hai. Nhận thấy đường 5 là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng bậc nhất ở chiến trường Bắc Bộ, chúng đã lập nhiều đồn bốt, tháp canh, mở nhiều cuộc tuần tra, càn quét dọc tuyến đường này và các vùng phụ cận, gây nhiều tội ác với nhân dân ta. Trong suốt cuộc kháng chiến, quân và dân Hải Dương cùng với quân và dân Hải Phòng, Hưng Yên đã bám đất, bám làng, kiên cường chiến đấu, biến tuyến đường này thành “tuyến đường lửa” đối với kẻ thù xâm lược
“Tiếng sấm đường 5” – dấu ấn lịch sử
Trên Tả ngạn sông Hồng, năm tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên là những địa phương có khả năng to lớn về sức người, sức của; có tầm chiến lược quan trọng về quân sự cũng như kinh tế đối với cả ta lẫn địch. Yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của khu vực dân cư này là hệ thống giao thông, thuỷ lợi. Ở đây, có con đường số 5 từ cảng Hải Phòng qua Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên tới Thủ đô Hà Nội. Chạy song song với Đường 5 là đường sắt Hà Hải (Hà Nội - Hải Phòng). Hai con đường này tạo thành trục giao thông huyết mạch số một của chiến trường Bắc Bộ.
Khi trở lại xâm lược nước ta, thực dân Pháp triệt để lợi dụng những hệ thống đường sá này để phát huy ưu thế về vũ khí, kỹ thuật và phương tiện cơ động nhằm thực hiện ý đồ về chiến dịch và chiến thuật. Do đó, trong chiến tranh giữa ta và địch trong những năm từ 1946 đến 1954, các tuyến đường giao thông nói trên là nơi xảy ra các cuộc đụng độ quyết liệt giữa hai bên tham chiến, đặc biệt là trên trục giao thông số 5.
Bắt đầu từ cuối tháng 11/1946, du kích Vật Cách (Kiến An) mở màn trận đánh đầu tiên bằng mìn tại Quán Toan. Tiếp theo, trong những ngày cuối tháng 12/1946, hàng chục vạn lượt người của Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên ồ ạt kéo nhau ra phá Đường 5 và đường sắt; bóc gỡ hàng chục kilômét đường ray.
Ngày 3/4/1947, du kích Kim Thành (Hải Dương) do đồng chí Nguyễn Văn Chính là Trung đội phó chỉ huy, đặt mìn đánh đổ 01 đầu tàu và 08 toa, diệt 50 tên địch tại đoạn đường sắt gần ga Phạm Xá.
Ngày 25/4/1947, tại đoạn đường sắt gần làng Lương Xá, trận đánh thứ hai bằng mìn, làm đổ 25 toa xe chở hàng quân sự của địch.
Ngày 6/6/1947, các đồng chí Tăng Bá Liệp, Vũ Văn Hi, Bùi Văn Cảnh cũng dùng mìn lật đổ 01 đoàn tàu 06 toa. Địch bị chết 12 tên; bị thương 20 tên.
Ngày 26/8/1947, Trung đội bộ đội Kim Thành do đồng chí Phí Văn Tư chỉ huy, đặt 04 quả mìn chặn quân tiếp viện ở đoạn đường 188 chạy qua làng Bất Nạo diệt 40 tên.
Để tạo khí thế bước sang năm mới, ngày 18/01/1948, du kích Kim Thành lại đặt mìn đánh đoàn tàu địch tại đoạn đường sắt gần làng Quỳnh Khê, phá hỏng 1 đầu tàu, lật đổ 09 toa xe, diệt và làm bị thương hơn 100 tên địch.
Tiếp đến, đêm 04/02/1948, được tỉnh giao nhiệm vụ, Kim Thành huy động dân quân, du kích của bảy xã dọc Đường 5 dùng mìn đánh một trận "Tổng phá hoại đường sắt" suốt chiều dài gần 20km, mở đầu chiến dịch "Tiếng sấm Đường 5" (lần thứ nhất). Đúng 01 giờ 00, sau 03 tiếng mìn nổ giòn giã làm "hiệu lệnh" phát hoả, hơn 1.000 quả mìn được gài sát đường ray nổ nối tiếp thành một chuỗi âm thanh chát chúa, rền vang như trời long đất lở; chớp lửa của mìn sáng rực cả một khoảng trời. Cả đoạn đường sắt nói trên bị phá hỏng. Nhiều thanh ray, tà vẹt bị bật tung, cong queo hoặc đứt gẫy. Việc vận chuyển trên đường sắt bị ngừng trệ nhiều ngày.
Đến ngày 10/4/1948, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lí, một cán sự Huyện đội Kim Thành, nữ du kích Đinh Thị Nhìn (người làng Cống Khê) lần đầu tham chiến đã dũng cảm giật một quả mìn lật đổ đoàn tàu hoả gồm 01 đầu tàu và 08 toa, diệt và làm bị thương hơn 90 tên địch.
