Chỉ sau 17 ngày tuyên bố độc lập với thế giới, với bút danh Chiến Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng bài “Chính phủ là công bộc của dân” đăng trên báo Cứu Quốc ngày 19/9/1945. Người chỉ ra mục đích cao nhất của Chính phủ là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho nhân dân; bộ máy chính phủ là các ủy ban nhân dân phải khắc phục những điều bất công, xấu xa của chế độ cũ, mang lại dân chủ cho dân chúng; người cán bộ là công bộc của dân. Những lời chỉ dạy của Người có ý nghĩa lý luận, thực tiễn trong suốt 80 năm qua và nhất là trong bối cảnh xây dựng chính quyền địa phương hai cấp ở nước ta hiện nay
1. Công bộc của dân thường được hiểu với tư duy quản lý gắn trách nhiệm, nghĩa vụ của người cán bộ, người lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ vì lợi ích của nhân dân. Năm 1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, các khái niệm về cán bộ, công chức, viên chức được xuất hiện và được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi chung trong thuật ngữ “công bộc của dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng cả cuộc đời của Người chỉ có một mục đích duy nhất: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân”[1]. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng trong vị trí là công bộc của dân, Người luôn khai thác, tìm tòi những nhu cầu lợi ích thiết thân và chính đáng của nhân dân để nhân dân đem hết tài năng, trí lực, sáng tạo của mình hăng hái tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội như: nhu cầu được giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột thực dân; nhu cầu lợi ích về kinh tế; nhu cầu lợi ích về tinh thần; nhu cầu học hành, nâng cao dân trí; nhu cầu về quyền làm chủ của nhân dân.
Cán bộ là đày tớ của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cán bộ là “công bộc của dân”, chứ không phải là: “làm quan cách mạng, ăn trên ngổi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đày tớ của nhân dân”[2].
Do đó, các công việc của Chính phủ phải nhằm vào một mục đích duy nhất là “mưu cầu tự do hạnh phúc cho mọi người”, Chính phủ phải “Đặt quyền lợi nhân dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”[3]. Xuất phát từ vị thế của nước ta là nước dân chủ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân...Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra”[4], cho nên “dân làm chủ. Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”[5]. Nhân dân chính là người làm chủ chế độ, trao cho Đảng, Chính phủ trọng trách lãnh đạo, quản lý xã hội, cho nên cán bộ, đảng viên phải là công bộc, là đày tớ cho nhân dân.
Bác Hồ nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Lạc Trung, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về công tác quy hoạch ruộng đất (25/01/1961). (Ảnh tư liệu)
Cán bộ phải công tâm, tận tụy, trách nhiệm, trung thành với Chính phủ, với nhân dân. Khi các ủy ban nhân dân làng, xã được thành lập, chính là hình thức của Chính phủ địa phương, Hồ Chí Minh cho rằng cán bộ ủy ban làng, xã phải là những người có công tâm, trung thành với nhân dân. Trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước, Người chỉ rõ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”[6].
Người thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải chăm lo đến đời sống nhân dân, “phải quan tâm đến điều kiện sinh hoạt vật chất của nhân dân. Cán bộ từ trên xuống dưới phải chăm nom đến chỗ ăn, chỗ ở, chỗ làm việc của công nhân... tổ chức nhà ăn, nhà ở, nhà gửi trẻ cho tốt, cho chu đáo”[7].
Người đày tớ của nhân dân là sự tận tâm, tận lực, cúc cung, tận tụy với nhân dân, Người yêu cầu cán bộ “đã phụng sự nhân dân, thì phải phụng sự cho ra trò”[8]. Người khẳng định: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”[9].
Cán bộ lãnh đạo cần giữ gìn chuẩn mực đạo đức cách mạng. Những phẩm chất đạo đức của cán bộ lãnh đạo được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ là “công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm”[10] là phẩm chất căn cốt của người “đày tớ” nhân dân.
Người cán bộ phải tuân theo những chuẩn mực nhất định, như “Phải thiết thực quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải cần, kiệm, liêm, chính. Phải gương mẫu. Phải có tinh thần trách nhiệm cao độ. Phải chống quan liêu, mệnh lệnh, hình thức. Chống tham ô, lãng phí. Phải làm đúng những điều đó mới xứng đáng là người đày tớ trung thành của nhân dân”[11]; mặt khác, luôn sẵn sàng đi đầu trong công việc, nỗi lo của dân, nhưng thành quả, niềm vui đạt được thì nhân dân phải được thụ hưởng trước; tránh biến quyền lực dân trao thành quyền lực cá nhân.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng trong chế độ mới, người cán bộ phải khiêm tốn, giản dị. Đức tính khiêm tốn, giản dị là một trong những đức tính quan trọng nhất của con người, do đó người cán bộ lãnh đạo phải luôn lắng nghe, cập nhật kiến thức, phục vụ nhân dân một cách tận tâm, tránh lối sống tự phụ, xa cách với cuộc sống khó khăn, cực nhọc của người dân.
Người cán bộ lãnh đạo phải có tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chính tư tưởng bảo thủ, duy ý chí, không chịu đổi mới kìm hãm sự tiến bộ. Theo Người, muốn cán bộ công tác giỏi, muốn sự nghiệp đổi mới tiến lên, gặt hái được nhiều thành tựu thì nhất định phải dám nghĩ, dám làm, có gan phụ trách; bởi “Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng” không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”[12]. “Vị thế công bộc” của người lãnh đạo chính là ở ý chí kiên định và dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Bác Hồ thăm hỏi bà con nông dân trong một lần về địa phương (Ảnh tư liệu)
2. Trên cơ sở những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị thế “công bộc” của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị có năng lực, phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng. Các quy định như: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW,ngày 19/12/2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương”; Quy định số 08-QĐi/TW,ngày 25/10/2018, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, trong đó, đề cao tinh thần hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tránh tình trạng độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Đại hội XIII (2021) của Đảng nhấn mạnh, phải xây dựng “đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”[13].
Tổng kết Nghị quyết 18 -NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18- NQ/TW là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ thực chất vì việc tìm người trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được; có cơ chế hữu hiệu sàng lọc đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; có chính sách thu hút, sử dụng đối với người có năng lực nổi trội. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá như yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân...”[14].
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở.
Ngày 01/7/2025, ngày đầu tiên vận hành chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh, thành, với 2.636 xã, 672 phường và 13 đặc khu, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quá trình tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Công việc phía trước sẽ có khó khăn, vất vả, sự cách trở về địa hình, không gian, thời gian, nhưng với tinh thần như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn cách đây 80 năm “cán bộ là đày tớ của nhân dân”, mỗi “công bộc” của Chính phủ sẽ gắng hết sức mình phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước, công cuộc chuyển mình của dân tộc ắt thành công.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.272.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.21.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr.21.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.232.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr 572.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr 64-65.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.21.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr 432.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.518.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr 21.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr438.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr 338.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 187.