Nữ du kích Nguyễn Thị Xuân (Lai Khê) dùng mìn muỗi diệt 5 tên lính Pháp (gần bốt Liên hiệp Pháp trong sân ga Lai Khê) giữa trưa ngày 25/7/1948.
Một vụ đánh mìn tàu địch trên đường sắt Hà Nội- Hải Phòng của du kích tỉnh Hải Dương (Ảnh tư liệu)
Cùng năm 1948, tại huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), vào tháng 4, một trận đánh mìn ở gần chùa Hộn (xã Kim Giang) lật đổ 1 đoàn tàu và 20 toa xe, diệt gần 100 tên xâm lược. Ngày 5/10, du kích xã Cẩm Hoàng cũng dùng mìn đánh một trận thật "đẹp" trên đường sắt đoạn Cầu Dê, lật đổ 1 đoàn tàu có 8 toa xe, diệt 250 tên và làm bị thương hơn 100 tên khác. Đây là trận đánh bằng địa lôi diệt nhiều địch nhất trên đường sắt vào thời kỳ đó.
Mùa Xuân năm 1949, trên mảnh đất Kim Thành gan góc này, diễn ra liên tiếp nhiều trận đánh, làm cho kẻ địch hoang mang, dao động.
Vào hồi 01 giờ 00 phút, ngày 02/01/1949, suốt một giờ liền, chiến dịch "Tiếng sấm Đường 5" (lần thứ hai) lại ầm vang, phá hoại nhiều đoạn đường sắt, gây thiệt hại nặng nề cho địch. Đến ngày 27/3/1949, trên đoạn đường sắt thuộc địa phận làng Lương Xá, du kích Kim Thành lại đặt mìn, lật đổ đoàn tàu, phá huỷ 01 đầu tàu, 08 toa xe; diệt và làm bị thương 20 tên địch.
Tại địa bàn Hưng Yên, trận đánh mìn trên Đường 5 huyền thoại mở màn ngày 20/11/1947 tại Phố Nối do tổ công binh của Trung đoàn 64 phối hợp với du kích địa phương thực hiện. Người đi đầu trong phong trào đánh mìn ở vùng này là Nguyễn Văn Huân (người xã Cộng Hoà - huyện Yên Mỹ), có biệt danh "Sáu Đậu", nổi tiếng là "Vua mìn" từ năm 1948.
Để đối phó với thủ đoạn nham hiểm và quyết liệt của địch (dùng máy dò mìn để phát hiện mìn của ta và khủng bố nhân dân), du kích Kim Thành đã phát kiến nhiều cách đánh mìn trên đường sắt phù hợp với từng thời kỳ. Lúc đầu, dùng chiến thuật thô sơ là "giật dây". Cách đánh này, cần có vị trí ẩn nấp gần đường để giật dây cho mìn nổ nên rất dễ bị địch phát hiện. Nguyễn Huy Trường, chiến sĩ du kích đánh mìn đã nghiên cứu tìm ra cách đánh mới "mìn điện có người điều khiển". Dây mìn được chôn sâu dưới mặt đất. Vị trí điều khiển mìn có thể đặt xa đường hàng trăm mét. Mìn nổ, người đánh có thể rút lui an toàn.
Tiêu biểu cho cách đánh này là trận ngày 02/3/1951 tại Mân Lộc, do đồng chí Quyền chỉ huy đã đánh đổ 01 đoàn tàu hơn 10 toa chở đầy bom, đạn của giặc. Trận đánh thứ hai vào ngày 17/7/1953 gần cầu Lai Vu do đồng chí Vũ Khánh chỉ huy, Nguyễn Xuân An điểm hoả, lật đổ cả đoàn tàu chở đầy quân, diệt và làm bị thương hàng trăm tên.
Tuy vậy, hai cách đánh trên đều có nhược điểm là phải có vị trí cho người điều khiển mìn ẩn nấp gần đường nên khó thực hiện được yêu cầu "đánh thắng địch nhưng phải bảo vệ được nhân dân và cơ sở của ta". Du kích Kim Thành lại mày mò nghiên cứu, tìm ra cách đánh mới "mìn điện tự động". Chiến thuật này không cần người điều khiển; không cần vị trí ẩn nấp ở gần đường; có thể đặt mìn ở bất cứ đoạn đường nào nếu có điều kiện thuận lợi. Khi mìn nổ, địch không có cớ gì khủng bố nhân dân. Trận đánh bằng "mìn điện tự động" đầu tiên được du kích Kim Thành đánh thí điểm thành công tại đoạn đường gần ga Phú Thái sáng ngày 28/12/1951, phá huỷ 01 đầu tàu, lật đổ 18 toa xe chở đầy vũ khí, lương thực của địch. Cách đánh này được áp dụng ở nhiều nơi, đặc biệt trong thời gian phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ. Đội S20 (Giao thông chiến) của Tỉnh đội Hải Dương đã dùng "mìn điện tự động" đánh vào đoạn đường sắt khu vực huyện Cẩm Giàng, phá huỷ 17 đầu tàu, lật đổ 85 toa xe chở binh lính, vũ khí, quân trang, quân dụng của quân viễn chinh Pháp và lính đánh thuê; cản trở giao thông nhiều ngày.
Trận đánh bằng "mìn điện có người điều khiển" đạt hiệu quả cao nhất ở chiến trường Kim Thành (Hải Dương) là trận đánh của bộ đội Kim Thành do Trung đội trưởng Nguyễn Văn Thòa và Tiểu đội trưởng Nguyễn Đình Viện thực hiện sáng ngày 31/01/1954 tại ga Phạm Xá, lật đổ đoàn tàu 21 toa chở binh lính và thiết bị quân sự từ dưới Hải Phòng lên chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt 1.017 tên giặc.
Đánh mìn (có khi chỉ là thủ pháo, bộc phá) là cách đánh địch lợi hại nhất khi ta còn thiếu vũ khí; dùng lực lượng nhỏ, thu chiến công lớn; thường nhằm vào các đoàn tàu trên đường sắt, các loại xe trên đường bộ hoặc các cuộc hành quân càn quét lớn của địch…, gây cho chúng nhiều thiệt hại đáng kể; khiến chúng hoang mang, sợ hãi, kinh hoàng mỗi khi nghe nói đến mìn Việt Minh.
Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai (1945 - 1954), chỉ tính riêng quân và dân Kim Thành đã đánh 528 trận, trong đó 370 trận bằng mìn. Tiêu diệt 10.533 tên địch; bắt sống 610 tên và thu phục 2.061 hàng binh; thu 486 súng các loại; phá huỷ 36 đầu máy xe lửa, 7.503 toa xe, 19 xe quân sự.
Du kích Kim Thành hai lần được Bác Hồ gửi thư khen; được thưởng hai Huân chương Quân công hạng Ba, hai Huân chương Chiến công hạng Nhất. Các chiến sĩ đánh mìn Nguyễn Huy Trường được tặng danh hiệu "Chiến sĩ toàn quốc" năm 1952, Nguyễn Văn Thòa được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1999 và Nguyễn Đình Viện được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2010. Nhiều chiến sĩ đánh mìn khác được Nhà nước và Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng xứng đáng như Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen hoặc ghi tên vào Sổ vàng danh dự, trang sử truyền thống của đơn vị.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thòa (Ảnh tư liệu Bảo tàng tỉnh Hải Dương)
“Tiếng sấm đường 5” - Ý nghĩa vượt thời gian
Thứ nhất, “Tiếng sấm đường 5” là biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần cách mạng. Phong trào "Tiếng sấm đường 5" là minh chứng cho tinh thần bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn và ý chí chiến đấu mạnh mẽ của quân và dân các tỉnh ven tuyến đường 5 (Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên). Họ sẵn sàng hy sinh để làm gián đoạn tuyến giao thông huyết mạch của thực dân Pháp, bảo vệ đất nước.
Thứ hai, thường xuyên đánh địch trên đường số 5 thể hiện tầm nhìn chiến lược trong kháng chiến, bởi Đường 5 và tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng là tuyến giao thông huyết mạch, có vai trò sống còn trong việc vận chuyển vũ khí, lương thực và binh lính của thực dân Pháp. Các hoạt động phá hoại đường, phục kích và tấn công đã làm tê liệt tuyến vận chuyển này, góp phần làm suy yếu quân Pháp, đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thứ ba, “Tiếng sấm đường 5” là minh chứng cho tinh thần đoàn kết và sáng tạo của nhân dân. Phong trào không chỉ do quân đội chính quy thực hiện mà còn có sự tham gia tích cực của các lực lượng dân quân, du kích, và nhân dân địa phương. Tinh thần đoàn kết cùng các chiến thuật sáng tạo như đặt mìn, phục kích, phá đường đã làm nên "tiếng sấm" mạnh mẽ, gây chấn động đối phương.
Thứ tư, "Tiếng sấm đường 5" là tấm gương cho thế hệ sau, là bài học lịch sử về ý chí và lòng kiên cường, để lại di sản tinh thần lớn lao cho các thế hệ sau. Những tượng đài, di tích, và câu chuyện về phong trào này không chỉ để tri ân mà còn để nhắc nhở thế hệ trẻ về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc.
Thứ năm, biểu tượng văn hóa và lịch sử địa phương. Với các tỉnh dọc đường 5, phong trào "Tiếng sấm đường 5" là niềm tự hào lịch sử, gắn liền với bản sắc văn hóa và truyền thống yêu nước của người dân nơi đây.
Tri ân các chiến sĩ bộ đội, du kích ngã xuống trong các chiến dịch đánh mìn trên tuyến đường 5 và đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, công trình tượng đài "Tiếng sấm đường 5" trên diện tích 15.000m2 tại thôn Xuân Mang (xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) với tổng vốn đầu tư trên 55,5 tỷ đồng đã được xây dựng. "Tiếng sấm đường 5" không chỉ là một chiến công quân sự mà còn là biểu tượng tinh thần và văn hóa, đánh dấu một giai đoạn lịch sử đầy ý nghĩa trong hành trình bảo vệ và xây dựng đất nước.